Màu hồng: Giải oan cho màu "đồng tính quốc dân"!
Viện Pantone đã công bố màu xanh cổ điển (Classic Blue) là màu sắc của năm 2020. Virgil Abloh đã nhanh tay ứng dụng màu xanh này vào...
Viện Pantone đã công bố màu xanh cổ điển (Classic Blue) là màu sắc của năm 2020. Virgil Abloh đã nhanh tay ứng dụng màu xanh này vào BST Xuân 2020 của LV Menswear, như thể dự đoán trước kết quả mà Pantone sẽ đưa ra vào cuối năm 2019 vậy.
Xanh xuất hiện thì không thể nào không nghĩ đến hồng, gam màu của sự nữ tính, của sự ngọt ngào, của phái nữ. Mặc dù vậy, màu hồng năm 2020 không chỉ có mặt trên sàn diễn của nữ như Marc Jacobs, CDG (Like Boys), Balenciaga,… các biến thể của sắc hồng được ứng dụng phá cách trên sàn diễn mùa xuân dành cho đồ nam: từ bộ suit 2 hàng khuy hồng rực rỡ tại Boss, cho đến áo khoác dài hồng Dior, phong cách hồng thể thao tại Kenzo, rồi cả ở Prada, Loewe, Hermes, Raf Simons, LV… Năm 2020, định nghĩa về đàn ông đích thực không còn gò bó trong bộ suit với màu xanh cổ điển của Pantone: một người đàn ông hoàn toàn mới xuất hiện, được gột bỏ bởi tư duy màu sắc gắn liền với giới tính và chuẩn mực xã hội hiện đại ngầm quy ước.
Từ bao giờ trong tư duy của chúng ta có sự phân biệt thâm căn cố đế như xanh dành cho nam, hồng dành cho nữ?
Khởi nguyên của việc thiết kế quần áo, màu sắc, hay bất kỳ thứ gì, luôn được bắt đầu với tính thực tiễn. Cũng giống như màu sắc của quân đội là xanh bộ đội để các anh em có thể dễ bề ẩn náu và lâm trận, đến tận đầu thế kỷ 19, trẻ em không kể giới tính được lựa chọn mặc đồ trắng dựa trên tính thực dụng của sản phẩm: biết khi nào nó bẩn và khi giặt thì biết khi nào đã sạch. Về cơ bản, màu sắc từ xưa đến tận thời điểm đầu thế kỷ 19 không mang ý nghĩa giới tính nào.
Màu sắc bắt đầu được ra mắt trong thiết kế cho trẻ em từ giữa thế kỷ 19 nhưng chúng cũng không mang ý nghĩa giới tính. Trên thực tế, nữ được khuyến khích mặc màu xanh và hồng là dành cho nam giới. Ngoại lệ duy nhất có lẽ là một trích đoạn trong chương 28, cuốn tiểu thuyết Những người phụ nữ bé nhỏ (Little women) của Louisa May Alcott:
“Amy đặt chiếc ruy băng xanh lên trẻ trai và chiếc ruy băng hồng lên trẻ gái, thời trang Pháp, để bạn luôn có thể phân biệt.”
(Amy put a blue ribbon on the boy and a pink on the girl, French fashion, so you can always tell.)
Thời thế thay đổi, thế giới đưa ra hàng loạt chỉ báo và cách vận hành định hướng tư duy màu sắc như thời điểm hiện tại từ những năm 1930s.
Năm 1947, Dior nhiệt tình lăng xê hình ảnh lý tưởng của phụ nữ sau chiến tranh với những chiếc đầm hồng bay bổng và nữ tính, biểu tượng quyến rũ Marilyn Monroe thường xuyên diện đầm hồng, búp bê Barbie được bán ra thị trường từ năm 1959, đẩy mạnh quá trình nữ tính hóa màu hồng.
Thật tình cờ là Hitler và biểu tượng màu hồng cũng có sự liên kết nhất định. Với những ai chưa biết, Hitler nhìn nhận rằng những chàng trai “không thẳng” là mối nguy đối với chiến dịch thanh lọc nước Đức của mình. Sau khi được sửa đổi nhiều lần, luật được ban hành năm 1935 của Nazi quy định sẽ bắt giữ, bỏ tù những người đàn ông được cho là có dấu hiệu “không thẳng”. Cũng giống như Nazi bắt người Do Thái đeo huy hiệu ngôi sao David màu vàng, họ bắt những người đàn ông mà họ dán nhãn là “không thẳng” đeo huy hiệu hình tam giác ngược màu hồng. Các tù nhân này được đối xử và mặc định như những người rank thấp nhất trong trại tập trung: họ có thể bị thiến, sử dụng như vật thí nghiệm để tìm ra thuốc chữa bệnh sốt phát ban, tiêm testosterone vào người để thử nghiệm xem điều đấy có khiến tù nhân trở nên “thẳng” lại, và nhiều thử nghiệm kinh dị khác. Hình ảnh tù nhân tại trại tập trung của Nazi được phát tán rộng rãi vào những năm cuối 1970s. Sau hàng loạt những sự kiện lịch sử đấy, hẳn là sẽ không có nhãn hàng và nhà bán lẻ nào muốn mạo hiểm gắn liền biểu tượng màu hồng với nam giới nữa.
Khi xét nghiệm tiền sản ra đời, các hãng tiêu dùng tích cực quảng cáo màu hồng là cho trẻ nữ, xanh là cho nam để cha mẹ chuẩn bị trước cho con cái của mình. Trong quá trình trẻ lớn lên, quảng cáo cũng dần hình thành và củng cố quy ước xã hội này.
Sử gia Pháp Michael Pastoureau với chuyên môn về biểu tượng học phương Tây đã từng nói: “Không có sự thật xuyên văn hóa nào đối với nhận thức về màu sắc. Xã hội tạo ra màu sắc, định nghĩa màu sắc, và tạo ra ý nghĩa cho màu sắc đó.”
Với sự lăng xê của ngành công nghiệp thời trang, việc bạn mặc màu gì có thể không còn quan trọng và ý nghĩa bằng việc bạn mặc nó thế nào, thứ mà luôn đòi hỏi đầu tư những thứ xa xỉ như chất xám, thời gian và tiền bạc. Vào một thời điểm không xa trong tương lai, khi mọi màu sắc đều đã bão hòa và hấp dẫn như nhau, thì hiển nhiên một bộ trang phục được phối theo kiểu “có học” chắc chắn sẽ bắt mắt và được đánh giá cao hơn là một bộ móc bừa trong tủ quần áo.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất