Lược sử tư tưởng chính trị - Phần 2: Từ sau Khai sáng tới thời Hiện đại
Phần 1 đã đi qua những tư tưởng chủ đạo từ thời cổ đại đến hết thời kỳ Khai sáng. Phần 2 này sẽ là những tư tưởng chính trị cốt lõi...
Phần 1 đã đi qua những tư tưởng chủ đạo từ thời cổ đại đến hết thời kỳ Khai sáng. Phần 2 này sẽ là những tư tưởng chính trị cốt lõi từ sau thời Khai sáng cho đến hiện tại.
4. Hậu Khai sáng - Thời của những tư tưởng cách mạng
Thời kỳ Khai sáng khép lại với những tư tưởng mang tính căn bản cho các học thuyết chính trị sau này. Tiếp nối thời kỳ Khai sáng là giai đoạn của những cuộc cách mạng đánh dấu sự chuyển mình của thế giới từ chuyên chế sang dân chủ.
Triết gia người Pháp Jean-Jacques Rousseau đã tiếp nhận tư tưởng về Khế ước xã hội từ những tiền nhân thời kỳ Khai sáng như John Locke, Thomas Hobbes và Voltaire, rồi thêm vào đó những quan điểm của riêng mình. Trong khi Hobbes đề cao việc con người trao lại toàn bộ quyền lực cho chính quyền để đổi lấy trật tự xã hội (một cách tiếp cận ủng hộ nền chuyên chế), hay Voltaire ủng hộ những nhà độc tài chuyên chế có hiểu biết về cai trị và phản đối nền cai trị của số động, Rousseau lại cho rằng chỉ có nhân dân mới là những chủ nhân thực sự của quyền lực, điều mà khá tương đồng với suy nghĩ của John Locke. Khác với Hobbes, Rousseau quan niệm rằng con người ở trạng thái tự nhiên không hề man rợ, bẩn thỉu và nghèo khổ, mà họ là những sinh vật tự do, hạnh phúc, mãn nguyện và thiện chí, nên việc từ bỏ tự do đồng nghĩa với việc từ bỏ tính người. Nhưng con người đã đổi một phần tự do lấy khế ước xã hội và luật pháp, song song với việc con người không thể quay lại trạng thái tự nhiên, nên nhu cầu của nhân loại là có được một khế ước xã hội sử dụng luật pháp để đẩy mạnh tự do. Rousseau hình dung ra một hệ thống nơi mà quyền lực được trao cho các hội đồng nhân dân có chức năng uỷ thác trách nhiệm của nhà nước cho các cơ quan hành pháp thông qua một Khế ước xã hội có tên là Hiến pháp. Rousseau tin rằng chủ quyền của nhân dân là hiện thân cho ý chí chung của quốc gia.
Dựa vào những tư tưởng của Rousseau, cách mạng Pháp đã diễn ra, cải tạo nước Pháp một cách không khoan nhượng, biến Pháp từ một nước quân chủ chuyên chế thành một nước cộng hoà, mang lại bình đẳng cho người dân.
Edmund Burke, một nhà lý luận chính trị người Anh, đã có những bất đồng quan điểm với Rousseau. Ông vốn là người theo chủ nghĩa bảo thủ, hướng đến sự bảo tồn những giá trị chính trị truyền thống. Ông quan niệm rằng chính quyền là sáng tạo của con người để giám sát nhu cầu của con người trong xã hội. Tuy vậy, những con người khác nhau có nhu cầu và ham muốn khác biệt nhau. Chính quyền có trách nhiệm phân xử để đạt được kết quả công bằng nhất. Vì vậy, những ham muốn của cá nhân cần được khuất phục nhằm phục vụ cho lợi ích chung. Burke tin rằng sự ổn định xã hội được đảm bảo nhờ có tầng lớp quý tộc sở hữu nhiều tài sản và kỹ năng chính trị. Quan điểm này của Burke đã gặp nhiều phản đối sau này, do những tư tưởng của ông có phần ủng hộ sự kiểm soát và đàn áp của nhà nước lên người dân.
Khi mà châu Âu đang dõi theo diễn biến của cách mạng Pháp, thì ở bên kia đại dương, nước Mỹ đang dần hình thành. Thời kỳ này nổi lên ba nhân vật là Thomas Paine, Thomas Jefferson và James Madison, ba trong số các nhà lập quốc Mỹ. Paine và Jefferson đều hướng đến sự dân chủ cho nước Mỹ sơ khai. Paine quan niệm rằng một trong những nhân tố tối quan trọng cho dân chủ là quyền bầu cử. Trước đó, chỉ những người sở hữu tài sản mới có quyền bầu cử, và họ lợi dụng việc này để cai trị xã hội vì mục đích của họ. Vậy nên Paine kết luận rằng quyền phụ thuộc vào tài sản là vô cùng bấp bênh, và quyền lực cần được trao cho toàn thể nhân dân, mặc dù họ có tài sản hay không. Điều này đã sinh ra quyền phổ thông đầu phiếu cho nước Mỹ. Bầu cử sẽ là công cụ điều tiết mối quan hệ giữa xã hội và chính quyền, qua đó chính quyền có thể mang trong mình ý chí chung của xã hội và đáp ứng nhu cầu xã hội tốt hơn.
Còn Jefferson thì đi sâu hơn vào bản chất của quyền con người, hay còn gọi là những quyền phổ quát. Tiếp thu các khái niệm về quyền tự nhiên và khế ước xã hội từ John Locke, Jefferson tin rằng con người sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, dù cho trớ trêu thay rằng Jefferson là một chủ sở hữu nô lệ. Điều này đặt nước Mỹ vào một tâm thế không khoan nhượng với sự chuyên chế và sự cai trị cha truyền con nối. Sau cùng, chỉ có nền cộng hoà là phù hợp với một nước Mỹ non trẻ mới tách mình khỏi mẫu quốc Anh. James Madison cũng quan tâm tới quyền con người, cụ thể là quyền sở hữu vũ lực và tự vệ cá nhân. Madison tin rằng chính quyền hoàn toàn có thể bị suy đồi, và người dân cần có sức mạnh trong tay để bảo vệ bản thân khỏi sự suy đồi của chính quyền và quân đội liên bang. Chính quyền hoàn toàn có thể dùng quyền lực của 51% để đàn áp 49% còn lại. Vì thế, Madison khẳng định rằng quyền sở hữu và trang bị vũ khí của người dân cũng là một trong những quyền bất khả xâm phạm. Đề tài này đã và đang nhận được rất nhiều tranh cãi về sự lạm dụng vũ khí của cá nhân gây nên bất ổn xã hội.
Trong khi những triết gia đang tranh cãi về sự nổi lên của các nhà nước dân chủ, Jeremy Bentham lại tiếp cận hình thái nhà nước theo chiều hướng khác. Ông quan niệm rằng mọi luật pháp đều phần nào đó hạn chế tự do của con người, vì vậy mọi luật pháp đều có hại. Nhưng luật pháp lại đem đến nhiều cái tốt hơn là cái hại, vậy nên luật pháp là cái hại cần thiết của quốc gia. Đây là chủ nghĩa vị lợi, chú trọng vào sự tối ưu hoá lợi ích thu được so với tác hại nhận về. Bentham tối giản hoá chính trị bằng cách đặt ra mục đích duy nhất: đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Ông tin rằng nhà nước tốt là nhà nước mang lại nhiều hạnh phúc cho nhiều người nhất có thể, mặc cho một bộ phận nhỏ người dân vẫn sẽ không hạnh phúc. Mục đích cuối cùng là tối đa hóa lượng hạnh phúc mà người dân có. Dù sao thì thuyết vị lợi của Bentham đã gặp nhiều ý kiến phản bác, cho rằng một việc sai trái như trừng phạt những người vô tội nhằm đem lại hạnh phúc cho phần còn lại hoàn toàn phù hợp với tư tưởng vị lợi.
5. Quần chúng nổi dậy
Sau khi những quốc gia dân chủ được thành lập, dần dà xuất hiện những điểm yếu và áp bức trong chính những quốc gia đó. Và những tư tưởng chính trị từ quần chúng đã dần nhen nhóm và bùng lên, thay đổi nhiều nền tảng chính trị trước đó.
John Stuart Mill, một nhà triết học Anh, đã đưa ra những quan điểm về chủ nghĩa tự do đặt trọng tâm vào tự do cá nhân. Ông coi một xã hội lành mạnh là nơi mà cá nhân được suy nghĩ và hành động tự do theo ý mình, miễn là không làm hại các cá nhân khác. Ông coi xã hội như một vạc dầu lớn, rồi các cá nhân sẽ ném vào đó tư tưởng của mình. Những tư tưởng sẽ hoà trộn và thử thách lẫn nhau, tư tưởng nào không phù hợp sẽ bốc hơi và bị loại bỏ, còn những thứ phù hợp thì ở lại. Điều này phần nào đó giống như thuyết tiến hoá của Darwin. Ông tin vào sự khác biệt của từng con người sẽ góp phần đa dạng hoá trí tuệ, kinh nghiệm và thế giới quan của cộng đồng.
Ở Mỹ, Henry David Thoreau đề cập đến chủ nghĩa vô chính phủ là cần thiết. Ông nói rằng tiến bộ của xã hội đến từ người dân chứ không phải chính quyền, và việc chính quyền cai trị thường sẽ gây ra bất công và cản trở sự phát triển của người dân. Một chính quyền tốt là chính quyền không cai trị người dân. Ông tin rằng người dân hoàn toàn có thể góp sức thay đổi chính quyền qua những hành vi bất tuân dân sự, điều này phản ánh chính sự phát triển của người dân. Một ví dụ điển hình là là ông đã từng bị bỏ tù vì từ chối nộp thuế cho chính quyền chiếm hữu nô lệ.
Ở châu Âu giữa thế kỷ 19 xuất hiện một nhân vật vô cùng quan trọng là Karl Marx. Ông là triết gia đưa ra một trong những phân tích trọn vẹn nhất về chủ nghĩa tư bản và khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản. Ông coi lao động là hành động làm thoả mãn con người, và sản phẩm là hiện thân của nỗ lực và sự sáng tạo của người lao động. Nhưng với chủ nghĩa tư bản, tất cả đều quy về quyền tư hữu và hàng hoá. Điều này dẫn đến sự tha hoá và tách rời của mối quan hệ giữa sản phẩm và người lao động. Ngoài ra, Marx coi hành vi sản xuất vốn phát sinh từ sự sáng tạo vốn có của người lao động, nhưng nay đã bị chủ nghĩa tư bản biến thành nhu cầu đi làm thuê để kiếm sống. Lao động lúc này giống như hành động ép buộc, khiến người lao động không còn động lực và sự kết nối tinh thần với công việc của họ. Marx đề xuất chủ nghĩa cộng sản, nơi mà quyền tư hữu được loại bỏ, khôi phục ý nghĩa tự thân của những hoạt động sản xuất. Và nơi đâu có chủ nghĩa tư bản bóc lột tầng lớp lao động, nơi đó sẽ có cách mạng nhằm lật đổ giới tư hữu.
Trong khi đó, nhà Thanh ở Trung Quốc đang trải qua nhiều bất mãn từ nhân dân do những thất bại cay đắng trước ngoại quốc và sự suy đồi của hệ thống phong kiến cũ kĩ. Thời kỳ loạn lạc này, Tôn Trung Sơn được biết đến là một nhà cách mạng theo chủ nghĩa dân tộc: ông nhìn thấy được sự cấp thiết trong việc xóa bỏ hệ thống phong kiến, nhưng đồng thời giữ lại những giá trị văn hoá Trung Hoa. Ông cho rằng việc chọn lọc những giá trị dân chủ ở phương tây kết hợp với phát triển kinh tế qua việc phân chia ruộng đất công bằng có thể đưa Trung Hoa thành một quốc gia hiện đại. Chủ nghĩa Tam Dân của ông gồm có dân tộc, dân quyền và dân sinh. Ông tin rằng quốc gia Trung Quốc là của người Trung Quốc (dân tộc), cần đảm bảo được quyền lợi của nhân dân (dân quyền), và đáp ứng được sinh kế cho nhân dân (dân sinh). Việc ông thành lập Quốc Dân Đảng và cách mạng Tân Hợi đã dẫn đến sự sụp đổ của nhà Thanh nói riêng và chế độ phong kiến nói chung tại Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản thế kỷ 19 làm con người phải suy ngẫm lại về vị thế của mình trong thế giới xung quanh. Max Weber, một nhà nghiên cứu xã hội học, coi xã hội như một cỗ máy khổng lồ không ngừng chuyển động, còn mỗi cá nhân là một bánh răng trong đó. Weber lập luận rằng cơ cấu tập thể của xã hội không đem lại tự do mà còn kìm hãm tự do của các cá nhân. Những cơ cấu này hạn chế hành động của con người, giả dụ như đạo Tin Lành dạy con người rằng nên làm việc và không nên tiêu dùng. Những gì họ tích luỹ được đã góp phần tạo nên chủ nghĩa tư bản.
6. Các hệ tư tưởng đối đầu
Đầu thế kỷ 20, các đế quốc dần sụp đổ và các nước cộng hoà mới được thành lập. Điều này làm đảo lộn trật tự cũ tại châu Âu, và một loạt các hệ tư tưởng ra đời nhằm thay thế trật tự cũ.
Đầu tiên là chủ nghĩa cộng sản. Tiếp nối những gì Marx để lại, Lenin tiếp thu và phát triển chủ nghĩa cộng sản lên tầm cao mới. Lenin cho rằng quần chúng cần phải khởi nghĩa để giành quyền từ tay chính quyền. Trong quá trình đó, cần có một đảng tiên phong, với mục tiêu và lợi ích phù hợp với mục tiêu và lợi ích của quần chúng. Chính trị, theo Lenin, bắt nguồn từ quần chúng mà ra. Lenin hiểu rằng đảng tiên phong cần có những cá nhân kiên định được tuyển chọn từ giai cấp công nhân, làm mũi nhọn cho cách mạng, nhằm thành lập chính quyền vô sản. Đảng Bolshevik ra đời và lãnh đạo cách mạng tháng Mười. Ở nhà nước vô sản mới, hay còn gọi là Liên Xô, giai cấp bị xoá bỏ và quyền tư hữu không còn tồn tại.
Theo sau Lenin là Stalin, tiếp nối tư tưởng chủ nghĩa xã hội, với trọng tâm là tập thể hoá các hoạt động sản xuất. Stalin quan niệm rằng các phú nông (kulak) là tầng lớp bóc lột, do họ kiểm soát sản xuất lương thực và mang mầm mống của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, Stalin cho rằng phải tước đi tư liệu sản xuất của kulak. Mọi hình thức kinh tế tư nhân bị xoá bỏ, tài sản phần lớn được quốc hữu hoá, và nông dân sống trong các nông trang tập thể do nhà nước quản lý.
Trong khi đó ở Trung Quốc, chủ nghĩa Marx-Lenin được Mao Trạch Đông tiếp nhận làm kim chỉ nam cho cách mạng vô sản. Mao thấy rằng Trung Quốc là một xã hội nông nghiệp, vậy nên nông dân là giai cấp vô sản. Để giành được chính quyền, nông dân phải cầm súng lên mà khởi nghĩa.
Thứ hai là chủ nghĩa bảo thủ. Thủ tướng Anh Winston Churchill được biết đến như một chính trị gia không nhân nhượng với phát xít những ngày sơ khai. Sau thế chiến 1, nhiều quốc gia châu Âu theo đuổi chủ nghĩa ôn hoà và nhân nhượng, điều này tạo điều kiện cho chính quyền Hitler bành trướng qua các sự kiện ngoại giao. Churchill tin rằng chính quyền phát xít là một tên bạo chúa, và người nhượng bộ tuy có mục đích là để tránh chiến tranh, nhưng lại làm cho người nhượng bộ yếu đi và tên bạo chúa mạnh lên. Và cuối cùng thì không gì có thể đảm bảo được hoà bình khi tên bạo chúa đã quá mạnh mẽ. Churchill từ chối ngoại giao và thoả hiệp với chính quyền Hitler ngay từ đầu, tư tưởng này đã là chỗ dựa vững chắc cho việc lật đổ phát xít sau này.
Thứ ba là chủ nghĩa phát xít, với những nhân vật quan trọng như Hitler, Mussolini, và Giovanni Gentile. Tại Ý sau thế chiến 1, Giovanni đã trình bày học thuyết chủ nghĩa phát xít. Theo chủ nghĩa phát xít, pháp luật và ý chí dân tộc quan trọng hơn ý chí cá nhân, mọi giá trị nhân bản và tinh thần đều nằm ở nhà nước, và mọi hành động cá nhân đều phải phục vụ mục đích bành trướng nhà nước. Ý chí toàn dân sẽ được gắn kết trong một tập thể mang tính quốc gia, và quan niệm về nhà nước phát xít sẽ bao quát mọi mặt xã hội.
7. Hậu đệ nhị thế chiến và thời hiện đại
Hậu thế chiến 2, các nước dường như đã nhận ra được sự thảm khốc của chiến tranh. Từ giai đoạn này đến hiện tại, có thể tạm nói rằng thế giới được hoà bình, không có cuộc chiến nào ở quy mô lớn như hai cuộc thế chiến.
Dù vậy, chiến tranh vẫn tồn tại. Nổi bật nhất là chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, hay nói cách khác là sự đối đầu giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Hai cường quốc chạy đua vũ trang và ngoại giao nhằm hạn chế độ ảnh hưởng của bên còn lại nhiều nhất có thể. Thêm vào đó, các cuộc chiến tranh Triều Tiên hay chiến tranh Việt Nam đều có một phần là chiến tranh giữa hai hệ tư tưởng này, hay còn gọi là chiến tranh uỷ nhiệm.
Thời hậu chiến còn là lúc các quốc gia thuộc địa dần giành được độc lập từ tay các đế quốc. Những nhà chính trị như Frantz Fanon đã đi đầu trong việc phi thực dân hoá các thuộc địa.
Thời kỳ này còn là lúc công lý xã hội được để ý hơn bao giờ hết. Mọi mặt trong đời sống được mổ xẻ và phân tích bởi các nhà xã hội học và chính trị gia. Thời hiện đại là lúc mà con người có được những tư tưởng chính trị mới lạ, hoặc là để ý tới những tư tưởng từng bị lãng quên. Giả sử như chủ nghĩa nữ quyền do Simone De Beauvoir ủng hộ, hay chủ nghĩa môi trường của Arne Naess, hay chủ nghĩa bình đẳng chủng tộc do Nelson Mandela lãnh đạo. Ngày càng nhiều khía cạnh của cuộc sống con người được đưa vào các tư tưởng chính trị, với mục đích cuối cùng là cải thiện cuộc sống của con người.
Có thể thấy rằng, những thứ cơ bản và hiển nhiên xung quanh chúng ta như luật pháp, quyền con người, tự do, chính phủ, đều từng là những ý tưởng sơ khai ở một thời điểm nào đó. Qua thời gian, các thế hệ triết gia dần phát triển, cải tiến, sửa đổi và áp dụng, định hình nên thế giới hiện tại. Như phần 1 đã nói: khi xã hội con người dần đạt được những mức phức tạp nhất định, sẽ có những câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ cai trị? Người cai trị có quyền và trách nhiệm gì? Những cá nhân trong xã hội sẽ phải vận hành ra sao? Những câu hỏi này vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, thúc đẩy xã hội thay đổi và hoàn thiện từng ngày.
Referrences:
1. The Politics Book
2. Lược Sử Triết Học - Nigel Warburton
3. Leviathan & kẻ mọi rợ - Oddly Normal
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất