Giã từ triết học
Khi ta thôi học Các giáo sư dạy cho lũ học trò chúng ta những điều họ không tin Và chúng ta tin những điều họ không dạy...
Khi ta thôi học
Các giáo sư dạy cho lũ học trò chúng ta những điều họ không tin
Và chúng ta tin những điều họ không dạy
Khi ta thôi học
Ta không biết con người sinh ra để làm gì
Và ta mãi miết
Đi tìm câu trả lời
Để sống yên tâm
(Nguyễn Bắc Sơn, Những điều cần nói khi thôi học năm 1963,
in trong tập Chiến tranh Việt Nam và tôi, Đồng Dao, 1971)
Ngoài nghĩa trang có một tòa cổ miếu
Trưa học về chàng hay trốn vào đây
Gửi tâm hồn vào những đám mây bay
Đi tranh luận cùng thánh hiền thiên cổ
Đến thư viện chàng vội vàng trở lại
Chồng sách cao chôn mất nửa đời người
Còn thi ca? Ta không còn muốn nhớ
Những thiên đường không tưởng tuổi mê chơi
Có một lần trong đêm mù thác loạn
Trăng non nằm trên bãi nước vi vu
Tôi cất tiếng, tiếng chìm trong tiếng sóng
Chàng đi lùi như một kẻ miên du
(...)
Hãy đuổi hết ra cõi đời mình những kẻ
Tưởng rằng mình là những đấng thần linh
Buổi chiều kia ta thấy mình bé nhỏ
Thèm vô cùng bóng mát khóm cây xanh
(Nguyễn Bắc Sơn, Những năm tâm hồn còn trữ tình điên mê vì thi ca triết học, in trong tập Chiến tranh Việt Nam và tôi, Đồng Dao, 1971),
Sau đây là bài dịch ẩu từ Farewell to Philosophy trong quyển A Short History of Decay của E. M. Cioran (translated from French by Richard Howard, Penguin Books, 2010)
Tôi quay lưng với triết học khi không thể tìm thấy ở Kant bất kỳ một sự yếu đuối nào, hay bất kỳ một nỗi buồn nào. So với âm nhạc, thơ ca, và mấy thứ thần bí, triết học không bắt nguồn từ sự hào hứng, mà là một sự sâu sắc đáng ngờ, chỉ thu hút những người rụt rè và những người lãnh đạm, ngồi một chỗ đọc sách, không dám lăn xả, "xăm mình" để làm tỷ phú, làm tướng cướp. Họ trú ngụ trong những suy nghĩ xanh xao, thiếu máu, lảng tránh cõi sống nông cạn, náo nhiệt, bẩn bựa, dữ dội, phong phú, dồi dào ngoài kia. Mọi triết gia rốt cuộc đều cũng chỉ sống và chết như bao con người không màng đến triết học: Chả có gì bi thương ở cái chết của Socrates, đó chỉ là cái kết của một nhà sư phạm, một sự nhầm lẫn đúng nghĩa. Và nếu Nietzsche cuối đời có suy sụp, thì với tư cách một nhà thơ và một người suy tưởng, ông ấy chỉ đang chuộc tội cho những ảo mộng của mình, chứ không phải cho những lập luận. Triết của một triết gia chẳng làm cho cuộc đời ông ấy hoặc bà ấy khấm khá, êm ấm hơn.
Triết chỉ là những lời giải thích gọn gàng hòng thâu tóm cái phức tạp khôn cùng của cuộc sống. Nhưng chúng ta không thể thoát ra ngoài cuộc sống, mà chỉ có thể ở trong nó, chịu đựng nó, yêu hoặc ghét nó, quý mến hoặc khiếp sợ nó. Một luân phiên liên tục của vui buồn, yêu ghét, vinh quang và tăm tối làm nên cái nhịp điệu, cái dao động thường hằng nơi trần thế.
Thất bại trong việc thâu tóm thế giới, chúng ta ai mà chẳng giơ tay thỉnh cầu câu trả lời từ triết học để rồi buông thõng vì chẳng nhận được gì. Khi bị số phận đẩy đến bờ vực của hỗn loạn, dường như chúng ta được triết học bảo vệ, nhưng một khi phải nhảy xuống, thì triết học lại bỏ rơi ta. Khi người ta đau khổ vô bờ, thường tưởng rằng sự ổn thỏa có thể tìm thấy ở vài câu chữ ngắn gọn của các triết gia. Nhưng không, triết học không mang lại một cái hoa trái gì. Ai cũng có thể thành triết gia trong những giờ rỗi rãi, khi họ không còn được cứu rỗi bởi kinh Cựu Ước, bởi nhạc của Bach, hay kịch của Shakespeare. Rồi dăm ba cái suy tư ấy có khi được viết thành một trang văn ra chiều sâu sắc, đủ sánh ngang với lời cảm thán của Job, nỗi kinh hoàng của Macbeth, hay sự bay bổng của một bản cantata? Chúng ta không biện luận vũ trụ, chúng ta chỉ diễn tả vũ trụ. Triết học thì không diễn tả. Nó cứ muốn băng qua hết mọi thứ hoặc vắt kiệt mọi thứ. Nhưng khi trang sách triết cuối cùng khép lại - một thất bại nữa trong việc nắm bắt những điều không biết - các vấn đề thực sự của chúng ta mới bắt đầu. Chúng ta khép lại cuốn sách triết và trở lại cuộc sống của miếng cơm manh áo, của công việc và gia đình, của giấc ngủ và những thói quen sinh hoạt. Những triết gia - những người đã cố thâu tóm cuộc sống trong vài trang sách - khi đó đã rời bỏ chúng ta, những kẻ vẫn phải tiếp tục lặn ngụp trong cái đa dạng khôn kiệt của việc sống. Và chúng ta chỉ thực sự sống khi không còn triết học, khi hiểu rằng nó chả được cái tích sự gì, phù phiếm và vô dụng.
(Những hệ thống tư tưởng lớn xét cho cùng cũng chỉ là những sự lặp lại thiên tài. Có lợi gì đâu khi biết rằng bản chất của tồn tại là "the will to live" hay "idea" hay Chúa hay Hóa Học? Chỉ là một sự thừa mứa của ngôn từ, những chuyển dịch tinh vi của ngữ nghĩa. Hiện thực khi đó không còn ăn nhập mấy với triết thuyết, và các khoảnh khắc chìm đắm trong một phát hiện ghê gớm về thế giới khi đó cũng chẳng cho biết điều gì về cái hiển hiện trước mắt. Bản thân Being cũng chỉ là một sự giả vờ của Nothingness.
Chúng ta cần định nghĩa vì chúng ta tuyệt vọng. Chúng ta cần một công thức hoặc nhiều công thức chỉ để biện giải cho tâm trí và tô vẽ nên một cái bề mặt cho hư vô.
Các khái niệm hay sự say sưa với các triết thuyết không có giá trị thực hành. Khi âm nhạc làm chúng ta "chìm vào sâu bên trong", chúng ta lại nhanh chóng trồi lên bề mặt: điều đó cho thấy các ảo tượng thì vô dụng, và hiểu biết thì bất lực.
Cũng như cảm giác và lý luận, những thứ chúng ta chạm vào và những thứ chúng ta hình dung đều không chắc chắn; Cái cảm giác chắc chắn đó chỉ có được khi chúng ta bước vào địa hạt của ngôn từ, điều chỉnh, quản lý trật tự thế giới thông qua cấu trúc của các ký hiệu. Hiện hữu thì câm nín, còn tâm trí thì ồn ào. Đó là biết đó.
Cái riêng của mỗi triết gia đến từ việc tạo ra những khái niệm. Bởi vì chỉ có 3 hoặc 4 thái độ để đối mặt với thế giới - và cũng có bao nhiêu đấy cách để chết - những sắc thái đã nhân rộng và đa dạng hóa chúng được bắt nguồn từ không gì hơn những lựa chọn từ ngữ khác nhau, chứ không có những vùng siêu hình nào khác.
Chúng ta sống trong một vũ trụ thừa mứa ngôn từ, ở đó hỏi hay đáp cũng chỉ như nhau)
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất