Ảo giác về sự minh bạch: Vì sao chúng ta luôn trách người yêu không hiểu mình ?
Lời giải cho câu hỏi: "Sao anh chẳng bao giờ hiểu em?"
Nhiều cuộc tình tan vỡ vì không hiểu nhau. Thế nhưng, đã bao giờ bạn tự hỏi:” Thế nào là hiểu?” hay chưa?
Sự thật là, người khác không thể hiểu được chính xác cảm xúc của bạn thông qua các biểu hiện bên ngoài.
1 năm trước, tôi đã quyết định chia tay người bạn trai yêu thương tôi hết mực chỉ trong vòng 30 phút.
Hôm đó là một ngày tồi tệ. Tôi bị sếp mắng giữa cuộc họp và phải nhận quyết định sa thải. Tan làm khi trời mưa cộng thêm uất ức ở công ty khiến tôi đi đứng bất cẩn và ngã xe trên phố Xã Đàn. Khoảnh khắc đó tôi khóc òa lên như một đứa trẻ vì tủi thân, tức giận và buồn bã.
Tôi trở về nhà muộn hơn mọi khi nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh vì tôi quán triệt với bạn trai tôi là người mạnh mẽ, không bao giờ khóc vì bất cứ chuyện gì. Tôi chỉ cất đồ mạnh hơn mọi khi một chút, chỉ một chút thôi. Thế mà bạn trai chẳng hề nhận ra, anh vẫn vui vẻ chào mừng tôi rồi tiếp tục hút bụi với tiếng máy rè rè nhức đầu. Tôi đã ấm ức, giận dữ nhưng nhất quyết không nói ra. Tôi chờ sự chủ động từ anh nhưng chẳng có tí hy vọng nào. Đỉnh điểm, anh bỏ mặc tôi ở nhà để đi nhậu với mấy anh em công ty. Tôi bùng nổ như một quả bom đã nằm chờ lâu trên cao xạ, tôi cãi nhau với anh thậm tệ và thẳng thừng chia tay!
Anh một mực níu kéo nhưng vì chẳng hiểu vấn đề nằm ở đâu nên cuối cùng vẫn phải chịu cảnh đường ai nấy đi.
Một năm sau khi câu chuyện đã phủ bụi, tôi mới chợt nhận ra rằng
Hình như mình chưa từng nói ra cảm xúc thực sự của ngày hôm đó đúng không nhỉ? Vậy thì họ hiểu kiểu gì?
Tôi ngã ngửa bởi sự vô lý của mình. Tôi nhận ra anh ấy không thể nhìn thấu cảm xúc của tôi qua bề ngoài và điều này khuyến khích tôi bày tỏ chính xác nhu cầu của bản thân với đối phương. Các cuộc tình sau của tôi đều rất hạnh phúc khi tôi biết nói ra. Tôi vừa được chiều, vừa được yêu và người yêu tôi thì đàn ông hơn khi đáp ứng được đúng những mong muốn của bạn gái.
Hơi đáng tiếc vì tôi nhận ra sự thật này muộn màng nhưng cũng thật may vì tôi đã thoát khỏi ảo giác về sự minh bạch - thủ phạm khiến tôi hành động “ẩu đoảng” như câu chuyện trên.
Vậy ảo giác về sự minh bạch là gì và nó hoạt động như thế nào trong bộ não chúng ta?
Ảo giác về sự minh bạch (illusion of transparency) được định nghĩa như sau: Dù cảm xúc có mạnh mẽ hay ý tưởng có lớn lao tới mức nào đi chăng nữa, chúng cũng không bao giờ rõ ràng với người quan sát từ bên ngoài như với chính bản thân bạn
Một thí nghiệm về ảo giác này đã được Thomas Gilovich, Victoria Medvec, Kenneth Savitsky thực hiện vào năm 1998 như sau:
Họ chia sinh viên Đại học Cornell thành các nhóm. Khán giả sẽ được nghe mỗi cá nhân trong từng nhóm đọc các câu hỏi từ một danh mục và rồi trả lời chúng. Những sinh viên này sẽ phải trả lời thật hoặc nói dối theo một yêu cầu kín. Những người nói dối sẽ nói những câu như: “Tôi đã từng gặp David Letterman” sau đó họ sẽ phải đoán xem có bao nhiêu khán giả đã phát hiện ra lời nói dối của họ.
Kết quả là: Những người nói dối tưởng mình bị bại lộ nhưng thực tế chỉ ¼ khán giả nghe câu trả lời phát hiện ra họ đã nói dối - Họ đã tự đánh giá quá cao sự hiển nhiên của các suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.
3 nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm này dựa trên hiệu ứng ánh đèn sân khấu. Họ cho rằng có một ánh đèn sân khấu giả tưởng chiếu xuyên qua mọi lời nói và hành động, phơi bày nội tâm của bạn với thế giới.
Nhưng sự thật thì không phải !
Ảo giác về sự minh bạch tạo ra rất nhiều cản trở trong mối quan hệ, đặc biệt là việc không tìm thấy tiếng nói chung để giải quyết vấn đề.
Như câu chuyện ở mở bài, tôi rất bức bách, khó chịu trong lòng nhưng gương mặt tôi lạnh tanh và tôi tức giận vì người yêu cứ vui đùa mà không hiểu cho cảm giác của tôi, không dỗ dành cho tôi nguôi giận. Và thế là nghiễm nhiên với tôi, anh ấy là người đàn ông chẳng tâm lý và yêu tôi chút nào!
Nhưng vấn đề liệu có nằm ở anh ấy?
Sự thật là:
Tôi không hề nói ra những cảm xúc thực sự của mình
Tôi tỏ ra điềm tĩnh và không có gì khác thường
Từ những dữ liệu này thì nghiễm nhiên anh ấy không thể nhận ra điểm bất thường ở tôi rồi
Tôi tức giận nhưng không biết trút vào đâu. Vậy nên cách của tôi là dựa vào một chuyện cỏn con để nói anh ấy là người vô tâm với gia đình, sau đó nhân cơ hội quy kết anh ấy chẳng bao giờ chịu để ý thấu hiểu cảm xúc và chia sẻ những tiêu cực với tôi.
Sau khi làm um chuyện, tôi thấy mình là người bất hạnh, không được yêu và anh ấy tự nhiên trở thành người đàn ông chẳng xứng đáng với tình yêu của ai cả.
Bây giờ, nhiều lúc tôi tự vấn rồi xấu hổ vì mình đã kỳ vọng không thực tế về khả năng thấu hiểu của người khác. Bài học để thoát khỏi “Ảo tưởng về sự minh bạch” được đánh đổi bằng rất nhiều các mối quan hệ và tôi chắc chắn cả bạn và tôi đều cần nó để không bao giờ có những lầm tưởng tai hại như tôi đã từng.
Đầu tiên, hãy chắc chắn bạn hiểu: Người khác không thể biết chính xác những cảm xúc và vấn đề bên trong bạn chỉ thông qua những biểu hiện bên ngoài.
Khi bạn đã nghĩ thủng điều này, bạn sẽ không ép và không đổ lỗi khi đối phương không hiểu mình. Khi đối diện với trạng thái tinh thần bất ổn, bạn sẽ chọn cách xử lý bình tĩnh và thông minh hơn thay vì ngồi yên sau đó kiếm chuyện cãi nhau vì người yêu chẳng nhận ra điều khác thường ở bạn.
Thứ hai, hãy cho người khác biết chính xác bạn muốn họ hiểu điều gì
Đàn ông có câu đùa rằng: “Nếu hiểu được phụ nữ thì trên đời này chẳng còn gì để khám phá”. Thực tế thì chị em chúng tôi không khó hiểu đến thế, chị em chúng tôi chỉ không thích nói thẳng điều mình muốn thôi.
Tuy nhiên thì như chúng ta đã bàn ở trên, người khác không thể nhìn thấu bạn. Vậy nên, bạn muốn họ hiểu cảm xúc gì, hãy cho họ biết chính xác cảm xúc đó. Bạn có thể tham khảo video dưới đây mà tôi đã nói về chủ đề này:
Chúng ta luôn muốn trở thành trung tâm trong mối quan hệ nhưng không phải lúc nào ánh sáng giả tưởng từ hiệu ứng ánh đèn sân khấu cũng chiếu rọi vào ta và phơi bày ta với thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc: Bạn trong mắt bạn khác với bạn trong mắt người khác !
Điều này là động lực khuyến khích bạn bình tĩnh, tự tin để thể hiện mình tốt hơn trước người khác. Bạn không còn lo tiếng trống ngực thình thịch, cảm giác có một đàn bướm bay trong dạ dày bị phát hiện khi đứng trước chàng trai mình thích nữa. Điều này giúp bạn hành động điềm tĩnh và thông minh hơn thay vì luống cuống và tự hỏi: “Trông mình có dở hơi không nhỉ?”
Nhưng “Bạn trong mắt bạn khác với bạn trong mắt người khác!” cũng có điểm trừ. Bởi vì góc nhìn và sự cảm nhận khác nhau nên đôi khi việc bạn cho là tốt và bạn tự tin thể hiện điều đó ra lại vấp phải ý kiến trái chiều từ người khác. Và lúc đó thì người đối diện sẽ nghĩ: “Cứ thế nào ấy nhỉ? Chả hiểu!”
Vậy thì bí quyết để hành động khôn ngoan nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với người đối diện là gì?
Câu trả lời rất đơn giản: Sự chừng mực và khả năng quan sát
Hãy chắc chắn rằng câu nói hoặc hành động của bạn có một giới hạn nào đó. Chúng sẽ không gây tranh cãi, không bênh vực hay dẫm đạp bất cứ điều gì. Có thể những cảm xúc trong lòng bạn về vấn đề là đa chiều nhưng cách bạn bày tỏ sẽ khiến người khác hiểu lầm. Hãy cẩn thận nhé! Không phải ai cũng nhìn thấu bạn đâu.
Tiếp theo là hãy quan sát người đối diện. Theo tâm lý học, con người dễ thích và chấp nhận người khác hơn khi họ có những hành động giống mình vì cả hai đang được kết nối bởi sợi dây đồng cảm. Vì vậy, hãy quan sát thái độ, hành vi và tư duy của người đối diện để đưa ra cách xử lý phù hợp với điều họ mong muốn.
Tóm lại, ảo giác về sự minh bạch khiến chúng ta lầm tưởng rằng bản thân bị bóc trần trước người khác qua biểu hiện bên ngoài. Nhưng thực tế thì chứng minh điều ngược lại. Người khác không biết chính xác bạn đang cảm thấy gì nên cách tốt nhất để họ hiểu chính vì tạo ra một sự kết nối - một ngôn ngữ hay bất cứ một phương tiện truyền đạt nói chung nào đó. Chìa khóa của mọi mối quan hệ là giao tiếp và hãy tận dụng điều này đúng cách để mối quan hệ tốt đẹp hơn nhé!
Chúc bạn hạnh phúc.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất