‘Hà Nội băm sáu phố phường’ – Những trang viết tỏa ngát hương thơm, gói ghém phong vị Hà Thành – Phần 2_3: Khung cảnh của Hà Nội
Cảnh quan của Hà Nội
Cảnh quan của Hà Nội
Cảnh quan của đất Hà Thành trong ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ hiện lên như thế nào? Đó là một Hà Nội mà ở nơi kín đáo nào đó, vẫn còn giữ được vẻ đẹp của những gì xưa cũ, trong những con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo và bí ẩn, ở đó:
“Những nhà cũ của ta có một lối kiến trúc riêng. Ở các phố Hà Nội hiện giờ, thỉnh thỏang cũng còn được một vài nhà. Giữa nhà, mảnh sân vuông lộ thiên, có bể non bộ và cá vàng, có dãy chậu lan, có bể đựng nước, và trên tường có câu đối chữ nho. Đôi khi đi qua, một cánh cửa hé mở, chúng ta được thoáng nhìn vào; bóng một thiếu nữ nhẹ qua sân, hình dáng một ông cụ già cúi mình trên cây cảnh. Tất cả cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa, những ý nghĩ cũ, những hy vọng và mong ước khác bây giờ.”
Và Hà Nội của những gì đang đổi thay dưới thời Pháp thuộc. Đó là những con phố mới: “Những phố cũ, hẹp và khuất khúc, […] đã nhường chỗ cho những phố gạch thẳng và rộng rãi, với từng dãy nhà giống nhau đứng xếp hàng. Thẳng và đứng hàng, đó là biểu hiện của văn minh. Khi ông cầm lái chiếc ô tô thì ông lấy làm dễ chịu vì đường rộng, vì phố thẳng lắm.”
Đó là những thay đổi ở các cửa hiệu, nơi những biển hàng, thứ đã từng “là một bộ gì liền với cơ nghiệp và số vận của người buôn, cái biển hiệu thực hiện của những cố công nhẫn nại và những đức tính ngay thật của chủ hàng”, nay đã trở thành những vật lạ lùng, hào nhoáng chạy theo mốt dùng chữ Pháp một cách cẩu thả: “Bây giờ các biển hàng viết chữ Pháp chiếm đến chín phần mười trong các biển hàng. Nhiều hàng, tuy chỉ giao thiệp với khách hàng Việt Nam thôi, cũng để toàn chữ Pháp”. Cùng những thứ ánh sáng lòe loẹt “Nhưng bây giờ người ta đã xóa đi để thay vào bắng lối chữ "vuông tân thời" trong các quảng cáo ở báo Tàu hay bằng những chữ điện tím hoa cà, xanh lá mạ đêm đêm sáng ngời một góc trời.”
Đó còn là những thêm thắt bừa bãi, vô tâm vào những di tích xưa cũ, như cây cây cột điện thô kệch dựng ở cổng đền Ngọc Sơn, những vòng sắt ngoằn ngoèo mắc đèn lèo loẹt trên cầu Thê Húc, hay một bóp cảnh sát đặt trước cổng đền Quán Thánh.
Hà Nội trong tập bút ký cũng là một chứng nhân lịch sử, nơi lưu giữ những tội ác của chế độ thực dân Pháp. Đó là chính sách ngu dân, đầu độc người Việt Nam trong rượu cồn và thuốc phiện. Có thể thấy những người nghiện xuất hiện rất nhiều trong tập bút ký: “Thỉnh thoảng chúng ta được thấy một vài nhân vật lạ; một vài người không biết ở đâu, và sống bằng cách gì, gầy gò và rách rưới, nhưng quần áo rách là những thứ sang trọng trước kia. Nhìn kỹ thì biết là những người nghiện”.
Khi chủ tịch Hồ Chí Minh còn là chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc, người đã từng viết trong Bản án chế độ thực dân Pháp: “Để có thể đánh lừa dư luận bên Pháp và bóc lột dân bản xứ một cách êm thấm, bọn cá mập của nền văn minh không những đầu độc nhân dân An Nam bằng rượu và thuốc phiện, mà còn thi hành một chính sách ngu dân triệt để” hay “Dân lao khổ bản xứ ở Đông Dương từ bao đời nay bị bóp nặn bằng đủ mọi thứ thuế khoá, sưu sai, tạp dịch, bằng cưỡng bức phải mua rượu và thuốc phiện theo lệnh quan trên"[3]. Hẳn những độc giả ngày nay, của nước Việt Nam độc lập, sẽ khó lòng hiểu hết những sắc thái ý nghĩa trong đó. Nhưng nếu đọc ‘Hà Nội băm sáu phố phường’, người đọc có thể cảm nhận được phần nào thực trạng đau thương ấy của Hà Nội một thời: “Các thứ ấy chỉ bán quanh quẩn trong mấy đường lối gần Hàng Buồm và phố Mã Mây, phần nhiều trong các ngõ tối tăm. Bán cho ai? Cho những người hút thuốc phiện”.
Thuốc phiện vốn đã bị cấm từ thời Minh Mạng, tuy nhiên do các hiệp ước buộc phải ký với Pháp, mà việc buôn bán và hút thuốc thuốc phiện được công khai. Trong đó, cũng như gạo, muối và rượu, người Pháp luôn giữ độc quyền và thu được lợi nhuận lớn “Thuế muối, rượu và thuốc phiện đem lại 80% nguồn thu cho ngân sách của chính phủ toàn quyền, trong đó thuốc phiện chiếm hơn 50%” [4]. Việc bán lẻ, và phân phối thuốc phiện được những người Hoa đảm nhận và cũng thu được món hời không nhỏ. Ngoài những nhà buôn đã đến Hà Nội từ sớm, những người Hoa còn lại, rất đông còn là những người chạy nạn khỏi cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật Bản từ những năm 1939, phần lớn họ là người Quảng Đông và các tỉnh miền nam Trung Quốc. Họ sống rất đông ở các phố Hàng Ngang, Hàng Buồm và Mã Mây. Đây cũng là những con phố xuất hiện nhiều trong ‘Hà Nội băm sáu phố phường’, với các món ăn tàu và các tiệm thuốc phiện.
Trong tập bút ký, Thạch Lam thường gọi những người Hoa này là người Tàu hay chú khách. Họ đã mang đến cho Hà Nội nhiều thứ mới lạ, là đặc trưng cho Hà Nội một thời. Từ những người bán hàng quà rong như chú khách bán mằn thắn, mạo cán chê, bát bảo lường xà, bánh bò chê, cháo bạch trúc… cho tới những người nghiện thuốc phiện. Từ những món ăn lạ lẫm, riêng của người Tàu, cho đến các hiệu cao lâu khách. Từ những tiếng rao lạ tai theo âm Quảng Đông, cho tới “tiếng reo của nhĩ tẩu, với khói thơm của Phù Dung, đã tạo nên một không khí riêng cho Hà Nội, có lẽ không đâu có”. Sự xuất hiện của người Tàu đã đem đến cho Hà thành, cho tập ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ những gam màu tối, buồn và u uất, ghi dấu lại một thời loạn lạc và đau buồn của phương Đông sau cuộc chiến tranh Nha Phiến. Ngày nay, những vết tích ấy đã không còn nhiều. Người ta thỉnh thoảng vẫn còn thấy, ở đâu đó trong Hà Nội còn bán món ‘lục tàu xá’, và cũng không có nhiều người biết về gốc gác những mòn ăn đã được Việt hóa, như món quẩy vốn âm của nó là ‘dâu chặc quây’ hay bánh trôi tầu vốn có tên là ‘súi ỉn’. Về khía cạnh ấy, tập ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ đã hoàn thành một cách xuất sắc ý nghĩa của một cuốn sử liệu về cảnh đời sống sinh hoạt người Hà Nội một thời. Và tựa như một mảnh ngói thời Lý, một viên gạch đời Trần trong hoàng thành, sau mỗi lớp bụi của thời gian, giá trị của tác phẩm ấy lại càng lớn lao, sâu sắc hơn, làm ấm lòng những con người yêu lịch sử, yêu Hà Nội đầy thăng trầm, cổ kính.
Ở thời của Thạch Lam, Hà Nội của đất kinh kỳ Thăng Long ngàn năm văn hiến và Hà Nội – thành phố thuộc địa thực dân phương Tây, cùng tồn tại trong sự hòa hợp và đấu tranh thầm lặng. Nhưng điều đó không phải tất cả của ‘Hà Nội băm sáu phố phường’. Nếu như tập bút ký giống như một bức tranh lớn được vẽ công phu, những chi tiết ấy giống như những đường viền, để tôn lên khung cảnh ở trung tâm – tức chính là đời sống của người Hà Nội. Vậy đời sống người Hà Nội, qua tập bút ký hiện lên như thế nào?
Thạch Lam đã dành những trang viết của mình để tìm kiếm và ngợi ca những vẻ đẹp của Hà Nội. Nhưng đó không phải là những công trình xa hoa, những biệt thự tráng lệ của thực dân Pháp. Không phải những bà mệnh phụ, thân hình đầy đặn, ăn mặc sang trọng, những tiểu thư nhan sắc mỹ miều, sống trong nhung lụa. Không phải những đời sống tràn trề trong hơi men sâm panh cùng vị ngấy của sữa bò. Cho dù các thứ ấy chiếm gần hết những giá trị vật chất của xã hội.
Thạch Lam dành trọn trái tim mình cho những người lao động bình dân, những người nghèo và thân phận nhỏ bé trong xã hội. Đó là những bác phu, những người kéo xe ngồi thành hai vòng, xung quanh bà cụ bán xôi ở phố Hàng Khoai, trong những đêm khuya sau ngày lao động nặng nhọc “Ở đây không có gì đáng quyến rũ một người sành thưởng thức, quả vậy. Nhưng phải trông các bác xe, các người phu ngồi ăn, mới hiểu cái ngon lành có thể đến bực nào!”.
Đó là ‘các bà, các cô đi chợ, cô hàng vải, cô hàng rau v.v...’ ngồi quây quần bên cô hàng cơm nắm, trong những buổi sáng sớm, vì thức quà của cô ‘vừa rẻ vừa ngon, lại vừa no lâu’ và cũng là để ‘vừa ăn vừa nhai nhè nhẹ và thong thả hỏi han thân mật cô hàng’.
Đó là những người bán hàng trong phiên chợ xanh của chợ Đồng Xuân, gợi nên khung cảnh vừa tấp nập vừa lặng lẽ của một phiên chợ đêm, ấm áp tình người và tỏa ngát hương thơm của các thức quà: “Trong khi chợ xanh đang họp, tuy đêm khuya, mà quang cảnh cũng không thiếu phần tấp nập. Những người bán gọi thêm một số người mua, cả người bán lẫn người mua lại gọi thêm một số hàng quà. Gánh hành phở nóng trước chợ Đồng Xuân lúc ba giờ đêm cũng là gánh phở ngon, có lẽ là trong không khí mát và lặng ban đêm, mùi phở thơm quyến rũ người ta hơn. Rồi hàng xôi, hàng bánh cuốn nóng, hàng bánh tây chả, vân vân, cũng tụ họp nhau để lập thành cho đầy đủ một dãy quà ngon, nhiều hương vị”.
Đó là những cô đào, chị em thanh lâu ngồi xúm xít quanh hàng bún ốc những buổi trưa vằng. Vài người nghiện thưởng thức ‘súi ỉn’ trước cửa tiệm hút trong những đêm khuya. Hay những viên công chức, bác thợ thuyền, những đêm hè dịu mát, nằm ngồi ngổn ngang trên hè phố đợi các cô hàng chè đỗ đen. Và những em học sinh, những ngày đông giá rét, túm tụm đứng đợi những chiếc bánh tôm nóng hổi từ chảo dầu thơm phức, ở một hàng quà trước cổng trường.
Nếu như những trang viết về các thức quà đã tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho tập bút ký, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Thì không gian xung quanh những thức quà ấy, giữa người làm ra, người bán hàng và người thưởng thức, đã đem lại một bức tranh đầy sinh động về đời sống người Hà Nội. Hương vị ngon lành của các thức quà, đã trở thành sợi dây vô hình, liên kết những con người xa lạ trong sự trân trọng, nâng niu của việc thụ hưởng sản vật của sông núi, đất trời và con người. Ở đó, Thạch Lam sẽ kể cho người đọc những nối niềm, những câu chuyện và những kiếp người bình dị, nhỏ bé, nhưng đã tạo nên cái hồn cốt của ‘Hà Nội băm sáu phố phường’: “chung quanh nồi nước phở, ta thấy tụm năm tụm ba, các bệnh nhân đàn ông và đàn bà, các bác gác san, các thầy y tá, và cả đến các học sinh trường Thuốc nữa. Chừng ấy người đều hợp lòng trong sự thưởng thức món quà ngon, nâng cách ăn phở lên đến một nghệ thuật đáng kính.”.
Thanh Phong
Tháng 9/ 2021
Tài liệu tham khảo và thông tin liên quan
[1]. “Phố phường Hà Nội xưa”, Hoàng Đạo Thúy, Nxb Hà Nổi, ấn bản 2015
Những nguồn ảnh sử dụng trong bài viết:
[2]. Album album ảnh HÀ NỘI 1940 của Harrison Forman, được up bởi thành viên ManhHai trên trang flickr.com
Những tư liệu được trích dẫn trong bài viết:
[3]. “Học tập tư tưởng phòng, chống ma túy của Bác Hồ từ ngày dựng nước”, Lê Hiền, pctnxh.molisa.gov.vn
[4]. “Người Hà Nội xưa chống chính sách thuốc phiện của thực dân Pháp như thế nào?”, anninhthudo.vn
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất