Hình dung về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 qua đối chiếu các sử liệu.
Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT) viết: "Tháng 3, ngày mồng 8, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền lương của bọn Trương...
Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT) viết:
"Tháng 3, ngày mồng 8, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ nhưng không gặp. Hưng Đạo Vương đánh bại chúng.
Trước đó, Vương đã đóng cọc ở sông Bạch Đằng, phủ cỏ rậm lên trên. Hôm ấy, nhân lúc nước triều lên, Vương cho quân khiêu chiến rối giả cách thua chạy, bọn giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại. Nước triều xuống, thuyền giặc mắc cạn. Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh dực dũng nghĩa đánh nhau với giặc, bắt sống Bình chương là Áo Lỗ Xích. Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh lớn, quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ cả. Đến khi Văn Hổ tới, quân mai phục hai bên bờ hăng hái xông ra đánh, lại đánh bại chúng. Nước triều rút nhanh, thuyền lương của Văn Hổ mắc trên cọc, nghiêng đắm gần hết. Quân Nguyên chết đuối rất nhiều. Bắt được 400 chiếc thuyền. Nội Minh tự là Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi, Tích Lê Cơ Ngọc dâng lên thượng hoàng."
So sánh với Nguyên sử, thì đoạn này của ĐVSKTT có chỗ khó hiểu, đó là Trương Văn Hổ đã mất hết thuyền lương ở trận Vân Đồn và bỏ chạy về Trung Quốc, thì sao có thể tham gia trận Bạch Đằng. Ngoài ra, chúng ta tổng hợp thêm các nguồn từ phía Trung Quốc để tìm thêm chi tiết về trận chiến này.
Theo văn bia của Ô Mã Nhi:
"Đến sông Bạch Đằng, ông nghe nói Nhật Huyền (tức vua Trần Nhân Tông) lấy tinh binh vài nghìn tiến phía sau quân ta, ông hội gấp tướng sĩ nghịch chiến. Trời bỗng dưng nổi gió lớn, nước triều xuống rút, thuyền tiến không được mà lui không xong. Quân giặc (quân Trần) dùng thuyền nhỏ độ vài trăm chiếc theo gió cùng bộ binh hai cánh trên bờ đánh quân ta, từ bốn phía tên rơi như mưa."
Đọc thêm:
Nguyên Sử, Phàn Tiếp Truyện, quyển 166:
"Tháng hai, trời nóng, lương đã hết, nên vương (tức Trấn Nam Vương Thoát Hoan) lệnh bãi quân. Tiếp cùng Ô Mã Nhi chỉ huy thủy quân quay về, bị giặc đón đánh trên sông Bạch Đằng, nước triều hạ, thuyền của Tiếp bị mắc cạn, thuyền giặc lại tập trung đông, hết sức đánh, giao chiến từ giờ mão đến giờ dậu, Tiếp bị thương, nhảy xuống sông. Giặc lấy câu liêm vớt lên rồi hạ độc giết Tiếp."
cùng quyển 166, viết về tướng Trương Ngọc:
"Năm thứ hai mươi lăm (tức năm 1288), quân quay về, An Nam dấy quân ứng chiến, đánh nhau từ ngày nay sang ngày khác, nước rút thuyền không thể tiến, Ngọc chết ở đấy."
Bia Lý Thiên Hựu cũng chép: “Tháng ba, đến cảng Bạch Đằng, người Giao dàn chiến hạm ngang giữa sông, để chống cự quân ta. Nước triều rút gấp, thuyền không thể tiến, quân tan vỡ. Bọn Thiên Hựu bị bắt. Hựu mới cắt tóc, hay tuyệt thực, chịu lăng nhục khốn khổ đủ điều."
Như vậy, nhìn từ phía quân Nguyên, thì trận Bạch Đằng hoành tráng hơn hẳn những gì chúng ta đã biết, với sự phối hợp nhiều binh chủng và phương án tác chiến. Không có sử liệu nào của nhà Nguyên nhắc đến bãi cọc, cho thấy đối với họ thì sức chiến đầu dũng mãnh của quân Đại Việt mới là yếu tố quyết định. Mở đầu trận, quân Trần "dàn chiến hạm giữa sông" đương cự tay đôi với thuyền giặc. Đánh nhau suốt từ sáng tới mịt tối ("giờ mão tới giờ dậu"), khi nước triều xuống, thuyền của quân Nguyên đã mắc cạn, thì lại tung ra vài trăm thuyền nhỏ theo gió cùng bộ binh áp sát, "bốn phía tên rơi như mưa". Việc khai quật bãi cọc trên một khi vực dài 5 km rộng 2-4 km cũng cho chúng ta hình dung phần nào về quy mô của chiến trường xưa. Trận Bạch Đằng được xem là trận đánh hủy diệt và thủy chiến lớn nhất trong lịch sử kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất