Hành trình "hoàn thiện" văn học trinh thám
Truyện trinh thám rất khác biệt so với tất cả các thể loại tiểu thuyết khác, tác giả phải có hiểu biết rất sâu rộng. Điều đó hoàn toàn đúng với Conan Doyle.
Hồi tôi còn học cấp 2, vào những năm 2012-2013 là lúc bộ Manga “thám tử lừng danh Conan” bắt đầu nổi đình nổi đám. Cũng như mọi người khác, tôi mày mò đọc thử mấy chương và thấy nó hay thật, từ cách thức gây án và phương pháp phá án. Tôi cũng đưa cho mẹ, bởi bà là một người rất thích những câu chuyện hay những bộ phim trinh thám kiểu đó. Bà mới cười và đưa cho tôi một cuốn Sherlock Holmes, bảo đọc thử, đặc biệt là những tập như “Dải băng lốm đốm”, “Bộ mặt vàng vọt”, “Thung lũng khủng khiếp”, và “Con chó của dòng họ Baskerville”. Nó thực sự là những câu chuyện lôi cuốn, kì bí và khiến người đọc phải tò mò cho tới những dòng cuối cùng. Ấy là cách mà tôi được giới thiệu và tiếp xúc với 2 thám tử giả tưởng nổi bật nhất của nhân loại, Sherlock Holmes của Sir Arthur Conan Doyle, cũng như là Hercule Poirot của Agatha Christie.
Truyện trinh thám rất khác biệt so với tất cả các thể loại tiểu thuyết khác. Để viết nên được một câu chuyện đủ ly kỳ và lôi cuốn, tác giả phải có hiểu biết rất sâu rộng về các chuyên môn khác nhau như tâm lý học và y học. Điều đó hoàn toàn đúng với Conan Doyle, khi mà nghề viết ban đầu chỉ là một nghề tay trái của ông. Vậy chuyên môn chính của ông là gì? Làm sao ông có thể tạo nên một nhân vật biểu tượng lớn của văn hóa đại chúng?
Tiểu sử
Arthur Ignatius Conan Doyle chào đời ngày 22/5/1859 tại Edinburgh, Scotland. Cha ông, ngài Charles Altamont Doyle là người Anh, là hậu duệ của một gia đình công giáo Ireland. Mẹ ông, bà Mary, cũng là một người theo đạo công giáo. Khi Conan Doyle chỉ vừa mới 5 tuổi, gia đình tan vỡ bởi chứng nghiện rượu của ông Charles ngày càng nghiêm trọng hơn. Arthur phải dành một phần tuổi thơ tá túc cùng dì của một người bạn trên một căn phòng trọ tại đường Gilmerton.
Phải mất tới 3 năm, những rắc rối tồn tại bên trong gia đình mới được giải quyết. Có được sự giúp đỡ từ các cô chú giàu có trong họ hàng, ông được gửi tới Anh Quốc để học tại trường Dòng Cơ đốc giáo St. Marys Hall, rồi sau đó vào trường Stonyhurst. Nhưng tới năm 16 tuổi thì Arthur bỏ học cùng các giáo lý của đạo Cơ đốc. Ông nói rằng bản thân không có những ký ức vui vẻ lắm trong quãng thời gian còn đi học này. Ngôi trường mà ông theo học vẫn duy trì những nguyên tắc từ thời trung cổ, còn các môn học được dạy chỉ là hình học Euclid, đại số, văn học kinh điển và hùng biện. Ông cũng thấy môi trường học tập ở đây rất khắc nghiệt, thay vì dùng sự ấm áp và lòng trắc ẩn để dạy dỗ học sinh, họ ủng hộ việc đe dọa và trừng phạt thể chất. Cũng từ đó, ông chối bỏ Thiên Chúa giáo để theo chủ nghĩa bất khả tri (agnosticism), vốn là một thuyết cho rằng các tuyên bố thần học và sự tồn tại của Chúa Trời là không đáng tin. Nhưng dù sao, những kiến thức khi còn học tại trường sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách văn học của ông về sau. Tới mãi sau này, Conan Doyle cũng thừa nhận rằng “những bài học dù chúng có ngu ngốc tới đầu cũng sẽ giúp hình thành nên một gánh nặng tinh thần, ép người ta cải thiện trí óc của bản thân”.
Sau khi rời trường dòng đền, ông theo học ngành Y tại đại học Edinburgh từ năm 1876-1881, vừa đi học, vừa đi làm tại thị trấn Aston, Sheffield và Ruyton-XI-Towns để trang trải chi phí. Trong khoảng thời gian còn theo học ngành thực vật học tại Vườn thực vật Hoàng Gia Edinburgh, ông đã bắt đầu viết các tập truyện ngắn cho các tờ báo địa phương. Và đây cũng là khi sự nghiệp văn chương của ông được bắt đầu.
Sự ra đời của thám tử Sherlock Holmes
Tiểu thuyết đầu tiên mà ông viết trong khoảng thời gian này, “The Haunted Grange of Goresthorpe”, đã được gửi tới tạp chí Blackwood nhưng không được đăng. Tác phẩm đầu tiên được phát hành trên tờ Chambers’s Edinburgh Journal, “The Mystery of Sasassa Valley” vào tháng 9/1879. Không chỉ dừng lại ở tiểu thuyết và truyện ngắn, ông cũng gửi xuất bản các bài viết học thuật trên tờ “Nhật Báo Y khoa Anh Quốc”, trong đó có bài “Gelsemium trên góc nhìn như một loại chất độc”. Bài viết nghiên cứu này về sau được tờ Daily Telegraph ghi nhận là một trong những bài viết hữu ích nhất trong hỗ trợ điều tra các vụ hạ độc vào đầu thế kỷ 21.
Còn đối với loạt tác phẩm nổi tiếng nhất của Conan Doyle, những câu chuyện phá án ly kỳ của thám tử Sherlock Holmes và bác sĩ Watson, đã được ra đời từ năm 1886. Câu chuyện đầu tiên, “A study in Scarlet”, tạm dịch là “Truy tìm sợi chỉ đỏ”, nhưng bằng một cách nào đó lại có nhiều bản dịch đề là “Chiếc nhẫn tình cờ”, được Conan Doyle viết chỉ trong 3 tuần. Nhưng ông rất khó khăn trong việc tìm nhà xuất bản nhận in tác phẩm này của mình. Tới mãi 20/11/1886, nhà xuất bản “Ward Lock & Co” mới chấp nhận lời đề nghị của Conan Doyle, và trả cho ông 25 bảng Anh tiền tác quyền, tương đương với 83 triệu đồng ngày nay. Một năm sau, câu chuyện mới tới được độc giả trong tạp chí “Beeton’s Christmas Annual”.
Câu chuyện gây được sự chú ý và nhận được các đánh giá tích cực từ các nhà phê bình văn học. Trong đó, tờ “The Scotland” và “The Glasgow Herald” nhận xét rằng “câu chuyện có hướng tiếp cận rất tốt, cốt truyện tuyệt vời, kết thúc bất ngờ, và văn phong của tác giả vô cùng xuất sắc”.
“A Study in Scarlet” giới thiệu tới đại chúng nhân vật Sherlock Holmes, một thám tử tài ba, và người bạn đồng hành của ông, bác sĩ John Watson. Hai người được sở cảnh sát Scotland Yard nhờ giúp đỡ phá giải một vụ án mạng trong phòng kín, từ đó mà dẫn tới một cuộc truy tìm hung thủ từ London tới tận Utau, Hoa Kỳ, hé lộ một bí mật kinh hoàng đằng sau vụ án mạng. Câu chuyện kết thúc với việc Sherlock Holmes và John Watson trở thành bạn bè thân thiết, tiếp tục hợp tác cùng với nhau để giải quyết những vụ án trong tương lai.
Đây cũng là câu chuyện nền tảng để tạo ra hình ảnh của nhân vật Sherlock Holmes tới đại chúng. Một trong số những yếu tố đặc sắc nhất trong “A Study in Scarlet” là cách thức suy luận và những phân tích tinh tế của Sherlock Holmes trong khi giải quyết vụ án. Nhân vật này sử dụng các chi tiết nhỏ và hình ảnh trong vụ án để tìm ra các liên kết một cách Logic, kết hợp với khả năng quan sát, các kiến thức có tính ứng dụng cao về khoa học, tâm lý học, giải phẫu học để tìm ra đầu mối và sâu chuỗi chúng. Hình mẫu này được Conan Doyle giữ nguyên và áp dụng xuyên suốt tất cả những câu chuyện về sau.
Để tạo ra nhân vật này, Conan Doyle viết trong một bức thư gửi cho Joseph Bell, một giáo sư của ông khi còn học tại trường đại học Edinburgh:
“Chắc chắn rằng em nợ thầy nhân vật Sherlock Holmes. Em đã cố gắng xây dựng một người đàn ông từ sự suy luận và quan sát sâu sắc của thầy.”
Cũng trong cuốn tự truyện năm 1924 của Conan Doyle,
“Sau khi tìm hiểu về một người như Joseph Bell, tôi đã sử dụng và đẩy cao các phương pháp của thầy để tạo ra một thám tử khoa học, giải quyết các vụ án bằng chính năng lực của mình chứ không nhờ sự ngu ngốc của tên tội phạm”.
Điều gì khiến Sherlock Holmes trở nên nổi tiếng?
Có thể nói, sự bùng nổ của Sherlock Holmes bên cạnh chính tài năng của Conan Doyle thì còn là do nó được ra mắt vào đúng thời điểm. Theo lời của chính Doyle, vào khoảng thời gian ấy, trong các câu chuyện trinh thám, vấn đề luôn được giải quyết một cách ngẫu nhiên mà không có lời giải thích thỏa đáng. Trong một lần ông được trực tiếp chứng kiến thầy Joseph Bell chẩn đoán cho bệnh nhân, thầy không để cho người bệnh nói bất cứ gì về tình trạng bệnh lý của mình. Chỉ thông qua những quan sát tỉ mỉ, ông không chỉ bắt bệnh một cách chính xác, mà còn có thể nêu rõ được nghề nghiệp, xuất xứ của người bệnh. Nó đã trở thành một đặc trưng của nhân vật Sherlock, và cũng thôi thúc Doyle xây dựng một nhân vật thám tử giải quyết vụ án một cách khoa học nhất.
Bên cạnh hình mẫu là chính người thầy của mình, Conan Doyle cũng thừa nhận rằng bản thân chịu ảnh hưởng rất lớn từ phong cách của nhà văn - nhà thơ nổi tiếng thuộc thế hệ trước đó, Allan Edgar Poe. Ông cho rằng những câu chuyện của Allan Edgar Poe là “hình mẫu cho mọi thời đại”. Theo những phân tích của Drew R. Thomas, “nếu các bạn đã quen thuộc với 3 câu chuyện trinh thám của Poe về thám tử Chevalier C. Auguste Dupin, các bạn sẽ thấy được cách mà Conan Doyle áp dụng tốt khuôn mẫu mà Poe đã tạo ra. Thậm chí, là còn cải tiến nó.”
Thật vậy, nếu so sánh một vài câu chuyện của Allan Edgar Poe và Conan Doyle, chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra được những sự tương đồng nhất định. Ví dụ như ngay “A Study in Scarlet” của Doyle và “The Murder in the Rue Morgue” của Poe, cả hai câu chuyện đều xoay quanh việc giải quyết một vụ án bí ẩn. Tuy nhiên, Poe chỉ tập trung chủ yếu vào nhân vật chính Dupin, và sử dụng yếu tố bí ẩn và quá trình giải mã để tạo ra sự căng thẳng trong suốt thời lượng câu chuyện. Còn đối với “A Study in Scarlet”, Doyle vẫn sử dụng yếu tố bí ẩn và quá trình phá án ấy, nhưng thêm vào nhân vật John Watson như là một nhân vật trung gian với vai trò của một người quan sát, kể lại câu chuyện cho độc giả. Và cũng chính nhờ nhân vật này, Conan Doyle có cơ hội khai thác tâm lý của các nhân vật, đưa các nhân vật tới gần với độc giả hơn, đồng thời giúp độc giả hiểu rõ hơn về các sự kiện diễn ra trong câu chuyện.
Bên cạnh việc liên tục kết hợp yếu tố trinh thám và khai thác tâm lý nhân vật, một yếu tố khác được đánh giá rất cao trong chuỗi các câu chuyện về Sherlock Holmes là yếu tố khoa học. Lấy lợi thế là một bác sĩ, liên tục nghiên cứu và tìm hiểu, ông vận dụng luôn các kiến thức mới làm nền tảng và xây dựng tình tiết của các vụ án, có thể lấy ví dụ như lúc ông sử dụng việc phân tích huyết thanh để giải quyết một vụ án trong tập truyện nối tiếp “A Study in Scarlet”, “The Sign of Four” - “Theo dấu bộ Tứ” ra mắt năm 1890. Những câu chuyện về thám tử Sherlock Holmes được đón nhận nồng nhiệt bởi đại chúng, đưa Conan Doyle trở thành một tác giả nổi tiếng, rất tiếc rằng số liệu bán ra của các tập truyện vào thời điểm đó không được ghi lại cụ thể.
Khi đó, dưới sự giám sát của công ty Ward Lock, Doyle cảm thấy bị họ bóc lột nặng nề với tư cách là một tác giả mới bước chân vào ngành. Ngay sau “The Sign of Four”, ông rời bỏ công ty này để về với “Strand Magazine”. Tới năm 1892, tập truyện ngắn “The Adventure of Sherlock Holmes” bao gồm 12 vụ án khác được xuất bản, trong đó có những vụ nổi bật nhất như “Vụ lùm xùm ở Bohemia”, “Năm hạt cam khô”, “Người đàn ông môi trề”, hay “Dải băng lốm đốm”.
Nỗ lực kết liễu Sherlock Holmes
Dù Holmes là nhân vật đưa Conan Doyle lên đỉnh vinh quang, mối quan hệ của ông với Holmes khá là rắc rối. Tháng 11/1891, ông đã viết trong một bức thư gửi mẹ mình, “con đang có ý định sẽ giết Holmes một lần và mãi mãi. Anh ta giữ tâm trí của con khỏi làm những điều tốt đẹp hơn”. Vào thời điểm ấy, Conan Doyle muốn tập trung viết các tác phẩm khác. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, bao gồm tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết kinh dị, các tác phẩm hư cấu và phi hư cấu. Thật tình mà nói thì đây cũng là những tác phẩm xuất chúng. Tuy vậy, Sherlock Holmes đã trở nên quá nổi tiếng, điều này khiến Doyle cảm thấy áp lực và dừng hẳn việc viết thêm các câu chuyện về nhân vật này để có thể thực hiện các tác phẩm khác. Trong nỗ lực muốn ngăn sự thèm khát các câu chuyện về Sherlock Holmes của các nhà xuất bản, Conan Doyle đã đưa ra một mức giá không tưởng để khiến họ nản lòng. Nhưng các nhà xuất bản sẵn sàng đáp ứng cái giá trên trời của Doyle, biến ông thành một trong những tác giả được trả lương cao nhất trong thời đại của mình. Bà Mary sau khi nghe ý định của con trai mình muốn kết liễu chàng thám tử nổi tiếng, bà ngay lập tức phản hồi lại một cách ngắn gọn,
“Con không được phép giết anh ta, và cũng không thể giết anh ta”.
Tới tháng 12/1893, Conan Doyle khiến cho Sherlock Holmes phải đối mặt với kẻ thù lớn nhất, và nguy hiểm nhất của mình, giáo sư Moriarty, trong tập truyện “The Final Problem”. Ông kết thúc tập truyện với sự kiện Holmes và Moriarty đấm nhau, để rồi cùng nhau rơi mất dạng xuống vực Reichenbach. Sau đó, Conan Doyle xác nhận với độc giả rằng Holmes đã chết trong cuộc chiến này. Không phải bàn tới sự nổi đóa của truyền thông và đại chúng khi ấy. Fan hâm mộ mặc áo tang và cầm di ảnh của Sherlock diễu hành khắp thành phố và dưới trụ sở của các nhà xuất bản. Những lá thư từ độc giả bắt đầu được gửi ồ ạt tới căn hộ của Conan Doyle. Nhẹ nhàng thì bày tỏ sự tiếc nuối và mong ông sẽ tiếp tục các câu chuyện của Sherlock Holmes, nặng nề thì dọa sẽ truy sát nếu ông không viết tiếp.
Dưới sức ép của dư luận, gần 10 năm kể từ “The Final Problem”, Conan Doyle đã viết tiếp tiểu thuyết “The Hound of the Baskervilles”, xuất bản năm 1901, rồi chính thức hồi sinh Sherlock Holmes trong tập truyện “The Adventure of the Empty House” năm 1903. Doyle giải thích rằng Holmes đã giả chết để tránh khỏi sự săn đuổi của tổ chức Moriarty, đồng thời cũng để theo đuổi một kẻ nguy hiểm khác là Sebastian Moran. Pha đội mồ sống dậy của Holmes một lần nữa lại tạo ra cơn sốt cho toàn thế giới, đưa chàng thám tử vào danh sách một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tới văn hóa đại chúng đầu thế kỷ 20 cho đến hiện tại, kể cả khi câu chuyện cuối cùng về Holmes được Conan Doyle cho xuất bản từ năm 1927. Vậy, Arthur Conan Doyle đã có những trải nghiệm gì để khiến Sherlock Holmes trở thành một tác phẩm xuất chúng?
Những trải nghiệm của Conan Doyle để tạo ra những câu chuyện đầy thú vị
Có thể nói, Conan Doyle là một người đa năng và không ngại thử bất cứ điều mới mẻ nào tới với ông trong cuộc sống.
Mấy ai biết ông cũng là một vận động viên có tiếng ở rất nhiều các môn thể thao khác nhau. Khi còn sinh sống tại Southsea, một vùng ven biển thuộc thành phố Portsmouth, Doyle từng chơi bóng đá ở vị trí thủ môn cho câu lạc bộ thành phố với cái tên A. C. Smith. Ông cũng là một vận động viên Cricket, chơi 10 trận thuộc giải hạng nhất cho Marylebone Cricket Club vào khoảng những năm 1899-1907. Thậm chí, Conan Doyle còn là một trong 3 giám khảo của cuộc thi thể hình lớn đầu tiên được tổ chức trên thế giới bởi ông tổ của ngành này, Eugen Sandow. Ông cũng là một tay đấm bốc thiện chiến, một tay đánh golf cừ khôi, và là một cơ thủ billiards tài giỏi.
Ngoài ra, ông cũng tự thành lập một câu lạc bộ súng trường ở chính ngôi nhà của mình, Undershaw Rifle Club. Thậm chí Conan Doyle cũng rất giỏi bắn súng, là nhà vô địch của một vài giải đấu nhỏ trong khu vực. Ông tự xây dựng một trường bắn rộng 100 yard và dạy cho những người đàn ông địa phương biết cách sử dụng súng. Bởi lẽ sự kém cỏi của quân đội Anh trong cuộc chiến tranh Boer là nguyên do chính khiến ông tin rằng người dân nói chung cũng cần phải được đào tạo về kỹ năng bắn súng.
Tất cả những kỹ năng thuộc các bộ môn thể thao này cũng đã được thể hiện rất rõ trong các tập truyện Sherlock Holmes khác nhau. Ví dụ như trong truyện “The Solitary Cyclist”, nhân vật chính nhận ra kẻ đánh thuê được huấn luyện quyền anh từ những cú đánh của hắn, hay trong truyện “Silver Blaze”, Holmes sử dụng kiến thức từ đua ngựa để phát hiện ra kẻ trộm và chăm sóc cho chú ngựa “Ánh lửa Bạc” sau khi nó bị đánh cắp.
Conan Doyle cũng có niềm đam mê mãnh liệt trong việc phân tích các vụ án, điển hình là khi ông thành lập “The Crime Club”, một câu lạc bộ chuyên bàn luận và mổ xẻ các vụ án có thật cùng những yếu tố liên quan như tội phạm học và các phương pháp nghiệp vụ. Ông thậm chí cũng đã từng tự mình phá giải một vài vụ án ngoài đời, như việc minh oan cho một chàng thanh niên lai Ấn khỏi bị án tù oan.
Bản thân Arthur Conan Doyle cũng đã được phong tước vị hiệp sĩ bởi vua Edward VII vì những đóng góp của mình cho văn học Anh Quốc, và hơn nữa, là vì các hoạt động tự nguyện của mình cho đất nước trong thời điểm chiến tranh Boer diễn ra. Ông đã từng là bác sĩ tình nguyện tại bệnh viện dã chiến Langman ở Bloemfontein năm 1900 trong chiến tranh Boer lần thứ 2 tại Nam Phi. Cuối năm đó, ông cũng viết một cuốn sách tựa là “The Great Boer War”, cùng một tác phẩm ngắn “The War in South Africa: Its Cause and Conduct”, trong đó ông đáp lại những lời chỉ trích về vai trò của nước Anh trong trận chiến, và lập luận hợp lý hóa vai trò đó.
Cuộc sống đời tư và những năm cuối đời
Conan Doyle là một kẻ đa tình. Ông gặp và kết hôn với người vợ đầu, bà Louisa Hawkins, từ những ngày tháng khó khăn nhất của sự nghiệp. Khi đó, ông còn theo nghiệp chính là một bác sĩ, nhưng công việc không mấy được suôn sẻ. 2 lần tự mở phòng khám riêng sau khi trở về như một bác sĩ trên những con thuyền sang châu Phi, ông không có nhiều bệnh nhân. Cũng bởi vậy mà ông có nhiều thời gian rảnh để tận dụng viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Khi đó, bà Louisa là chị của một bệnh nhân được Doyle chữa trị. Cảm kích với sự cố gắng của ông, bà và Doyle kết hôn và có với nhau 2 người con. Cũng chính bà là người khuyến khích Doyle tập trung theo nghiệp văn chương chứ không làm một bác sĩ nữa. Nhưng cuộc sống gia đình không được bao lâu, bà Louisa mắc bệnh lao, mặc cho nỗ lực chữa chạy của Doyle, bà vẫn không qua khỏi rồi giã từ cõi đời vào năm 1907.
Nhưng trong khi chạy chữa cho Louisa, Doyle đã rơi vào lưới tình của Jean Elizabeth Leckie từ năm 1897. Họ giữ mối quan hệ bí mật trong hơn 10 năm, để rồi chính thức kết hôn 1 năm sau khi Louisa qua đời. Điều này đã khiến 2 người con của ông với người vợ đầu bất mãn, tới mãi cho đến khi Doyle ở những năm cuối của cuộc đời, mối quan hệ của ông với các con mới được hàn gắn phần nào. Ông có thêm 3 người con nữa với bà Leckie, nhưng tất cả các con của Doyle không có con cái, nên ông không hề có hậu duệ nối dõi.
Tình yêu của Arthur Conan Doyle với bà Leckie mạnh mẽ tới mức khi ông qua đời năm 1930 vì trụy tim trong vòng tay của vợ, lời cuối cùng ông nói là “You are wonderful” rồi mỉm cười ra đi. Đối với ông, cuộc sống là một hành trình quý giá, và con người nên trải qua hành trình ấy một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất. Cũng như những lời ông để lại trong bức thư gửi vợ mình không lâu trước khi qua đời, “Cuộc sống là một đồng xu và có hai mặt của nó. Em có thể trải nghiệm nó một cách bình thường như bao người khác, hoặc em có thể tận hưởng nó đầy đủ, đến từng giây từng phút. Đó cũng là cách anh muốn sống trọn vẹn cuộc đời của mình”.
Ông yêu cầu vợ không để tang mình, bởi lẽ,
“Tôi tin rằng có một sự tồn tại sau cái chết. Nhưng tôi không biết nó là gì. Tôi hy vọng khi mình qua đời, tôi vẫn có thể gặp lại những người thân yêu và tiếp tục cuộc hành trình mới”.
Dù đã hơn 100 năm trôi qua, Sherlock Holmes vẫn là một kiệt tác của thể loại trinh thám nói riêng và văn học nói chung. Ảnh hưởng của Conan Doyle cùng tác phẩm của mình là không thể phủ nhận. Đã có tượng Sherlock Holmes được dựng ở ngay quê hương tác giả của nó, Edinburgh. Căn nhà số 221B phố Baker hiện nay cũng là địa chỉ của một bảo tàng Sherlock Holmes, hàng năm vẫn kéo hàng ngàn du khách tới. Đủ các loại phiên bản phim chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ vị thám tử tài ba nhưng lập dị, phổ biến nhất có lẽ là TV Series “Sherlock” do tài tử Benedict Cumberbatch thủ vai, hay loạt phim cùng tên của Robert Downey Jr., kèm theo đó là hàng loạt các tựa Game hay ăn theo. Thậm chí, tới 60% người trẻ tại Anh Quốc vẫn tin rằng Sherlock Holmes thực sự là một người có thật, theo như nghiên cứu của tờ The Telegraph.
Để kết thúc bài viết, tôi xin được trích dẫn câu nói của nhà văn người Mỹ Jean-Paul Sartre
“Nhà văn sẽ sống mãi, miễn là tác phẩm của họ vẫn còn được biết tới”.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất