Người Hà Nội - Những con người tinh tế, nhạy cảm, biết thưởng thức và trân trọng cuộc sống

Người Hà Nội trong dòng chảy lịch sử

Hà Nội từ sau khi Thạch Lam viết ‘Hà Nội băm sáu phố phường’, đã trải qua thời kỳ biến động dữ dội của dòng chảy lịch sử. Hà Nội từ mảnh đất kinh kỳ xưa cũ, thành phố của chế độ nô lệ thực dân phương Tây, vào một ngày mùa thu, đã rũ bùn đứng lên, trở thành thủ đô của nền độc lập non trẻ, sau bão táp cách mạng tháng Tám. Trong những ngày tràn ngập nắng vàng tươi tắn ấy, nơi quảng trường Ba Đình, bản Tuyên ngôn độc lập đã vang lên với giọng đọc trầm lắng, thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng vạn người dân Hà Nội đã xúc động thay mặt cả nước, đón nhận thời khắc thiêng liêng ấy của lịch sử dân tộc. Đêm tối nô lệ, nhục nhã, đau đớn đã qua, ngày mai độc lập đang tới, bản hùng ca trác tuyệt của một dân tộc quật khởi, kiên cường, khao khát tự do đang ngân lên những nốt đầu tiên, sau rất nhiều năm im lặng. Hà Nội tháng tám năm ấy, Hà Nội của hi vọng trào dâng về ‘quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc’.
Năm đầu tiên xây dựng nền độc lập cũng là lúc Tổ quốc lâm nguy, hiểm nghèo như ngàn cân treo sợi tóc, Hà Nội bôn ba ngược xuôi, vừa lo nạn lụt, vừa chống nạn đói, vừa tổ chức tổng tuyển cử, vừa xây dựng chính quyền nhân dân, vừa đổi phó với quân giặc tràn vào từ phương Bắc, vừa chống quân xâm lược tới từ phương Tây, lại vừa hối hả chuẩn bị cho cơn bão táp đang đến. Để rồi mùa đông, tháng mười hai năm sau, cũng chính từ Hà Nội, lời hịch toàn quốc kháng chiến vang lên. Hà Nội dẫn dắt cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, với khẩu hiệp đầy bi tráng của người Hà Nội ‘Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh’. Hà Nội mùa đông năm ấy là Hà Nội của tiếng súng rền vang, của nhà đổ, 'ngói tan, gạch nát', là Hà Nội của sự hiến dâng trọn vẹn, là dáng đứng hiên ngang đậm chất sử thi của hào khí Đông A một thời.
Chín năm kháng chiến gian khổ, hào hùng thành công. Một lần nữa, giữa mùa thu tươi đẹp của tháng mười, Hà Nội lại đón những người con, trong tư thế chiến thắng trờ về, bằng những con phố rực rỡ cờ hoa. Hà Nội của tháng mười năm ấy là Hà Nội đã dặn dày trong khói lửa chiến tranh, là Hà Nội hân hoan, tự hào trong khúc ca khải hoàn, niềm vui mừng đoàn tụ và những hi vọng về tương lai hòa bình, độc lập, tự do.
Tuy nhiên, hòa bình đã không đến khi đế quốc Mỹ ngang nhiên đạp đổ hiệp định Giơnevơ, và sa ngã vào men say chiến tranh. Hà Nội, lại cùng nhân dân cả nước, lên đường sát cánh với miền Nam ruột thịt tiếp tục đánh giặc. Cả nước bước vào thời kỳ mới, xây dựng ở miền Bắc và chiến đấu ở miền Nam. Hà Nội trở về là thủ đô của một nền độc lập đã qua khói lửa, được xây đắp bằng những ước nguyện tươi đẹp của chủ nghĩa xã hội, nơi chứng minh những giá trị đạo đức và nhân văn cao cả, nguồn cảm hứng, sức mạnh, hậu phương to lớn cho cách mạng miền Nam, suốt ba mươi năm chống Mỹ cứu nước ác liệt. Và trong khoảng thơi gian đó, Hà Nội lại một lần nữa trực tiếp cầm súng đứng lên trong trận đánh quyết liệt với kẻ thù ngay trên bầu trời thủ đô. Đánh bại chúng bằng chiến thắng mười hai ngày đêm oanh liệt, chấn động thế giới như một Điện Biên Phủ thứ hai. Hà Nội một lần nữa ghi danh mình tiếp nối những Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, … trong khúc tráng ca hào hùng của lịch sử ngàn năm đánh giặc giữ nước.
Trong suốt thời gian đó, Hà Nội đã thay đổi nhiều, người Hà Nội theo đó cũng đổi thay. Nhưng có một thứ đặc trưng, không hề mất mát, đó là chất nghệ sỹ, sự tinh tế của người Hà Nội. ‘Người Hà Nội hào hoa’ đã thành cảm hứng thi cả của suốt một thời kỳ từ tiền chiến vào trong kháng chiến, mà nhà thơ Quang Dũng đã phác họa một cách đầy thần thái trong những câu thơ:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”
Thanh niên Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến không trọn vẹn sự chân chất, mộc mạc như các chàng trai ở nông thôn, không hừng hực lòng hăng hái, quyết liệt như người con của Xô Viết Nghệ Tĩnh, và cũng không phóng khoáng, hào sảng như các tráng sỹ vùng sông nước Cửu Long. Người Hà Nội đi vào cuộc kháng chiến vẫn gói ghém đầy đủ cái tinh khiết của cốm, hiu hắt của hơi may và sự lãng mạn của mùa thu Hà Nội. Dù là trong cuộc sống thường nhật, hay trận đánh sinh tử với kẻ thù.
‘Hà Nội băm sáu phố phường’ cũng phác họa phần nào những nét tính cách ấy của người Hà Nội, trong địa hạt ẩm thực của mình.

Người Hà Nội tinh tế trong thưởng thức, những nghệ sỹ của khoa ẩm thực

Điều gì đã làm nên những thức quà ‘nổi tiếng ngon lành và lịch sự’ của Hà Nội? Những thức quà mà đôi khi địa phương khác cũng có, nhưng ‘chẳng có đâu ngon bằng kinh đô.’, mà chính người Hà Nội cũng chẳng để ý: “Người Hà Nội, ăn thì ngày nào cũng ăn, nhưng thường không để ý. Nếu chúng ta về ở tỉnh nhỏ ít lâu, hay ở ngay Hải Phòng, Nam Định nữa, chúng ta mới biết quà ở Hà Nội ngon là chừng nào. Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, thế mà sao bún chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi.”.
Điều đó thể hiện khả năng thẩm vị của người Hà Nội thật không tầm thường chút nào. Về sự tinh tường ấy, có lần Thạch Lam đã nhắc lại một câu chuyện về bánh đậu xanh: ‘Cái ông cụ già làm bánh ở hiệu đó có nói chuyện rằng: trước kia, vì theo thời, ông cũng cho thêm hương vani vào bánh. Nhưng các khách hàng quen, trong số đó có vài ông khách hàng già ở ngoại ô, đều yêu cầu nên giữ nguyên hương vị đậu xanh như xưa, và nhà hàng từ đó cứ theo như thế. Đấy thật là một ý kiến hay’. Có lẽ, vì có những khách hàng sánh sỏi như thế này, nên đã tạo động lực cho các người làm bánh cải tiến chiếc bánh đậu Hải Dương ban đầu, vốn là bánh đậu khô thành ‘một thứ bánh đậu ngon hơn, đó là một thứ bánh đậu ướt, thứ bánh đậu có mỡ’. Và bây giờ trở lại, bánh đậu ở Hải Dương cũng là bánh đậu ướt.
Vì vậy, để kết luận cho anh chàng bán mằn thắn khôn lỏi, Thạch Lam nhận xét: “Ấy thế mà tất cả chỉ bán có năm xu. Tưởng đắt hàng là phải. Thế mà không: người Hà Nội ăn quà sành, nên khó mà lấy nhiều làm hoa mắt người ta được”. Người Hà Nội không dễ dãi trong ăn uống, không bừa bãi trong tiếp nhận các thức quà và không sỗ sàng, thô lỗ trong thưởng thức. Cho nên, những người bán hàng ranh mãnh, chớ lấy sự tham lam, thiếu trung thực để mà quyến rũ và lừa dối họ.
Về đường ăn uống, người Hà Nội có sự thông thái của bậc hiền triết đã sớm nhận ra cái vô nghĩa của lòng tham và vòng danh lợi. Đồng thời, họ cũng có sự mong mỏi, trân trọng như những bậc quân vương cầu người hiền tài cùng mưu việc lớn. Trong tập bút ký, độc giả có thể thấy những người Hà Nội, sớm sớm đứng đợi một bà bán xôi: “Cứ mỗi sáng, bà từ ô xuống phố, theo một đường đi nhất định, đã ngoài hai mươi năm nay, để các nhà muốn ăn cứ việc sai người ra đừng chờ”. Hay tìm đích danh một anh hàng phở (làm cho độc giả nhớ tới cái tích Lưu Bị ba lần tới lều tranh để cầu được Khổng Minh): “Và người hàng phố tìm dấu hiệu để gọi tên anh cho dễ nhớ: anh phở trọc, anh phở Bêrê, anh phở Mũ Dạ, anh phở Cao... và dặn thằng nhỏ chớ mua hàng khác về "ông không ăn mà chết đòn".”. Và đẹp đẽ hơn cả, là hình ảnh những người Hà Nội mong đợi những cô hàng cốm mỗi khi sang thu: “Tiếng cốm Vòng đã lan khắp tất cả ba kỳ, và đến mùa cốm, các người ở Hà Nội 36 phố phường vẫn thường ngóng trông cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng...
Người Hà Nội không ăn quà một cách vội vã và vồ vập, sự nhã nhặn, tinh tế của họ trong thưởng thức, đã tạo ra đất dụng võ cho những người làm quà tận tâm và khéo léo. Cả hai nâng đỡ nhau, đưa ẩm thực của Hà Thành lên thành một nghệ thuật, và làm nên danh tiếng ngon lành và lịch sự cho các thức quà của Hà Nội.
Tuy chỉ viết về những con người của tầng lớp bình dân, những người lao động, những số phận nhỏ bé của Hà Nội, nhưng Thạch Lam – một nghệ sỹ chân chính – vẫn dễ dàng tìm thấy ở họ, biết bao tâm hồn bầu bạn. Đó là những cô đào, chị em thanh lâu đang ăn bún ốc đầy chăm chú mà Thạch Lam đã phải thốt lên: “ Có ai buổi trưa hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không?”. Đó là những bác kéo xe, sau một ngày nhọc nhằn, trong một hàng xôi, đang say sưa bên chén rượu với một mảnh vó bò, một nắm xôi mà Thạch Lam phải tán tụng: “Ở đây không có gì đáng quyến rũ một người sành thưởng thức, quả vậy. Nhưng phải trông các bác xe, các người phu ngồi ăn, mới hiểu cái ngon lành có thể đến bực nào!”. Và có lẽ, người tri kỷ với Thạch Lam hơn cả, lại là … những người nghiện:
phải, mà chỉ có những người nghiện mới biết đưa miếng giò lợn lên ngắm nghía một cách thiết tha nhường ấy, mới biết khà hớp rượu một cách ngon lành như vậy, mới biết đưa tay có móng đen véo đĩa xôi một cách chắt chiu thế kia; họ tính từng xu, thêm bớt từng tí mỡ, và mặc cả từng khoanh giò; nhưng cái nhắm nhía, cái lờ đờ mắt ngẫm nghĩ đến vị miệng ăn, đủ tỏ một tâm hồn cảm giác không thường, cùng với một sự từng trải đã quá nhiều đau đớn”.
Bằng một trái tim nồng ấm, một đôi mắt tinh tường, Thạch Lam đã phát hiện ra những vẻ đẹp ẩn sâu bên trong những thân phận nhỏ bé bình dị ấy. Đã không một chút do dự, ngần ngại, giao cho họ vai trò đại diện cho người Hà Nội trong lĩnh vực ăn uống. Sự nâng niu, trân trọng của họ với các thức quà, sự súc động sâu xa, chân thành của họ trong thưởng thức các hương vị, đã tái hiện lại đầy đủ vẻ đẹp tâm hồn, chất nghệ sỹ của người Hà Nội, và được Thạch Lam mô tả lại một cách đầy chân thực và sinh động.
Người Hà Nội không chỉ được trời ban cho cái miệng tinh tường, hơn hết, đó lá cách mà họ đối đãi với sự ăn uống trong một niềm chân thành, trìu mến và có thể cả thành kính nữa. Đối với những con người ấy, thức quà không chỉ là những món ăn, đó còn là nơi chứa đựng hương vị của đất trời, tình cảm của con người. Và việc thụ hưởng những giá trị ấy rất cần được thực hiện trong sự từ tốn, chuyên tâm và chăm chú. Có lẽ những đặc điểm ấy đã ghóp phần tạo nên phong thái rất riêng của người Hà Nội. Và Thạch Lam đã có lần nhắc nhở: “Hỡi các bà mua hàng! Chớ có thọc tay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu mà vuốt ve... Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố tiềm tàng và nhẫn nại của thần lúa. Sự thưởng thức của các bà sẽ được trang nhã và đẹp đẽ hơn và cái vui cũng sẽ tươi sáng hơn nhiều lắm.”.
Khi không gian trở nên tĩnh lặng, một tiếng động nhỏ có thể được nghe. Khi tâm hồn đã lắng đọng, một hương vị thoảng nhẹ có thể được cảm nhận. Chúng ta đang nói đến thức quà gắn liền với người Hà Nội một thời, đó là Cốm. Cốm - một món ăn đơn xơ, thanh đạm, không thôi thúc người ta bằng hơi nóng, không quyến rũ người ta bằng những hương vị mạnh và phức tạp, vì vậy Thạch Lam đã nói ‘Cốm không phải là thức quà của người vội’. Tựa như hương sen theo gió nồm nam thoảng qua, chỉ có những ai biết dừng lại mà thưởng thức mới cảm nhận được sự thanh thản, tươi mát trong mùi hương đó. Cốm cũng vậy, mùi vị của cốm chỉ dành cho những người nào có thể đem tấm lòng chí thành ra để đón nhận. Khi người Hà Nội có thể ‘ăn cốm từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ’, họ đã vượt ra ngoài sự tiêu thụ vật chất tầm thường, để tiếp xúc được với giá trị tinh thần sâu xa trong đó. Sự trong sạch, tinh khiết không phải chỉ là hương vị của cốm mà còn của chính người thưởng thức món quà ấy.
Có lẽ không có thức quà nào được Thạch Lam viết một cách ưu ái như cốm, và những trang viết về cốm là những trang viết đầy giá trị với độc giả sau này, vì hơn một món ăn, những trang viết ấy đã lưu lại những chiều sâu trong tâm hồn Hà Nội một thời. Không chỉ vì người Hà Nội biết trân trọng hương vị thanh đạm của thức quà ấy, còn cả vì họ biết cách thưởng thức cả mầu sắc thanh tú của cốm, hương thơm của lá sen, yêu mến một đời sống giản đơn, hài hòa với tự nhiên, biết thưởng thức lòng biết ơn và trân trọng cuộc sống.
“ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. [...]. Hỡi các bà mua hàng! Chớ có thọc tay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu mà vuốt ve... Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố tiềm tàng và nhẫn nại của thần lúa”.
Tất cả những điều ấy cho thấy những tâm hồn không tầm thường, và điều đó tiếp tục được nâng lên cao hơn khi người Hà Nội đã dùng cốm để làm quà sêu tết – hồng cốm tốt đôi. Họ đã dùng sự hòa hợp tinh tế giữa hương vị, mầu sắc của những thức quà bình dị, để gửi gắm một cách kín đáo và ý vị vào trong những nghi thức trọng đại. Điều đó thể hiện mội đời sống tinh thần hết sức phong phú và giầu có, vượt thoát khỏi những điều kiện vật chất tầm thường. Thạch Lam đã viết về phong tục ấy thật đẹp và ý nghĩa trong tập bút ký của mình.
Sự tao nhã trong thưởng thức, dường như đã là truyền thống lâu đời của người Hà Nội (và cũng là của người Việt nói chung, như truyền thuyết bánh chưng bánh giầy từ thời xa xưa, nhưng cũng giống như các thức quà, người Hà Nội đã làm cho vẻ đẹp ấy rạng rỡ và lấp lánh hơn cả): “Phần nhiều là thức quà có từ xưa, đã có nề nếp, có quy củ hẳn hoi, và mang trong hương vị cái mùi ngon đằm thắm của đất nước nhà. Sản phẩm của đồng ruộng, của núi sông, những thứ quà ấy là dấu hiệu sự thưởng thức của người mình, vừa tao nhã lại vừa chân thật. Từ ông cụ đồ nho khẽ nhắp rượu để ngẫm nghĩ về cái vị ngon, đến bậc mệnh phụ nhà gia thế, từ trong buồng the kín đáo và nghiêm cẩn, truyền bảo cho cô gái tơ những bí mật của cách đổ bột, pha đường.

Những con người biết thưởng thức và trân trọng cuộc sống

Từ những sự tinh tế trong ẩm thực, ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ khơi gợi nơi độc giả những cảm nhận về con người Hà Thành rất biết thưởng thức cuộc sống. Họ không phải những con thiêu thân của vòng danh lợi hay những kẻ đắm mình trong vội vã và giả tạo của lối sống vật chất.
Người Hà Nội, ngày ấy, sống thong thả, chậm rãi và có nhiều sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn để chờ đợi một bà bán xôi mỗi sớm mai, kiên nhẫn để chờ đợi cô hàng cốm mỗi mùa thu về, và cả kiên nhẫn để có thể ăn cốm từng chút ít một. Trong sự thư thả ấy, người Hà Nội đón nhận cuộc sống bằng cả trái tim mình, họ chăm chú lắng nghe, ngắm nhìn và thưởng thức tất cả hương vị của Hà Nội, một cách say sưa và trìu mến. Cuộc sống với họ cũng giống như cách thưởng thức cốm trong ‘thong thả và ngẫm nghĩ’, người Hà Nội sống với nhiều sự chiêm nghiệm và đạt tới những giá trị tinh thần sâu xa, thể hiện ra ở những phong tục đẹp đẽ như dùng hồng cốm làm quà sêu tết, đã được Thạch Lam nhắc tới trong tập bút ký.
Một khía cạnh khác nữa, sự thưởng thức cuộc sống của người Hà Nội trong những trang viết của Thạch Lam, không giống cách thưởng thức của một bà mệnh phụ, ngắm nghía ly sâm panh đắt tiền trong tay, mà thầm thỏa mãn về đời sống thừa mứa của mình. Lại càng không phải là đời sống của hàng vua chúa, tầng lớp thượng lưu say sưa trong trụy lạc. Họ chỉ là nộ lệ của dục vọng mà thôi. Sự thưởng thức trong những trang viết của Thạch Lam, đến từ những thân phận nhỏ bé trong xã hội, đó là những cô ca kỹ phải chịu ánh mắt mỉa mai của người đời, là những bác kéo xe tay phải gánh nỗi cực nhọc của số phận, và còn éo le hơn nữa, là những chị em thanh lâu, những người nghiện. Tuy nhiên, dù cuộc sống có sô đẩy, chèn ép họ đến mức nào, họ vẫn để dành cho cuộc sống ấy sự nâng niu, trân trọng mỗi khi có những vẻ đẹp chợt léo lên trong cuộc đời họ. Sẽ không có một chưởng giả nào biết thưởng thức một chén rượu như một bác phu xe của Hà Nội. Không một bà mệnh phụ nào có thể xúc động trước thức quà bún ốc như các cố đầu, chị em thanh lâu của Hà Nội. Bằng một trái tim tinh tế, Thạch Lam đã phát hiện ra chất nghệ sỹ không tầm thường ấy: “Nhắp một vài chén rượu, thong thả gặm một mảnh vó bò may có dính nhiều thịt, vo tròn nắm xôi trong tay trước khi đưa lên miệng, họ cáo cái sung sướng của nhà nghệ sĩ thưởng thức áng văn hay, (có lẽ họ là những nghệ sĩ không biết).”.
Thạch Lam đã nhìn thấy, ẩn sâu bên trong tâm hồn nhăn nhúm bởi sự giày vò của số phận ấy, vẫn còn nguyên vẹn sự mộc mạc, trong sáng và lạc quan. Sự lạc quan giúp những con người ấy có thể cảm nhận và rung động trước cuộc sống bất cứ lúc nào, cho dù cuộc sống ấy đổi sử với họ tệ bạc ra sao. Có những người luôn lạc quan bởi vì họ vốn đã là những người mạnh mẽ, giàu nghị lực. Với người Hà Nội, đó còn là vì tình yêu lớn lao dành cho cuộc đời, tình yêu lớn lao giành cho Hà Nội, cho cảnh sắc, hương vị và con người đất Hà Thành.
Ngược lại, với những ai không còn quan tâm gì tới sự thưởng thức ấy, tâm hồn của họ từ lâu đã héo úa, tàn lụi, như trường hợp bác bán giày giò: “Tiếng rao buồn thảm, yếu ớt và uể oải như hàm một mối thất vọng không cùng. Cái đời tối tăm ấy, ở những đường phố xa, hẻo lánh, như không còn mong chờ gì”.
Chỉ những ai biết thưởng thức cốm, mời biết trân trọng cốm và thật sự yêu mến cốm. Chỉ những ai biết thưởng thức cuộc sống mới biết cách trân trọng cuộc sống và thật sự yêu mến cuộc sống. Một hạt cơm trắng trong bát người ăn xin, sẽ có giá trị hơn rất nhiều những cao lương trong mâm cỗ kẻ giàu sang. Có phải vì lẽ đó mà Thạch Lam thích viết về những thân phận nhỏ bé hay không? Điều đó, cũng không chắc chắn, nhưng có một điều rất rõ ràng, là Thạch Lam đã tìm thấy ở họ tất cả sự chắt chiu, nâng niu giành cho những gì bé mọn, và điều ấy cũng rất gần gũi với tâm hồn tác giả.
Người ta thường nói: ông trời sẽ không cho ai tất cả và cũng không lấy hết của ai thứ gì, cho nên những kẻ chỉ biết vun vén đời sống vật chất, cuối cùng sẽ trở nên túng quẫn về tinh thần. Điều đó có đúng không? Chắc có lẽ không hoàn toàn đúng, nhưng Thạch Lam đã có lần than thở rằng: “Thật đáng tiếc khi chúng ta thấy những tục lệ tốt đẹp ấy mất dần, và những thức quý của đất mình thay dần bằng những thức bóng bẩy hào nhoáng và thô kệch bắt chước nước ngoài: những kẻ mới giàu vô học có biết đâu thưởng thức được những vẻ cao quý kín đáo và nhũn nhặn?”. Và những trang viết của Thạch Lam, tuy chỉ viết về những người nghèo, tầng lớp bình dân, lại có một sức sống mãnh liệt, nhận được sự trân trọng của bao thế hệ độc giả. Phải chăng vì sự giàu có của những giá trị tinh thần trong đó (thứ giá trị mà có lẽ, con người càng hiện đại, lại càng túng thiếu hơn).
Vượt thoát khỏi lĩnh vực ẩm thực, khi con người biết thưởng thức cuộc sống là lúc họ biết đem tất cả những gì chân thành, tha thiết của mình ra, để đón nhận cuộc sống, biết cách ngắm nhìn, lắng nghe, và cảm nhận những điều bé nhỏ. Điều đó khiến cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa, đẹp đẽ và thi vị. Mang đến cho người ta lòng trắc ẩn, sự cảm thông và giầu có về tinh thần, sự lạc quan trong những hoàn cảnh éo le và lòng dũng cảm khi cẩn phải hành động để bảo vệ những điều tốt đẹp. Qua những trang viết của mình, Thạch Lam đã vẽ lại những con người Hà Nội một thời như thế, bản thân Thạch Lam cũng đã sống một cuộc đời như thế. Tuy thời gian ở trên dương thế của nhà văn không nhiều, nhưng dường như ông đã sống rất lâu, và sẽ còn tiếp tục sống mãi trong lòng những độc giả, phân phát cho họ những giá trị tinh thần mỗi khi cảm thấy cuộc sống có phần nặng nề, mệt mỏi và vô nghĩa.
Và không chỉ có Thạch Lam, người Hà Nội ngày ấy cũng đã sống với sự thưởng thức như thế, đó chính là chỗ tinh tế, vẻ đẹp, sự hào hào hoa của người Hà Nội, là cội nguồn sức mạnh, sự lạc quan và chất nghệ sỹ của người Hà Nội khi phải đổi mặt với thử thách của thời cuộc, để bảo vệ thành phố, đất nước thân yêu của mình.
Với Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam đã thành công trong việc khắc họa lại những con người Hà Nội tinh tế và nhạy cảm. Đã lưu giữ lại một thời kỳ mà người Hà Nội sống từ tốn, điềm đạm và sâu sắc. Trong những con người của ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ ấy, độc giả thấy thấp thoáng một chàng nghệ sỹ nữa, đó chính là tác giả - Thạch Lam, như nhà văn Vũ Bằng đã kể: “Thạch Lam yêu sự sống hơn bất kỳ ai. Anh quý từ cốc nước chè tươi nóng, trang trọng đưa lên miệng uống một cách gần như thành kính... như thể cảm ơn trời đất đã cho mình sống để thưởng thức ngon lành như vậy. Anh cẩn thận từng câu nói với cô bán hàng vì sợ lỡ lời... khiến người ta tủi thân mà buồn. Anh là một người độc đáo có tài lại khiêm nhường, người nhỏ mà nhân cách lớn…”.
Phải chăng chính ở chỗ đồng thanh tương ứng, mà Thạch Lam viết về những con người Hà Nội đẹp đẽ như thế? Từ những trang viết của Thạch Lam, độc giả có thể cảm nhận được, phía sau sự trân trọng, nâng niu của người Hà Nội với các thức quà, chính là sự thương mến của họ giành cho mảnh đất Hà Thành. Bởi vì với họ, Hà Nội chính là hơi ấm của một bát phở ngon, hương thơm của khói chả, là bóng dáng của những gánh hàng buổi sớm, là tiếng rao ngân lên trong những đêm khuya. Giống như các thức quà, sự trân trọng ấy như một cầu nối để cho những vẻ đẹp của Hà Nội thấm vào tâm hồn người Hà Nội, tỏa ra ở các thức quà, toát lên qua những trang viết và ngân vang trong những giai điệu, làm xúc động những người thưởng thức - bằng một chất hào hoa, thanh lịch không thể nhầm lẫn.
Có câu chuyện kể lại rằng, khi toàn quốc kháng chiến nổ ra ác liệt ở Hà Nội. Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã nghe thấy giữa tiếng bom rơi, đạn nổ, có tiếng hát của các chiến sỹ vệ quốc quân. Tổng chỉ huy định ngăn họ lại, vì đó là một hành động hết sức mạo hiểm, nhưng rồi lại thôi. Người anh cả của quân đội hiểu những người lính Hà Nội của mình, sự lạc quan, chất nghệ sỹ và sức mạnh tinh thần của họ. Những con người dũng cảm ấy đang chiến đấu để bảo vệ thành phố thân yêu, mảnh đất đã chứa đựng tất cả những gì thân thương, trìu mến nhất: “Sau này, đọc một cuốn sách của Pháp, có đoạn kể khi quân Pháp tiến công Bắc Bộ Phủ, những người bảo vệ đã chiến đấu đến viên đạn, quả lựu đạn cuối cùng, trong tiếng hát và tiếng đàn măng đô lin”. [1]
Người Hà Nội là như thế, họ đã bước vào khói lửa chiến tranh, đã ‘sống mãi với thủ đô’, bằng một tư thế vừa hiên ngang, vừa lãng tử, đậm chất Hà Nội như thế đó. Để cho những giai điệu hào hùng, bay bổng, lãng mạn của những bài ca như ‘Đoàn vệ quốc quân’ sẽ còn ngân vang mãi trong lòng người Hà Nội, người dân cả nước và lịch sử nước nhà, mãi mãi về sau:
“Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi
Nào có sá chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui”

Người Hà Nội của hiện tại

Trở về hiện tại, sự ăn uống của người Hà Nội giờ đã khác xưa nhiều. Cùng với sự xuất hiện của văn hóa công sở, chúng ta thấy người Hà Nội đem cả công việc vào bàn ăn. Bữa ăn giờ có thêm những con số, những tính toán, những kế hoạch. Trong khi những cái miệng đang nhồm nhoàm nhai thức ăn, cái miệng ấy cũng không quyên thể hiện quan điểm của mình. Một bữa ăn tràn ngập thông tin như thế, những món ăn có thực sự tồn tại? Và nếu chúng ta có bắt gặp ai đó đi ăn một mình, thì rất có thể họ sẽ ngồi ăn cùng chiếc điện thoại, với đôi mắt chăm chú nhìn vào màn hình và ngón tay không ngừng di chuyển. Người Hà Nội hiện đại, giờ có vẻ bận bịu hơn người Hà Nội xưa nhiều lắm. Tuổi thọ người Hà Nội có lẽ đã tăng lên, nhưng thời gian sống có lẽ cũng ngắn hơn nhiều lắm.
Bây giờ có lẽ những cảnh trong ‘Hà Nộ băm sáu phố phường’ đã không còn chiếm số đông, những cảnh người Hà Nội ăn phở thật chăm chú gần một nhà thương, hay người Hà Nội ăn bún ốc một cách thiết tha trên hè phố. Với sự phát triển rầm rộ của những quán bia, quán nướng, quán lẩu … cảnh quan ẩm thực của Hà Nội được bổ xung một cách hùng hậu những thực khách mặt đỏ như gấc chín, tay nâng cao chén rượu, miệng thét lớn như xông vào giữa trận tiền. Trong hoàn cảnh căng go, quyết liệt như thế, những thức ăn đã lĩnh mệnh như những vật dụng cứu tế khẩn cấp cho cái cổ họng bỏng rát, cái dạ dày sôi ình ịch bởi sức nóng bia rượu. Và ít ai còn để ý xem nó đắng, cay, mặn, ngọt là như thế nào nữa. Hà Nội bây giờ có vẻ cởi mở, vui nhộn hơn ngày sưa nhiều lắm.
Vậy còn về người Hà Nội hào hoa, niềm tự hào của Hà Nội một thời? Có lẽ, bây giờ sẽ mang một nỗi buồn man mát vì hai chữ ‘một thời ấy’. Bây giờ ít ai còn khen người Hà Nội như thế (ngoài chiếc loa phường, nhưng loa phường lại là một biểu hiện thiếu tinh tế, thanh lịch của Hà Nội). Nếu như ai đó muốn nghe người tỉnh khác, người miền quê khen người Hà Nội, thì có lẽ họ sẽ khen người Hà Nội hiện đại, người Hà Nội nhạy bén và năng động. Nhưng trong cái hiện đại ấy có cái gì lạnh lùng, xa cách. Trong cái năng động ấy có cái gì vội vã, dễ nóng giận. Có xa cách không, khi nhiều người Hà Nội không biết tên hàng xóm của mình? Có vội vã không khi người Hà Nội khó lòng chờ đến giây cuối cùng của chiếc đèn đỏ? Và có dễ nóng giận không khi người Hà Nội rất dễ tặng cho người khác đôi mắt hình viên đạn, những lời nói nặng nề khi có va chạm xảy ra trên đường. Hà Nội của hiện tại dường như gấp gáp và căng thẳng hơn ngày xưa nhiều lắm.
Chúng ta phải thừa nhận rằng những năm tháng cơ cực của chế độ thực dân phương Tây, những năm thác ác liệt của hai cuộc chiến tranh vệ quốc, đã không lay chuyển được chất nghệ sỹ, sự tinh tế của người Hà Nội. Nhưng không gì xói mòn những phẩm chất ấy như thời đại kinh tế thị trường thời mở cửa, cùng với sự đổ bộ ồ ạt của những thứ văn hóa ngoại lai. Thêm một phần quan trọng nữa, do hoàn cảnh đổi thay, Hà Nội từ mảnh đất cố đô, nơi chứa chấp những con người muốn trốn tránh vòng danh lợi, mảnh đất của tao nhân, mặc khách. Nay đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, … của cả nước. Hà Nội chịu áp lực to lớn với số lượng dân cư đông, mật độ tập trung cao và sự nhập cư gia tăng liên tục của người ngoại tỉnh. Đời sống người Hà Nội bị bóp nghẹt, chen lấn như con đường tắc. Có lẽ từ khi là đất kinh kỳ Thăng Long cách đây hơn một ngàn năm, cuộc sống mưu sinh ở Hà Nội chưa bao giờ căng thẳng, chịu nhiều áp lực như thế.
Có phải vì lẽ đó mà văn nghệ thủ đô đã im lặng suốt một thời gian dài, từ văn chương, âm nhạc cho tới điện ảnh, để mặc cho các hình thức giải trí nước ngoài thỏa sức tung hoành? Nhưng còn một điểm an ủi chúng ta, đó là sự trụ vững của các thức quà truyền thống của Hà Nội. Trong khi các thương hiệu đồ ăn nhanh như KFC, McDonald’s, … tàn phá nền ẩm thực các quốc gia như vó ngựa Mông Nguyên hung hãn. Thì họ đã phải nến trái đắng khi cố gắng xâm phạm Việt Nam. Đội quân bách chiến KFC, McDonald’s đã ngã ngựa trước những phở, bún chả, bún đậu, nem quấn, bánh mỳ, bánh cuốn, xôi, cháo … của Việt Nam. Và buộc phải thỏa hiệp để tồn tại. Tuy nhiên, sự tồn tại của họ với sự tham gia nhiệt tình của giới trẻ, cùng với sự phai nhạt của một vài thức quà truyền thống như cốm, sẽ khiến cho ai đó lo lắng, như những gì Thạch Lam đã từng chăn trở.
Nhưng dù sao, sự trụ vững của các thức quà truyền thống khác, vẫn là nơi trú ẩn cho những tâm hồn Hà Nội, mang cho chúng ta nhiều hi vọng. Gần đây, chính phủ cũng có chủ trương giảm mật độ dân cư ở trung tâm Hà Nội, và chúng ta có thêm hi vọng một ngày nào đó có thể lại được nhìn thấy một Hà Nội dịu dàng, trong sáng như xưa. Rằng một Hà Nội xưa cũ, không phải hi sinh cho một Hà Nội hiện đại. Rằng một Hà Nội hiện đại, có thể tồn tại song song bên cạnh một Hà Nội cổ kính, thâm nghiêm – nơi nương náu của những tâm hồn nghệ sỹ.
Trong một vài năm trở lại đây, chúng ta được chứng kiến sự trở lại của nền điện ảnh nước nhà với những câu chuyện, những tâm hồn của riêng đất nước Việt Nam ta. Sự phát triển của ngành xuất bản, với nhiều nhà phát hành mới, những đầu sách chất lượng, cùng với cách trình bày rất chỉn chu, đẹp đẽ. Chúng ta lại có thêm một hy vọng nữa, rằng khi đời sống kinh tế được cải thiện, đời sống tinh thần sẽ được chăm lo nhiều hơn và chúng ta có thể được nhìn thấy sự trở lại của những vẻ đẹp truyền thống, trong những hình thức mới, diện mạo mới.
Sự tái bản thường xuyên của những cuốn sách như ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ cũng nói với chúng ta rằng, phía sau những ồn ào, những xô bồ ngoài kia, còn rất nhiều những tâm hồn ‘đồng thanh tương ứng’ với một Hà Nội tinh tế, hào hoa, đang lặng lẽ náu mình đâu đó. Như những viên than hồng cất giấu hơi ấm trong tro bếp, chờ đợi một ngày chở lại, rực rỡ như xưa.
Thanh Phong
Tháng 9/ 2021
Các phần còn lại:
[Phần 1], [Phần 2_1], [Phần 2_2], [Phần 2_3], [Phần 3_1], [Phần 3_2], [Phần 3_3], [ ... ]
Những tư liệu được trích dẫn trong bài viết:
[1]. “Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ”, Trần Thái Bình, Nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn, 2007.
Những nguồn ảnh sử dụng trong bài viết:
[2] Album ảnh HÀ NỘI 1940 của Harrison Forman, được up bởi thành viên ManhHai trên trang flickr.com.
(các ảnh trong bài viết đã bị giảm kích thước, không được rõ như ảnh gốc)