Dịch từ bài gốc của Tom Vanderbilt trên Guardian, vốn là bài trích có biên tập lại Beginners: The Curious Power of Lifelong Learning của cùng tác giả trên tờ Atlantic
---
Một ngày nọ, ít năm trước, tôi đang say sưa một ván cờ đam với cô con gái, khi đó gần bốn tuổi, ở một thư viện nhỏ tại một thị trấn giáp biển. Mắt con tôi dạt sang chiếc bàn bên cạnh, một bàn cờ trắng-đen có những quân cờ nom thú vị hơn nhiều (không ít những kỳ thủ tương lai hồi đầu đã hồn nhiên bị quân mã hay quân xe thu hút)
“Là gì vậy ba?” cô bé hỏi tôi. “Cờ vua,” tôi trả lời. “Mình chơi nhé?” bé nài. Tôi gật đầu bâng quơ.
Có mỗi một chuyện: tôi nào biết chơi cờ vua. Tôi mơ hồ nhớ lại đã từng học vài nước đi cơ bản thủa bé, nhưng chẳng bao giờ ham mê cờ vua cả. Sự thể này cứ vu vơ đeo bám tôi suốt cuộc đời. Hễ nhìn thấy một bàn cờ dở dang ở sảnh khách sạn hay một câu đố về cờ vua ở phụ trương báo cuối tuần, tôi lại khẽ nhói.
Tôi cũng thu thập hiểu biết khái quát về cờ vua. Tôi biết những cái tên như Bobby Fischer và Garry Kasparov. Tôi biết môn cờ này đã quyến rũ những anh tài sáng chói trong lịch sử như Marcel Duchamp và Vladimir Nabokov. Tôi biết luôn cái mỹ ý rằng các đại kỳ thủ có thể dự đoán trước hàng chục nước đi. Tôi biết cờ vua, giống như nhạc cổ điển, được sử dụng trong các bộ phim về thiên tài - thường là độc ác. Nhưng tôi biết về cờ vua hệt như cách tôi “biết” về Nhật ngữ: hình thù, âm thanh, Nhật tính, mà chẳng hiểu gì hơn về nó cả.
Tôi quyết định học chơi, chỉ để dạy lại cô con gái của mình.

Mất hết mấy giờ, cặm cụi bên smartphone ở các buổi tiệc sinh nhật mấy đứa nhỏ hay đang lúc xếp hàng chờ lượt ở Trader Joe’s, hòng tìm thấy cảm giác về các nước đi cơ bản. Chẳng bao lâu, tôi chơi cùng, và đôi khi còn chiến thắng, những đối thủ máy tính yếu nhất (được lập trình dựa trên những sai sót trầm kha). Nhưng chẳng mấy chốc tôi thấy rõ là mình chẳng biết gì cho cam về các chiến lược sâu xa hơn. Tôi chẳng muốn dạy cho ai khi chính tôi còn quá ít hiểu biết.
Vậy thì học làm sao? Số sách dạy cờ bày bán cực kỳ đồ sộ. Rõ thôi, cũng có Cờ cho dân khờ. Nhưng ngoài nó ra, các văn bản về cờ lại hết sức phong phú. Đầy những nhùi ký pháp giống như đại số, một thứ cận-ngôn cần phải học. Và những cuốn sách lại chi tiết tới nao lòng: chẳng hạn, Hướng dẫn toàn diện cách chơi Mã C3 chống lại Phòng thủ Pháp.
Đúng vậy: toàn bộ quyển sách chỉ dành đúng cho các hoán vị của cùng một nước cờ Mã C3 - cái nước đi, xin được bổ sung, đã được dùng suốt một thế kỷ ròng. Vậy mà người ta cũng tìm thêm, 100 năm sau và vô khối sách dạy cờ sau đó - những thứ mới mẻ để nói về nước cờ này trong tận 288 trang.
Một thực tế lưu truyền trong giới khi mới bắt đầu đó là chỉ sau 3 nước cờ, số biến thể của trận cờ có thể xảy ra còn nhiều hơn số nguyên tử trong vũ trụ. Và quả vậy, tôi cảm thấy đờ đẫn khôn xiết khi cố sức hình dung làm sao để cô đọng cái trò chơi khó nhằn này cho một cô bé có sở thích xem hoạt hình Curious George.
Thế là tôi làm điều bất cứ bậc làm cha làm mẹ tự trọng nào cũng sẽ làm: thuê người về dạy. Cú twist ở đây là tôi muốn có người dạy con gái tôi và dạy cả tôi cùng lúc.
Với đa phần chúng ta, giai đoạn tập làm quen là giai đoạn cần phải vượt qua càng chóng càng tốt, như các người ta nhìn bệnh về da. Nhưng kể cả khi chỉ kinh lướt qua, chúng ta cũng nên dành chú tâm nhất định cho khoảnh khắc ấy. Bởi một khi đã trôi qua, rất khó lòng có trở lại.
Thử nghĩ lại lần đầu bạn tham quan một nơi xa xăm, mới mẻ, nơi mà bạn hầu như chẳng biết gì mấy về nó. Lúc đến nơi, bạn vẫn tươi tỉnh trước mọi sự mới. Mùi thức ăn ven đường! Những tấm biển giao thông ngộ nghĩnh! Tiếng ra hiệu cầu nguyện! Cuốn đi ra khỏi bốn bề quen thuộc, buộc phải học những nghi thức và cách thức giao tiếp, ta như có siêu năng cảm giác. Ta để tâm tới mọi thứ vì thậm chí chẳng biết cần gì để xoay trở. Sau ít ngày, khi ta thành thạo hơn nơi ấy, cái lạ bỗng hóa quen. Ta bắt đầu vơi đi chú ý. Ta thấy an toàn trong hiểu biết của mình. Hành vi của ta trở nên tự động hơn.
Kể cả khi kỹ năng và kiến thức của ta tịnh tiến, thì vẫn tồn tại một giá trị trong việc tiếp tục nếp nghĩ thủa ban đầu kia. Trong cái về sau được biết dưới tên gọi Hiệu ứng Dunning-Kruger, hai nhà tâm lý David Dunning và Justin Kruger chỉ ra rằng trong nhiều bài kiểm tra nhận thức những người điểm kém nhất cũng thường là những người “đánh giá cao thái quá” năng lực bản thân. Họ “kém kỹ năng mà không nhận thức được điều đó.”
Đây ắt hẳn là một thế khó cho người mới bắt đầu. Nhưng nghiên cứu bổ sung sau đó chỉ ra rằng điều tệ hại hơn chẳng biết gì cả chính là chỉ biết hời hợt sơ sài về nó. Hình thái này hiện hữu ở thế giới thật: bác sĩ học về kỹ năng giải phẫu cột sống thường mắc phải nhiều sai lầm nhất không ở những lần thực hành đầu tiên, mà ở lượt thứ 15; sai lầm của phi công lái máy bay dường như cực đại không ở các giai đoạn khởi đầu mà ở giờ bay thứ 800.
Tôi không có ý nói rằng các chuyên gia phải hoài công lo lắng về những người mới bắt đầu. Bởi họ, những người “giàu kỹ năng và nhận thức được điều đó,” lại thuần thạo hơn rất nhiều trong giải quyết vấn đề, trong các chuyển động (chẳng hạn những kỳ thủ tài ba nhất cũng thường là những kỳ thủ đánh nhanh nhất). Họ có có thể rút kinh nghiệm, và có phản xạ được trui rèn tinh tế. Người tập tành chơi cờ sẽ mất thời gian suy xét vô khối các nước đi, trong khi các đại kỳ thủ chỉ ke vào đúng các phương án phù hợp nhất (kể cả khi họ bỏ ra rất nhiều thời gian tính toán đâu là những nước đi hiệu quả nhất).


Bài viết cùng tác giả:

Dẫu vậy, đôi lúc, “thói quen của bậc thầy”, như cách gọi của đại thiền sư Suzuki, lại là một trở ngại - nhất là khi yêu cầu buộc phải có những giải pháp mới. Bằng hết thảy kinh nghiệm của bản thân, các chuyên gia có thể thấy những gì họ cho rằng mình sẽ thấy. Các cao thủ cờ vua có thể đắm chìm vào một nước đi họ ghi nhớ ở ván trước mà quên đi một nước cờ tối ưu hơn ở một khu vực khác của bàn cờ.
Khuynh hướng mặc định những gì quen thuộc, kể cả khi đứng trước một giải pháp tối ưu hơn, được gọi là hiệu ứng Einstellung (đặt theo từ tiếng Đức nghĩa là “cố định”).
Trong “câu đố ngọn nến” nổi tiếng, người tham gia được yêu cầu dán một ngọn nến lên tường chỉ duy nhất bằng một hộp diêm và một hộp đựng. Người tham gia trầy trật tìm cách giải đố chỉ bởi họ mắc kẹt trong “định kiến chức năng” của chiếc hộp là để đựng, chứ chẳng phải một chiếc kệ đựng nến trên lý thuyết. Hóa ra, có một nhóm lại giải quyết rất giỏi giang: trẻ lên 5.
Vì sao? Các nhà nghiên cứu phát hiện ra điều này cho rằng trẻ nhỏ có một “ý niệm chức năng” thông thoáng hơn trẻ lớn hơn và người trưởng thành. Trẻ nhỏ ít bị mắc mứu vào những món đồ buộc phải có chức năng cố định, mà có thể dễ dàng xem đó đơn thuần chỉ là những món đồ theo đủ mọi cách. Trẻ nhỏ tư duy mình có thể chinh phục công nghệ mới toanh dễ dàng; mọi thứ với các em đều mới mẻ.
Trẻ em, theo đúng nghĩa, mang trong đầu một tâm thế của kẻ khởi đầu, cởi mở trước mọi tình huống rộng rãi hơn có thể xảy ra. Chúng nhìn thế giới bằng cặp mắt tươi trẻ hơn, ít bị vướng bận với những tiền đề và trải nghiệm quá khứ, cũng ít bị dắt dìu bởi cái chúng biết là đúng đắn.
Trẻ em dễ dàng nhặt lấy những chi tiết mà người lớn có thể bỏ qua vì chẳng thấy liên quan. Bởi ít lo nghĩ về việc bị sai hay trông ngớ ngẩn, trẻ thường hỏi những câu hỏi người lớn chẳng bao giờ hỏi.
Không ai muốn cứ mãi là kẻ bắt đầu. Tất cả chúng ta đều muốn hoàn thiện hơn. Nhưng kể cả khi đã cải thiện kỹ năng, khi hiểu biết và kinh nghiệm gia tăng, điều tôi hy vọng có thể khuyến khích chính là duy trì, thậm chí vun đắp, cái tinh thần tập sự kia: sự lạc quan thơ ngây, sự tinh nhạy khó ngờ đến cùng với sự mới mẻ và bất an, sự sẵn lòng trở nên ngớ ngẩn, và cho phép đặt ra những câu hỏi quá đỗi hiển nhiên - cái tâm trí khởi đầu chẳng bận chẳng vướng thứ gì.
Điều mà kỳ thủ Benjamin Blumenfeld từng khuyên cách đây một thế kỷ hãy còn ứng dụng thỏa đáng vào cuộc sống lẫn trong cờ vua: “Trước khi đi, hãy nhìn vào chỗ đứng của quân cờ như thể ta mới vừa bắt đầu.”
Khi cô con gái tôi bắt đầu thi đấu ở các giải cờ cấp trường, tôi hay tán gẫu với các cha mẹ khác. Có lúc, tôi hỏi để biết họ có chơi cờ không. Thường thì câu trả lời chỉ là một cái nhún vai tỏ ra tiếc nuối và một nụ cười. Khi tôi chủ động cho hay tôi đang học, giọng điệu của họ trịch thượng hớn hở hẳn: “Chúc anh bạn may mắn!” Tôi tự nhủ: “Nếu trò chơi này tốt dường ấy cho lũ trẻ, cớ gì người lớn lại bỏ qua?” Nhìn thấy có ai chơi Angry Birds, tôi muốn vỗ vai và nói với họ rằng: “Tại sao lại bắt lũ trẻ học cờ vua trong lúc anh/chị lại chơi trò này? Đây là trò chơi của đế vương! Có những trận cờ được ghi chép từ tận thế kỷ 15 kia!”
Ở các giải cờ, tôi thấy một tương phản quá đỗi quen thuộc ở thế giới của trẻ con: bọn trẻ chơi cứ chơi, người lớn thì dán mắt vào smartphone.
Rõ là, làm cha làm mẹ chúng ta có việc phải làm, có những công việc chúng ta cho phép lấn sang các buổi cuối tuần, những công việc giúp trang trải tiền học phí cho các lớp mà lũ trẻ muốn học (hay cố học). Nhưng tôi cũng tự hỏi nếu như chúng ta, mỗi khi canh chừng các buổi học kia, cũng đang cấy vào một bài học khác khẽ khàng hơn: học là chuyện chỉ dành cho lũ trẻ.
Khi đang xuống sảnh ở một giải đấu, tôi nhìn vào một lớp học thì thấy một nhóm cha mẹ cùng với một người tôi cho là giảng viên. Họ đang chơi cờ! Chỉ lúc ấy, cứ như thể đã được lập trình trước, một nhóm trẻ băng qua chỗ tôi đứng cũng ngó vào chứng kiến cảnh tượng kia. “Sao người lớn lại học chơi cờ?” một đứa hỏi, bằng một giọng có mơ hồ móc mỉa, trước sự ngạc nhiên nhất loạt. Chúng đi tiếp còn tôi chết dần mòn trước một tấm bảng thông báo tươi tắn.
Tôi chán cái cảnh phải chầu rìa. Tôi muốn tham gia. Và đó là cách mà tôi có thẻ hội viên từ Liên đoàn cờ vua Mỹ và bắt đầu dấn thân tham gia.
Thoạt đầu, tôi lo lắng, cho dù thật sự chẳng có gì để mất, ngoại trừ danh dự. “Một bậc thầy đôi khi cũng chơi dở tệ,” một đại kiện tướng cho hay, “còn người hâm mộ thì chẳng đời nào!” Và tôi chính là người hâm mộ: các nghi thức trang nghiệm, những trận chạm trán căng thẳng, bầu không khí căng đét. Đó là những ba giờ đồng hồ chuyên chú và tư duy dữ dội, điện thoại tắt. Tôi thấy cứ như đang bắt não tập gym.
Bắt đầu ở tuổi nào cũng khó, nhưng càng lớn tuổi lại càng khó khăn hơn. Não và cơ thể của trẻ em được dùng vào thao tác, thất bại, rồi tiếp tục thao tác. Chúng ta khen thưởng gần như bất cứ điều gì các em thực hiện, bởi vì sự cố gắng.
Với người lớn, chuyện phức tạp hơn. Cụm từ “người lớn mới bắt đầu” thoáng nét thương hại. Nó nực mùi những buổi học lại và những chiếc ghế chẳng lấy gì làm dễ chịu. Nó hàm ngụ việc học một cái gì đó lẽ ra ta nên học từ lâu.
Khi chọn theo đuổi một cái gì đó ta đã giỏi sẵn, ta cảm thấy an toàn. “Vừa già nhưng chẳng đủ cay cũng khó đa,” một người bạn vừa trở lại với khúc côn cầu sau nhiều thập kỷ nhận định. Chúng ta có thể bị phẫn chí khi mới bắt đầu tới mức chúng ta quên đi mất ai cũng từng bắt đầu với mọi chuyện, cho tới lúc ta thuần thạo.


Bài viết cùng tác giả:

Người lớn mới bắt đầu đối mặt với phiên bản mà giới huấn luyện thể thao gọi là “đe dọa rập khuôn”, khi một hình ảnh tiêu cực gắn liền với một nhóm vận động viên, và khiến họ cứ lặp đi lặp lại sai lầm - trong trường hợp này, đó là hình ảnh cho rằng càng già càng khó tiếp thu. Tồn tại một giọng nói ác tính, dằn vặt khẽ nói: “Mày muộn quá rồi. Hơi sức đâu mà chơi” Một ngày kia, ở giờ học bơi của con bé, tôi ấn tượng khi chứng kiến cú “đảo đầu” ở cuối lằn hồ khi đang bơi ngửa. Tôi không thể làm vậy được. “Sao con làm được vậy?” Tôi hỏi. “Ba phải là con nít,” con bé trả lời thản nhiên.
Tôi dần nhận ra, cái hình dung này gắn chặt trong cờ vua. Dường như có một mối quan hệ nào đó giữa độ tuổi bắt đầu học chơi cờ với thành công về sau tại các giải đấu. Hình dung ấy quá đỗi đậm nét trong trường hợp Magnus Carlsen, kỳ thủ số 1 thế giới, được xem như một kẻ ngoại lệ lý thú. “Khi lên năm,” một người kể lại, “ở độ tuổi bất cứ đại kiện tướng nào cũng chí ít đã bắt đầu, Magnus Carlsen lại tỏ ra thờ ơ với môn cờ.”
Ngồi đối diện các đấu thủ nhỏ tuổi hơn, tôi ra sức giữ trong đầu một ít lời khuyên học lóm từ quyển sách The Rookie của Stephen Moss, một cây bút trên tờ Guardian: hãy đối mặt với các đối thủ y hệt như với bất cứ ai khác.
Có lẽ chẳng dễ dàng. Cách các bạn trẻ chơi khiến tôi hoang mang. Đối diện với nỗi run sợ đớn đau của tôi, các bạn triển khai những đòn công vừa nhanh vừa tàn khốc - đôi khi hiệu quả, đôi lúc lại dại khờ. “Lũ trẻ cứ đánh thôi,” Daniel King, kiện tướng kiêm nhà bình luận người Anh chia sẻ với tôi. “Thứ tự tin ấy có thể rất khó chịu đối với đối thủ.”
Chẳng hạn trẻ em thể hiện mình nhanh nhẹn và chính xác hơn ở các bài kiểm tra về “chuỗi xác suất” - trong đó người tham gia phải đoán thử xem điều gì sẽ gây ra những hoạt động kế tiếp (chẳng hạn, nếu bấm A, X sẽ xảy ra).
Sau tuổi 12, khả năng này bắt đầu thui chột. Theo các nhà nghiên cứu, người ta bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào các “mô hình nội tại” của nhận thức và suy luận, thay vì những gì họ chứng kiến trước mặt. Nói cách khác, họ nghĩ quá sâu xa. Trong các trận cờ, nơi các đấu thủ trưởng thành của tôi cứ như đang chiến đấu với những con quái vô hình bên trong họ, lũ trẻ lại cứ như đang búng tay là ra nước đi.
Tôi bắt đầu dần tin vào đe dọa rập khuôn. Nếu thua một người lớn, tôi sẽ tự nuốt lấy các sai lầm của chính mình. Nhưng nếu thất bại trước một đứa trẻ, tôi bất giác sẽ hình dung về các em như một thần đồng chớm nở mà tôi chẳng có cơ chiến thắng.
Khi tôi hỏi huấn luyện viên về khác nhau giữa việc dạy người trưởng thành và dạy trẻ chơi cờ, ông nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Người lớn cần phải giải thích vì sao họ có nước đi như vậy.” Trẻ con, theo ông, “chẳng như vậy.” Ông so sánh việc này với ngôn ngữ. “Người lớn mới bắt đầu học quy luật ngữ pháp và cách phát âm rồi ứng dụng để sắp xếp thành câu. Trẻ con học ngôn ngữ bằng cách bi bô.”
Hình ảnh so sánh này sâu sắc hơn thoạt tưởng. Quả thật con gái tôi đang học chơi cờ như học ngôn ngữ đầu tiên, còn tôi lại như đang học ngôn ngữ thứ hai. Quan trọng hơn, con bé đang học từ thuở còn thơ.
Ngôn ngữ là một trong những sự nỗ lực (giống như âm nhạc, và có lẽ giống cả cờ) dường như sẽ rộ nở khi được học vào giai đoạn tạm gọi là “nhạy cảm”; khi ấy, một nhà nghiên cứu từng mô tả, “các hệ thống thần kinh đặc biệt nhạy cảm với các xung, và dễ dàng thay đổi khi bị kích ứng.”
Trái lại, vì tôi là một chuyên gia tiếng Anh đã trưởng thành, não của tôi có lẽ “quen” với âm thanh bản ngữ nên rất khó để tôi ướm thêm ngữ pháp mới. Những gì tôi biết sẽ ngăn cản cách tôi tiếp nhận những gì muốn biết. Lũ trẻ, khi biết ít hơn, lại học được nhiều hơn (nhà khoa học nhận thức Elissa Newport gọi đó là “giả thuyết càng ít-càng nhiều”).
Khó không có nghĩa là không thể. Các giai đoạn “nhạy cảm” không phải giai đoạn “quyết định”, và trong khoa học ta chẳng nên kết luận bất cứ điều gì cả. Kỹ năng có chất giọng chuẩn xác chẳng hạn, không chỉ cực hiếm mà từ lâu đã được xem là bất khả ngoại trừ trong một quãng tuổi thật hẹp từ bé, có thể được tập luyện khi đã trưởng thành, theo một nghiên cứu từ ĐH Chicago chỉ ra (mặc dù không đủ cao như ở những cá nhân sở hữu giọng “chuẩn chỉnh”).
Trẻ con thường tiến bộ bởi chúng là trẻ con, với cuộc sống chỉ quẩn quanh việc học, ít trách nhiệm, và với những bậc cha mẹ sẵn sàng ngợi khen. Trẻ cũng được khuyến khích: nếu ta giả sử bị rơi vào một hoàn cảnh hoàn toàn mới, như chính bọn trẻ, và nhận ra không thể giao tiếp cùng ai, có lẽ ta sẽ học theo khá là nhanh.
Có thể hiện giờ bạn đang tự hỏi rất thỏa đáng rằng, cớ gì tôi lại nhọc lòng đi học thêm một mớ những thứ chẳng liên quan chi tới nghề nghiệp? Việc gì phải bô ba trong các sở thích cá nhân đang lúc tôi đang mỏi mệt tìm cách đuổi theo các đòi hỏi của một môi trường làm việc chóng đổi mau thay?

Trước tiên, xin phép cho tôi nói rằng học một thứ như học hát hay học vẽ quả tình chẳng có mấy triển vọng hữu ích trong công việc của bạn - kể cả khi hiện tại điều này hãy còn chưa quá rõ ràng.
Học tập đã được xem là một cách đối phó hiệu quả với căng thẳng trong công việc. Khi nới rộng nhận thức về bản thể, và có thể khi trang bị thêm cho bản thân những khả năng mới, việc học trở thành “đệm ngăn căng thẳng”.
Claude Shannon, nhà bác học xuất chúng ở MIT góp phần phát minh ra thế giới số mà chúng ta đang sống ngày nay, đã lao mình vào đủ loại theo đuổi, từ tung hứng đến thi ca cho tới thiết kế những chiếc máy tính đeo được. “Hết lần này sang lần khác,” người viết tiểu sử của ông cho biết, “ông theo đuổi những dự án có thể khiến người ta cảm thấy xấu hổ, hay tham gia vào những câu hỏi tưởng như tầm phào hoặc nhỏ nhặt, rồi sau đó gắng sức từ đó bật ra những đột phá.” 
Thường xuyên rời khỏi vùng an toàn, ngay giữa thời điểm lịch sử này, khiến ta có cảm giác như việc ta làm cả đời. Tốc độ chóng vánh của các thay đổi công nghệ biến tất thảy chúng ta, theo nghĩa nào đó, thành “những kẻ mãi mãi bắt đầu”, lúc nào cũng nằm trên triền dốc học hỏi, khi tri thức chúng ta thường xuyên phải cập nhật, như điện thoại. Chỉ có một vài người trong chúng ta có thể duy trì sức tập trung hết mực vào “nhất nghệ trọn đời.” Kể cả khi vẫn làm cùng một công việc, các kỹ năng yêu cầu vẫn không ngừng thay đổi. Càng sẵn lòng trở thành những kẻ khởi đầu gan dạ, ta sẽ càng tiến bộ hơn. Như Ravi Kumar, chủ tịch Infosys nhà khổng lồ công nghệ thông tin, mô tả: “Ta phải học để học, học để quên đi, và học để học trở lại.”
Thứ hai, học tập tốt cho chúng ta. Tôi không có ý chỉ xoay quanh chính những gì chúng ta học - học hát hay học vẽ hay học lướt sóng - đều tốt (dù quả là vậy, cách nào thì chốc tôi sẽ tiếp). Ý tôi muốn trình bày là học thêm kỹ năng tự nó đã rất hữu ích cho chúng ta.
Học gì cũng không mấy quan trọng - thắt nút thủy thủ hay nặn gốm. Học một cái gì đó mới mẻ đầy thử thách, nhất là cùng với một nhóm người, mang lại những lợi ích được chứng minh cho “cỗ máy luôn tìm mới” tức bộ não chúng ta. Bởi sự mới mẻ tự thân dường như đã kích thích việc học tập, học đủ điều mới mẻ cùng lúc có thể còn tốt hơn nữa. Một nghiên cứu yêu cầu người trưởng thành tuổi từ 58 tới 86 tiến hành theo học đồng thời nhiều bộ môn khác nhau - từ tiếng Tây Ban Nha tới sáng tác tới vẽ tranh - thấy rằng chỉ sau vài tháng, người theo học không chỉ cải thiện những gì họ chọn theo học, mà còn cả sự nhuần nhị khi thực hiện các bài kiểm tra nhận thức. Họ quay trở lại cái đồng hồ đo quãng đường trong não bộ đâu đó 30 năm, làm bài kiểm tra xuất sắc hơn một nhóm không theo học.
Bản thân họ cũng thay đổi nhiều cách khác nhau: họ thấy tự tin hơn, họ thấy ngạc nhiên khoan khoái trước những kết quả đạt được, và tiếp tục giao du với nhau sau khi nghiên cứu kết thúc.
Học kỹ năng dường như còn mang lại thêm những thứ khác chứ chẳng về kỹ năng mà thôi. Một nghiên cứu khảo sát trẻ em học bơi cho thấy những lợi ích nằm ngoài bơi lội. Trẻ giỏi hơn ở các bài kiểm tra thể chất, chẳng hạn cầm nắm và phối hợp tay-mắt, hơn trẻ không học bơi. Các em cũng làm tốt hơn các bài kiểm tra đọc và toán biện luận so với trẻ không học bơi, thậm chí khi đã tính tới các yếu tố như tình trạng kinh tế xã hội của gia đình.
Nhiều nghiên cứu hay gợi ý trên đây đều hướng tới trẻ em. Chẳng hạn, cờ vua được xem như cách để cải thiện sức và khả năng tập trung của trẻ, để củng cố các kỹ năng giải quyết vấn đề, thúc đẩy tư duy sáng tạo. Nhưng tôi cũng bắt đầu tin rằng khi một môn nào đó được ca ngợi là tốt cho trẻ thì nó thậm chí còn tốt hơn với người lớn, một phần là vì chúng ta tưởng mình chẳng còn cần đến những lợi ích mà hoạt động đó được cho là có thể mang lại.
Còn cách chữa trị nào tốt hơn cho căn bệnh “nghiện smartphone” hơn hai giờ đồng hồ thiêu cháy mắt và não lên 64 ô cờ, ra sức phân tích gần như mọi biến thể của các nước đi của mình và của đối phương?
Học thêm kỹ năng cũng thay đổi cả cách chúng ta tư duy, hay cách ta nhìn nhận thế giới. Học hát thay đổi cách ta nghe nhạc, còn học vẽ lại giống như bài vỡ lòng đặc biệt để đi vào hệ thống tư duy hình ảnh của con người. Học hàn xì là khóa vỡ lòng cho vật lý và luyện kim. Ta học lướt sóng và bất thình lình tìm thấy ham thích trong thời khóa biểu về thủy triều, hệ thống báo bão, và thủy động lực của các cơn sóng. Thế giới của ta to lớn hơn bởi ta to lớn hơn.
Cuối cùng, nếu như con người vẫn còn tìm kiếm sự mới mẻ, và mới mẻ giúp chúng ta học, thì học tập có thể trang bị chúng ta cách làm thế nào để đối phó tốt hơn với những mới mẻ tiếp theo. “Hơn bất kỳ loài vật nào, con người chúng ta luôn dựa vào khả năng học tập,” nhà tâm lý Alison Gopnik từng quan sát. “Bộ não to lớn lẫn khả năng học tập mãnh liệt của chúng ta tiến hóa, trước tiên, nhằm để đối phó với thay đổi.” Chúng ta luôn luôn dao động qua lại giữa những thời điểm khi ta bất lực và khi ta thuần thục. Đôi lúc, chúng ta ra sức tìm cho ra cách thực hiện một điều gì đó mới mẻ.
Đôi lúc, chúng ta đọc sách hay tìm một video hướng dẫn. Đôi lúc, ta chỉ phải nhắm mắt đưa chân vào vùng trời mới.
k.