Hình ảnh của chúng ta trong gương có phản ánh điều gì không?
Khi được nhiều người nhắc về thân hình không cân đối, mình vẫn thấy hài lòng và tự hào vì mình là một cô gái và chỉ là một cô gái thôi.
Được sinh ra trong bất kỳ gia đình Châu Á nào, chắc hẳn chúng ta đều một hoặc một vài lần bị so sánh với một ai đó đồng trang lứa xuất chúng hơn ở thế giới bao la, rộng lớn ngoài kia. Từ đó, áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) trở thành một thuật ngữ phổ biến, từ từ ăn sâu vào tiềm thức chúng ta.
Thế giới xoay vần, khi ý nghĩ “Mọi vật chất hào nhoáng mà ta đạt được tỉ lệ thuận với mức độ cố gắng của mỗi người” trở thành một khái niệm không thể tách rời. Việc nỗ lực đến quên ăn quên ngủ là một điều gì đó rất đáng khích lệ và tán dương. Điềm nhiên khi đó, cha mẹ không còn là người tạo ra bất kỳ áp lực lớn nhỏ nào để kìm kẹp chúng ta nữa, mà chính những cá thể đã từng bị đặt áp lực lên là người tiếp tục tạo ra áp lực cho chính mình. Nguy hiểm nhất, đó lại là một cái bẫy vô hình, lâu dần bào mòn sức khoẻ tinh thần chúng ta.
1. Mặc cảm về ngoại hình - Body dysmorphic disorder
Mặc cảm về ngoại hình (Body dysmorphic disorder) cũng là một điều tương tự. Mình đã nghĩ con cái là phiên bản tuyệt vời nhất dưới lăng kính của bố mẹ.
Tuy vậy, theo một nghiên cứu (Hypothetical model) dựa vào việc khảo sát trên 262 sinh viên nữ Croatian độ tuổi từ 20 đến 22 vào năm 2004, Keery, van den Berg và Thompson chỉ ra ba yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự bất mãn dẫn đến mặc cảm ngoại hình dai dẳng từ tuổi thơ của họ là bố mẹ, bạn bè đồng trang lứa và truyền thông. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những bé gái thường bị cha mẹ trêu chọc về ngoại hình (mập, gầy, thấp, nhỏ con,…) suy nghĩ thái quá về cân nặng từ bé sẽ có xu hướng luôn tiêu cực về cả cơ thể, cuộc sống của mình cho đến mãi sau này.

Body Dysmorphic Disorder
Hypothetical model of Keery et al (2004)
Năm 2011, tiến sĩ tâm lý học Elizabeth Nixon đã thực hiện một nghiên cứu (Body dissatisfaction by BMI classification for girls and boys) bằng việc phỏng vấn các học sinh giới tính nam và nữ từ cấp tiểu học đến THCS về mặc cảm ngoại hình. Kết quả cho thấy rằng con gái thường có nhiều mặc cảm về ngoại hình hơn con trai. 100% con gái thừa cân có mong muốn thay đổi ngoại hình bản thân. Nhưng điều này không có nghĩa là con trai không hề tự ti về ngoại hình của mình. Theo đó, 80% con trai thừa cân mong muốn mình trông thon gọn hơn.

Body dissatisfaction by BMI classification for girls and boys (2011)
Những chỉ dẫn từ các nghiên cứu trên đưa ta đến điều gì?
Miệt thị ngoại hình (body shaming) luôn tồn tại khắp mọi ngóc ngách, dưới bất kỳ hình dạng nào, tác động lên tất cả các cá thể tồn tại và có cảm xúc trên thế giới này – các cá thể mà sau đại dịch, họ đang cần được chữa lành hơn bao giờ hết.
2. Miệt mài đi tìm sự hài lòng cho phiên bản của mình trong gương.
Mình cũng có riêng cả một hành trình “vang dội” nơi mình và cuộc đời chiến đấu tâm lý nội tâm về mặc cảm ngoại hình.
Tuy vậy, hành trình thay đổi bản thân về ngoại hình này của mình cũng không có gì hay ho và đáng tự hào.
Năm cấp 2, mình chập chững làm quen với khái niệm “dậy thì” như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Mình đã luôn sợ hãi mỗi khi phải chạm mặt mình trong gương thời điểm đó. Một cô bé khuôn mặt tròn xoe, dáng đứng lúc nào cũng cắm về phía trước hay dân gian còn gọi là “gù” và mặt chi chít mụn lớn nhỏ. Đối với một cô bé 14- 15 tuổi mới lớn, hiện hữu trong thế giới quan mà bạn bè xung quanh đều đang tập tành làm điệu, cảm giác bản thân luôn bị bỏ lại vạn dặm trong hàng loại nhan sắc luôn thường trực trong tâm trí mình.
Năm Covid thứ hai – 2020, Tokyo năm lần bảy lượt “đóng băng” vì dịch bệnh lan rộng. Mình cũng như bao nhiêu người dân sống tại Tokyo thời điểm đó nghiêm túc chấp hành các biện pháp của chính phủ để phòng chống dịch. Sự nghiêm túc phòng chống dịch cộng với sự chây lười vận động giúp mình tăng cân với tốc độ ánh sáng. Có thời điểm, cân nặng mình đạt mốc 54kg. Với đứa trước giờ chỉ nặng 47kg đổ lại, cao 1m59 thì con số 54 đậm loét trên màn hình led của chiếc cân như một cú tát trời giáng vào mặt mình. Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng bạn có thể nắm đống mỡ dưới bụng thành 1 nắm to (cười).
Nhưng mình vẫn không hề nhận ra mình mập, cho đến khi có người miệt thị ngoại hình (body shaming) mình. Cô gái 22 tuổi một lần nữa nhìn thấu mình trong gương, và biết gì không, mình mập thật.
Đoạn bước xuống cân, việc đầu tiên mình làm là ùa đến bàn, bật máy tính, quờ quạng lên mạng tra cứu tất cả các phương pháp giảm cân cấp tốc trong sự hoảng loạn nhất có thể. “Giảm cân cấp tốc trong 7 ngày”, “cách giảm 10kg trong 1 tuần”, “Không ăn kiêng có giảm cân được không” và hàng tá các câu hỏi tu từ bất khả thi khác được mình đem đi hỏi chị Google.
5 giờ sáng tại Tokiwadai
Vốn là một đứa, muốn làm cái gì phải làm bằng được, mình đã giảm gần 9kg trong hơn 2 tuần, bằng phương pháp nhịn ăn - một phương pháp mình sáng chế ra không theo bất kỳ một quy luật khoa học nào mà sau này mỗi khi có ai hỏi bí kíp giảm cân, mình đều phải giấu nhẹm đi vì không muốn ai sai lầm như mình.
Sau khi giảm cân thành công cũng là lúc mình “say hello” với bệnh đau dạ dày. Mình không phủ nhận, giảm cân không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến bệnh đau dạ dày. Nhưng, đến bây giờ, khi những cơn đau quằn quại hàng đêm ùa tới khiến mình thức trắng, mình mới nhận ra nó tuy không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng lại là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến căn bệnh này.
Lúc này, khi nhìn chính mình trong gương, mình không còn là một cô gái mập nữa, mình đã trở thành một cô gái buồn.
3. Trong sâu thẳm, mình muốn là một cô gái, thay vì là một cô gái buồn.
Bạn biết gì không, từ lúc đạt được mục tiêu giảm cân cấp tốc, mình đã được nhiều người xung quanh khen ngợi và thậm chí là trầm trồ vì gầy đi trông thấy rõ trong vòng một thời gian ngắn.
Nhưng lạ thay, mình lại cảm thấy không hề vui chút nào.
Những niềm vui lúc đó đã kịp thời chuyển hoá thành nỗi đau dạ dày âm ỉ đến quằn quại tự lúc nào mà chính bản thân mình cũng không hề hay biết.
Mình chuyển nhà và nhà mới không có cân. Mình quên đi thói quen đứng lên cân mỗi ngày để ép nó xuống thấp nhất có thể, mình hạnh phúc vì được ăn những món mình yêu thích, không còn phải tính calories từng thành phần trong món ăn nữa. Mình như được tự giải phóng bản thân ra khỏi một lối sống khuôn mẫu khắt khe mà chính mình là người tự đặt ra.
Ngay cho đến tận bây giờ, khi được nhiều người nhắc về thân hình không cân đối, mình vẫn thấy hài lòng và tự hào vì mình là một cô gái và chỉ là một cô gái thôi.
# Miệt thị ngoại hình ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ tinh thần

Miệt thị ngoại hình (body shaming) luôn tồn tại khắp mọi ngóc ngách, dưới bất kỳ hình dạng nào.
Miệt thị ngoại hình (Body shaming) là từ khoá chỉ việc đả kích, chê bai, hạ thấp một người về mặt ngoại hình, được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1997. Ở thế kỷ 20, nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ hoá mà bài toán lương thực đã được giải quyết. Hiện tượng này dẫn đến việc có một cơ thể to béo, lớn khoẻ không còn là biểu tượng của sự sang trọng, mà nó còn ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài.
Khi cuộc cách mạng về tiêu chuẩn của vẻ bề ngoài thay đổi, cụm từ “Miệt thị ngoại hình - body shaming” được đưa vào sử dụng rộng rãi. Cho đến hiện nay nhiều người vẫn sử dụng nó để chỉ các hành vi xúc phạm, hạ nhục và ác ý đối với ngoại hình của người khác. Theo nhận định từ các chuyên gia thì miệt thị ngoại hình có thể gây nên những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng và tính nguy hiểm của nó cũng rất cao.

Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này