Người Hà Nội - Những con người chân thật

Hình ảnh người Hà Nội, qua những người bán hàng rong của tập bút ký, cũng hiện lên là những con người mộc mạc, giản dị, chân chất như những thức quà tinh khiết của họ vậy.
Điều này hẳn cũng là một lẽ đương nhiên nữa. Những con người tận tâm để làm ra những thức quà ngon lành, được thẩm định bởi những cái miệng nổi tiếng sánh sỏi, lẽ nào có thể dung túng cho sự giả dối được (hơn nữa thời ấy cũng chưa có đầy đủ phương tiện như bây giờ).
Nhưng một đôi khi, Thạch Lam cũng phải thở dài rằng: “Người sành ăn bây giờ mỗi ngày một ít, người ưa chuộng của tốt cũng không còn có nhiều. Người ta bây giờ chỉ ham cái sự rẻ, và chỉ cần có cái mầu mỡ bên ngoài. Sự giả dối, điêu ngoa, và luộm thuộm, thay thế cho sự thật thà, cẩn thận. Không cứ gì trong các thức ăn, cả đến những sản phẩm khác cũng vậy.”.
Ở một chỗ khác, Thạch Lam cũng phê bình anh bán mằn thắn khôn lỏi của ta, chỉ thích đi tắt đón đầu: “món quà bán thì cứ muốn bán cho rẻ và nhiều, thích thế để xiêu lòng khách còn cái phẩm có tốt hay không, không quan tâm đến. [..] Mằn thắn thì làm rất to bột, nặn xuề xòa để trông càng to hơn, nhưng nhân thì hết sức kín đáo và nhỏ bé, vì được một tí thịt chỗ bạc nhạc, mua rẻ của các hàng thịt lậu ôi ở ngoại ô, lúc trút hàng bán rẻ. Nước cũng rất nhiều nữa, dềnh lên như ao sau trận mưa, nhưng nhạt ví như nước bèo. Ấy thế mà tất cả chỉ bán có năm xu.
Những lời phê bình trên, Thạch Lam dùng cho số ít những người muốn sao chép các món ăn của người Tàu, nhưng lại chỉ làm nửa vời, và đôi khi thêm vào một chút mánh khóe nữa. Tuy nhiên, những người như thế thường chỉ nhận được sự lạnh nhạt từ thực khách Hà Thành. Thật may là tất cả những thức quà truyền thống vẫn được đảm nhận bởi những đôi tay khéo léo, những con người tận tâm, cùng những tấm lòng thơm thảo.
Cái danh tiếng ‘ngon lành và lịch sự’ của quà Hà Nội, không chỉ đến từ những hương vị phong phú, đậm đà, mà còn vì cả sự tinh khôi trong ấy, đó là sản vật của những tâm hồn chân thật, mộc mạc. Dù khi chỉ là một món ăn hết sức bình thường như hàng cơm nắm: “sạch sẽ và tinh khiết, từ quà cho đến cả quang thúng, cả cô hàng …” cho đến những thức quà nổi tiếng về sự thanh tao gắn liền với người Hà Nội như cốm: “chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm, sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may chút bụi nào”.
Quả vậy, sự thành thực, trong sáng nơi các thức quà chính là một hương liệu đặc biệt, thứ công thức bí mật của quà Hà Nội mà những kẻ tham lam, tầm thường không dễ gì biết được. Nó tựa như một giải lụa bạch, để đề lên đó những nét chữ cứng cỏi, khí phách, một thứ nước dùng đặc biệt, để từ đó tôn lên những hương vị tinh tế của bát phở ngon. Bằng một sự nhạy cảm lạ thường, Thạch Lam đã phát hiện ra điều tuyệt diệu ẩn sau những gì có vẻ dung dị, tầm thường ấy, và đã viết lên ở những những trang văn đậm chất thơ:
Nếu là gánh phở ngon cả Hà Nội không có đâu làm nhiều, thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt, và hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa
Thỉnh thoảng, trong những trang viết của mình, Thạch Lam có kể về một vài người như anh chàng người mình bán mằn thắn. Những người coi việc bán hàng quà chỉ như một công cụ kiếm tiền và tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận. Điều ấy hoàn toàn xa lạ với những người bán quà truyền thống của Hà Nội, như các bà, các cô hàng xôi, cơm nắm, bún ốc, phở, cốm … những người đã gửi vào đó tất cả sự khéo léo, tinh tế và chân thành của mình. Qua đó, Thạch Lam bày tỏ một chút lo lắng về những gì đang đổi thay trên mảnh đất đã dành trọn sự mến thương của tác giả.
Những người bán hàng bình dị, chân chất của Hà Nội, bên cạnh sự tận tụy với gánh hàng, họ có sự tự tin của một tấm lòng ngay thẳng, trung thực, và một chút tự hào của những con người khéo léo, tài hoa. Đó là bà cụ bán xôi ở Yên Phụ “cứ mỗi sáng, bà từ ô xuống phố, theo một đường đi nhất định, đã ngoài hai mươi năm nay, để các nhà muốn ăn cứ việc sai người ra đừng chờ”. Đó là những anh chàng bán phở gánh, chỉ đỗ ở một nơi nhất định để cho các thực khách tự tìm đường đến mà mua: “Và anh hàng phở chả phải gánh nặng đi đâu cả, chỉ việc đỗ một chỗ nhất định, cũng đủ bán một ngày hai gánh như chơi”. Và đó cũng là những cô hàng cốm mà bóng dáng của các cô đã trở thành nỗi nhớ mong của những người Hà Nội mỗi khi gió heo may tràn về.
Giống như vị chua trong bát nước ốc ‘làm nhăn các nét mặt tàn phấn’. Sự xuất hiện của những anh chàng rang mãnh, khôn lỏi lại càng làm cho người đọc thêm trân trọng những gì mộc mạc, chân thật ở những người bán quà dung dị của Hà Nội, cùng sự tinh khiết trong các thức quà truyền thống. Tựa như sự xuất hiện của những chiếc bánh rán ‘vừa cứng, vừa xăn’ và lúc tang tảng sáng, càng khiến người ta thêm trân trọng sự thơm lành của những hàng quà xuất hiện sau đó, như bánh cuốn, xôi đậu, xôi vừng mỡ dừa, ngô bung, cơm nắm, phở, bún …
Tuy không mô tả một cách trực tiếp và chi tiết, nhưng qua từng trang viết, độc giả có thể cảm nhận được những phẩm chất ấy của người Hà Nội một thời. Lấp ló phía sau những thức quà ngon lành, thơm tho, là những khuân mặt phúc hậu, những ánh mắt chân thành. Tập bút ký đã lưu lại không khí quý giá của một thời kỳ, tuy cuộc sống thiếu thốn nhưng lại toát lên vẻ đẹp của sự giản đơn, trong sáng và thuần hậu.
Hình ảnh bà cụ bán xôi, những lúc thưa khách cũng muốn được thưởng thức thành quả của mình, bằng cách nhấp một ít rượu, véo một ít xôi cùng một ít vó bò, là những trang viết thật đẹp của Thạch Lam, tỏa ra thứ ánh sáng lung linh trong những đêm đông ở chợ Đồng Xuân và của cả thời kỳ nhá nhem, tối tăm nô lệ. Những trang viết ấy hẳn sẽ đọng lại nhiều suy tư trong lòng người đọc. Đặc biệt trong thời đại ‘trồng rau hai luống, nuôi lợn hai chuồng’ như hiện nay, chúng ta thêm thấm thía lời Nhà xuất bản văn học: “Trong thời đại mới hỗn loạn, và chưa biết bao giờ mới trật tự này, chúng ta đang đổi diện với sự ăn uống trong một tình thế cùng quẫn và bị đát. Đến nỗi mỗi miếng ăn, mỗi hớp uống, có thể là một miếng độc hại, một hớp ô nhiễm, mà chúng ta không thể nhận biết, và không có được bất cứ một khả năng nào để chối từ. Chính trong thời hiện tại này, mà cách ăn uống đã trở nên sâu rộng và phức tạp vô kể, […] chúng ta lại càng thấy nhớ tiếc, thấy thấm thía cái nét đẹp dung dị, cái lành mạnh, cái tinh túy của những món quà cũ mà chẳng cũ, của một cuisine vietnamienne chất phác, thuộc một thời đại chưa hề xa, trong Hà Nội băm sáu phố phường.
Những trang viết của Thạch Lam không chỉ thành công trong việc lưu lại những hương vị phong phú trong các thức quà của Hà Nội, mà còn lưu lại những ký ức đầy giá trị về những con người Hà Nội xưa cũ, những tâm hồn chân chất, mộc mạc và ngát hương. Hà Nội hiện nay đã thay đổi nhiều, con người cũng phức tạp hơn. Nhưng có lẽ độc giả vẫn mong muốn, một ngày nào đó, vẻ đẹp ấy sẽ trở lại, giống như một người đi xa vẫn mong ngày trở về Hà Nội, trong hương cốm mùa thu.
Thanh Phong
Tháng 9/ 2021
Các phần còn lại:
[Phần 1], [Phần 2_1], [Phần 2_2], [Phần 2_3], [Phần 3_1], [Phần 3_2], [Phần 3_3], [ ... ]
Những nguồn ảnh sử dụng trong bài viết:
[1] Album ảnh HÀ NỘI 1940 của Harrison Forman, được up bởi thành viên ManhHai trên trang flickr.com.
(các ảnh trong bài viết đã bị giảm kích thước, không được rõ như ảnh gốc)