Lịch sử: Những vũ khí dẻo dai gắn xích và dây linh hoạt, liệu có thực sự hiệu quả?
Chẳng hạn như Côn nhị khúc?
Những vũ khí "linh hoạt" mình đề cập ở đây tựu chung gồm vũ khí sắc bén có lưỡi rất dẻo hoặc vũ khí có gắn dây xích/thừng. Mặc dù tính chất thực tế của những loại vũ khí này ở thời kỳ Trung Đại đôi khi vẫn là dấu hỏi chấm lớn, nhưng dựa theo những nghiên cứu vũ khí và lịch sử từng được đánh giá, mình sẽ đưa ra các thông tin khách quan nhất có thể!
Theo các tài liệu lịch sử xác thực, những vũ khí "linh hoạt" thường không phải là vũ khí phục vụ trên chiến trường! Vậy chúng sẽ phục vụ mục đích gì? Mình sẽ nêu ra một vài vũ khí "linh hoạt" điển hình sau:
1. Nunchuck/Côn nhị khúc
Côn nhị khúc (với nhiều tên gọi khác nhau) là một dạng đoản côn có hai khúc được nối với nhau bởi một đoạn dây hay một đoạn xích ngắn. Chúng đặc biệt nổi tiếng với xuất thân chủ yếu tới từ Nhật Bản và được nhiều môn võ, người tập võ lựa chọn! Không riêng gì loại nunchuck của Nhật, chúng còn có những "đoản côn gắn dây" biến thể khác nhau như tabak-toyok (với phần côn ngắn hơn và dây dài hơn) của Philippine hoặc côn tam khúc của Trung Quốc...
Chắc chắn một điều, không ai lại dùng côn nhị khúc làm vũ khí trên chiến trường cả! Xuất phát là một biến thể từ cái đập lúa, côn nhị khúc cùng với nhiều vũ khí Kobudō có xuất phát từ nông cụ được người dân Okinawan bản địa dùng vốn chỉ để tự vệ chống lại Samurai Nhật Bản trong điều kiện bị cấm dùng các loại kiếm hay giáo chiến trường.
Bởi khả năng dễ che dấu hơn so với các loại gậy thông thường mà chúng dễ dàng được dùng để tự vệ hơn lại khó bị phát hiện. Tuy nhiên nếu so với một cây gậy đoản côn, côn nhị khúc còn thua xa nhiều! Đơn giản là, trong suốt thời kỳ Trung Đại tới Hiện Đại, với thời kỳ đỉnh cao nhất vào thế kỷ 18, gậy và võ gậy các loại mới là thứ vũ khí tự vệ phổ biến nhất trên toàn thế giới!
2. Kusari-gama
Kusari-gama hay "xích lưỡi liềm" (tỏa liêm) với "kusari" là xích và gama là "lưỡi liềm"! Đây cũng là một món vũ khí có xuất phát từ nông cụ Nhật Bản, gắn với tiểu thuyết về kiếm khách Miyamoto Musashi và nổi tiếng nhất phải kể đến là vũ khí của các Ninja! Kusari-gama đặc biệt với sợi xích gắn vào cây liềm - vốn là nông cụ cắt cỏ gặt lúa và đầu xích kia gắn với một quả tạ. Tuy nhiên thì kết cấu của nó thường không cố định, có thể là loại gắn một sợi xích với hai cây liềm hoặc loại với cây liềm thay bằng cây cuốc mai...
Kusari-gama được cho là dùng để cắt, móc bằng lưỡi liềm; xích sắt để siết trói hoặc vung quật và quả tạ cuối xích sắt dùng để đập như vũ khí cùn. Nhưng, không thể nào chúng được dùng cho chiến trường, chúng càng không có cửa với áo giáp, khiên hay có thể đối chọi với giáo và kiếm chiến trường được mà đặc biệt là với nhiều đối thủ! Khả năng mang tính khả thi nhất cho thứ vũ khí này có thể đến từ các Nhẫn giả - Ninja, khi nó có thể được dùng như một vật dụng trèo leo tường hoặc siết cổ ám sát kẻ thù...
Đã có một bài viết về kusari-gama trên spiderum, các bạn có thể tham khảo tại đây.
3. Chain whip (Roi xích)
Chain whip (hay rope dart, chain knife...) với nhiều tên gọi khác nhau nhưng chúng sẽ đều có cấu tạo chung gồm một lưỡi dao gắn với sợi dây thừng, xích hoặc các đoạn thép ngắn gắn với nhau linh hoạt! Là món vũ khí đến từ Thiếu Lâm Trung Hoa, chúng kết hợp với các phong cách võ Wushu khiến phần lưỡi dao có thể tung để cắt, đâm...
Mặc dù cây kunai xích của Scorpion trong game/phim Mortal Kombat có tính chất khá tương đồng chain whip, nhưng nhìn chung cách thể hiện hoàn toàn khác nhau! Nếu có hứng thú, các bạn nên xem qua chain knife/dao xích của tựa game Shadow Fight 3!
Chain whip sẽ được dùng cho mục đích chiến đấu gì? Chúng là loại vũ khí đòi hỏi quá trình huấn luyện rất lâu dài và gây tổn thương cho chính người luyện để có thể đạt đến trình độ như video! Việc quá rắc rối như vậy khiến nó chỉ được dùng trong võ thuật mang tính biểu diễn hơn như Wushu. Dễ hiểu thôi khi nó không thể nào dùng cho chiến trường hoặc ngay cả tự vệ cũng không khả thi. Với cấu tạo hoàn toàn không có phần cứng để có thể đỡ đòn chém hay mất nhiều thời gian tung đòn và thu về, cộng với cần không gian rộng tung đòn vì nếu có vướng vào vật thể, chúng sẽ mất lực của đòn đánh!
4. Kiếm với lưỡi siêu dẻo dai
Có 3 loại kiếm có lưỡi siêu dẻo mà mình tìm hiểu được gồm: kiếm jian Thái Cực Trung Hoa, các loại kiếm liễu fencing và kiếm urumi.
Về loại kiếm jian Thái Cực, đây là loại kiếm chuyên dùng trong tập Wushu biểu diễn. Chúng cũng cực kì nổi tiếng trong các phim kiếm hiệp Trung Hoa! Chiến trường tất nhiên là không thể bởi kiếm jian thật sự trong lịch sử lại rất cứng cáp! Nếu là đối kháng thì lại càng vô lí do nó không thể đâm, còn chém thì với loại áo vải dày kiểu gambeson thì nó lại càng không thể nào mà cắt được.
Kiếm fencing thi đấu đấu kiếm Olympic? Cũng như kiếm jian Thái Cực, loại kiếm này chỉ dùng cho mục đích thi đấu thể thao! Kể cả loại kiếm rapier hay saber thật với lưỡi kiếm liễu có độ cứng và bền, trong lịch sử cũng chỉ được dùng chủ yếu cho đối kháng, không phải chiến trường.
Kiếm urumi là loại kiếm gắn với môn võ Kalaripayattu. Chúng được cho là loại kiếm cực kỳ chết chóc với lưỡi kiếm dài có thể quất như roi, đòn cắt đủ để cắt đứt cổ họng người. Urumi là loại kiếm phổ biến ở các quốc gia Nam Á như Ấn Độ! Nhưng thực tình là loại kiếm này vẫn còn nhiều tranh cãi tính xác thực lịch sử như việc có nhiều tài liệu cho rằng nó có niên đại sớm và tương đối hiện đại, như là để có thể có loại thép vừa dẻo vừa bén được rèn với tỷ lệ hàm lượng cacbon vừa đủ dàn trải đều trên toàn bộ lưỡi kiếm như vậy ở thời Trung Đại là điều phi lý!
Hơn nữa, nó mang nhiều nhược điểm của một cây roi!
5. Roi
Không cần phải nói quá nhiều, chắc hẳn ai cũng từng bị "nổi lươn" vì bị các phụ huynh vụt roi! Roi giống như một loại công cụ hơn là một loại vũ khí, được dùng để đánh người hoặc động vật. Nếu là người thì thường là tra tấn và trừng phạt, nếu là động vật thì thường là thúc ép, ra lệnh, huấn luyện...
Ngoài ra, chúng còn liên quan đến các hoạt động như... BDSM (không nên thử google, nếu bạn lỡ "bị" thích nó thì sao?).
Roi, đặc biệt loại roi da dài có thể được dùng như vũ khí? Có thể! Nhưng đấy là nếu đối thủ của bạn nude 100% và để cho bạn quất! Bởi những cú quất vào quần áo gần như vô dụng, càng vô dụng khi nó tệ hơn so với một cây chain whip khi mà nó không có bộ phận sắc bén nào để cắt vào da thịt mà người dùng hoàn toàn có thể bị áp sát sau mỗi lần quất roi...
6. Flail - Chuỳ xích
Theo một vài mô tả, flail là loại vũ khí cùn được dùng chủ yếu ở thời kỳ Trung Cổ châu Âu và Trung Đông, có cấu tạo giống như một cây chùy morning star nhưng với quả cầu gai được gắn bằng dây xích với một cây đoản côn. Do là vũ khí cùn nên nó được dùng chủ yếu làm vũ khí quăng đập.
Mặc dù được mô tả là vũ khí được dùng trên chiến trường thời Trung Cổ, nhưng thực sự điều này đa phần không được mấy ủng hộ trong giới nghiên cứu lịch sử! Flail vẫn là vũ khí còn gây trang cãi rằng liệu nó có thực sự tồn tại trong lịch sử hay không? Những nhà nghiên cứu thực sự có bằng chứng về nó nhưng nói chung chúng vẫn không đủ sức thuyết phục. Bởi nhược điểm dây xích của nó, khi vung chúng cần không gian rộng vậy không thể dùng ở trong một đội hình quân đội được do nó có thể phang trúng đồng đội! Và chiến trường đòi hỏi thứ vũ khí dễ chế tạo, hiệu quả và có thể trang bị đại trà cho quân đội mà loại vũ khí như chùy xích flail không thể làm được...
Nhiều khả năng chỉ có loại flail cầm hai tay có xuất phát từ công cụ đập lúa (giống như nunchuck) là có thật, còn loại cầm một tay thì không.
Mặc dù có nhiều tranh vẽ mô tả loại cầm một tay với chùy gai morning star, nhưng các tranh vẽ được cho là vẽ bởi những người vẽ tranh minh họa, không phải các chiến binh thật sự! Các sách mô tả kỹ thuật chiến đấu của những bậc thầy kiếm thuật vũ trang cũng không có đề cập đến thứ vũ khí này! Nếu các bạn từng được xem các tranh vẽ mô tả loài động vật của người Trung Cổ trong khi họ chưa từng thấy chúng trong đời, chắc bạn sẽ hiểu mình nói gì! (Truy cập tại đây nếu bạn muốn biết thêm).
Loại flail một tay không được dùng trên chiến trường, chắc chắn! Nhưng chúng được ghi nhận như ở Nga có loại được dùng như một dụng cụ tra tấn với nhiều quả cầu nhỏ tua tủa trên đầu.
Bonus: Rất nhiều vũ khí kể trên đôi khi là không có thực, hoặc chỉ được mô tả thông qua những ghi chép lịch sử. Bạn biết đến danh họa, nhà chế tạo... thiên tài Leonardo da Vinci chứ? Có rất nhiều bản vẽ thiết kế vũ khí chiến tranh của ông đi trước thời đại! Nhưng rồi chúng sẽ mãi mãi chỉ nằm trên giấy nếu không được hậu thế "đào bới" tìm hiểu. Những vũ khí như flail kể trên rất có thể đã được hậu thế (là những người lục lại lịch sử trước chúng ta) đào bới và phục dựng theo những mô tả đó, chứ không phải là hiện vật hay khảo cổ lịch sử. Nên có thể biết đâu, những hiện vật của flail trong bảo tàng chỉ là vật mô phỏng theo ghi chép “mơ hồ” ở thời kỳ Trung Cổ?
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất