Đức Phật đã từng nói rằng "Đạo ta là đạo giải thoát". Có một sự thật trong giáo lý của Thế Tôn đề cập sự giải thoát chính xác là con đường Trung Đạo - nằm giữa khổ và lạc. Giải thoát là 1 chân lý, 1 sự thật màu nhiệm, 1 hành trình từ lúc sinh ra cho đến khi ta chết. Không chỉ có Phật mới là người đạt đến Giải Thoát. Sự thực là có hàng nghìn vị A La Hán cũng đã Giải Thoát và bản chất sự giải thoát là hạt giống bên trong mỗi chúng sinh.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng cần 1 con đường dẫn đến sự giải thoát. Trước khi bước vào con đường này, ta phải học cách đối diện với Dukkha (Khổ). Qua Tứ Diệu Đế, ta biết được rằng Dukkha là 1 sự thật màu nhiệm. Nếu không có nó thì sẽ không có Giải Thoát. Giống như trong đống bùn có một bông hoa sen. Nếu không có bùn thì không có hoa sen. Đối với Đức Phật, Dukkha là sự thật không ai có thể né tránh hay giải thích. Nếu không có phiền não sẽ không có bồ đề Tâm.
Người ta khóc vì Dukkha, tuyệt vọng vì Dukkha. Ta thường hay có xu hướng bỏ mặc khổ đau, đưa khổ đau tràn lan ra ngoài.
Dukkha đã được làm rõ qua ánh sáng của Tập, Diệt và Đạo. Ta học về Dukkha thì phải hiểu được căn nguyên của nó mới nghĩ ra giải pháp tiêu trừ. Thế Tôn nhận thấy Vô Minh là gốc của Dukkha, có Vô Minh mới có Tham, Sân, Si làm chủ và là tác nhân gây nghiệp. Khi có Nghiệp ác thì anh em trong gia đình cãi vã, bố mẹ làm ăn không tiến tới, xa hơn nữa là không có hạnh phúc. 1 người thực tập chánh niệm tốt sẽ luôn biết cách chế tác ra tư duy và hành động tốt đẹp. Tôi muốn Giải Thoát thì thân khẩu ý của tôi phải tốt đẹp. Tôi muốn Giải Thoát thì tôi phải buông bỏ, tôi phải nỗ lực, tôi phải quyết đoán.

Giải Thoát sẽ được mình chia làm hai.

''Giải thoát. Thứ nhất'' : Giải thoát khỏi Tham, Sân, Si. Đức Phật có nói đến trạng thái của Giải Thoát, ta hãy gọi đó là Niết - Bàn. Niết Bàn theo tiếng Phạn là Nirvana - an lạc. Dù xung quanh ta đều Vô Thường nhưng ta vẫn sống An Lạc. Sự an lạc nằm ngay trong giây phút hiện tại. Tham Sân Si tiêu trừ thì thân tâm bớt mong cầu. Bát Chánh Đạo là con đường tốt nhất để loại bỏ 3 yếu tố trên. Thanh Văn Giác là những Vị hiểu biết về Bát Đạo mà tu đạt quả vị Giải Thoát.

Hãy cùng nhìn lại 1 chút...

Khi chúng ta còn là một con người hay các sinh vật nhỏ bé khác, chúng ta tiếp nhận mọi thứ xung quanh với cái tâm ngây thơ của mình và thường xuyên va chạm với những khái niệm. Đối với tôi, điều đó thật đẹp. Thật màu nhiệm. Màu nhiệm vì sẽ dẫn đến sự sụp đổ để dẫn tới tư tưởng mới và sâu sắc. Tôi thấy tâm trí con người thực sự sáng tạo và đầy tính tò mò, sự thú vị nằm ở đây. Tâm trí tò mò, họ nghĩ ra đủ thứ và coi nó là kiến thức của họ. Không thể phủ nhận kiến thức đã đóng góp cho đời, kiến thức giúp ta xây nên những công trình,.. Nhưng liệu đó có phải là Tuệ ?
Ảnh bởi
Rod Long
trên
Unsplash
''Giải thoát : Thứ hai : Xả bớt ý niệm hay Kiến Thức''
Sự thực thì Tuệ và Kiến Thức không phải là 1. Tuệ phát xuất từ bên trong, kiến thức thuộc về bên ngoài. Kiến thức là cái làm nên 1 con người còn Tuệ làm nên sự vĩ đại. Ví dụ khi chúng ta là 1 đứa bé, đứa bé đó phản chiếu chúng ta và là chính chúng ta. Nếu ta nhìn bằng mắt thường ta thấy đứa bé đó được nhào nặn bởi da thịt, máu, giác quan, các chi, rất nhiều yếu tố. Cũng do duyên mà thành. Điểm quan trọng là đứa bé đó có Tuệ Giác, vì sao vậy ? Nó thanh tịnh, nó an lạc, nó không có sân, nó nhìn mọi thứ rất tự nhiên và từ bi. Ta nhìn đứa bé đó dưới ánh sáng của tuệ giác.
Nhưng rồi đứa bé cũng phải lớn lên. Nó lớn lên dưới vòng tay của ba mẹ, nó tiếp xúc với sự sống, với xã hội xung quanh. Nó thu nhận thông tin trong suốt một quá trình. Nó so sánh thông tin nó thu được với bè bạn và đôi lúc phân chia "Hơn-Kém." Và đó chính là lúc mà đứa bé mất đi sự thanh tịnh, đó cũng là 1 nghịch lí không thể giải thích hay chối cãi. Đứa bé bắt đầu có Ngã, lao vào vòng tranh đấu rồi cũng ra đi như ai.
Từ đây, ta mới thấy rất rõ ràng. Rõ ràng kiến thức là nhu yếu và xu hướng tự nhiên là chạy đua theo nó. Đơn giản thôi. Ai cũng muốn tồn tại mà. Ai cũng muốn tiện nghi. Kiến thức đáp ứng được. Kiến thức xây nên những công trình, dở tốt đều có. Chung quy lại thế nào là Kiến thức ? Kiến thức là sự học hỏi, học xung quanh, học từ sách vở. Câu hỏi được đặt ra ở đây là ngoài việc xây đời thì giá trị của kiến thức còn gì ? Vì sao những vị thiền sư dù không có bằng cấp đại học nhưng nhiều người vẫn đến để tìm kiếm sự tu học ? Là vì vị thiền sư đó có Tuệ Giác, hiểu biết lớn.
Đức Phật muốn con người có thể hiểu Chân Lý 1 cách sâu sắc thấu đáo. Ở 1 tầm cao hơn thì kiến thức cần được loại bỏ vì kiến thức bao gồm tính suy luận chủ quan, học hỏi từ sách vở hay mối quan hệ xã hội. Theo cái thấy của Phật thì tuệ giác là cái sẵn có, không cần phải tìm tòi và có thể thi triển nếu hành giả tu tập thiền và quán sát thường xuyên. Các vị duyên Giác thường xuyên quán chiếu sự vật và khai mở được sự hiểu biết về sự vận hành của Nhân Duyên - khi 12 yếu tố bao gồm ý niệm dẫn Nghiệp kéo từ kiếp này sang kiếp khác, 1 vòng luẩn quẩn không đường thoát. Nhờ đó mà các Vị loại bỏ Nghiệp và đạt đến Giải Thoát. Ý niệm sinh ra chấp Có/Không, tính ưa ghét, tin vào sự tồn tại của 1 cái Ngã. Đầu óc luôn đầy ắp những thông tin thì thật khó để thanh tịnh. Nếu vạn vật là vô thường, những ý niệm cũng vô thường thì cớ gì ta phải bám lấy nó mãi.
Nếu không có Tuệ sẽ không có an lạc. Các bạn nhìn vào 1 người giàu kiến thức, các bạn chìm đắm trong sự tương tư. Nhưng thử hỏi liệu anh ta có an lạc, có giải thoát hay cũng sống như 1 thân xác của ý niệm, của phiền muộn ? Ta quán sát kĩ hơn cũng sẽ phát hiện ra bản chất của Kiến Thức là hiện hữu của Uẩn. Mà Uẩn cũng vô thường, hoại diệt thường xuyên. Ngày xưa có người nói thời gian là tuyệt đối rồi lại có người bác bỏ. Nếu ý niệm là vô thường mà ta nghĩ nó là thường, làm sao có Giác Ngộ, làm sao có Giải Thoát.
1 nền tảng trong sự Giải Thoát cũng rất cần được coi trọng :

Những người nghèo khổ hay giàu sang, dù không biết đến Nhân Duyên hay Tứ Đế cũng có thể sống an vui nhờ sự hiểu biết về Nhân Thiên Đạo. Ta làm 1 việc xấu nhưng bù lại ta làm việc thiện nhiều, ta có thể chuyển hóa xấu thành tốt. Ta giữ gìn 5 giới :

1. Không sát sinh
2. Không tà dâm
3. Không nói dối
4. Không trộm cắp
5. Không nghiện chất kích thích hay rượu bia.
Đó là những điều kiện đủ để thành 1 người tốt, có ích cho cộng đồng. Nếu phước đủ có thể chặn 3 đường ác. Nhân Thiên Đạo tuy không thể so bì với Duyên Giác, Thanh Văn nhưng rất cần thiết và quan trọng.
Ta cần hiểu rằng con đường của Đức Phật đã đi, Ngài đã diệt bỏ Tâm mong cầu rồi loại bỏ Nghiệp và những ý niệm thông qua quá trình tu tập và rèn luyện không biết mệt mỏi. Tuệ Giác của Đức Phật là ngọn đèn soi sáng bóng tối Vô Minh bao trùm khắp thế gian. Sự tái sinh của Đức Phật tại thế gian là do hạnh nguyện và công đức vô lượng của Ngài, khác với con người chúng ta là tái sinh theo Nghiệp.
Một nhà hiền triết người Hi Lạp từng cho rằng đỉnh cao của sự khôn ngoan là hít thở không khí trong lành, trân trọng những sắc màu đẹp, nỗ lực tinh tấn. Đôi khi quá nhiều kiến thức khiến ta thấy mệt mỏi và dường như ta sẽ không biết chúng ta đang đứng ở đâu ! Chúng ta bị tràn ngập bởi mọi thứ và không hiểu tại sao, chúng ta luôn có cảm giác rằng mọi trải nghiệm, kiến thức sâu sắc nhất cộng lại chưa hẳn đã đại diện cho Trí Khôn con người... Ta có thông tin trong đầu, thế là tốt. Nhưng nếu chứa chấp quá sâu nặng, ta sẽ đau khổ. Ta dâng thân ta cho sự vô thường mà quên đi chăm sóc phiền não, quên đi sự tu học để từng hơi thở có sự an lạc. Vậy thì cái nào đáng quý hơn cái nào ?
Hãy bước sang câu hỏi cuối cùng.

Vậy ý nghĩa của Giải Thoát là gì ?

Giải Thoát là sống an vui, tự tại. Giải Thoát là con đường quý giá bậc nhất mà bất kì chúng sinh nào cũng tìm đến. Cuộc đời này là một chuỗi những sự kiện gắn liền với 2 chữ Khổ-Vui và ai cũng muốn vui cả. Nhưng ta phải thực sự hiểu cái vui. Vui vì gì ? Vui vì bước chân được tự do. Vui vì có thể đánh răng mà không bị phiền não quấy nhiễu. Vui vì biết rằng còn THỞ là còn thấy sự an lạc. Nếu các tôn giáo khác thường đề cập đến Thiên Đường là nơi an vui của chúng sinh thì đối với Đức Phật, dù sống ở bất cứ nơi nào với Bồ Đề Tâm thì nơi đó có hạnh phúc, có an lạc, có GIẢI THOÁT. Giải thoát là dành cho tất cả mọi người. Giải Thoát phụ thuộc vào hành động của chính chúng ta.

Cái chúng ta thiếu không phải là vật chất hay tình cảm. Sống an lạc mới là thứ ta cần nhất trong xã hội ngày nay.
PEACE.