Giá trị, giai đoạn nhạy cảm, và grit (Kiên tâm)
Cảnh báo: Bài viết dài do mình sưu tầm, không dành cho người thích ăn mỳ gói. Giả sử, một ngày con bạn mang về điểm 0 bài kiểm tra...
Cảnh báo: Bài viết dài do mình sưu tầm, không dành cho người thích ăn mỳ gói.
Giả sử, một ngày con bạn mang về điểm 0 bài kiểm tra môn Tiếng Anh. Bạn sẽ làm gì? Buồn? Tức giận? Hay cho rằng con mình quá kém?
Hay, một ngày bạn phát hiện ra rằng bộ phận của mình sắp bị giải thể vì công việc của bạn đã có máy móc làm, bạn sẽ làm gì?
Khi Alexander Fleming nhìn thấy đĩa nuôi vi khuẩn của mình đã bị nấm mốc làm hỏng, ông đã làm gì?
Ông không tức giận hay ngồi tự trách mình quên đóng cửa sổ phòng thí nghiệm. Ông lao vào, tìm cách trả lời câu hỏi: Như thế nào?, và tìm ra khả năng kháng sinh của nấm Penicillium. Tương tự, khi Röntgen phát hiện ra tấm phim của ông bị phơi nhiễm phóng xạ, ông dành 6 tuần để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, để rồi phát hiện ra tia X. Thực tế, nhiều nhà khoa học khác cùng thời đã phát hiện ra hiện tượng này, và họ … vứt các tấm phim đi và làm việc khác.
Nếu Fleming hay Röntgen mải ngồi gặm nhấm nỗi tức giận, khi mọi chuyện không diễn ra theo cách họ vẫn nghĩ, thì chẳng biết bao giờ chúng ta mới có thuốc kháng sinh hay hình chụp X-quang. Khi dịch một cuốn sách về lịch sử khoa học và hiểu thêm về những người như Fleming và Röntgen, tôi băn khoăn về quá trình giáo dục làm nên những nhà khoa học ấy, và cái mà chúng ta vẫn gọi là giáo dục.
Chúng ta vẫn nói với nhau rằng giáo dục là để chuẩn bị cho tương lai.
Tôi cho rằng, giáo dục là chuẩn bị để có thể hạnh phúc đón nhận những bất ngờ trong tương lai.
Chúng ta thất bại trong giáo dục, vì chúng ta chuẩn bị cho những sai lầm trong quá khứ và muốn tương lai phải giống quá khứ.
Giá trị, lợi ích, và chúng ta làm sai như thế nào
Thực ra quan điểm của tôi về mục tiêu của giáo dục không phải điều gì mới mẻ. Chúng ta nhìn thấy nó trong quan điểm của nhiều nhà triết học, giáo dục học, tâm lý học, và cả nhà khoa học. Và khi soi những gì ta đã làm vào những tư tưởng này, tôi nhìn thấy giáo dục đã chệch hướng như thế nào.
Tính sáng tạo, đặc điểm mà chúng ta vẫn thường nghe rằng con người trong cách mạng khoa học công nghệ cần có, thực chất không nằm ngoài việc hạnh phúc đón nhận những bất ngờ. Picasso từng phát biểu rằng mỗi đứa trẻ sinh ra vốn đã là một nghệ sĩ. Và Ken Robinson (2006), sau khi dẫn lời Picasso, khẳng định lần nữa rằng chúng ta vốn đã có tính sáng tạo tuyệt vời, nhưng thay vì vun bồi nó, chúng ta dần đánh mất nó. (Video ghi lại bài phát biểu này của Ken Robinson cho đến nay vẫn là TED talk có nhiều lượt xem nhất.) Để có thể sáng tạo, giáo dục phải giúp chúng ta chuẩn bị sẵn tinh thần rằng chúng ta có thể “sai”.
Chúng ta sẽ đánh mất tính sáng tạo khi chúng ta tồi tệ hoá cái “sai”. “Sai” là một khái niệm tương đối. Tôi cho rằng cái “sai”, trước hết, là một thứ không thể lường trước và khác biệt so với những thứ ta đã biết và tự cho là “đúng”. Những gì khác biệt so với những điều chúng ta đã biết (và cho là biết) đều có khả năng “sai”. Và vì chúng ta quá sợ “sai”, chúng ta không dám đón nhận sự bất ngờ hay sự khác biệt, và cuối cùng giết chết sự sáng tạo. Nói cách khác, để có thể khám phá và sáng tạo, chúng ta phải chuẩn bị về cả tính cách, tinh thần và kĩ năng, để đón nhận những thứ bất ngờ.
…
Ta cũng có thể tìm thấy định nghĩa tương tự về giáo dục trong cuốn Finite and Infinite Games của James P. Carse, một giáo sư về lịch sử tôn giáo. Nhưng trước tiên, tôi muốn nói đến định nghĩa cuộc chơi hữu hạn và cuộc chơi vô hạn của ông. Theo Carse (1987), thế giới có “ít nhất hai loại trò chơi. Một loại có thể được gọi là trò chơi hữu hạn, và loại còn lại là trò chơi vô hạn.” Người ta chơi trò chơi hữu hạn với mục đích chiến thắng, và chơi trò chơi vô hạn chỉ để tiếp tục cuộc chơi.
Vì thế, cuộc chơi hữu hạn nhắm đến một tương lai xác định, rõ ràng, càng dễ đoán trước, tức càng giống những gì đã xảy ra trong quá khứ càng tốt. Người chơi vô hạn, ngược lại, tìm kiếm sự bất ngờ trong tương lai, tức những gì xảy ra trong tương lai mà không giống với quá khứ. Và thông qua sự bất ngờ của tương lai, họ định hình, giải nghĩa lại những gì đã xảy ra trong quá khứ. Ví dụ, trong một thời gian dài, các nhà khoa học coi những gì Aristotle viết ra là chân lý. Theo Aristotle, quả táo rơi xuống đất vì vị trí “tự nhiên” của vạn vật trên trái đất là mặt đất. Hệ quả là vạn vật luôn có xu hướng trở về với vị trí tự nhiên của chúng, tức mặt đất. Nhưng cũng với trái táo rơi, chúng ta biết rằng Newton đã thách thức lý giải của Aristotle, và đó là khởi đầu của quá trình dẫn đến sự ra đời của Định luật vạn vật hấp dẫn. Newton chính là một người chơi vô hạn, bởi vì ông đã không coi việc trái táo rơi là một chuyện đương nhiên đã được giải thích. Ngược lại, ông tìm ra định luật mới, và định luật của ông thực sự đã định hình lại cách giới khoa học quan sát và lý giải thế giới (Bynum, 2012).
Điều quan trọng nằm ở chỗ: trong những cuộc chơi hữu hạn, người ta cần sự huấn luyện; trong những cuộc chơi vô hạn, người ta cần giáo dục. Người ta trải qua huấn luyện với mong muốn chống lại sự bất ngờ ở tương lai, mong muốn tương lai giống với những gì họ đã được huấn luyện. Nhưng, giáo dục là để chuẩn bị đón nhận những điều bất ngờ trong tương lai.
Chúng ta sẽ sai nếu muốn chơi cuộc chơi vô hạn bằng cách chơi hữu hạn.
Người ta học để thi. Hầu hết các cuộc thi chính thức ở Việt Nam đều chỉ là các cuộc chơi hữu hạn, và cuối cùng thực chất học sinh đang bị huấn luyện cho các cuộc chơi hữu hạn. Bất kể đó là bài kiểm tra hay bài thi tốt nghiệp, những gì thí sinh làm để vượt qua bài thi là luyện đi luyện lại các dạng cách giải bài tập, học thuộc lòng các ý tưởng và cách phân tích. Mong muốn lớn nhất của thí sinh là “trúng tủ”, tức là đề thi càng nhiều dạng bài giống những công thức hay cách phân tích đã học càng tốt. Họ muốn tương lai, tức đề thi, phải giống quá khứ, tức thứ họ ôn luyện. Càng giống càng tốt.
Nguyên lý cuộc chơi hữu hạn và vô hạn giúp giải thích rõ tại sao giáo dục của chúng ta thất bại. Nó thất bại vì nó không phải là giáo dục. Giáo dục cần phải giúp người ta phát triển để tiếp tục cuộc chơi của cuộc đời, vốn là một cuộc chơi vô hạn. Nhưng chúng ta tự ép mình và học sinh chơi cuộc chơi vô hạn theo cách của cuộc chơi hữu hạn. Chúng ta, và con chúng ta, luyện đi luyện lại những công thức toán, hoặc học cách dùng tiếng Anh, mà chúng ta dựa vào trải nghiệm hay lịch sử của cá nhân để cho rằng chúng cần thiết. Đó vẫn là tư duy của cuộc chơi hữu hạn, bởi vì khi đó chúng ta (muốn) tin rằng tương lai học sinh, hay con chúng ta, cũng gặp các khó khăn giống ta và áp đặt những điều chúng ta chưa làm được lên tương lai đầy tiềm năng chưa được khám phá của lũ trẻ. Nói cách khác, đó vẫn là huấn luyện chứ không phải giáo dục.
Nếu nhìn lại quá khứ của chúng ta theo góc nhìn của cuộc chơi vô hạn, ta cũng hoàn toàn có thể nhận ra rằng thiếu tiếng Anh hay toán không phải nguyên nhân gốc rễ của bất cứ khó khăn nào ta gặp phải trong cuộc sống hay công việc. Nguyên nhân gốc rễ là: khi chúng ta thiếu tiếng Anh hay toán, chúng ta không có đủ các phẩm chất về tính cách và năng lực để học thêm tiếng Anh hay toán. Chẳng ai có thể học đầy đủ những thứ mà họ cần cho tương lai, khi mà chính tương lai cũng thay đổi liên tục và nằm ngoài dự đoán. Cái chúng ta cần học là các đức tính như dũng cảm, kiên tâm để đối mặt với sự thay đổi và dám thay đổi chính mình lẫn những gì xung quanh. Chúng ta cần nuôi dưỡng sự tò mò vô hạn đối với kiến thức, nhất là kiến thức về chính mình. Chúng ta cũng cần khả năng học cách học, tức là ít nhất phải biết học, loại bỏ những gì đã học, và học lại (learn, unlearn, relearn). Để ý, chúng ta đều thấy rằng những người có các phẩm chất này, dù sống trong cùng một điều kiện với chúng ta, vẫn luôn thành công về năng lực làm việc, tư duy, và kiến thức. Nói đơn giản, dù học tiếng Anh muộn như bao người khác, một người thực sự được giáo dục để chuẩn bị cho dài hạn vẫn có thể giỏi tiếng Anh và không cần phải áp đặt nỗi sợ hãi một thời của mình lên con họ. Họ thực sự cho phép con khám phá và phát triển những phẩm giá và thế mạnh của con, thay vì mong muốn con mình trở thành người sửa chữa những lỗi sai trong quá khứ của mình.
…
Simon Sinek, một nhà tâm lý học, phát triển triết lý về những cuộc chơi hữu hạn và vô hạn bằng cách gắn chúng với hai yếu tố: lợi ích và giá trị. Khi người ta chơi chỉ để giành phần thắng, người ta chỉ quan tâm đến các lợi ích: ta được gì và mất gì. Nhưng khi chơi để duy trì cuộc chơi, tức chơi vô hạn, mọi quyết định của người chơi dựa trên giá trị. Thông qua đó, chúng ta phần nào nhìn thấy những mục tiêu của giáo dục thật sự. Giáo dục cuối cùng vẫn là giúp con người nuôi dưỡng những giá trị để trong bất cứ tương lai biến động nào con người cũng vẫn thích nghi được và hạnh phúc khi hiểu rõ mình đang theo đuổi giá trị dài hạn nào.
Chúng ta sẽ sai khi chúng ta hướng con người tới việc cố gắng giành những lợi ích mà bỏ quên giá trị.
Lợi ích, là khi chúng ta chiến thắng một đối thủ trên bàn cờ. Giá trị, là sau khi chúng ta chiến thắng, ta tôn vinh đối thủ của mình với tất cả sự chân thành, vì “cờ được chơi bởi hai người”.
Lợi ích, là khi chúng ta loại một người lính bên đối phương khỏi vòng chiến đấu. Giá trị, là sau khi hạ người lính đó, chúng ta dùng mọi cách có thể, “thậm chí mạo hiểm cả tính mạng” để cứu sống anh ta (Sinek, 2016).
Lợi ích, là khi chúng ta huấn luyện (và mong muốn) đứa trẻ để nhớ thật nhiều, sử dụng thật giỏi các công cụ mà ta vẫn gọi là “công cụ” và giành điểm cao trong các cuộc thi. Giá trị, là khi chúng ta giáo dục cho đứa trẻ về tinh thần học hỏi vô hạn, rằng những gì chúng ta viết ra trong một bài luận sẽ nhanh chóng trở thành kiến thức chết, rằng nỗ lực liên tục tạo ra những kiến thức riêng cho mình thông qua việc đọc và viết còn quan trọng hơn chính những con chữ ta đọc và viết, rằng ta có thể chia cuộc đời học tập vô hạn thành một số lượng vô hạn những giai đoạn hữu hạn, nhưng phải hiểu rõ sự kế thừa và phát triển vô hạn qua từng cột mốc.
Lợi ích, là khi chúng ta dạy đứa trẻ “dĩ hoà vi quý”, im lặng để tránh xung đột tạm thời. Giá trị, là khi chúng ta nói với đứa trẻ về những gì thật sự quan trọng của một con người, như tính chính trực và sự kiên tâm, để dù im lặng hay lên tiếng thì hành động đó đều hướng tới giá trị dài hạn chung, chứ không phải vì sự yên ổn của bản thân.
…
Với David Chiem (2008), khía cạnh giáo dục để chuẩn bị cho tương lai bất ngờ xuất hiện trong ý tưởng khám phá tiềm năng của bản thân, dựa trên những nền tảng kiến thức về sinh học, đặc biệt là sự phát triển của bộ não học tập. Qua việc mô tả cách thức hình thành và mất đi của các liên kết thần kinh trong bộ não học tập, ông gợi ý rằng giáo dục cần hướng đến một chiến lược tổng thể dài hạn nhằm giữ lại những tiềm năng, linh hoạt, “mềm dẻo”, khả dĩ cho một khả năng học tập linh hoạt nhất trong tương lai. Về mặt tâm lý học, David Chiem dựa trên Tâm lý học tích cực của Seligman: người ta (và cả tâm lý học truyền thống) thất bại trong việc đạt đến thành công và hạnh phúc bởi họ quá chú trọng vào cảm xúc tiêu cực từ các khuyết điểm hay đổ vỡ và “hàn gắn đổ vỡ”, thay vì coi đó là những bài học tích cực tất yếu và tập trung vào những ưu điểm của bản thân (Seligman, 2002). Phương pháp của David Chiem hướng sự chú ý vào việc thấu hiểu và bồi dưỡng tiềm năng, được chia làm 24 phẩm chất trong 6 nhóm dựa trên nghiên cứu của VIA.
Trong khi đó, chúng ta đã và đang nhầm lẫn trong việc thấu hiểu và bồi dưỡng tiềm năng con người. Việc sớm tập trung tiếp thu và ghi nhớ một bộ kiến thức và kĩ năng quá cứng nhắc trong các bộ môn cụ thể là không có lợi cho việc phát triển dài hạn của bộ não học tập. Thời gian đáng ra để dành cho các hoạt động khám phá và phát triển tiềm năng lại bị dành cho việc luyện tập nhiều lần những thứ cũ kĩ mà ta cho rằng có lợi cho học sinh về dài hạn. Bên cạnh đó, nền giáo dục “giỏi toàn diện” là một sự phủ nhận ngớ ngẩn sự khác biệt cá nhân, đồng thời hướng đến những mục tiêu giáo dục không thực tế, thậm chí phản khoa học. Kết quả là hệ thống giáo dục Việt Nam thất bại trong việc giúp cho học sinh phát triển những kĩ năng nhận thức và hành vi xã hội cần thiết (World Bank, 2013). Và điều đáng buồn tiếp diễn khi chúng ta không thể thoả mãn với quá khứ, mà lại biến tương lai thành cơ hội để sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ trong khi tương lai là những điều không thể lường trước.
…
Cuối cùng, Einstein(1931) và Maria Montessori(1986) cho chúng ta những ý niệm súc tích hơn cả về giáo dục: giáo dục để thành người tự do. “Giáo dục là những gì còn lại khi người ta đã quên hết những gì đã học ở trường.” Đối với họ, sự thành công lớn nhất của giáo dục nằm ở việc nuôi dưỡng những phẩm chất không thể đo lường được. Đó có thể là phẩm chất đạo đức và sự tò mò vô hạn để tự do “theo đuổi chân lý và cái đẹp” (Hayes, 2007). Đó còn là khả năng tư duy độc lập và tự làm ra kiến thức mà không trở thành công cụ vô tri của đám đông. Đó là sự thấu hiểu, xây dựng nhận thức về bản thân, thế giới, và bản thân trong thế giới, để sau đó có thể tự do, tự chủ trong các mối tương quan này, để sống “hạnh phúc và học tập trọn đời”. Những kĩ năng hành vi xã hội và kĩ năng nhận thức, mà các chuyên gia thời nay như Almlund và các cộng sự (2011), Cunha, Heckman, và Shennach (2010), Duckworth và Seligman (2007, 2017) khuyến nghị cho các chương trình giáo dục trước đại học, không nằm ngoài những tư tưởng của Einstein và Montessori. Có thể nói, tư duy của Einstein và Montessori tổng hợp tất cả những giá trị giáo dục cho một con người tự do, không chỉ chuẩn bị để hạnh phúc đón nhận những bất ngờ của tương lai, mà thực sự tự do trở thành bất cứ điều gì trong tương lai.
Và như vậy, chúng ta sẽ sai khi đánh giá kết quả giáo dục hoàn toàn dựa trên điểm số. Bởi vì, hiển nhiên điểm số hay chỉ số không thể nào đo được xem đứa trẻ thương yêu bạn bè thế nào, hay biết rung động trước cái đẹp ra sao, hay say sưa thế nào khi khám phá ra một chân lý.
Chúng ta lạc lối với hệ thống giáo dục hướng quá nhiều vào các kĩ năng kĩ thuật (technical skills) để đào tạo ra cỗ máy lao động thay vì con người độc lập trong xã hội và tư duy với các kĩ năng xã hội và kĩ năng nhận thức. Không có gì phải nghi ngờ khi các trường học ở Việt Nam thất bại trong việc xây dựng các kĩ năng quan trọng trên.
Chúng ta sẽ giới hạn sự phát triển của con mình, nếu cho rằng con cái không nên học để trở thành những ông bà trí thức “lậm học thuật”, những người chỉ biết cắm đầu vào nghiên cứu và sách vở mà không biết tận hưởng cuộc sống. Chúng ta không hiểu rằng đối với những người trí thức biết tư duy độc lập và có động lực nội tại mạnh mẽ, việc nghiên cứu CHÍNH LÀ tận hưởng cuộc sống. Chúng ta không nhận thức được rõ các giá trị cá nhân mà chính mình đang nâng niu cùng sự độc đáo có một không hai của nó. Vì thế, chúng ta dễ dàng đi vào cái huyễn tưởng rằng chúng ta hiểu được giá trị cá nhân của con mình và của người khác. Và khi chúng ta thô bạo can thiệp vào quan niệm giá trị của người khác, trong đó có con cái chúng ta), chúng ta đồng thời mất đi tự do quan niệm về giá trị của chính mình.
Chúng ta dễ dàng sa lầy vào việc huấn luyện con người thành người lệ thuộc. Việc con chúng ta học gì lệ thuộc vào quan niệm của chính chúng ta về thành công. Việc chính chúng ta học gì cũng bị lệ thuộc vào quan niệm của cộng đồng và xã hội về thành công. Trong khi đó, quan niệm của cộng đồng về thành công rất thường xuyên hướng con người đến việc xoá mờ tầm quan trọng của tính cá nhân. Trong đó, giá trị của con người cần quá nhiều sự công nhận của cộng đồng, vào tiền bạc, vào việc con người đó có phải là một cỗ máy lao động xuất sắc của ông chủ hay không.
Vì thế, xét trên khía cạnh tư tưởng, giáo dục cần giúp con người tự nuôi dưỡng những phẩm chất và giá trị không thể đo lường, khả năng tư duy độc lập và học tập vô hạn theo cách của riêng mình, và nhận thức và tự chủ về văn hoá và xã hội cho một tương lai bất định. Chúng ta hướng đến con người tự do của tương lai. “When life gives you lemons, make lemonade” khi ấy không đơn giản là một câu tục ngữ về tinh thần lạc quan. Chúng ta cần có giá trị, có phẩm chất, có tư duy, để đời cho quả gì thì chúng ta cũng biến được nó thành smoothies.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất