‘Hà Nội băm sáu phố phường’ – Những trang viết tỏa ngát hương thơm, gói ghém phong vị Hà Thành – Phần 2_1: Khung cảnh của Hà Nội
Những con phố và những âm thanh của Hà Nội
Như tác giả Thu Hằng nhận định trong bài viết của mình về ‘Hà Nội băm sáu phố phường’: “Hai mươi mốt bài ký nhỏ như hai mươi mốt bức họa dựng nên hình bóng của Hà Nội xưa” [1]. Vậy, qua hai mươi mốt bức họa ấy, Thạch Lam đưa độc giả đi những đâu?
Những con phố của Hà Nội
Này đây, phố Hàng Đào với những đổi thay, biểu hiện qua những biển hàng hình con vật muôn hình vạn trạng ‘đủ để làm một gánh xiếc’, hay như các phố Hàng Bông, Hàng Quạt, Hàng Trống, … với các hiệu may, tiên phong trong trào lưu xính chữ Pháp bằng một lối viết rất ‘thần tình’. Ngõ Phất Lộc, Trung Yên, Ô Quan Trưởng, nơi ‘mấy ngọn cỏ trên mảnh tường còn gợi dấu vết của Hà Nội cũ’. Và những con phố khác không rõ tên, nơi cái cũ và cái mới phân đôi 2 nửa ‘các nhà chỉ thay đổi phần dưới: sự thay đổi ít khi lên đến tầng trên …’.
Này đây, là đền Bạch Mã, Hàng Buồm với hàng bún chả thơm phức. Phố Hàng Ga, Hàng Cót, Cửa Bắc nổi tiếng với những gánh phở ngon. Hàng Than của bánh cốm, bánh xu xê. Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Đường với các hiệu bánh đậu xanh truyền thống, và phố Mã Mây, Hàng Buồm của các tiệm thuốc phiện, cùng các món ăn tàu như súi ỉn, lục tàu xá, …
Này đây, là chợ Đồng Xuân ‘cái bụng của Hà Nội’ những đêm hè mát mẻ, người nông dân từ ngoại ô kĩu kịt những gánh rau quả nặng chĩu trên vai, khẩn trương vào chợ. Những hàng quán phố Hàng Khoai, sáng đèn thức bán thâu đêm, tụ họp xung quanh là những con người, những mảnh đời nhỏ bé.
Này đây là cánh đồng làng Vòng xanh mướt, một sớm mùa thu thoảng ngát hương thơm vụ cốm mới. Là đền Ngọc Sơn với cái cột điện mới dựng bằng sắt, sơn hắc ín ‘làm cho vẻ đẹp của cổng đền Ngọc Sơn giảm mất đến chín phần mười’. Là đền Quán Thánh với cái bóp cảnh sát ‘vuông góc thẳng cạnh’ đặt ngay cạnh cổng đền:
“Tuy rằng người ta đã cẩn thận cho cái bóp ấy đại để vẫn hình vuông một hình dáng muốn giống chùa chiền bằng cái mái cong cong, bằng vài cái trang điểm theo lối cũ. Nhưng mà cái chùa giả ấy trong đó thấy cảnh sát thay nhà sư không đánh lừa được ai hết, nhất là người yêu mỹ thuật, yêu Hà Nội, yêu cái vẻ cổ kính của đền chùa.”
Những âm thanh của Hà Nội
Bên cạnh những bức hình, ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ cũng tựa như những thước phim tài liệu với rất nhiều âm thanh sinh động. Mà dặc trưng nhất có lẽ chính là những tiếng rao: “Tang tảng sáng, tiếng bánh Tây đã rao, lẫn với tiếng chổi quét đường. Đó là quà của những người thợ đi làm sớm. Rồi, có từng độ, phố xá vang lên tiếng rao "bánh rán nóng, trinh một, xu đôi" của một lũ trẻ con”
Hay những đêm hè, khi cái nóng nực đã dịu, người ta lại ngóng tiếng rao của các cô hàng chè: “thì các cô qua lại luôn luôn bật ra cái tiếng rao: “Ai cháo đậu xanh, chè đậu đen ra”, lanh lảnh và kéo dài như một luồng gió mát”.
Một đôi khi đó cũng không cần phải là tiếng người, có khi chỉ cần âm thanh thứ gì đó va vào nhau là được: “Có lẽ người bán nghĩ rằng quà rao là sực tắc, hai thanh tre gõ vào với nhau như tiếng guốc đi của một gái về đêm, mà sực tắc chính là hai tiếng Tàu “Thực đắc” mà ra. Thực đắc là ăn được, cho nên quà chỉ cốt ăn được, không cốt gì ăn ngon.”
Ngoài ra còn một loại rao nữa xuất hiện nhiều trong ‘Hà Nội băm sáu phố phường’, cũng làm cho Hà Nội trở nên đặc biệt hơn mà chắc ít nơi khác có. Đó là rao bằng tiếng tàu: “Câu rao nguyên là một tràng tiếng Tàu (Quảng Đông) bà nói với một cái giọng riêng. "Lầu sường, lầu hạ, dầu sực mìn páo mẩu" - "gác trên gác dưới có ăn bánh tây không?".” Và rất nhiều những âm thanh khác gắn với những thức quà lạ lẫm như ‘Sa cốc mày’, ‘súi ỉn’, ‘mạo cán chê, sủi’, ‘phán sì thòong’… Để rồi tác giả tổng kết trong một đoạn viết đầy ám ảnh: “Tất cả những tiếng rao Tàu ấy, đêm khuya văng vẳng trong những ngõ tối quanh co hòa với tiếng reo của nhĩ tẩu, với khói thơm của Phù Dung, đã tạo nên một không khí riêng cho Hà Nội, có lẽ không đâu có.”
Hiện nay, Hà Nội gần như không còn những tiếng rao. Nhưng một lúc nào đó, trong đêm đông lạnh lẽo, vắng lặng, chợt vang lên âm thanh ‘Ai bánh khúc đây, bánh khúc nóng đây’, hẳn sẽ khiến cho người nghe cảm thấy bâng khuâng biết chừng nào. Một chút ấm áp trong tiếng rao, làm cho đêm đông bỗng trở nên thật mênh mông và xa vắng. Chợt hoài niệm về một Hà Nội cũ, trầm mặc, mịt mù trong sương khói như còn đâu đây.
Đối với độc giả thế hệ 8x, 9x đời đầu, vẫn còn một chút ít kỷ niệm về những tiếng rao, những ngày thơ bé. Hẳn ai đó còn nhớ cảm giác trái tim xốn xang thế nào khi nghe thấy tiếng bác hàng kem bóp chiếc chai nhựa, phát ra cái âm thanh tựa như ‘kem mút, kem mút’ ấy, cùng tiếng xe đạp lạch cạch trong những ngày hè oi ả. Hay tiếng rao của chị bán đồng nát ‘Ai ..i..i nhôm đồng sắt vụn đổi bán đi ..i..i ’. Đó là những tiếng rao được cất lên một cách thiết tha và thân thương biết chừng nào, mà bây giờ nhớ lại còn cảm thấy sự ngọt ngào ngân vang mãi.
Hiện nay, trên ti vi thỉnh thoảng lại xổ ra những chương trình quảng cáo với âm thanh chói tai, hết sức giả tạo, huyênh hoang, một đôi khi cả lố bịch nữa, chỉ cốt làm sao cho khán giả chú ý mà mua sản phẩm của mình. Lại càng khiến ai đó thêm nhớ thương những cô, những chị bán hàng rong như thế. Ước ao được nghe lại những tiếng nói dịu dàng và dễ mến biết bao.
Trong ‘Hà Nội băm sáu phố phường’, Thạch Lam chỉ kể lại chứ không mô tả kỹ tiếng rao như các thức quà. Bởi có lẽ thời ấy, tiếng rao của người bán hàng rong là một thứ hiển nhiên, tựa như tiếng gà gáy ban sớm ở nông thôn. Chỉ cần nói ra thôi là gợi lại biết bao cảm súc, những hình ảnh và âm thanh, đâu cần kể ra hết – đó cũng là chỗ ý tại ngôn ngoại của văn chương. Nhưng điều đó, hiện nay và về sau, sẽ lại là một thiệt thòi không ít cho các thế hệ độc giả, khi không còn được sống trong không gian lặng lẽ và lắng nghe tiếng rao của Hà Nội như xưa nữa. Ít nhiều sẽ làm giảm sự cảm thụ vẻ đẹp của tác phẩm. Vậy, cũng xin viết lại đây một vài dòng, mong giãi bày phần nào những mất mát ấy.
Thanh Phong
Tháng 9/ 2021
Các phần còn lại:
Những tư liệu được trích dẫn trong bài viết:
[1] “Thạch Lam - người nghệ sĩ nặng tình của đất Hà thành”, Thu Hằng, nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn
Những nguồn ảnh sử dụng trong bài viết:
[2] Album album ảnh HÀ NỘI 1940 của Harrison Forman, được up bởi thành viên ManhHai trên trang flickr.com.
(các ảnh trong bài viết đã bị giảm kích thước, không được rõ như ảnh gốc)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất