Những con người của Hà Nội trong tập bút ký, họ tụ họp và gắn kết với nhau, xung quanh một nhân vật – đó là các cô hàng. Các cô hàng quà, hàng nước đã được Thạch Lam giao cho trách nhiệm trọng đại, đó là vị đại sứ của ‘Hà Nội băm sáu phố phường’:
“Một hàng nước đắt hàng vì các thức quà bán đã đành, nhưng đôi khi cũng đắt khách vì cả cô hàng. Cô hàng nước Việt Nam dù ở dưới bóng đa, bên ruộng lúa, hay ở dưới mái hiên của đường phố, ở đâu cũng vậy, miệng cười tươi của cô hàng là dây liên lạc khắp cả mọi người. Cô hàng nước Việt Nam, từ xưa đến nay đã chiếm một địa vị quan hệ trong lịch sử, và trong văn chương […]”
Các cô không chỉ mang lại cho người ta, tất cả những gì là phong vị của Hà Nội, trong các thức quà ngon lành và thơm tho, sự ấm áp và dịu dàng của Hà Nội, qua nụ cười duyên dáng và tiếp đón thân tình. Các cô hàng rong còn mang lại hình ảnh về một Hà Nội thanh lịch, tao nhã, qua cách phục sức gọn gàng, tươm tất và đúng mực. Những dáng đi uyển chuyển, cần mẫn của các cô, cùng gánh quà kĩu kịt trên vai, đã làm đẹp, điểm tô cho những con phố nhỏ, hiu hắt sương thu của Hà Nội, biến nó thành một bức tranh đầy ý vị và đậm chất thơ. Cùng với những tiếng rao, các cô đã ngân lên những tình cảm thân thương, gần gũi của Hà Nội, gợi nên nỗi nhớ mong cho những người đợi quà mỗi buổi sớm, khi mùa về hay cả những đêm khuya bồi hồi nơi đất khách.
Tiếng cốm Vòng đã lan khắp tất cả ba kỳ, và đến mùa cốm, các người ở Hà Nội 36 phố phường vẫn thường ngóng trông cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng...
Có phải vì đã có một tuổi thơ sống nơi phố huyện, mà Thạch Lam viết về những người bán hàng (đặc biệt là các cô hàng) một cách đằm thắm đến thế không. Trong ‘Hà Nội băm sáu phố phường’, đó là bà cụ bán xôi, cô hàng cơm nắm, chị bán bún ốc, ba bà cháu bán bánh cuốn, chị hàng chè đỗ đen, cô Dần hàng nước … Ở họ toát lên những nét đẹp chung của người phụ nữ Việt Nam: tần tảo, đảm đang, chịu thương chịu khó. Đó là cô hàng cơm nắm cùng các bạn hàng vải, hàng cau, … “cùng bạn làm ăn cả, một gánh nuôi chồng nuôi con, đóng góp thì nhiều. Âu cũng là cái phận chứ biết làm thế nào.”. Đó là cô Dần hàng nước, tuy chưa đến tuổi trưởng thành nhưng đã có thể bán hàng thay mẹ: “Tuy vậy cô là một thiếu nữ đảm đang lắm. Một mình cô trông nom cái cửa hàng nước ở trước chợ Đông Xuân, bên cạnh bà cô bán hàng xôi, và cũng như bà, cô bán hàng từ chín, mưới giờ tối, suốt đêm cho tới sáng”.
Qua những người bán hàng, những vị khách xung gánh hàng, tập bút ký gửi đến độc giả những nét đặc trưng trong tính cách và tâm hồn Hà Nội.

Những con người tâm huyết với nghề

Hình ảnh người Hà Nội hiện lên trong ‘Hà Nội băm sáu phố phường’, qua những người bán hàng rong. Họ là những con người cần mẫn, đội thúng cất tiếng rao vào mỗi sớm mai hay kĩu kịt đôi quang gánh đi qua các con phố. Để mang tới cho thực khách của Hà Nội những món ăn thơm ngon, gói ghém trong đó tâm huyết của người làm ra thức quà ấy.
Người Hà Nội là những con người tận tâm với công việc, điều ấy hẳn là một lẽ đương nhiên. Bởi, để làm ra các thức quà ‘nổi tiếng ngon lành và lịch sự’, chắc chắn không thể nào qua loa, cẩu thả cho được.
Phía sau “Tiếng cốm Vòng đã lan khắp tất cả ba kỳ” đó là sự tinh tế, khéo léo của người làm cốm, sự cẩn trọng, nâng niu trong khi chế biến, xen lẫn những bí mật của truyền thống lâu đời: “Đợi đến lúc vừa nhất, mà chỉ riêng những người chuyên môn mới định được, người ta gặt mang về. Rồi đến một loạt cách chế biến, những cách thức làm, truyền tự đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn, các cô gái Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy”.
Để có được thứ ‘bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa’ thứ ‘cháo hoa quánh mùi gạo thơm, xôi nồng mùi nếp mới’, nhất định không thể làm ra từ thứ gạo xấu, bột thô cùng đôi tay vụng về được.
Thạch Lam đã mô tả sự công phu, tỷ mỷ trong quá trình làm ra các thức quà ngon lành ấy, qua những trang viết về bánh cuốn. Từ chỗ mua bột bánh ở đâu, chuẩn bị nhân bánh như thế nào, cách chế biến ra sao. Sự tỷ mỷ, kỹ càng lên đến mức, tác giả đã chỉ định rõ nhân tôm phải là ‘tôm hồ Tây, của những thuyền siết mang lên bán vào khoảng mười hai, một giờ trưa, là thứ tôm ăn ngậy và ngọt vị’. Và không kể đến quá trình cuộn và hấp bánh đầy khéo léo, cẩn trọng, cũng như chuẩn bị nước chấm thật công phu sau đó.
Có lẽ bởi sự tinh tế của người Hà Nội trong ẩm thực, mà đã nâng việc làm ra những thức quà ấy trở thành một nghệ thuật. Nhiều thức quà không đơn thuần là công việc mưu sinh, mà đã thành truyền thống gia đình như cốm của làng Vòng, hay bánh cốm, bánh xu xê của các hiệu hàng Than vậy.
Hơn nữa, với những người bán hàng của Hà Nội, quà không chỉ là một sản phẩm để kiếm sống. Đó còn là tâm huyết của người làm và là những tình cảm được gửi gắm qua hương vị. Không ít lần, Thạch Lam đã ví các thức quà với những tác phẩm văn chương. Và nếu tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của giới văn nhân, thì các thức quà cũng là những đứa con tinh thần của những người hàng quà vậy. Ở xứ sở mà sự ăn uống thường ngày đã trở thành một nghệ thuật, thì người có thể đánh thức những khía cạnh sâu sắc nhất của vị giác, xứng đáng là một nghệ sỹ chân chính.
Ở họ có sự dồn nén của những tâm huyết trong các thức quà, và mong chờ sẻ chia ở những tâm hồn tri âm nơi thực khách. Ví như cô hàng bún ốc, bà cụ bán xôi của ‘Hà Nội băm sáu phố phường’: “Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy người ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm. Ấy cô có thú thực với tôi như thế.” Người đọc có thể cảm nhận được đôi mắt chăm chú của cô hàng bún ốc, dõi theo những biểu cảm trên khuân mặt các cô đào – người thưởng thức tác phẩm của cô, và sự vui mừng, phấn khởi thế nào, khi nhận thấy rằng họ đã đánh giá đúng giá trị của tác phẩm ấy.
Sự tận tâm của những người bán hàng trong ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ còn thể hiện ở một chi tiết rất tinh tế nữa: đó là hơi ấm của những thức quà. Có thể thấy điều này được mô tả thường xuyên trong tập bút ký. Đó là ‘hàng xôi nóng hãy còn hơi bốc lên như sương mù’. Đó là một bát phở ‘nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút’. Đó là chiếc bánh tôm ‘còn nóng hôi hổi, bỏng cả miệng, cả môi, cả lưỡi’. Điều ấy có thể là một sự tự nhiên, như chiếc bánh mới lấy ra từ trong chảo mỡ. Nhưng đó còn là sự gìn giữ đầy ý nhị của các bà, các cô hàng, mong muốn đem lại cho người thưởng thức sự toàn vẹn nhất về một thức quà ngon, ví như hàng bánh tây:
Bánh tây của bà cũng chỉ là bánh tây hạng thường, hồi rẻ chỉ có mười hai xu một chục, nhưng bà mới lấy ở lò ra, và ủ khéo khiến bao giờ cũng nóng. Chả có hai thứ: chả lợn và chả bò, thứ sau này điểm thêm cái vị thìa là. Bà cũng bỏ lò cho mỡ chảy, và cũng giữ nóng như bánh tây. Cái nóng nọ cặp lấy cái nóng kia, gây thêm chút muối tiêu để sẵn trong một cái lọ, thành một thứ quà vừa rẻ, vừa chắc bụng, vừa ngon
Hơi nóng của thức quà cũng là hơi ấm của tình người, trong mối quan hệ giữa người bán và người mua, người sáng tạo và kẻ thưởng thức. Hơi ấm ấy còn là hơi ấm của sự trân trọng và tha thiết với cuộc sống.
Trong một trang viết khác, Thạch Lam đã kể về bác bán giầy giò, người có lẽ với số phận bi thương, đã không còn mong mỏi gì với cuộc sống. Và món hàng của bác, cũng nguội lạnh như tâm hồn bác vậy: “Cái đời tối tăm ấy, ở những đường phố xa, hẻo lánh, như không còn mong chờ gì. Cả cái thức quà của bác ta cũng vậy: mấy khoanh giò nguội, mấy chiếc bánh giò chua, ăn lạnh như sương mồ người chết. Cho nên bác cứ đi như thế, lẩn lút ở các ngõ tối đêm khuya, chả mong bán được mà cũng chả mong ế, lặng lẽ và chán nản như một linh hồn có tội...
Hà Nội trong thời đại của Thạch Lam, là Hà Nội của một giai đoạn đầy biến động và khổ đau. Nhưng cũng giống như ‘Gió đầu mùa’, ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ luôn tỏa ra đầy đủ hơi ấm của tình người, niềm yêu thương cuộc sống và sự lạc quan. Đó là vẻ đẹp trong văn chương Thạch Lam và cũng là vẻ đẹp của tâm hồn Hà Nội vậy.
Thanh Phong
Tháng 9/ 2021
Các phần còn lại:
[Phần 1], [Phần 2_1], [Phần 2_2], [Phần 2_3], [Phần 3_1], [Phần 3_2], [Phần 3_3], [ ... ]
Những nguồn ảnh sử dụng trong bài viết:
[1] Album ảnh HÀ NỘI 1940 của Harrison Forman, được up bởi thành viên ManhHai trên trang flickr.com.
(các ảnh trong bài viết đã bị giảm kích thước, không được rõ như ảnh gốc)