Tôi biết đến cuốn sách này khi đọc cuốn “Nếu chỉ còn một ngày để sống”, nhưng cũng phải mất một thời gian tôi mới bắt đầu đọc đến, bởi tôi không thích cái tiêu đề nghe có vẻ không vui vẻ chút nào đó. Đây là sách khoa học viễn tưởng, kể về câu chuyện làm thế nào để biến một kẻ đần độn thành một thiên tài. Nghe đã thấy cuộc đời đây hoa và bánh kem, nhưng nếu chỉ đơn giản là thế thì “Hoa trên mộ Algernon“ đã chẳng thể ép một kẻ lười như tôi viết nhận xét rồi.
Tâm trạng khi lật mở những trang sách đầu tiên chính là rất ngỡ ngàng, vì hình như mình tậu phải sách in bản lậu hay sao í vì câu từ thì lộn xộn, lỗi chính tả thì tùm lum, và nội dung thì ngớ ngẩn.
Bước qua những trang lộn xộn đó bạn sẽ gặp được một Charlie ngốc nghếch với khao khát được thông minh và một Charlie thiên tài, phá vỡ kén chui ra. Và bạn cũng như tôi sẽ cảm thấy đồng cảm với một Charlie - kẻ ngốc vui vẻ, hay một Charlie - thiên tài cô đơn, bị bạn bè xa lánh chỉ vì anh đã trở nên thông minh hơn.
Không có ánh hào quang nào dành cho Charlie mới cả, thông minh hay không thì anh vẫn mắc kẹt giữa thế giới này, lơ lửng ở lưng chừng đám đông, là kẻ đứng ở rìa của cuộc sống. Anh không thuộc về một nơi nào cả.

Từ khi nào xã hội chúng ta đang sống, hạnh phúc được cân đo bằng chuẩn mực của sự thông minh và thành công, nhưng thông minh để rồi nhận ra cuộc sống mà chúng ta hằng mong đợi, ẩn giấu dưới vẻ ngoài hào nhoáng là lừa lọc và dối trá, là nước mắt và sự phản bội, là thất vọng và cực đoan. Có những chuyện, đôi khi không hiểu mới là tốt nhất. Ai dám nói rằng những người như Charlie trong quá khứ thì không hề hạnh phúc?
Hành trình tìm kiếm bản thân của Charlie có thể sẽ nhuốm chút màu đau thương. Nhưng với một cái kết mở như thế, theo tôi là hợp lý và là một kết thúc đẹp. Bởi vì sau tất cả, Charlie đã luôn sống hết mình.
Điều gì còn cao quý hơn cả trí thông minh, đó là sự đồng cảm, tình yêu thương và lòng trắc ẩn “Làm ơn nếu có cơ hội xin hãy đặt vài bông hoa lên mộ Algernon ở sân sau”
À quên, Algernon không phải là nam9 mà là tâm giao của nam9, là một tiểu bạch chuột. “Hoa trên mộ Algernon” được xuất bản lần đầu năm 1959, và giành được giải Hugo cho truyện ngắn, nhưng đến lần phát hành sau, năm 1966, tác phẩm đã được tác giả Daniel Keyes chuyển thành tiểu thuyết.