Em đừng so sánh bản thân với bất kỳ ai cả, đừng lấy thành tích ra làm thước đo. Và cũng đừng dùng cảm giác thua kém và thất bại để làm áp lực cho bản thân phải phấn đấu. Hãy tự tin về năng lực và vào chính con người của mình.
Năm năm rưỡi học Đại học tính ra cũng chẳng phải là dài trong cái "sự học" là suốt đời, nhưng năm năm rưỡi ấy lại là một bước chuyển biến lớn. Khác với 3 năm cấp 3, học để mà thi. Đại học không phải là nơi học chỉ lấy cái bằng. Mặc dù anh không phải là quá giỏi giang hay nổi trội gì, nhưng anh nghĩ anh có thể phát biểu lên cảm nghĩ của bản thân mình là như vậy. Đấy không phải một phát ngôn mang tính đúng sai mà đơn giản chỉ là cảm nhận của mỗi người. Nó cũng giống như việc em thấy thế nào là hợp lý khi học vậy, theo đuổi điều mình hứng thú mà bỏ qua nhưng thứ linh tinh khác hay theo đuổi sự toàn diện để lấy một cái bằng thật đẹp, một thành tích thật toàn diện. Không có đúng và sai, chỉ có chính bản thân mình có thấy hợp lý hay không mà thôi.

Anh chưa bao giờ nghĩ rằng anh giỏi cả, anh cũng không quan tâm lắm người ta nghĩ anh giỏi hay kém. Nhưng anh cảm thấy hài lòng với những việc mình làm.  Sự thật rằng nhưng năm đầu anh cũng rất áp lực, bạn bè xung quanh toàn trường chuyên lớp chọn. Với một đứa học sinh miền núi như anh thì công nghệ thông tin là một cái hơi xa xỉ. Cảm giác như mình là một đứa con nít và một đám đông trưởng thành vậy. Nhưng sau này anh mới hiểu, thứ ngăn cách anh với những con người ưu tú đó không phải là do kiến thức ít ỏi của anh, mà là sự tự ti của bản thân. Chính sự thu mình trong lớp vỏ bọc của chính mình, sợ người ta biết những việc bao đồng mình đang làm, sợ người ta biết sự yếu kém của mình, sợ cảm giác thua thiệt,... mới là thứ thực sự ngăn cách anh. Và tất nhiên, anh không phải thiên tài lập dị nên một mình anh không thể nào tiếp thu và mày mò được nhiều cái hay bằng việc liên kết với nhiều người, giao tiếp với cộng đồng. May mắn thay, sau này anh đã vượt qua được sự tự ti đó. Quen với những con người tuyệt vời, những người bạn, người thầy, đàn anh đàn chị đi trước đã mở rộng con đường anh đi hơn bao giờ hết.
Cảm giác dằn vặt và tự hỏi mình đã sai ở đâu, khi bạn bè xung quanh toàn là điểm 8, 9 còn mình vẫn cứ lẹt đẹt 5, 6 trong khi mình học rõ nhiều là cảm giác anh ít trải qua nhất. Không phải vì anh ít điểm 5, 6 mà tùy vào mục tiêu anh đặt ra cho chính mình. Thứ anh quyết tâm được 8, 9 thì anh sẽ cháy hết mình với nó, không chỉ cháy trong quá trình làm bài tập, chuẩn bị  sản phẩm mà còn cháy cả trên bàn thi vấn đáp với thầy cô. Cháy trong cái nhiệt huyết và tinh thần tiếp thu cao chứ không phải trong sự cố chấp và háo thắng. Anh vẫn còn nhớ mãi môn thi Thực tập kỹ thuật lập trình. Đây có thể tính là một môn nhập môn chuyên ngành, anh dành cả kỳ để code. Nhưng thầy chỉ cho anh 9 điểm, mặc dầu là vẫn 4.0 nhưng a vẫn cố chấp bảo rằng em nghĩ bài em được 10. Hơi ngông cuồng thật, và thế là thầy hỏi lại em có chức năng gì hay ho mà được 10. Và thế là cơ hội bộc lộ tài năng đa cấp của anh đã đến. Cuối cùng thầy cho 10 thật. Thực tế nếu anh không giới thiệu cụ thể thì thầy không biết sản phẩm của anh có những chức năng đó, và nếu như vậy thì nó không xứng đáng điểm 10. Vậy nên chúng ta phải tự tin với những gì chúng ta làm, phải bộc lộ hết cái chúng ta đã đầu tư vào sản phẩm nếu không thì nó sẽ rất dễ không được chú ý. Sản phẩm có thể không quá phức tạp, nhưng cách chúng ta tư duy và thuyết trình về nó cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hay như hồi học một lập trình web bằng Java, với cái tính tham học hỏi công nghệ của anh, anh chọn Spring Boot  mặc dù không được học tý gì về nó, thế là bỏ tiền ra (a và bạn chung nhóm), mua source code về vọc và học. Và khi thi môn đó anh cũng nói tại sao lại Spring Boot thay vì JavaServer Faces, thầy cũng rất ghi nhận và đánh giá cao nên là điểm tuyệt đối. Giới hạn là do chúng ta đặt ra, hãy làm thôi. Không phải lúc nào sự phá cách này đều đem tới kết quả tốt đẹp, nhưng điều đó không thực sự quan trọng. Thứ đọng lại cuối cùng đâu phải là điểm số mà là kiến thức. Công nghệ thay đổi từng ngày, giáo trình tài liệu không theo kịp không đáng trách, nhưng chúng ta không cập nhật thực sự đáng trách.
Đừng nhìn sang đứa bạn bên cạnh khi nó đang làm một project khủng mà tự ti, cũng đừng nhìn sang đứa đang nằm trên giường ngủ vì nó nghĩ nó học nấy đủ rồi. Cũng đừng đánh giá bất kỳ ai, mỗi người đều có mục tiêu riêng. Chưa chắc học nhiều đã tốt hơn học ít, chưa chắc học quan trọng hơn hoạt động ngoại khóa. Thứ anh tìm kiếm trong năm năm rưỡi Đại học bên cạnh kiến thức còn là sự hài lòng với chính mình. Có những thời điểm anh cũng ngủ say trên chiến thắng vào ảo tưởng về sức mạnh, cũng có những thời điểm anh chán nản chả muốn làm gì. Nhưng đến cuối cùng anh nghĩ đã khá thành công trong lúc học Đại học. Có thể các em sẽ áp lực với thành tích của bạn bè hay các anh chị đi trước, nhưng sao phải như vậy. Hãy nhớ câu thần chú "Just do it", cứ làm thôi, đừng nghĩ nhiều. Nghĩ nhiều ở đây không phải là nghĩ sâu xa mà là vướng quá nhiều mối bận tâm. Làm điều mình thích, thích điều mình làm, tin vào bản thân. Và tìm cho mình những người bạn tin vào mình, mình tin vào bạn, tin vào những niềm tin chung. Học đại học không có tấm bằng khen, giấy khen nào cũng rất buồn những sẽ không buồn bằng học Đại học mà không có hội bạn nào. May mắn của anh là có đủ cả hai, dù anh là người yếu kém hoạt động ngoại khóa và thích trốn ở phòng lướt mạng internet hơn là các hoạt động khác. Với một thằng thành tích chỉ đứng tầm 4x/56 còn tự tin phét lác như thế này, thì các em không có lý do gì phải sợ hãi. Từng đội sổ, từng thuộc dạng cá biệt nhưng kệ, làm việc mình thích là được. 
Đi học là lúc thỏa mái nhất về tinh thần, vì không mấy áp lực chuyện tiền bạc, công việc nên hãy dành sự vui vẻ nhất đó cho thứ ta cảm thấy thỏa mái nhất. Tự tin lên, em không làm được nghĩa là em không thật sự hợp hoặc em chưa thực sự cháy hết mình. Đối với anh chuyện thức 2,3 giờ sáng rồi 5 rưỡi dậy là bình thường trong một giai đoạn kéo dài cả năm học. Thứ giúp anh tỉnh táo một phần là Bò húc và cà phê, còn phần lớn là đam mê của bản thân. Em có thể làm tốt một việc nào đó dù em không có đam mê, nhưng em sẽ khó sống chung với nó nếu đam mê là thứ không tồn tại. Giờ anh đi làm việc văn phòng, 4 rưỡi chiều tan ca. Lúc ở văn phòng máy anh mở vào Windows nhưng sau 4 rưỡi là Ubuntu, đó là thời gian cho đam mê của anh. Nó một phần phục vụ công việc, nhưng một phần là thú vui trong cuộc sống này. 
Tóm lại, hãy tự tin lên. Tự tin với bản thân và với việc mình làm. Đừng lãng phí thời gian và giết chết nó bằng những thứ không đem lại giá trị thực tế nào; game, truyện, phim,... không phải là không tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu biết điều độ. Ngủ là thứ dễ dàng nhưng ngủ ít thôi, đừng lãng phí thời gian như vậy. Anh không muốn các em phải lấy một ai đó ra làm hình tượng để so sánh cả, hãy là chính mình, không cô lập với phần còn lại của tập thể nhưng hãy giữ sự độc đáo và nét riêng của mình. Với một người không chơi thể thao, không văn nghệ như anh còn hòa nhập với tập thể được, không có lý do gì các em lại không. Làm nhiều, chém gió nhiều, học hỏi nhiều, chia sẻ nhiều, đọc sách nhiều, viết nhiều và tham vọng nhiều. Nhưng trước hết hãy học cách tin tưởng chính mình thật nhiều.