Có lẽ đa số chúng ta đã biết về lối sống tối giản là gì. "Sở hữu ít, hạnh phúc nhiều", đó chắc chắn là mục tiêu cao cả nhất khi một ai đó quyết định theo đuổi chủ nghĩa tối giản. Chúng ta quyết định từ bỏ những thứ không cần thiết, những thứ mà ngoài mục đích thỏa mãn cái khoái lạc nhất thời của chúng ta, những thứ mang về chỉ vì chạy theo cái nhìn của người khác để quyết định xem thứ gì mới thực sự là quan trọng, cần thiết trong cuộc sống này.
Unsplash.com
Không có cái qui chuẩn nào điển hình cho chủ nghĩa tối giản cả. Mỗi một minimalist sẽ lại có một cách sống khác nhau, có người thì quyết định vứt bỏ mọi thứ, chỉ giữ lại vài món phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của họ, nhưng có người lại chọn giữ lại và mua thêm số sách họ thích đọc chẳng hạn, dẫu cách sống có khác nhau đi nữa nhưng mục đích cuối cùng của minimalism cũng là giúp bạn hạnh phúc hơn mà thôi. Hạnh phúc đến từ những điều quan trọng với bản thân mình. Nhưng có một điều chắc chắn rằng việc loại bỏ nhiều thứ không cần thiết đã đem đến cho ta rất nhiều lợi ích về mặt thời gian để có thể tập trung vào những điều mình muốn.
Nhưng có lẽ hiện tại rất khó để một người có thể duy trì lối sống tối giản trong thời gian dài. Có quá nhiều thứ khiến bản thân các minimalists đánh mất mình, đặc biệt đó là sự nổi lên của thế giới mạng. Hàng ngày ta tiếp xúc quá là nhiều thông tin trên mạng xã hội, có quá nhiều lời mời gọi hấp dẫn từ những đồ dùng mới nhất, từ các thiết bị công nghệ hiện đại nhất. Và điều khiến cho việc một người đánh mất đi giá trị mà lối sống tối giản mang lại đó chính là sự phiền nhiễu mà thế giới số đã gây ra. Bạn càng nạp nhiều thông tin, càng hấp thu nhiều thứ trên mạng xã hội. Cho dù chúng ta có thể kiểm soát ham muốn khỏi cám dỗ mua sắm thêm những thứ không cần thiết đi, nhưng internet đang giết đi giá trị quí giá nhất mà minimalism mang lại, đó chính là sự bình thản trong tâm trí và thời gian để theo đuổi những điều ý nghĩa. Chúng ta đang thực sự sống trong 2 thế giới, một thật một ảo. Vậy nên không chỉ trở thành một minimalist ngoài đời mà bạn cũng cần học cách tối giản thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội cũng như internet.
Mình chắc chắn đã nhận ra sự phiền nhiễu của mạng xã hội và các dòng thông báo cứ liên tục vang lên suốt cả ngày dài. Vì thế đã từ rất sớm khi bắt đầu theo đuổi minimalism, mình đã ý thức cố gắng loại bỏ những phiền phức kia bằng cách xóa bỏ mạng xã hội hay tắt tất cả thông báo đi. Thế nhưng thời gian gần đây, vì tính chất công việc mà mình buộc phải mở lại thông báo và thậm chí tiêu thụ nhiều thông tin hơn trước thông qua nhiều mạng xã hội khác như zalo hay instagram. Cảm giác lo lắng nếu không mau chóng trả lời các yêu cầu của công việc sẽ khiến mình đánh mất đi lòng tin cũng như hiệu suất công việc. Cũng vì thế mà cảm giác sợ bỏ lỡ điều gì đó cứ đeo bám mình cả ngày dài. Hội chứng sợ phải bỏ lỡ này đã lấy đi của mình rất nhiều năng lượng cho công việc và hủy hoại nhiều thói quen tốt mình đã dày công xây dựng bao lâu nay. Đặc biệt đó chính là khả năng làm việc sâu, luôn làm việc trong tình trạng canh chừng xem có thông báo nào từ điện thoại tới hay không khiến hiệu suất công việc của mình giảm thê thảm. Thời gian làm việc cũng vì thế mà tăng nhiều hơn cũng như stress ngày càng lớn.
Và bây giờ là lúc để tìm kiếm lại sự bình thản trước kia.
1. Laptop.
Unsplash.com


Bắt đầu bằng thiết bị mình hay sử dụng nhất, hằng ngày hầu như thời gian mình dành cho laptop là nhiều nhất vì tất cả công việc yêu cầu đều cần hoàn thanh trên thiết bị này. Qua thời gian khi nhìn lại mình mới thực sự hoảng hốt bởi các tab shortcut trên Cốc Cốc ở đâu ra mà nhiều thế này. Dày đặc chi chít và thậm chí có những tab mình không biết tại sao nó lại tồn tại ở trên đó nữa. Học kỳ cũng vừa đã kết thúc nên đầu tiên mình sẽ gỡ bỏ tất cả các tab về học tập: trang web trường, oxford dictionary và google tài liệu. Và nếu cần thì mình có thể tìm kiếm một cách dễ dàng thay vì để quá nhiều shortcut trên màn hình.
Một cái phím tắt nguy hiểm nhất mà mình đã sử dụng hết can đảm để gỡ bỏ đó chính là Youtube. Thói quen nghe nhạc khi làm việc bằng youtube thì cũng có vẻ thú vị đấy, nhưng nếu thực sự chỉ sử dụng để nghe nhạc thì có lẽ mình không cần phải gỡ nó xuống làm gì. Nhiều lần chỉ muốn lên tìm kiếm một vài bài hát nghe vui tai nhưng rồi sau một thời gian thì mình đã nhận ra đã tiêu tốn gần 1 giờ đồng hồ cho biết bao cái clip giải trí khác. Nếu bạn đang bắt đầu digital minimalism thì hãy cố gắng mà loại bỏ mọi shortcut giải trí đi nhé. Chỉ giữ lại một vài tác vụ cho học tập hoặc làm việc thôi.
Cả màn hình chính cũng vậy, set up tất cả sao cho laptop là thiết bị làm việc đúng nghĩa nha.
Bên cạnh đó chọn cho mình một cái hình nền gọn gàng sạch sẽ cũng đem đến cảm giác tốt hơn nhiều đó. (Link để có những tấm hình nền đẹp bên dưới nha)
2. Điện thoại.
Unsplash.com


Đến với thiệt bị phổ biến nhất đối với tất cả mọi người và cũng chính là nguồn chứa đựng nhiều yếu tố gây xao nhãng nhất.
Cách tốt nhất để bạn bắt đầu digital minimalism trên điện thoại đó chính là reset hoàn toàn lại máy của bạn. Bắt đầu từ con số không và xóa bỏ luôn cả những ứng dụng mặc định không cần thiết mà điện thoại cài đặt sẵn. Sau thời gian sử dụng, nếu bạn thấy một ứng dụng nào đó cực kì bất tiện nếu không thể cài đặt thì tải nó về thôi, số còn lại thì không quá cần thiết đâu. Bạn vẫn có thể sống sót tốt mà không cần chúng.
Đặc biệt là mạng xã hội, thay vì tải app thì hãy thử truy cập ngay trên web. Sử dụng mạng xã hội thông qua trình duyệt web sẽ hạn chế được thời gian bạn sử dụng chúng đó bởi vì trình duyệt web không hỗ trợ nhiều cho mọi tính năng trên mạng xã hội và kể cả giao diện sử dụng cũng rất là nhàm chán nữa.
Tiếp theo hãy tắt hết các thông báo không cần thiết đi, chỉ giữ lại những thứ thực sự cần thiết như điện thoại hay tin nhắn, thậm chí bạn cũng nên chặn luôn cả những tin nhắn rác đến điện thoại nữa.
Tận dụng chế độ không làm phiền cũng vô cùng hay đó, ví dụ như bạn muốn loại bỏ thói quen xấu là lướt điện thoại mỗi khi thức dậy, vậy hãy đặt giờ không làm phiền từ lúc đi ngủ cho đến khi bạn đã hoàn thành xong mọi thói quen buổi sáng nha. Như mình thì mình để luôn chế độ máy bay từ 10h tối cho đến sáng sớm ngày hôm sau.
Digital minimalism lúc đầu khi thực hiện sẽ có vô vàn thử thách, thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ đã dần quen với đại đa số chúng ta. Nhưng đây là cả một quá trình, bắt đầu từ con số không cho đến khi bạn tìm ra những thứ quan trọng nhất trên thế giới số này. Sẽ không hề khó khăn nếu chúng ta đủ quyết tâm và đặc biệt lợi ích mà digital minimalism thậm chí sẽ giúp bạn loại bỏ luôn ham muốn quay trở lại sử dụng mạng xã hội trong tương lai nữa. Chúng ta có nhiều thời gian hơn cho công việc, bạn bè, một cuộc sống ít sao nhãng, hiệu quả và bình thản hơn đến từ sâu bên trong chúng ta.