Hãy trở thành người bạn ghét | Tâm lý học (Shadow) - Phần 3
Cách nhận biết phần nhân cách xấu xa của bạn.
Bài viết này sẽ nói về cách bạn nhận biết được mặt tối trong con người mình.
Nếu shadow nằm trong phần tiềm thức, thì làm thế nào bạn nhận biết được nó?
Trước kia, khi không có khoa học kỹ thuật, chưa có máy siêu âm, máy chụp X-quang, các thầy thuốc tìm ra bệnh bằng cách hỏi triệu chứng của bệnh nhân. Tương tự, đây sẽ là cách giúp bạn nhận biết được shadow của mình: HÀNH VI VÀ CẢM XÚC.
1. Hành vi
Mình nêu những hành vi cụ thể mình quan sát được nha, bạn có thể lấy giấy liệt kê xem điểm nào giống mình:
- Overthinking: kiểu người luôn lo lắng quá mức dưới cái mác tính toán cho tương lai. Sợ hết tiền, sợ không ai yêu mình, sợ nhảy việc thì chết đói, sợ tỉ thứ trên đời trong khi chẳng có dấu hiệu nào chứng minh nỗi sợ sẽ xảy ra. Biểu hiện này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân: tự ti, né tránh hiện tại bằng cách suy nghĩ về tương lai, không muốn đối mặt với cảm xúc của mình nên thay bằng suy nghĩ…
- People pleasing: kiểu hy sinh bản thân vì người khác. Sợ người khác đánh giá, sợ người khác không thích mình, sợ bị cô lập nên vô cùng cả nể và không dám làm mất lòng mọi người. Sẵn sàng chịu thiệt để người ta được vui.
- Trì hoãn hoặc trốn tránh vấn đề: kiểu người muốn làm nhiều việc nhưng không thật sự bắt tay vào làm gì. Biểu hiện này rất hay gặp và xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Họ trốn tránh những khó khăn có thể gặp phải khi làm việc bằng cách chơi bời, hoặc họ sợ thất bại nên thà rằng không làm.
- Chỉ trích bản thân: kiểu người tự chê bai mình trước khi người khác kịp nói gì. Tự làm mình tổn thương trước khi ai đó làm tổn thương họ. Sau khi tự chê bản thân, họ có thể sẽ trông chờ người khác phản bác lại ý kiến của họ và nói rằng: “Không phải đâu, bạn giỏi mà/tốt mà/xinh mà abc”.
- Mờ nhạt: kiểu người sợ bị chú ý, tránh nêu ý kiến, tránh xung đột. Bởi vì họ sợ quan điểm của mình sẽ bị chế giễu hoặc sợ làm người khác tổn thương.
- Lý trí: kiểu người luôn kìm nén bản thân. Mình không nên có những cảm xúc như thế này, mình không được có những suy nghĩ hoặc hành vi như thế kia. Lập tức gạt bỏ ngay những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực như ghen tị, yếu đuối, mệt mỏi...
- Phê phán: kiểu người có cái tôi quá mạnh, hay coi thường và chỉ trích người khác.
- Đóng vai nạn nhân: thích đổ lỗi, không chịu nhận sai.
- Nghiện: kể cả sở thích có là tích cực hay không, thì khi quá mức nghiện một thứ gì đấy, bạn cũng có vấn đề. Từ việc nghiện sex, nghiện chất kích thích, nghiện xem phim, mạng xã hội đến nghiện làm việc, nghiện chơi trò cảm giác mạnh hoặc nghiện đồ ăn.
Mình mắc nhiều hành vi kể trên lắm. Hay trì hoãn, muốn làm hài lòng người khác, sợ nêu ý kiến và nghiện nữa. (nhưng mình không nói mình nghiện gì đâu :))))
2. Cảm xúc.
- Tự ti, xấu hổ, luôn nghĩ mình không đủ tốt hoặc mình có vấn đề: kiểu này liên quan nhiều đến tổn thương trong quá khứ, có thời thơ ấu không êm mượt lắm.
- Vô cảm: không quan tâm đến ý kiến, cái nhìn và cảm xúc của người khác. Thực ra kiểu người này vô cùng sợ bị tổn thương nên họ chọn cách tắt cảm xúc của mình. Mắt không thấy tim không đau.
- Tìm kiếm lời khen và công nhận từ bên ngoài./ Thèm khát tình yêu hoặc không tin vào tình yêu.
Hai biểu hiện trên có thể xuất phát từ việc nhu cầu của bạn đã không được đáp ứng trong quá khứ. Cho dù bố mẹ có quan tâm đến các bạn như thế nào, thì chắc chắn họ cũng không thể đáp ứng được 100% những gì bạn mong muốn. Bạn muốn bố mẹ chỉ quan tâm đến một mình bạn nhưng bạn lại là con thứ trong gia đình có ba anh chị em chẳng hạn. Vì thế lớn lên, bạn luôn cố gắng được người khác công nhận, muốn trở thành người quan trọng (cả sự nghiệp lẫn tình yêu).
3. Bảng đặt câu hỏi
Sau khi đã liệt kê được những hành vi của mình, chúng ta có thể tìm ra mặt bóng tối của mình bằng cách đặt câu hỏi. Có hai cách đặt câu hỏi:
a) Đặt câu hỏi kiểu bậc thang:
Ví dụ, khi phát hiện ra mình luôn cố gắng làm hài lòng người khác, mình đã tìm ra shadow của mình bằng cách này:
- Tại sao mình luôn cố gắng làm hài lòng người khác? => Bởi vì mình sợ người khác không vui. Nếu không vui, người ta không còn thích mình nữa.
- Tại sao mình sợ người khác không thích mình? => Vì mình sợ cô đơn và bị cô lập. Mình không tự tin có thể sống một mình mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.
- Tại sao mình không tự tin? => Vì trước kia mẹ mình luôn không hài lòng với những gì mình làm được.
Kiểu như vậy. Sau khi tự đặt câu hỏi, mình phát hiện shadow của mình là tự ti, luôn thấy mình không đủ tốt. Điều nghịch lý là, mình luôn tỏ ra (và tất cả mọi người cũng tưởng) mình tự tin và giỏi giang lắm.
b) Bộ câu hỏi mẫu:
Nếu cách làm trên không giúp bạn nhận ra vấn đề, thì bạn có thể trả lời những câu hỏi mẫu dưới đây nhé:
- Vào thời điểm nào bạn hình thành nên loại hành vi này?
+ Thời gian: khi còn bé, khi bạn mới đi làm, khi bạn chia tay người yêu…
+ Địa điểm: ở nhà, ở trường, nơi công sở…
+ Đối tượng: cha mẹ, bạn học, thầy cô, đồng nghiệp, sếp, người yêu cũ, người yêu hiện tại…
- Mục đích hình thành nên loại hành vi này là gì?
Dù biểu hiện có tiêu cực đến mấy, thì mục đích của shadow cũng là bảo vệ bạn khỏi bị tổn thương. Bạn trì hoãn làm việc để không cảm thấy thất vọng nếu gặp thất bại, bạn vô cảm để không ai có thể làm bạn buồn. Bạn hay bắt người yêu thể hiện tình cảm với mình vì bạn không có cảm giác an toàn...
- Những sự kiện hoặc tình huống nào khiến bạn nhận thấy rõ mình đang hành động dưới sự điều khiển của shadow? Vào lúc đó bạn có cảm xúc hoặc suy nghĩ như thế nào?
- Có ai trong gia đình cũng có kiểu shadow giống bạn không?
Có một thuật ngữ gọi là "nỗi đau thế hệ", hiểu đơn giản thì nếu bạn có vấn đề trong một phương diện nào đó, khả năng cao là con bạn cũng gặp phải vấn đề đó. Mình từng rất ghét mẹ mình khi mẹ luôn muốn kiểm soát mình, nên lớn lên mình khá nổi loạn và không thích nghe lời ai cả. Kể cả đối phương có ý tốt nhưng nói bằng giọng mệnh lệnh là mình sẵn sàng block luôn. Sau đó mình phát hiện ra bản thân mình cũng là một người thích kiểm soát và muốn người khác làm theo lời mình thôi, chẳng qua mình che giấu nó quá sâu. Con cái thường giống bố mẹ, nên việc trả lời câu hỏi cuối cùng này khá là quan trọng đấy.
Bài hôm nay hơi dài nên mình không gộp phần shadow work vào nữa. Hẹn gặp lại các bạn ở kì cuối nhé.
Nếu có hứng thú với chủ đề này hoặc tò mò với các quan điểm về con người và cuộc sống, có thể ghé thăm channel của mình nha. Love :x
Xem những phần khác tại đây:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất