Một dân tộc nhỏ bé chỉ với khoảng 15 triệu người trên toàn thế giới nhưng luôn được đề cao bởi những phẩm chất vượt trội về chất xám và trí tuệ. Người Do Thái có những bí ẩn nào đằng sau sự thông minh của họ? Cuốn “Trí Tuệ Do Thái” bởi tác giả Eran Katz sẽ phần nào giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó.

I. Đôi nét về tác giả Eran Katz

Eran Katz là một nhà văn, học giả người Israel đồng thời cũng là một kỷ lục gia về trí nhớ. Ông nổi tiếng với kỷ lục Guinness thế giới về khả năng nhớ được một dãy 500 chữ số chỉ với duy nhất một lần đọc. Đồng thời, Eran Katz còn là một diễn giả nổi tiếng, người đã có vô số cuộc nói chuyện trên khắp thế giới để chia sẻ các bí quyết về trí nhớ và các kỹ năng khác.
Ông đến Việt Nam đầu năm 2009 với mong muốn dịch và xuất bản 2 bản thảo tiếng Anh của cuốn sách “Secret of super memory” (Bí mật của một trí nhớ siêu phàm) và “Jerome becomes a genius” (Trí tuệ Do Thái). Alpha Books là đơn vị xuất bản 2 đầu sách trên. Phần lớn số tiền bản quyền đều được Eran Katz ủng hộ cho Quỹ Sao Biển - Quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.

II. Lời giải đáp về trí thông minh của người Do Thái từ cuốn “Trí tuệ Do Thái”

Nếu đưa câu hỏi “Sự thông minh của người Do Thái đến từ đâu?” vào phần tìm kiếm của Google, có hàng triệu kết quả đưa ra lời giải thích cho câu hỏi trên. Nhờ cách giáo dục đặc biệt từ cha mẹ kết hợp cùng truyền thống coi trọng giá trị lớn lao của tri thức, từ đó dân tộc Do Thái sở hữu cho họ một trí tuệ vượt trội. Đó là những câu trả lời bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy. Nhưng nếu tìm đọc cuốn ”Trí Tuệ Do Thái”, bạn sẽ hiểu rằng các yếu tố trên chỉ là một vài chi tiết rất nhỏ trong một bức tranh tổng thể về trí thông minh của dân tộc này.
Cuốn sách của Eran Katz dẫn dắt người đọc tới câu chuyện của một chàng trai người Do Thái tên Jerome. Anh ta sống lông bông, vẻ bề ngoài có phần lố lăng nhưng sở hữu trong mình nghị lực phấn đấu đặc biệt. Trong ba năm, Jerome tích cực làm ăn để có một khối tài sản trị giá 50 triệu đô-la và lấy bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Điều đặc biệt ở đây, anh phát triển theo cách thức mà người Do Thái thường làm và trở thành một thiên tài đúng nghĩa. Tất nhiên, một con người trong cuốn sách là mẫu số quá nhỏ để có thể chắc chắn rằng các phương pháp của người Do Thái có kết quả trên cả tuyệt vời và bất cứ ai áp dụng cũng trở nên xuất sắc. Nhưng với việc sử dụng cốt truyện phi thường này, những bí ẩn về sự thông minh của người Do Thái dần được tác giả cuốn sách giải đáp.
Và đây là những giải thích về cách người Do Thái vận dụng trí tuệ
Có phải bản chất người Do Thái từ khi sinh ra đã sở hữu sự thông thái hay chỉ số IQ hơn người bình thường? Câu trả lời là “KHÔNG”. Họ không thông minh hơn bất kỳ ai hay bất kỳ dân tộc nào. Nhưng vì lịch sử và hoàn cảnh, họ vận dụng trí tuệ của mình một cách rất hiệu quả:
- Từ cách vận dụng trí tưởng tượng, người Do Thái biến một điều không logic trở nên logic. Ý tưởng trên có vẻ mơ hồ nhưng đó lại là cách một dân tộc bị áp bức suốt hàng ngàn năm tiếp tục tồn tại và lưu giữ văn hóa. Họ phát triển trí tưởng tượng vượt trội bởi vì họ không còn cách nào khác. Đó là cách mà dân tộc này thâm nhập vào suy nghĩ của những kẻ đàn áp và thuyết phục chúng đối xử tốt với họ. Khi đối mặt với rào cản, trí tưởng tượng lại là phương tiện để giúp họ vượt qua. Và nếu không thành công, ít nhất nỗ lực từ trí tưởng tượng phong phú sẽ đưa trí tuệ từ thực tại hà khắc đến với mảnh đất tinh thần bình yên. Đó là yêu cầu cơ bản và thiết yếu nhất trên con đường phát triển trí tuệ để tìm ra con đường sống sót. Chính bởi những hoàn cảnh khó khăn mới khiến những người Do Thái phát huy được khả năng này.
- “Không được coi bất kỳ điều gì là hiển nhiên” cũng nằm trong những phương thức rèn luyện trí tuệ của người Do Thái. Việc giáo dục của họ dựa trên những câu hỏi, nghiên cứu, tranh luận và xem xét chiều sâu, chiều rộng của mọi vấn để. Học tập không phải học thuộc như vẹt những điều đã tồn tại trong quá khứ mà đóng vai trò như một lời mời gọi thảo luận trong tương lai. Các sinh viên Do Thái được khuyến khích tranh luận với giáo viên nếu họ cảm thấy kiến thức này đang đi ngược lại với những gì họ được học. Đồng thời, người Do Thái quan niệm một giáo viên may mắn là người được dạy các học sinh có khả năng đặt ra những câu hỏi phản biện và cùng học trò trả lời những câu hỏi đó. 
- Lịch sử của người Do Thái chứa đựng vô kể nỗi đau. Họ quan niệm rằng mục đích tối thượng của việc ghi nhớ là để sống còn, để duy trì sự tồn tại. Nếu ghi lại tất cả lịch sử Do Thái dưới những trang giấy, rồi một ngày chúng bị những kẻ thù ghét đốt rụi. Khi đó, truyền thống và văn hóa của người Do Thái sẽ ra sao? Chính vì tư tưởng đó, một ý thức đã ăn sâu vào trong tâm trí người Do Thái rằng họ không bao giờ được phụ thuộc vào những thứ vật chất bởi những điều đó không phù hợp với một dân tộc lang thang và thường xuyên bị săn đuổi. Muốn bảo vệ truyền thông, họ phải dựa vào một thứ sức mạnh vô hình đó là trí nhớ. Đó là lý do các phương pháp rèn luyện trí nhớ sau đây được họ liên tục phát triển:
+ Việc viết và sử dụng các màu mực tương phản với màu sắc của giấy. Cách thức này tạo động lực đọc văn bản, tiết kiệm thời gian đọc. Về lâu dài, chữ viết rõ ràng giúp người đọc hiểu và nhớ nhiều hơn.
+ Tối ưu hóa cách trình bày văn bản khi viết. Việc viết thành từng cột, trình bày bố cục rõ ràng khiến đôi mắt bớt mệt mỏi và tối ưu cử động của cánh tay khi viết chữ.
+ Học tập bằng phương pháp tranh luận và tinh thần hăng hái. Người Do Thái cho rằng não bộ sẽ ghi nhớ tốt hơn nếu trong trạng thái bị kích thích. Mọi sự vật, sự việc từ nhàm chán cho tới thú vị nếu được tiếp cận với sự hăng hái sẽ giúp bản thân nhớ lâu hơn. Hãy đơn giản hơn là tạo tranh luận về một chủ đề cụ thể.
+ Từng cử động của cơ thể đều gắn bó mật thiết tới cách suy nghĩ của con người. Một tư thế ngồi thoải mái, tâm trạng phấn khởi sẽ luôn luôn tốt hơn làm việc khi trạng thái thể chất và tinh thần đi xuống.
+ Luôn chắc chắn hiểu nội dung của văn bản bạn tiếp nhận. Nếu không hiểu, bạn sẽ không thể nhớ.
+ Ghi nhớ nội dung bằng cách lựa chọn những từ gây ấn tượng mạnh và sắp xếp, tô điểm chúng sao cho thật nổi bật. Ngoài ra, liên tưởng những từ ngữ mạnh này tới một sự vật, sự việc cụ thể khiến thông tin lưu lại não bộ lâu hơn.

III. Các phương pháp rèn luyện trí tuệ của người Do Thái có thực sự đặc biệt?

“Trí tuệ Do Thái” khép lại với một cái kết mở, nơi những người Do Thái tiếp tục học tập, phát triển và gìn giữ những tư tưởng tốt đẹp vốn có của họ. 
Nếu như để nhận xét về những phương pháp học tập và ghi nhớ từ “Trí tuệ Do Thái”, cuốn sách này thực tế KHÔNG CÓ GÌ ẤN TƯỢNG. Khi mà nhu cầu phát triển bản thân của con người đặc biệt là thế hệ trẻ đang ngày được chú trọng, chúng ta dễ dàng tiếp cận với những phương pháp có tính hiệu quả cao, hay thậm chí là những phương pháp tương tự nhưng được giải thích cặn kẽ và mở rộng với nhiều nội dung chi tiết hơn. Đơn cử như:
- Cách đánh dấu văn bản khiến chúng nổi bật là một phương pháp hữu ích và vô cùng phổ biến mà rất nhiều người hiện nay sử dụng khi đối diện với các văn bản chứa đựng lượng thông tin khổng lồ.
- Một số nhà nghiên cứu tại Na-Uy đã nghiên cứu rằng não bộ ở mọi lứa tuổi lưu trữ thông tin tốt hơn khi chúng ta viết ra giấy thay vì đánh máy.. [1]
Điều đặc biệt mà cuốn sách mang lại chính là giúp bạn đọc có cái nhìn chính xác hơn về yếu tố “thông minh” của những người Do Thái. Bạn sẽ nhận ra tất cả các phương pháp học tập và rèn luyện trí thông minh của người Do Thái đều bắt nguồn từ văn hóa, tôn giáo và một ý thức hệ xuyên suốt ngàn đời. Chính bởi hoàn cảnh lịch sử thường xuyên bị đàn áp, luôn phải đấu tranh cho sinh mạng cùng với tư tưởng đề cao tầm quan trọng của tri thức, những “bí kíp” về trí tuệ mới luôn luôn được dân tộc này phát triển, gìn giữ nhằm lưu truyền từ đời này sang đời sau.
Nếu bạn đang mong chờ một cuốn sách mà khi kết thúc sẽ giúp bạn có một trí nhớ siêu phàm thì “Trí tuệ Do Thái” hay bất kỳ cuốn sách nào khác về phát triển tư duy chắc chắn không thể giúp được bạn. Tìm ra phương thức phù hợp cùng với việc thực hành luyện tập não bộ thường xuyên mới là các yếu tố kiên quyết để rèn luyện trí nhớ và khả năng tư duy. “Trí tuệ Do Thái” hay các cuốn sách khác tương tự về nội dung sẽ là cánh cửa đầu tiên giúp bạn nhập môn vào hành trình khai phá trí thông minh của con người.
Nếu không có một hoàn cảnh lịch sử và những nét văn hóa đặc biệt, liệu dân tộc Do Thái có còn được gắn với yếu tố “thông minh”?
_______
[1]