Ông Bụt của tôi hiện lên và nói: "Con à, không ai cứu mày đâu"
Bạn có bao giờ tính nhẩm từ khoảnh khắc nào thì bạn bắt đầu ước rằng có một ông bụt hiện ra cứu bạn?
Bạn có bao giờ tính nhẩm từ khoảnh khắc nào thì bạn bắt đầu ước rằng có một ông bụt hiện ra cứu bạn? Rằng chỉ cần thành tâm cầu nguyện, chỉ cần rơi hai hàng nước mắt từ trái tim thì có một thế lực hiền từ, mạnh mẽ toàn năng sẽ hiện ra hoàn thành, hoặc chí ít là xoa dịu cơn đau? Với tôi thì nó có lẽ bắt đầu từ lâu lắm, từ lúc con mèo đầu tiên của tôi bị xe đâm.
Sau đó ông Bụt và ông trời lúc nào cũng là câu đầu tiên nhảy trong đầu tôi. Tôi ước mèo của tôi sống lại, ước mình không trượt chuyên, ước mình có người đó để yêu, ước mình không béo, ước mình không trầm cảm, ước mình xinh hơn, ước mình sẽ có nhà thật to, ước mẹ không già đi, ước chân của mẹ đỡ đau và trán của mẹ không nhăn đến thế. Ước sếp tốt hơn, ước đồng nghiệp toxic kia ai cũng ghét. Những điều ước sẽ tăng lên theo cấp số nhân qua từng ngày, thậm chí số mong muốn đó còn nhiều và phức tạp hơn tôi còn nhỏ. Tôi nhận ra tôi lúc nào cũng mang theo một tư tưởng "cổ tích", tư tưởng "ông Bụt" - rằng em bé trong lòng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình lớn cả, lúc nào nó cũng nghĩ rằng cần có một người lớn, lớn hơn cả nó nữa, nhìn nó vô cùng trìu mến và tất nhiên sẽ thực hiện bất cứ yêu cầu nào của nó đưa ra.
Thật đó, con người thi thoảng hay rơi vào những tình huống mà sự tồn tại của người như ông Bụt là cấp bách lắm. Như hỏng xe giữa đường ngập mưa thì sao? Như sắp sửa uống thuốc kết liễu mình thì sao? Như người mình coi là soulmate thực ra là đồ khốn? Như công việc? Như buổi tối về nhà toàn thân vỡ vụn? Thật đó, xem ra khóc như anh nông dân cây tre trăm đốt cũng không yếu đuối lắm. Vì bạn đâu biết những điều gì có thể quật ngã một con người.
Trong tâm lý học của Jung, hình mẫu ông Bụt có thể được xếp cùng loại với senex - một mẫu tượng người đàn ông lớn tuổi, râu tóc bạc phơ, vô cùng uyên bác đóng vai trò dẫn dắt trên hành trình của người anh hùng. Đây là mẫu tượng khá phổ biến, không chỉ trong văn hóa (ông bụt, ông tiên), trong phim ảnh (phù thủy, Thái thượng lão quân gì đó, Gandalf...) mà còn trong cả tarot (có thể là The hermit) và những sản phẩm truyền thông mà con người tạo ra một cách vô thức. Đúng thế - con người luôn mong muốn được ngồi khóc huhu chờ ông Bụt của họ tới một cách kỳ diệu, không thể tin được.
Ôi, nhưng ông Bụt của tôi thì không hề như thế. Ông Bụt của tất cả chúng ta đều seen tin nhắn, hoặc nếu họa hoằn lắm trả lời thì cũng chỉ ném cho một câu: "Không ai cứu mày đâu." Thế mới bực chứ. Vậy là sếp của tôi lúc đó sẽ không bao giờ ngẩng đầu, mở mắt lên để ghi nhận những tháng ngày khổ sai kinh điển, không ai đòi lại công bằng cho tôi để quay ra ghét bà đồng nghiệp toxic, cho dù bà ấy có toxic cỡ nào hay cho dù bà ấy có tồn tại. Không ai sang bảo hàng xóm cho loa bé đi giùm - bởi ngoài lý do senex ra thì Việt Nam cũng đồng thời là một nước đi theo văn hóa High uncertainty avoidance - Văn hóa Tránh sự không chắc chắn. Không ai tát vô mặt người yêu cũ của tôi 100 cái. Không ai bảo anh kia đừng có chen vào hàng đổ xăng của tôi. Ôi ôi.
Điều ấy, sau tất cả, cũng không tồi tệ gì cho lắm. Nhưng chỉ khi bạn nhận ra có một em bé ở trong bạn lúc nào cũng cần mẫn cố gắng để được lắng nghe thôi ấy. Chỉ khi bạn biết rằng mình đã lớn, mình đã không còn là một đứa bé sơ sinh da mỏng dính, không thể tự làm mọi thứ; mình đã có thể nâng một bao gạo hàng chục cân, mình đã có thể tự đi xem phim, đã có thể mua món ăn mình thích. Có lẽ em bé ấy sẽ thấy an tâm hơn: vì giờ đây nó đã có thể tự làm ông Bụt của mình, tự đáp ứng những nhu cầu dù nhỏ nhặt hay to tát đến mấy, tự mang tới cho mình được niềm vui, sự bình yên sau một cơn đau. Em bé - chúng ta - tôi - hay ai - sẽ luôn tồn tại, nhưng điều quan trọng nhất là cách bọn mình định nghĩa.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất