Giải mã hiện tượng Trịnh Công Sơn ( phần 1)
Đúng 5 tháng truớc ngày mình chào đời 30/9/2001, Trịnh Công Sơn mất. Hàng triệu người từ cả hai miền nam- bắc đổ ra đường, nhiều chị...
Đúng 5 tháng truớc ngày mình chào đời 30/9/2001, Trịnh Công Sơn mất. Hàng triệu người từ cả hai miền nam- bắc đổ ra đường, nhiều chị em đòi chồng mặc áo xô để đưa tang ông. Họ khóc mếu lăn lê, bò toài như học quân sự trước linh cữu Trịnh đòi chết theo. Những chương trình được phát trực tiếp trên sóng truyền hình, những buổi diễn nhạc Trịnh của các ca sĩ trẻ chật ních người, cháy vé. Tất cả tạo nên một bầu không khí tang tóc, bi thương đến rợn ngợp. Trịnh ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống theo những cách kì diệu nhất, từ cách sống, thế giới quan cho đến âm nhạc, đặc biệt là vào những thập niên 60s, 70s. Nhật Tiến, một văn sĩ hiện đang sống tại California, gọi nhạc Trịnh Công Sơn là “tác phẩm văn nghệ mà ảnh hưởng rõ nét nhất” bởi vì “nó đi thẳng vào đời sống”. Những văn sĩ nổi tiếng và những nhà phê bình gọi ông là một thi sĩ và đã viết những bài viết uyên thâm về ông. Nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoàng Ngọc Hiến gọi ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ” của Trịnh Công Sơn là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ hai mươi. Và mới đây trường Đại Học Văn Lang gây tranh cãi khi công bố sẽ nghiên cứu xây dựng bộ môn Trịnh Công Sơn Học cho sinh viên tương tự như Shakespeare học của Anh, Hồng học (Hồng Lâu Mộng) của Trung Quốc. Vậy có đáng để tìm hiểu về sự thành công của ông lão này, mình cho là đáng.
Hè 2017, Cách tiếp cận đầu tiên của mình chính là thông qua những ca khúc. Với hai cái lỗ tai đã quen nghe những giai điệu catchy - một lần là nhớ, những nhịp bass dồn dập, những ca từ đơn giản, phần lớn là show off bản thân. Thì nhạc Trịnh với mình là món ăn nhạt nhẽo, giai điệu của Trịnh nhẹ nhàng, hết mình không biết khen gì thêm, ca từ thì thiếu mạch lạc, quá nhiều lần lặp lại, ủ dột, yếm thế thậm chí chết chóc ngay cả trong những bài hát có giai điệu vui tươi như “ Bài ca dành cho những xác người” hay “ tình ca người mất trí”. Mình bỏ ngang.
2/2021, cũng khá ít đi chơi tết, lại một lần nữa mình tìm câu trả lời cho câu hỏi “ Điều gì đã làm nên hiện tượng Trịnh Công Sơn” lần này thì mình tiếp cận từ nhiều hướng lịch sử, triết học, chính trị, phong cách cá nhân chứ không còn chỉ đơn thuần âm nhạc. Vì trí nhớ rất kém nên mình đã nghe đi nghe lại những bài hát, tìm kiếm các thước phim tài liệu và đọc các bài viết nhiều lần. Có lẽ mình đã tìm ra câu trả lời và hình như nhạc Trịnh với mình cũng đẹp hơn, mặn mà hơn, giá trị hơn rất nhiều. Đúng là thằng 20 tuổi phải hơn thằng học lớp 10 năm nào.
Có cả thảy 6 lý do cho hiện tượng Trịnh Công Sơn như sau:
- Sự mới lạ cả về âm hưởng và ca từ trong những tình khúc đầu tiên
- Tư tưởng triết học được cài cắm vào bài hát
- Cá tính và nhân tướng đặc biệt
- Việc ông khám phá ra và có mối quan hệ đặc biệt với tài năng Khánh Ly
- Sự xuất hiện của máy cassette
- Hoàn cảnh chính trị đặc biệt
Mình sẽ làm rõ từng ý một sau khi lướt qua tiểu sử của nhạc sĩ họ Trịnh:
Trịnh gốc gác xa xưa không phải là người Việt , cha ông thuộc dòng dõi người Trung Quốc có liên hệ với triều nhà Minh, chẳng thế mà nguyên quán ông là ở làng Minh Hựu - làng của người Minh. Thế nhưng ông sinh ở Daklak- nơi cao nguyên trung phần mà người bố thương gia lựa chọn để trú chân rồi lại phải trở về Huế trước những sóng gió kinh tế của Thế Chiến Thứ Hai năm 1943. Trịnh chỉ kịp nhận ra sự may mắn của mình so với chúng bạn cùng trang lứa khi được cho đi học học tại lycée của Pháp ở Huế cho đến khi là trở thành anh cả 16 tuổi trong gia đình có 7,5 người con và bố thì vừa mất trong khi đang làm Cách Mạng năm 1955. May thay ông vẫn tiếp tục được theo học tại trường Thiên Hựu ( Huế) sau đó đỗ tú tài một, ông vào Sài Gòn theo đuổi môn triết học tại Lycée Chasseloup-Laubat. Để tránh quân dịch, một số bạn giúp ông vào trường sư phạm Quy Nhơn. 1964, Trịnh ra trường và dạy học tại vùng cao nguyên Đà Lạt, những tình khúc quên thời gian bắt đầu được viết... ( hết phần 1)
Đây là bài viết đầu tiên của mình trên mọi nền tảng, mình chỉ muốn nói vậy thôi. Tuyệt.
--------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
-"Trịnh Công Sơn trong tôi" - Sangdo https://spiderum.com/bai-dang/TRINH-CONG-SON-TRONG-TOI-7h0
- "Hiện tượng Trịnh Công Sơn" Schafer, John C http://hdl.handle.net/2148/403
- " Ký sự Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du" - VTV
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất