[Tóm tắt Sách] Rèn luyện Tư duy phản biện - Albert Rutherford
Quyển sách giúp bạn sống tỉnh thức hơn và khôn ngoan hơn
Để bắt đầu, tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện về Shelly. Shelly là một doanh nhân trẻ thành đạt, cô ấy thường xuyên hoạt động tình nguyện rất năng nổ, đối xử tốt với mọi người xung quanh. Shelly tin thực phẩm hữu cơ là cực kỳ tốt cho sức khỏe con người. Tôi chưa bao giờ tìm hiểu về thực phẩm hữu cơ nhưng tôi nghĩ là cô ấy đúng, thực phẩm hữu cơ thật sự rất tốt.
Bạn thấy có điều gì có vẻ “sai sai” trong câu chuyện này không? Tôi tin vào việc thực phẩm hữu cơ là tốt mà không thông qua một sự kiểm duyệt nào. Tôi tin thực phẩm hữu cơ chỉ vì tôi tin Shelly và cô ấy là một người tốt! Tôi đã đưa ra quyết định dựa trên những cơ sở chứng cứ không liên quan. Đây là một trong những lỗi ngụy biện phổ biến. Rất nhiều những quyết định thường ngày của chúng ta trông có vẻ tỉnh táo và lý trí, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Đó là những quyết định phi lý trí dựa trên bản năng, định kiến, cảm tính,…
Albert Rutherford là một chuyên gia tâm lý học người Mỹ, ông dành gần trọn sự nghiệp của mình để nghiên cứu về khoa học não bộ và những tác động của nó đến việc hình thành tư duy. Trong quyển sách “Rèn luyện Tư duy phản biện”, Albert Rutherford sẽ đề cập đến 9 lỗi ngụy biện thường gặp. Nếu muốn trở thành một người sống tỉnh thức hơn, khôn ngoan hơn trong suy nghĩ và hành động, quyển sách này thật sự dành cho bạn.
1- Tư duy phản biện là gì?
Đơn giản đây là quá trình suy nghĩ về suy nghĩ, hay còn được gọi là siêu nhận thức. Bạn sẽ tự lý giải cho câu hỏi vì sao mình lại có những suy nghĩ, niềm tin và hành động này trong tình huống này mà không phải là suy nghĩ, niềm tin và hành động khác.
2- Ai là người có khả năng đánh lừa bạn nhất?
Điều có thể tạo ra những cú lừa tinh vi nhất đối với bạn nhất trên đời này chính là bộ não của bạn. “Ơ, sao tôi lại tự lừa chính mình được?”.
Theo lý thuyết về “mô hình bộ não ba trong một” của nhà khoa học thần kinh Paul MacLean, bộ não con người gồm 3 phần: não người, não linh trưởng và não bò sát.
Trong đó, não bò sát là phần được phát triển sớm nhất, là phần vô thức sâu thẳm với những nỗi sợ và khát khao mang tính bản năng của con người. Các nhà marketing rất thích thực hiện các chiến dịch quảng cáo sản phẩm đánh vào phần não bộ này. Ví dụ như việc treo giá 99 đô luôn cho ta cảm giác món hàng này thật sự rẻ và kích thích động lực mua hàng hơn so với treo giá 100 đô.
Phần não người là nơi phát triển sau cùng của quá trình tiến hóa, đây là nơi điều khiển hành vi, hành động lên kế hoạch và đưa ra quyết định ở mức có trí tuệ hơn những phần não khác.
Mặc dù nằm dưới sự kiểm soát của não người nhưng não bò sát được hình thành sớm hơn, ở thang bậc xa hơn của tiến hóa, nên não bò sát vẫn luôn có những tác động vô hình đến mỗi suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của chúng ta. Đây cũng có thể xem là nền tảng của phi lý trí.
Thực tế những gì ta đang cảm nhận về thế giới này hay những ký ức đã qua đều chỉ là ảo ảnh được tạo ra bởi bộ não. Trực giác hay việc ra quyết định cũng hoạt động tương tự. Mọi suy nghĩ, cảm xúc, hành vi dù là lý trí hay phi lý trí đều là kết quả của việc các tế bào neuron thần kinh kết nối với nhau sau khi nhận được tín hiệu truyền đến từ 5 giác quan.
Vấn đề là các giác quan của chúng ta đôi khi cũng bị nhiễu hoặc truyền sai tín hiệu đến não bộ (như nhìn nhầm, nghe nhầm), lỗi cũng có thể xảy ra trong quá trình các neuron liên kết với nhau hoặc trong quá trình truy xuất lại trí nhớ. Nên những gì chúng ta cảm nhận được về thế giới này vốn dĩ không thật sự chính xác như chúng ta nghĩ.
Để hiểu về cách bộ não vận hành, bạn có thể tìm đọc tóm tắt sách “Não bộ kể gì về bạn? – tác giả David Eagleman, tôi đã từng tóm tắt (tại đây).
3- Một số sở thích của não bộ:
Não thích sự thiên kiến. Chúng ta thường hướng bản thân đến những kết luận mà chúng ta muốn thay vì một kết luận chính xác. Não không thích bị sai, sau mỗi lần hợp lý hóa vấn đề thì não được bơm ra một liều dopamine (hay còn được gọi là hocmorne hạnh phúc), tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu. Cứ thế ta lại có thêm động lực tin vào kết luận ban đầu mà ta muốn.
Ví dụ: Bạn cảm thấy ghét người nào đó dù chưa bao giờ tiếp xúc, bạn chọn tránh xa họ. Khi không phải ở gần họ, bạn cảm thấy thật thoải mái và nhẹ nhõm, dopamin tiết ra, củng cố thêm cho kết luận ban đầu của bạn là chính xác - người kia thật đáng ghét.
Có thể thấy tác hại của việc này là dẫn bạn đến những quyết định không tối ưu, thậm chí sai lầm. Đối tượng kia có thể là một người bạn tuyệt vời, thậm chí còn có thể là người mang đến cho bạn cơ hội giàu có, thịnh vượng chăng?
Não thích ký ức bao quát hơn là ký ức chi tiết. Ví dụ: Nếu vô tình gặp một cuộc tấn công, bạn chắc chắn sẽ nhớ loại vũ khí được kẻ tấn công sử dụng, nhưng có lẽ sẽ không nhớ màu áo của họ.
Việc chọn lọc sự chú ý này thật ra là có lợi, não bộ chúng ta sẽ không bị quá tải bởi những thông tin không cần thiết. Tuy nhiên mặt trái của việc này là não chúng ta sẽ có khả năng tự lấp những lỗ hổng đó bằng những ký ức giả! Ký ức giả được tạo ra dựa trên những kiến thức và cảm nhận mà chúng ta đã có trước đó về thế giới. Ví dụ, kể cả khi bạn khẳng định chắc nịch rằng kẻ tấn công mặc áo xanh, thì cũng chưa chắc là chính xác, có thể đó chỉ là một ký ức nào đó trước đây của bạn được lấp vào.
Bạn không cố tình nói dối, thật ra bạn cũng không biết được là ký ức bạn đã tự động được thay đổi. Tính chất này của não bộ cho thấy những ký ức của chúng ta không phải lúc nào cũng đáng tin.
4- 9 lỗi ngụy biện thường gặp:
Từ việc hiểu được các thiếu sót của não bộ và tư duy, tác giả Albert Rutherford giúp chúng ta liên kết đến 9 lỗi ngụy biện thường gặp được tạo ra bởi các thiếu sót này.
Ngụy biện Người có thẩm quyền luôn đúng: Chúng ta thường tin những thông tin được cung cấp bởi những người có những điểm tích cực cá nhân, vì họ có vẻ đáng tin. Hãy nhớ lại câu chuyện Shelly tôi đã kể, hoặc bạn có thể tự liên tưởng đến những người có quyền lực nhất công ty của bạn, hay trong khu phố mà bạn sinh sống, có phải phần lớn những lời nói của họ bạn đều rất dễ dàng tin tưởng hay không?
Để không bị dắt mũi, chúng ta phải cẩn thận với những luận điểm của những người đứng đầu, thông tin sẽ chân thật hơn nếu họ là một chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực câu chuyện mà họ đang đề cập.
Ngụy biện Nhân quả: “Ý kiến này là đúng, vì tôi thích nó”. Lỗi ngụy biện này liên quan đến “thiên kiến xác nhận” đã đề cập ở phần trước. Ví dụ: những người có tinh thần cực đoan luôn nghĩ rằng thế giới này không có gì tốt đẹp, mọi người đều sống vì lợi ích riêng. Vậy khi gặp những bài viết tiêu cực lên án xã hội, họ rất dễ dàng cảm thấy thỏa mãn, không cần phân biệt thông tin đúng, sai họ đều sẽ ủng hộ bài viết đó.
Nếu chỉ sống với những kết luận mà mình thích, bạn sẽ không bao giờ biết được sự thật của thế giới này, cũng vì thế mà bỏ qua nhiều cơ hội của bản thân.
Ngụy biện Post hoc: Lỗi ngụy biện này thường xảy ra khi mọi người không biết rõ về sự phức tạp của xác suất và thống kê. Tại Rome, từng có một người nổi tiếng tuyên bố rằng, việc cấm phá thai trong 20 năm đã làm giảm tỷ lệ ung thư vú ở quốc gia này xuống thấp nhất thế giới. Thoạt nghe sẽ rất có lý, nhưng thực tế không có bằng chứng đáng tin cậy nào chỉ ra rằng tỉ lệ phá thai thấp có liên hệ trực tiếp tới nguy cơ ung thư vú thấp cả.
A xảy ra trước, B xảy ra sau, nhưng không có nghĩa là A và B liên quan đến nhau, đơn giản có thể chỉ là trùng hợp. Tất cả mọi khẳng định cần phải được kiểm tra trước. Biết được lỗi này sẽ giúp chúng ta phản biện được với những thông tin ngụy khoa học.
Ngụy biện Bất khả tri: Khá giống ngụy biện post hoc, nhưng còn tệ hơn vì đây là kiểu ngụy biện cho những điều mình không biết bởi vì thiếu kiến thức. Ví dụ: Khi không biết lý do những vòng tròn kỳ lạ tại sao lại xuất hiện trong sân nhà mình, thì bạn kết luận là do người hàng xóm làm mà không cần thêm bằng chứng nào khác.
Ngụy biện Phi thể thức: Khi một người cố gắng chứng minh cho kết luận của mình là đúng, bất chấp thêm vào đó những lý lẽ sai nhưng có lợi cho việc chứng minh của họ.
Biết được điều này, ta càng phải tỉnh táo hơn và cẩn thận cắt nhỏ từng lát mỏng của vấn đề xem đối phương có đang dùng ngụy biện phi thể thức để biện hộ hay không.
Ngụy biện Tấn công cá nhân: Thường được dùng khi người khác muốn đánh lạc hướng và vô hiệu luận điểm của bạn. Ví dụ: Bạn đang thuyết trình về việc tác hại của ô nhiễm môi trường, nhưng thay vì phản biện những luận điểm trong bài trình bày của bạn thì họ lại lên án và hỏi chính bản thân bạn đã sống đúng với việc bảo vệ môi trường hay chưa mà lại phát ngôn về việc này.
Biết được kiểu tấn công ngụy biện này sẽ giúp bạn định hướng các cuộc tranh luận tốt hơn và không bị đối phương áp đảo tâm lý bởi sự công kích cá nhân.
Ngụy biện “Nhị nguyên luận”: Não bộ chúng ta luôn thích sự rõ ràng và đơn giản. Ví dụ như câu nói khá phổ biến “hoặc là tất cả hoặc không là gì cả”. Chúng ta thích những câu trả lời có hoặc không, A hoặc B, hai thái cực rõ ràng mà không chấp nhận những câu trả lời ở khoảng giữa.
Tuy nhiên điều này là không hợp lý vì thế giới không chỉ trắng hoặc đen mà còn màu xám và rất nhiều dải màu khác. Người có tư duy hai cực sẽ dễ bị mắc kẹt trong chính triết lý của mình.
Ngụy biện Đổi mục tiêu: Khi một người nghi ngờ bạn vì vấn đề A, bạn chứng minh nó bằng luận điểm B, họ sẽ tiếp tục nghi ngờ luận điểm B bạn vừa chứng minh và cứ thế tiếp tục, ngày càng đi xa trọng tâm của cuộc tranh luận ban đầu.
Người sử dụng lỗi ngụy biện này với bạn thường là dấu hiệu họ đang tuyệt vọng. Cách tốt nhất để đối phó với chiến lược này là hãy mặc kệ và để những bằng chứng tự giải thích.
Ngụy biện Rơm: Đây là chiến thuật khi một người phản ứng với luận điểm của đối thủ theo ý kiến chủ quan nhằm có lợi cho mình. Ví dụ: trong một cuộc tranh luận, bạn ủng hộ quan điểm giảm mức phạt cho tội phạm ma túy (nhằm mục đích nhân đạo) sẽ có khả năng bị phe đối lập “nhét chữ vào mồm” là nếu đề xuất giảm hình phạt nghĩa là bạn đang muốn tội phạm sống lộng hành.
Biết được lỗi ngụy biện này sẽ giúp ta tránh để đối phương thao túng trách nhiệm.
5- Công thức xây dựng một luận điểm đúng:
Đã hiểu được các lỗi sai của tư duy, đối phó được với các ngụy chuyên gia, vậy tiếp theo chúng ta hãy cùng tìm hiểu công thức xây dựng một luận điểm đúng.
Kết luận: là tập hợp của các luận điểm
Luận điểm: là tập hợp của các tiền đề
Tiền đề: là một sự thật hoặc một nhận định logic
Sự thật là những kết luận được khoa học quan sát và kiểm chứng là “đúng” (ví dụ như mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây). Một luận điểm càng tập hợp nhiều sự thật thì luận điểm đó càng vững chắc. Tuy nhiên chúng ta cần biết không có sự thật tuyệt đối, một học thuyết chỉ đúng cho đến khi nó được thay thế bởi một học thuyết phù hợp hơn. Đó cũng là cách khoa học phát triển.
6- Bản chất của tư duy phản biện:
Những lỗi ngụy biện thường diễn ra do phần đông người tham gia tranh luận đều muốn tự hợp lý hóa những thiếu sót trong tư duy của mình hoặc muốn chiến thắng. Tuy nhiên ta cần biết, cốt lõi của tranh luận là để tìm ra sự thật, để giải quyết vấn đề chứ không phải để chiến thắng.
Tư duy phản biện không phải là “chê bai”. Thực tế người càng có tư duy phản biện tốt thì càng khiêm tốn khi phản biện với người khác, mục đích giữ được cuộc tranh luận hợp lý, bình tĩnh và trí thức.
Tư duy phản biện không thể thay thế kiến thức, hai điều đó song hành với nhau. Một người có tư duy phản biện không phải là người biết nhiều kiến thức nhất nhưng là người hiểu rất rõ bản chất của kiến thức.
Tri thức là vô hạn, những điều bạn biết chỉ là nắm lá của khu rừng. Để có một tư duy phản biện tốt ngoài nỗ lực tự rèn luyện, chúng ta cũng cần có một tâm hồn rộng mở, biết lắng nghe và tiếp thu những ý tưởng khác biệt, những góc nhìn mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến để nâng cấp dung lượng kiến thức của bản thân.
Tư duy phản biện là bước ra khỏi vùng an toàn của tư duy, chấp nhận được những lỗi sai trong chính cách suy nghĩ của mình cũng đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận mở ra một cách sống mới, một tương lai mới.
Người thực hiện: Chloe Châu
Thông tin được biên soạn tổng hợp từ quyển sách
Rèn Tư duy phản biện - Tác giả: Albert Rutherford
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất