HOMENTOR EP 2: XÂY NHÀ CHÍNH LÀ XÂY MÌNH
Từ một tổ ấm nhỏ bé cách đồng lúa chín vài bước chân, cho đến một ngôi nhà lô trong ngõ phố thị inh ỏi tiếng còi xe, không người chủ nào mà không mệt mỏi, áp lực, lo lắng trong suốt quá trình xây dựng.
Việc quan trọng nhất nhì trong đời người là xây nhà. Từ một tổ ấm nhỏ bé cách đồng lúa chín vài bước chân, cho đến một ngôi nhà lô trong ngõ phố thị inh ỏi tiếng còi xe, không người chủ nào mà không mệt mỏi, áp lực, lo lắng trong suốt quá trình xây dựng.
Thêm vào đó, mỗi người sẽ có những nhu cầu riêng cho mái ấm của mình, nên nhà sẽ là nơi phản ánh cá tính, sở thích và những giá trị cốt lõi của họ. Xây nhà vừa là hành trình tạo dựng một không gian sống, vừa là quá trình để gia chủ soi chiếu vào chính mình, tự đặt câu hỏi và trả lời: "Đâu mới là không gian mà tôi thật sự muốn thuộc về?".
Thấu hiểu nỗi đau này, trong tập 2 của Homentor, chúng ta sẽ cùng host BeP và KTS Nguyễn Tiến Quốc đến từ Văn Phú - Invest đi tìm kiếm những góc nhìn và lời khuyên hữu ích trong quá trình xây dựng về thiết kế nhà cửa.
GẶP GỠ GIA CHỦ
Khách mời của tập lần này sẽ là Nhà báo Đinh Đức Hoàng (Hoàng Hối Hận).
Là một nhà báo tự do, chặng đường của anh Hoàng Hối Hận đã có rất nhiều điểm giao với những vùng đất, trải nghiệm và các thể loại văn hóa. Mỗi khi đi qua những điểm giao đó, anh lại mang một mảnh của chúng về để hoàn thiện tổ ấm của riêng mình.
Được phủ một lớp sơn màu xám xi măng, căn nhà của anh Hoàng Hối Hận tạo một cảm giác vừa ấn tượng vừa lạ lẫm với những người lần đầu tiên bước vào nơi này. Một màu sơn mà có lẽ với nhiều người, sẽ mang lại một cảm giác khá âm u và bụi bặm, đi ngược hoàn toàn với những định nghĩa của số đông về một không gian ấm cúng cho gia đình đông người.
Trả lời sự tò mò này, vị gia chủ bẽn lẽn cười và nói: “Do mình ở bẩn.”
“Bẩn” ở đây, theo anh Hoàng, là một cách gọi vui cho việc góp nhặt những gì anh đi qua trên chặng đường theo đuổi nghiệp cầm bút.
“Chọn màu tường như này là sự phản ánh cho tâm lý chủ nhân. Qua thời gian, mình sẽ đặt vào đấy (ngôi nhà) nhiều đồ đạc, nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhiều bức tranh.
Và cái màu này sẽ không xung đột. Ví dụ như đặt một bức tranh màu xanh lên một bức tường màu đỏ thì ta phải suy nghĩ. Bức tranh màu đỏ lên bức tường màu xanh thì lại đắn đo.
Thế nhưng cái màu này sẽ trở thành một phông nền, một ‘platform’ để trưng bày cuộc sống, những sự nhặt nhạnh và tùy hứng của mình trong việc xây dựng cuộc sống.
Góc kia thì tôi có một chiếc tivi cũ màu đỏ.
Góc này lại có chuỗi tranh về Tam Bạc màu xanh. Cái màu xám cho mình một sự tùy hứng không giới hạn.”
CĂN BẾP MỚI LÀ TRÁI TIM CỦA NGÔI NHÀ
Chúng tôi tiếp tục bị bất ngờ bởi cách bố trí nơi đây. Không có phòng khách! Hay nói chính xác hơn, căn bếp nhà anh Hoàng vừa là nơi thổi cơm, vừa là nơi pha trà. Một chiếc bàn dài được đặt gần lối lên cầu thang. Đằng sau đó là không gian nấu nướng.
“Tôi phát hiện ra phòng khách là cái gì đấy khá ‘đặc sản’ của người Việt Nam” - anh Hoàng nói - “Ở nhiều nơi trên thế giới, mọi người thường thiết kế một không gian để sinh hoạt chung, gọi là “living room”. Đây vừa là nơi gia đình cùng nhau sinh hoạt, vừa có thể tiếp khách theo một cách thân mật.
Nhưng ở Việt Nam phòng khách cảm giác giống một nơi mang tính chất lễ tân. Tôi lại không có nhiều khách cần tính chất “lễ tân” như vậy. Nếu có khách nào mình muốn tiếp đón đầy đủ lễ nghi, tôi sẽ hẹn họ đến văn phòng hoặc ra ngoài cafe. Chứ tôi không có nhu cầu cho một cái phòng khách kinh điển như vậy.
Ai đã bước được chân vào nhà tôi, người đó đã đủ khả năng để ngồi ăn cơm với gia chủ rồi. Còn nếu không phải người như thế thì mời đến nhà làm gì?”
Chia sẻ thêm với Host BeP và KTS Nguyễn Tiến Quốc, anh Hoàng cho rằng bếp chính là linh hồn của căn nhà, là nơi thiêng liêng nhất và nên là căn phòng được “nuông chiều” nhất.
“Tính ra trong ngày cả nhà mấy khi được gặp nhau đâu. Bố mẹ đi làm, con cái đi học, học xong thì đi chơi thể thao hoặc đi học thêm. Cả ngày có mỗi giờ cơm là cả nhà được ngồi chung với nhau.
Và chất lượng sống là thứ được phản ảnh trong bếp. Được phản ảnh trong cái tủ lạnh, cái nồi cơm, chứ không nằm ở phòng khách.”
KHÔNG CÓ NGÔI NHÀ NÀO DÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Cá tính có phần không giống ai là màu sắc rõ ràng nhất trong căn nhà của anh Hoàng. Từng chi tiết trong nhà đều toát lên một phần nào đó nơi nhà báo này, chứ không hề theo 100% bất cứ khuôn mẫu kiến trúc nào.
“Vậy đâu là giới hạn trong sáng tạo mà Quốc có thể thỏa hiệp, thậm chí là phá vỡ khi xây dựng những công trình của Văn Phú - Invest?” - Host BeP
“Kiến trúc là một bộ môn nghệ thuật sáng tạo được xây dựng trên nền tảng kỹ thuật. Đôi khi mình phải nương theo và nghĩ đến nó, chứ không bị giới hạn.
Em cũng đồng tình với quan điểm của anh Hoàng. Đó là khi mình chọn làm cái nhà theo phong cách nào, thì không nhất thiết phải giống y hệt phong cách đó. Nó không phải chuyện như thế. Căn nhà sẽ luôn mang màu sắc cá tính của riêng mình.
Cốt lõi ở đây là mình phải nghĩ đến yếu tố sử dụng và nhu cầu thực tế của người sống trong không gian đó. Quay về câu chuyện ý tưởng và sáng tạo, ngôi nhà phù hợp nhất cho tất cả mọi người chỉ có Trái Đất thôi.
Cũng may mắn khi mình được làm ở Văn Phú - Invest. Ở đây có tiêu chí và giá trị cốt lõi rõ ràng, chúng tôi không làm nhà theo kiểu “phong cách, xu hướng này đang cực thịnh thì mới làm để bán hàng.” Văn Phú - Invest không làm như vậy, chúng tôi làm nhà theo đúng bản chất của nó - lấy con người làm trọng tâm.
Và chắc chắn khi một khu đô thị và công trình có sức sống bền vững thì chính điều đó mới góp phần tạo nên giá trị thương hiệu.”
LỜI KHUYÊN TỪ GIA CHỦ VÀ CHUYÊN GIA
Host BeP: “Để kết thúc chương trình, đâu là lời khuyên của hai bạn cho các khán thính giả?”
Anh Hoàng Hối Hận: ”Các bạn phải tự làm nghiên cứu cho riêng mình, bởi vì các bạn sẽ rất dễ bị ‘lạc’ trong một biển lời khuyên, hướng dẫn từ tất cả mọi người. Cho nên, hãy nhìn lại bản thân và tìm ra những thứ phù hợp nhất với bạn.
Ví dụ như bạn mua một chiếc xe mô tô, bạn sẽ tìm hiểu rất nhiều thông tin về hãng xe, rồi công suất của nó như thế nào, xe có hao xăng không, tình trạng của xe ra sao,... Hãy nhân quy trình này lên 100 lần thì bạn sẽ ra được đúng công sức để làm một ngôi nhà.”
KTS Nguyễn Tiến Quốc: “Mình có thêm 1 ý nhỏ là các bạn hãy tạo một danh sách và sắp xếp các mức độ ưu tiên, cái nào mình thật sự cần, thật sự ưu tiên; cái nào có cũng được, không có cũng được và điều gì là cho tương lai,...
Khi bạn càng rõ về điều bạn muốn thì một nhà thiết kế hay kiến trúc sư sẽ có đủ dữ kiện để cho mình một cái phân tích và đề xuất phù hợp.”
LỜI KẾT
Trên đây là những chia sẻ của gia chủ Hoàng Hối Hận và KTS Nguyễn Tiến Quốc đến từ Văn Phú - Invest trong podcast Homentor tập 2.
Podcast đã lên sóng, các bạn có thể theo dõi tại:
Life style
/life-style
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất