Jean-Paul Sartre - Chủ nghĩa hiện sinh và sự quá độ
1. Thiên tài Jean-Paul Sartre là ai? Rồi cuốn sách này sẽ trả lời cho các bạn, đây cũng là một câu hỏi mà bản thân Sartre luôn cố...
1. Thiên tài
Jean-Paul Sartre là ai? Rồi cuốn sách này sẽ trả lời cho các bạn, đây cũng là một câu hỏi mà bản thân Sartre luôn cố tìm câu trả lời, giống như những câu hỏi vĩ mô tương tư: „Con người là gì?“ hay cụ thể hơn „Castor khi nào tới?“ và „Gói thuốc tẩu của tôi lại biến đi đâu mất rồi?“
Trong cuốn Chủ nghĩa hiện sinh có phải là chủ nghĩa nhân đạo? Sartre đã viết: „Không tồn tại một kiểu thiên tài nào khác ngoài những thiên tài đã bộc lộ mình trên các tác phẩm nghệ thuật“. Hay nói cách khác, „Thiên tài là người làm ra những thứ thiên tài“, hay diễn đạt theo phương thức hiện sinh: „Tồn tại là hành động.“ Sartre là một thiên tài, nhưng không phải vì ông là kiểu người mà các nhà giáo dục ngày nay miêu tả như „tài năng“ hay „có năng khiếu“ – mặc dù thực tế không ai dám nghi ngờ về trí óc siêu phạm của ông, mà là bởi thứ ông đã làm, và nhờ những tác phẩm văn học và triết học xuất sắc được ông viết lúc sinh thời, ròng rã suốt 74 năm 10 tháng cuộc đời.
Cuộc đời của ông cũng chính là một tác phẩm nghệ thuật. Đó là một số phận đặc biệt, rồi các bạn sẽ nhìn ra sau khi đọc các dòng tóm tắt ngắn này: một cuộc đời khiến ta trầm trồ kinh ngạc và tự hỏi làm sao mà người đó có thể nắm bắt hết được tất cả những thứ ông ta đã làm nên.
Rõ ràng, Sartre sống trong một thời đại thú vị - nhưng mặt khác, ai chẳng thế? Những điều hay ho xuất hiện cạnh ông bởi ông cho phép chúng tồn tại. Sartre từng nói: „Một con người trói buộc mình trong cuộc đời của anh ta, vẽ nên khuôn mặt chính mình, và không có gì ngoài gương mặt đó. Đương nhiên suy nghĩ này sẽ trở nên cứng nhắc đối với những kẻ thất bại. Nhưng mặt khác anh ta chuẩn bị cho loại người để hiểu rằng chỉ có hiện thực mới đáng để để tâm tới“. Sartre đích thực là một kẻ phiêu lưu, đam mê nồng nhiệt với tất thảy mọi thứ ông làm và vô cùng bận rộn. Năng lượng và sức bền tưởng như vô hạn đã giúp ông có thể hoạt động hết công suất như vậy.
Khi Sartre nhìn lại những thành tựu mình đạt được, ông đã từ chối xem chúng như một món quà. Trong cuốn tự truyện Ngôn từ, ông viết: „Nỗi sợ, sự tra xét, những cố gắng bị khước từ và cuối cùng là công sức, chúng ở đâu, nếu tôi là một gã thiên tài?“. Đối với ông, thành tựu của mình không phải là kết quả của khiếu ngôn ngữ bẩm sinh hay khả năng gợi mở, sắp xếp những tư tưởng trừu tượng, phức tạp và độc đáo. Mà nó nằm ở chỗ, các thành tựu đấy hoàn toàn là sản phẩm của một nghi thức triệu hồi cao nhất, một nhiệm vụ suốt đời rằng hãy tự tạo nên chính mình từ hư vô, tạo nên dấu ấn „Sartre“. Ông không viết vì ông tài giỏi; ông tài giỏi, vì ông viết. „Tôi chưa bao giờ thấy mình là một kẻ may mắn có tài: Mối bận tâm duy nhất của tôi là làm sao để tự cứu lấy chính mình – bằng đôi bàn tay trắng, chiếc túi rỗng – bằng lao động và tin tưởng“
Những dòng này từ đoạn văn cuối của cuốn Ngôn từ đã khơi mở trở lại mạch tư tưởng tương đồng trong một đoạn của vở kịch Kean năm 1953. Kean, diễn viên kịch Shakespeare nổi tiếng, người không có gì hơn những vai diễn mình đóng và sự thiên tài trong cách thể hiện chúng, đã nói: „Tôi sống ngày qua ngày trong ảo mộng diệu kỳ. Không có gì sáng hơn, không gì trong tay, không có gì trong túi. Nhưng tôi chỉ cần búng tay là đã có thể triệu hồi những linh hồn dưới mặt đất“.
Nội dung của cuốn sách này là tìm hiểu cách Sartre tạo ra chính mình từ hư vô hay ít nhất là từ những thứ chẳng nhiều nhặn gì ngoài một cơ thể dài 153cm, cân nặng vài ba kg, một cái mắt tốt, một ý chí mãnh liệt, tinh thần làm việc sốt sắng kiên trì và một ít sự giúp đỡ từ những người bạn đặc biệt của mình.
Tất cả những bản tiểu sử đều liệt kê sự thật như – tên tuổi, ngày tháng năm sinh và những điều tương tự-, nhưng mỗi bài tiểu sử đều không tránh khỏi có chứa quan điểm riêng của người viết về nhân vật đó. Bên cạnh công việc chính là nhà văn, nhà viết kịch và triết gia, Sartre còn là một người ghi chép tiểu sử xuất sắc. Những ghi chép của ông về Baudelaire, Genet và Flaubert phản ánh cái nhìn của ông về họ, tương tự như tự truyện Ngôn từ cũng ẩn chứa quan điểm của ông về chính mình – nỗ lực của Sartre tạo nên một Sartre, cuộc tìm kiếm Sartre của Sartre.
Tương tự như thế, cuốn tiểu sử này cũng là cố gắng của tôi tạo nên Sartre và tìm kiếm Sartre. Mặc dù tôi đã rất quen thuộc với ông ấy từ trước đó, nhưng góc nhìn của tôi về ông cũng đã thay đổi và phát triển đáng kể trong quá trình viết cuốn sách này, và nó vẫn sẽ tiếp tục thay đổi và phát triển không ngừng trong tương lai, ngày càng nhiều theo mức độ tôi nghĩ về ông ấy. Và hẳn nhiên là quan điểm về ông mà các bạn có được trong khi đọc cuốn sách này sẽ khác biệt so với của tôi và thậm chí là chẳng có điểm chung gì cũng nên – kể cả cho tôi nỗ lực cố đồng thuận với các bạn về những vấn đề xoay quanh Sartre. Như vậy đấy.
Sự thật của một con người nằm ở đâu? Liệu nó đã được cố định hay tìm thấy đâu đó rồi? Sartre cho rằng, trong đời mỗi người, chúng ta không ngừng phát hiện và phân tích mình. Chúng ta cũng luôn luôn tìm hiểu và phân tích cả những người quanh mình, khi ta nghĩ tới họ, nói, viết về họ - kể cả khi họ còn sống hay đã chết. Có lẽ thứ quyết định bản thân chúng ta là một quá trình liên tục phân tích tìm hiểu mà ta và những người khác thực hiện cho đến chết hoặc đến khi bị quên lãng. Việc xác định một con người chỉ bằng một cái tên là hoàn toàn không thể; nó chỉ là thứ làm ta đặc biệt hơn.
Sartre chết vào ngày 15.04.1980. Thi hài của ông nằm ở nghĩa trang Montparnasse Paris, bên cạnh người bạn đời vĩ đại cũng như bạn tranh luận thông minh Simone de Beauvoir, bà mất vào năm 1986. Ông chết đi nhưng không hề rơi vào quên lãng. Ông đã nỗ lực hết mình để biến thành bất tử.
Ngay từ khi còn thơ bé, ước mơ của Sartre là trở thành một cây bút vĩ đại đã mất của Pháp – một Voltaire của thế kỷ 20. Ông kéo căng từng sợi tơ đời đến vô cùng để truyền cảm hứng cho mọi người tìm về ông và về tư tưởng của ông, giữ gìn những ký ức và cả di sản cuộc đời của ông để qua đó khẳng định tính hợp thời đại không những bây giờ mà cả cho mãi mãi về sau trong tư tưởng mình. Và chúng ta đang ở đây và làm chính xác điều đó.
2. Kẻ trốn vé
Jean-Paul Sartre sinh vào ngày 21.07.1905 ở Paris. Khi nghĩ về ông, ta không được quên nhìn ông trong sự gắn kết với Paris. Đối với những người ủng hộ ông, họ luôn phải quan sát ông dưới lăng kính nhuộm màu của thành phố Paris. Sartre dần dần trở thành dân Paris. Ông cảm thấy nội thành Paris chính là nhà. Mặc dù ông không dành trọn đời mình ở đó nhưng ông luôn luôn quay trở về. „Mỗi con người đều có một nơi chốn tự nhiên; thứ mà không một giá trị hay lòng tự tôn nào quyết định được vùng cao của nó: mà thứ quyết định là tuổi thơ. Chốn về của tôi nằm trên tầng sáu ở Paris với tầm nhìn hướng lên những mái nhà“.
Ông là con trai của một sĩ quan hải quân ốm yếu nhỏ con Jean-Baptiste và một phụ nữ tư sản cao lớn, có giáo dục, nhưng chán ngắt Anne-Marie Schweitzer. Họ kết hôn vào 05.05.1904 ở Paris và khoảng một năm sau đó đứa con đầu tiên với biệt danh Poulou ra đời, được cha mình vô cùng yêu thương – người đã thất vọng kinh khủng khi không thể ở cạnh khi con mình ra đời. Lúc đó ông đang đóng quân cạnh Kreta và bị ràng buộc với một sự nghiệp mà mình không còn hứng thú nhưng cũng không đủ can đảm để từ bỏ, bị bệnh viêm niêm mạc ruột và lao.
Vào tháng 11 năm 1905, Jean-Baptiste được trở về nhà với vợ con để phục hồi và thư giãn. Ông luôn mang nỗi phấn khích háo hức về một đứa trẻ khỏe mạnh vui tươi, nhưng niềm phấn khởi đó không giúp gì nhiều cho sức khỏe ông. Tình trạng bệnh tật của ông kéo dài nhiều lần, trong khi đó ông chỉ nhận được nửa tiền lương và quyết định cùng gia đình chuyển về quê Thivier ở vùng Aquitaine phía tây nước Pháp.
Đọc thệm:
Ai cũng khuyên ông rằng không khí miền quê trong lành sẽ giúp ông cải thiện sức khỏe. Nhưng nó vô ích. Gia đình ông tới và giúp đỡ ông chăm sóc đứa trẻ. Tuy nhiên trong thời tiết mùa hè nóng và nặng nề Jean-Baptiste chắc hẳn đã nhìn thấy thực tại tăm tối trong mắt mình. Vào tối 17.09.1906 ông mất.
Khi Sartre già mất, Sartre trẻ còn chưa tới 15 tháng tuổi. Thế nên cũng không lấy làm lạ khi Sartre gần như không có ký ức gì nổi bật về bố mình. „Jean-Baptiste đã từ chối (tôi có được) niềm vui sướng được làm quen ông. Kể cả tới hôm nay tôi vẫn tự thấy ngạc nhiên rằng tôi biết về ông sao mà ít ỏi quá.“ Vì ông không nhớ nhiều tới cha mình, nên ông tự cho rằng bố mình không có tác động tích cực tới mình, mặc dù ông cứ như phiên bản song trùng với bố. Rất nhiều lần chính Sartre cũng nhận thấy bản thân ông chính là người bố của mình. Sartre luôn trăn trở sâu sắc về điều gì tạo nên một con người, và cuốn tự truyện Ngôn từ chính là một phần thực hành trong phân tích tâm lý hiện sinh, qua đó chỉ ra quá trình một đứa trẻ trở thành cha của một người trưởng thành.
Sartre không mấy hứng thứ với cha mình, gia đình bên nội hay quê hương Thivier. Ông từng nhận được một cây gia phả - thứ ông chẳng thèm liếc mắt ngó qua, trước khi bị vứt vào thùng rác, ông có nói: „Vấn đề không phải bạn đến từ đâu, mà vấn đề là bạn đang đứng ở đâu.“ Ông còn phải viết và đọc nhiều văn bản thú vị và quan trọng hơn.
Ông có thể tự phát triển bản thân mà không chịu bất kỳ dấu ấn nào từ người cha và nhìn nhận cha mình dưới góc độ Freud (xem cha là một địch thủ, cạnh tranh nhau để chiếm lấy tình yêu của người mẹ, quyền lực trong gia đình-ND). Khác với hầu hết những người trẻ như Gustave Flaubert, Sartre đã thoát khỏi mọi kỳ vọng còn sót lại của cha lên mình. Vậy nên ông tự do hình thành một mối quan hệ mật thiết hơn với mẹ. Ông vui mừng khi không có bố và buồn bã vô cùng khi mẹ mình tái hôn vào năm 1917.
Mẹ và con trai gần gũi với nhau, giống như anh chị em. Sartre chưa bao giờ che giấu sự tôn kính sâu sắc và trung thành của mẹ đối với mình, thậm chí, giống như cách hầu hết chàng trai đối xử với người mẹ, ông cũng xem đó là điều hiển nhiên. Điều này ông thể hiện rõ trong những năm sau này.
Người góa phụ trẻ sống cùng với gia đình của vị hôn phu đã chết ở một tỉnh nước Pháp mà không có gì để bấu víu vào. Thiviers gợi nhớ cô tới nỗi đau của Jean-Baptiste. Ngay sau đám tang vào 21.09.1906 Anne-Marie đi xe ngựa tới Limoges, và từ đó bắt tàu đến Paris. Điểm cuối của cô là nhà cha mẹ đẻ ở Meudon, ngoại ô Paris.
Nhà Schweitzer bắt nguồn ở Elsass-Lothringen. Qua nhiều đời, họ trở thành một triều đại giàu có, vọng trọng của các nhà giáo, ngoại trừ ông cố của Sartre Philippe-Chrétien. Ông là doanh nhân, sau khi ông định cư ở Đức thì trở thành thị trưởng của Pfaffen-hofen từ năm 1875 tới 1886. Trong số năm người con của Philippe-Chrcétien có ông nội của Sartre Chales cũng như Louis ngoan đạo. Ông là cha xứ và là cha của nhà thần học nhà truyền giáo nổi tiếng Albert Schweitzer – người từng đạt giải Nobel hòa bình 1952.
Charles tiếp tục kế thừa truyền thống gia đình và trở thành thầy giáo. Sau chiến tranh Pháp-Thổ ông nhập quốc tịch Pháp vào năm 1972. Trong quãng thời gian làm giáo viên ở Macon ông kết hôn với Louise Guillemin và sau đó chuyển tới Paris.
Căn phòng mà Sartre và mẹ mình ở trong nhà bố đẻ được gọi một cách khiêm nhường là „phòng trẻ con“. Mặc dù bố mẹ bà rất có trách nhiệm trong việc đón chào sự trở về của con gái, sau khi bà mất đi người chồng, tuy nhiên họ không thể nào tha thứ hoàn toàn cho cô vì đã kết hôn với một người không biết xấu hổ khi chết sớm như vậy. „Đương nhiên trong một gia đình, góa phụ thường được nhìn nhận ở góc độ của một bà mẹ bất hợp pháp, và cũng chỉ có thể“.
Anne-Marie được đối xử như một đứa con, một đầy tớ và bà nhận lãnh vai trò đấy không một lời oán than. Mặc cho bị đối đãi thiếu tôn trọng, con trai bà lại được chào đón và yêu thương bởi ít nhất là từ ông ngoại. Bà ngoại của Sartre Louise đối với tham vọng của cháu trai tỏ ra không mấy ấn tượng và dè dặt.
Tuy nhiên bà trở nên quan tâm sâu sắc, khi vào năm 1909 đứa trẻ 4 tuổi đó bị mất 90% thị lực mắt phải. Một cơn cảm lạnh ở bãi biển đã kéo theo nhiễm trùng mắt, làm hỏng một bên thủy tinh thể. Vậy nên, Sartre thường nheo mắt. Mặc dù vậy, căn bệnh này không làm vẩn đục tuổi thơ của ông, mà thay vào đó ông được nuông chiều hơn trước kia. Tuy nhiên ông không hoàn toàn tử tế với tất cả những người đã chiều chuộng ông.
Với góc nhìn sâu sắc và sự hài hước Sartre khám phá về mối quan hệ phức tạp của mình với ông ngoại. Sartre nhìn thấy trong cách ứng xử của ông ngoại với mẹ mình một sự xúc phạm nặng nề và không hề tỏ ra có chút tình cảm sâu đậm nào đối với ông mình - thành viên khô khan, cứng nhắc, đáng kính, kiêu ngạo, hách dịch của giai cấp tư sản theo đạo Tin Lành – người có giáo dục nhưng hẹp hòi, người yêu sách nhưng khinh thường nhà văn, người tự cho mình biết thương kẻ nghèo nhưng không chịu nổi họ tồn tại dưới mái nhà mình.
Sartre đã kể lại một cách khéo léo cách Charles vào lúc tuổi cao đã cố gắng như thế nào để nhìn con trẻ như một món quà từ thượng đế, như một minh chứng cho đấng tối cao và như sự an ủi cho nỗi sợ cái chết cận kề. Cả gia đình nhận thấy rằng, đứa bé Poulou với những lọn tóc xoăn vàng đã luôn luôn nghĩ về người đàn ông già này.
Sartre cũng chia sẻ cởi mở về sức ảnh hưởng lớn lao của Charles lên sự phát triển nhận thức của mình. Ông săn sóc việc đào tạo học thuật và giáo dục đạo đức cho cháu mình cũng như cho phép Sartre được thỏa thích vào thư viện đồ sộ, bảo thủ của riêng ông. Thư viện này trở thành sân chơi cho Sartre. „Cách tôi bước vào đời cũng hệt như cách tôi chắc chắn sẽ kết thúc nó: là ở giữa những trang sách“.
Mang trong mình tham vọng có thể khám phá những bí ẩn bên trong lớp sách phủ bụi, ông tự học đọc và ngay lập tức bước vào công cuộc nghiên cứu những ngôn từ như cách đứa trẻ khác khám phá rừng cây; những tư tưởng trong sách trở nên chân thực hơn cả những sự vật quanh ông. Ở đó, do trưởng thành quá sớm và ốm yếu liên miên nên ông có rất ít bạn thực thụ, những nhà văn đã khuất trở thành bạn chơi cùng của ông. Sartre đã hợp nhất họ với các tác phẩm của họ: Corneille có một gáy sách bằng da, thơm mùi keo dán, trong khi Flaubert thì bé và được buộc bằng vải lanh.
Hai phần của Ngôn từ có tên „Đọc“ và „Viết“. Sartre đã kể về cách cái Tôi lúc trẻ đã tạo nên bước nhảy vọt từ quá trình đầu (là đọc) tới sau (là viết). Cũng giống như những đứa trẻ „thông thường“, ông cũng đọc cả truyện tranh và những câu chuyện phiêu lưu bên cạnh những tác phẩm kinh điển, chính chúng đã tạo cảm hứng cho lần đầu đặt bút viết. Những cuốn tiểu thuyết đầu tay là những câu chuyện sến sẩm về chuyến du ngoạn thế giới cùng với anh hùng và phù thủy độc ác, theo đó là cốt truyện hư cấu mà ông đơn thuần viết ra mà không thèm nhẩm lại lần hai. Mẹ của ông thích chúng và sao chép chúng ra, mặc dù đa phần trong số đó đã bị thất lạc. Charles chê bai những nỗ lực viết sách này và chỉ đọc nó để sửa các lỗi chính tả.
Sartre đã từng nói rằng điều khiến ông thích thú không phải thứ ông đã viết ra mà là bản thân quá trình viết đã cho phép ông tự tạo nên những anh hùng và biến chính mình, tác giả của chúng, cũng thành anh hùng. Ông bị ấn tượng mãnh liệt bởi những đánh giá về các nhà văn (ngoại trừ ông ngoại mình), lòng biết ơn mà họ đã khơi dậy và cả sự bất tử cũng như nổi tiếng mà họ có được. „Ở tuổi lên 8 (…) tôi lao đầu vào một kế hoạch đơn giản và điên rồ đã thay đổi toàn bộ cuộc đời mình: Tôi đã trao cho người viết sức mạnh thần thánh của các siêu anh hùng.“
Ông cũng kể về niềm hứng khởi của mình khi biết tin Charles Dickens đang ở New York. Khi tàu của ông tới, một đám đông đã tập trung ở bến cảng vẫy nón đầy háo hức chờ đợi. „Để họ được tôn vinh một cách điên rồ đến như thế, những cây viết phải đối mặt với những hiểm nguy lớn và đem đến cho loại người sự phục vụ tận tụy nhất“.
Tổ ấm đầy yêu thương của Sartre đã đối đãi ông như một điều gì đó cao hơn, như một thực thể được tạo nên để trở thành vĩ đại; tuy nhiên người lớn nhí đó không thể chia sẻ cùng niềm tin này. Thay vào đó, ông trở nên mơ hồ, tầm thường, vô định, và thậm chí vô dụng. Sartre sau này đã tái hiện lại cảm giác này lên nhân vật chính trong truyện ngắn Tuổi thơ của một ông chủ, Lucien Fleurier. „Tôi là cái gì, tôi….? Đó là cái „Tôi“ rối rắm, nặng nề“.
Sartre coi mình như một kẻ đi tàu không có vé. Ông ngao du suốt cuộc đời mà không biện minh nổi cho sự tồn tại vô lý của mình và sợ hãi trước những người soát vé, mà ở đây chính ông là họ. „Tôi là một kẻ trốn vé, thiếp đi trên ghế và rồi người soát vé đến lắc tôi dậy. „Vé của ngài đâu!“ Tôi bị ép phải thú nhận rằng tôi không có“. Khi ông phát hiện ra mình không có, ông tự hỏi mình lúc còn ở độ tuổi nhỏ bất ngờ, làm thế nào ông chứng minh được sự hiện diện của bản thân trên chuyến tàu cuộc đời.
Một trong những chủ đề lặp đi lặp lại trong triết học Sartre chính là việc một con người chẳng là gì đối với chính sự tồn tại của mình. Dù là một con người, mỗi người vẫn phải quyết định trở thành chính mình, mỗi người phải nỗ lực không ngừng thông qua hành động của riêng mình để trở thành thứ họ muốn là, kể cả khi điều đó không bao giờ cố định rõ ràng. Ví dụ như một cái ghế chính là thứ nó là, một sự tồn tại trong chính nó (mà không cần nhận thức). Nhưng một con người, một sự tồn tại cho chính nó, chỉ có thể cố gắng hoặc giả vờ là một nhân viên ngân hàng, bồi bàn, nhà văn và tương tự thế. Khả năng lựa chọn những thay thế mới cho chính mình, vốn tồn tại ở mọi nơi, ngăn ta khỏi việc đơn giản là nhân viên ngân hàng, bồi bàn, hay nhà văn – (chúng ta không thể sinh ra tồn tại chỉ như là nhà văn, mà chúng ta chọn làm-ND) một vật-nhà văn.
Ở tuổi lên bảy, Sartre đã chọn viết lách như tấm vé cho cuộc đời và như lý do để tồn tại. Quyết định trở thành nhà văn chính là quyết định cốt yếu cho chính mình, một quyết định ảnh hưởng tới chuỗi quyết định khác theo sau và tạo hình nên toàn bộ cuộc đời cũng như tính cách ông. (Ở đây tồn tại nhận thức)
Tôi được sinh ra nhờ viết lách. Trước đó nó chỉ là một trò chơi với những suy tưởng {…} Bằng cách tôi viết, tôi tồn tại và thoát khỏi người lớn, nhưng tôi đơn thuần tồn tại để viết, và khi tôi phát âm chữ Tôi, nó có nghĩa là: Tôi, người viết.
Trong cuốn Ngôn từ, Sartre đã giải thích rằng, chính mong muốn của mình về sự bất tử anh hùng trong vai trò nhà văn đi cùng với sự từ chối trẻ con chống lại những tư tưởng Thiên chúa giáo về cứu rỗi và cuộc sống sau khi chết, điều đó thúc đẩy đa phần hành động của ông. Ngay từ khi còn nhỏ Sartre đã bắt đầu tạo ra chính mình thông qua làm việc miệt mài và niềm tin sắt đá vào chính mình là một thiên tài một nhà văn vĩ đại. Việc ông liên tục biến mình thành nhà văn thông qua viết lách chăm chỉ, đã cho phép ông duy trì một ảo ảnh về vật chất và sự quyết tâm, nhờ đó tránh xa khỏi cảm giác vô dụng, thừa thãi thời thơ ấu.
Ông giữ vững được ảo tưởng lớn này nhờ lòng nhiệt tâm của mình, tin tưởng mãnh liệt vào công việc của mình và khả năng đạt được mục đích, rằng ông – một thanh niên trẻ, sẽ khác với những người bạn cùng trang lứa, không hề sợ hãi trước một cái chết lúc xuân xanh: „Tôi chỉ bảo vệ mình trước cái chết đột ngột, thế thôi; Chúa thánh thần đã đưa cho tôi một khối lượng công việc đồ sộ, vậy nên Ngài buộc phải cho tôi thời gian để hoàn thành chúng.“
Vào năm 1911, gia đình ở Rue Le Goff chuyển vào nội thành Paris, cạnh Jardin du Luxembourg và Sorbonne. Charles đã thành lập một viện ngôn ngữ hiện đại để có thể chi trả cuộc sống lúc về hưu của mình.
Ông đã giành phần lớn thời gian để giáo dục đứa cháu dị dạng nhưng tài năng thiên bẩm. Ông ham thích dạy người bảo trợ của mình, và ông cũng đã truyền đạt lại cho Sartre rất nhiều tư tưởng của thế kỷ 19, mà sau này Sartre đùa là: „Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình cùng với một chướng ngại vật 80 tuổi.“
{Còn tiếp}
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất