[GÓC CHIẾN THUẬT]: BÓNG ĐÁ TỔNG LỰC - LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ CÁCH VẬN HÀNH
Xuyên suốt chiều dài lịch sử làng túc cầu, có vô số phong cách chơi bóng được sản sinh để rồi gây nên những tiếng vang lớn, là niềm...
Xuyên suốt chiều dài lịch sử làng túc cầu, có vô số phong cách chơi bóng được sản sinh để rồi gây nên những tiếng vang lớn, là niềm cảm hứng cho những phong cách chiến thuật ngày nay. Nhưng nếu công bằng mà nói, không có phong cách bóng đá nào đủ sức ảnh hưởng nhiều đến bóng đá hiện đại ngày nay như Total Football – Bóng đá tổng lực. Ở kì trước, chúng mình đã nói về sự ảnh hưởng cực lớn của Pressing lên gần như mọi sơ đồ chiến thuật trong bóng đá, và bóng đá tổng lực là một nhánh được khai sinh ra bởi biến thể của High Pressing. Vậy ngày hôm nay, hãy cùng mình đi tìm hiểu về Bóng đá tổng lực – hay Total Fooball của những người Hà Lan “bay” huyền thoại.
Total Football – dịch ra tiếng Việt nghĩa là Bóng đá tổng lực, một cách cực kì đơn giản và sát nghĩa. Nhưng tại sao thứ bóng đá này lại được gọi tên là “tổng lực”, mà không phải là bất cứ cái tên nào khác?
Đọc thêm:
Ngược dòng thời gian về những năm đầu thập niên 70 của thế kỉ trước. Thời điểm khi ấy, Ajax Amsterdam cùng đội tuyển Hà Lan là một thế lực thực sự của bóng đá châu Âu và cả thế giới, bản thân hai đội bóng này đã dần hình thành lối chơi này từ năm 1970 – 1972 nhưng nó chưa thực sự hoàn thiện. Cho đến World Cup 1974, đây là lần đầu tiên Total Football phiên bản hoàn thiện được giới thiệu ra trước thế giới. Đội tuyển Hà Lan ngày ấy, với cách hoán đổi vị trí đầy biến ảo một cách lạ lẫm, đã khiến cho các đội bóng gặp rất nhiều khó khăn, cũng như mang đến cho khán giả những giây phút phấn khích tột độ. Tuyển Hà Lan ngày ấy với sự dẫn dắt của chiến lược gia huyền thoại Rinus Michels cùng dàn cầu thủ siêu hạng với Johan Cruyff, Johan Neeskens,… đã tiến đến trận chung kết nhưng rồi gục ngã cay đắng trước Tây Đức.
Dù thất bại ở ngưỡng cửa cuối cùng, nhưng với lối đá hoa mỹ ấy, Bóng đá tổng lực đã để lại rất nhiều ấn tượng đối với những NHM yêu môn thể thao vua, và dần lối chơi ấy dần trở nên “bất tử” trong trái tim của họ.
HLV Rinus Michels kể từ sau kì World Cup 1974 được cho là người đã khai sinh ra bóng đá tổng lực. Nhưng thật sự, chiến lược gia người Hà Lan chỉ là người nâng tầm và đưa lối chơi này lên đẳng cấp cao nhất chứ không phải là người tạo ra Total Football. Tiền đề của Bóng đá tổng lực xuất phát từ nước Áo của Matthias Sindelar ở những năm 1930 hay ở đất nước Hungary của Puskas trong những thập niên 1950.
Đọc thêm:
Cho đến mãi sau đó, Bóng đá tổng lực mới thực sự là cuộc cách mạng làm thay đổi nền bóng đá lúc bấy giờ. HLV huyền thoại Rinus Michels đã lấy nguồn cảm hứng đến từ phong cách chơi bóng của Jack Reynold – chiến lược gia người Anh từng dẫn dắt Ajax Amsterdam trong ba giai đoạn lịch sử 1915-1925, 1928-1940, và 1945-47; để rồi biến CLB Hà Lan từ một đội bóng hạng trung đến gã khổng lồ của bóng đá xứ Tulip. Nguồn cảm hứng bất tận đến từ Jack Reynold là nền móng cho Total Football của Rinus Michels.
Total Football – Bóng đá tổng lực luôn đi đôi cùng hai khái niệm quan trọng: Việc khai thác, làm chủ không gian, và khả năng hoán đổi liên tục đến từ các vị trí. Hai khái niệm này đều được xây dựng trong một hệ thống mang tính kỷ luật cao, cùng với yếu tố thể lực luôn được đặt lên hàng đầu. Không gian chính là chìa khóa của Bóng đá tổng lực. Đồng nghĩa với việc các cầu thủ được yêu cầu phải mở rộng không gian hết cỡ khi đang kiểm soát bóng, nhất là trong các tình huống tấn công; đồng thời thu hẹp không gian lại nhỏ nhất có thể khi rơi vào trạng thái mất bóng. Để thực hiện được điều này, đội chơi thứ Bóng đá tổng lực phải Pressing càng nhiều càng tốt. Mất bóng, các cầu thủ buộc gây Pressing để đoạt lại bóng bằng mọi giá. Đôi khi, những đội bóng áp dụng Total Football “Pressing đến cực đoan” hầu hết những tình huống quan trọng trong cả trận.
(hình mô tả mở rộng không gian khi có bóng và thu hẹp không gian khi mất bóng)
Người ta cho rằng những người Hà Lan “bay” luôn bị ám ảnh bởi định nghĩa “không gian” và thế là tìm ra cách kiểm soát không gian tốt nhất. Lý do đến từ điều này bởi vì đất nước hoa Tulip là một nơi có địa hình thấp và bằng phẳng, chỉ có khoảng 50% diện tích đất nằm cao hơn 1 m so với mực nước biển. Hầu hết diện tích dưới mực nước biển là đất cải tạo. Vì thế, việc kiểm soát không gian gần như luôn xuất hiện trong tâm trí của người dân Hà Lan.
Tuy nhiên, Bóng đá tổng lực không đơn giản như ta nghĩ. Để có thể phát huy và thực hiện được triết lí của HLV Rinus Michels, chiến lược gia người Hà Lan cần đến hai con người để hoàn thiện nên phong cách chơi của ông, là bộ đôi Johan – Johan Cruyff và Johan Neeskens.
Ở Johan Neeskens, đó là sự ngoan cường tuyệt vời, ông là người được phụ trách nhiệm vụ kèm các cầu thủ dẫn dắt lối chơi của đối phương. Với sự nhiệt tình và mạnh mẽ trong lối chơi, Johan Neeskens đeo bám các Playmaker của đối thủ cực kì dai dẳng, thậm chí cả khi họ lùi về phần sân nhà. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Neeskens, Ajax Amsterdam thực hiện dâng tuyến phòng ngự lên rất cao với nhiệm vụ Pressing bóp nghẹt không gian chơi bóng của đối phương. Mỗi khi đối thủ của Ajax có được bóng, xung quanh cầu thủ ấy lập tức trở nên khó thở bởi ít nhất có đến 3, 4 cầu thủ ập vào cướp bóng. Johan Neeskens có một phiên bản “hiện đại” khá giống với chính ông thời còn thi đấu, là N’golo Kante của Chelsea, người có thể xuất hiện tại “mọi điểm nóng” trên sân nhằm đeo bám các cầu thủ số 10 của đối phương với khả năng cắt bóng “ngọt như mía lùi”.
Nếu Johan Neeskeens làm nhiệm vụ Pressing đến “cực đoan” cùng đồng đội, vậy Johan Cruyff sẽ làm gì? “Thánh” Johan sẽ đảm nhiệm việc hoán đổi vị trí trên sân nhằm mở rộng không gian chơi bóng ra rộng nhất có thể. Điều này xuất phát từ việc Johan Cruyff chơi cực kì “không cố định” trên sân bóng. Dù được bố trí ở vị trí tiền đạo, nhưng Johan Cruyff lại thường xuyên di chuyển vào những nơi mà ông cho là có thể gây được nhiều “sát thương” cho đối thủ nhất. Có thể Johan Cruyff sẽ là người nhận bóng ngay từ thủ môn, sau đó di chuyển, kéo bóng lên, phối hợp với đồng đội, rồi lại tự mình ghi bàn. Nếu trên sân, “Thánh” Johan di chuyển đến đâu, cầu thủ kia sẽ lập tức “tịnh tiến” đến chỗ khác. Lấy ví dụ, Johan Cruyff nhận bóng và thực hiện một pha leo biên, Wingback của cánh ấy sẽ di chuyển vào trung lộ của trung vệ, trung vệ ấy sẽ di chuyển đến vị trí của tiền vệ trụ, tiền vệ trụ sẽ dâng cao; cứ như thế người này di chuyển đến nơi khác sẽ có người khác trám vào ngay vị trí ấy.
Hãy cùng xem pha tấn công này của Hà Lan:
(Cơn lốc màu da cam sau khi giành lại quyền kiểm soát bóng bắt đầu chuyền về cho một hậu vệ cánh, hậu vệ cánh sau đó trả ngược lại bóng nhằm kéo dãn đội hình đối phương. Bóng đến chân trung vệ, thủ môn, rồi lên lại tuyến giữa. Cho đến khi quả bóng lên nửa sân, lập tức các cầu thủ Hà Lan thực hiện những pha hoán đổi vị trí giữa cánh và trung lộ khiến đối phương lúng túng. Sau đó là một pha mở cánh, bóng liên tục được luân chuyển, đồng thời các cầu thủ cũng di chuyển. Còn đối phương, không thể chạm vào bóng và bị kéo dãn đội hình bởi những đường chuyền của Hà Lan, Khi cảm thấy thời cơ thuận lợi, một đường phất bóng dài được thực hiện gây rối loạn cho hàng thủ đối phương, và kết thúc là một pha đánh đầu ghi bàn. Với 24 đường chuyền được tung ra, đối thủ không một lần được chạm bóng và bàn thắng ghi được, không ngoa khi nói rằng đi chính là phong cách "take the ball, pass the ball" (nhận bóng, chuyền bóng) trước khi Tiki-Taka của Barca - Pep Guardiola ra đời.
Việc “tịnh tiến” vị trí liên tục sẽ mở rộng ra không gian chơi bóng và làm đối phương mất phương hướng trong việc kèm người (điều này sẽ được nói rõ hơn trong phần ưu điểm). Phong cách hoán đổi vị trí này sẽ phụ thuộc vào chính vị trí trên sân của Johan Cruyff. Tuy nhiên, thứ bóng đá này buộc các cầu thủ phải có sự ăn ý với nhau rất lớn. Có thể ta thấy cách vận hành của Ajax Amsterdam là rất “kì lạ”, nhưng thường là những “thiên tài” thường rất “dị” như vậy.
Dưới đây là một minh chứng cho sự đa vị trí của Johan Cruyff: https://www.youtube.com/watch?v=VNkQxY0yCno (từ 1:36 - 2:02)
("Thánh" Johan giống như một người có thể chơi đến 10 vị trí trên sân, tất nhiên là trừ thủ môn. Từ vai trò tiền đạo ban đầu, cho đến tiền vệ trung tâm, tiền đạo phải, tiền đạo trái, thậm chí là cả hậu vệ phải, hậu vệ trái.)
Hãy đoán xem ở bóng đá hiện đại, ai có khả năng hoạt động rộng không thể định nghĩa được vị trí chính xác như “Thánh” Johan? Đó chính là hậu bối của ông ở Barca, Lionel Messi, người mà ta chẳng biết anh đá ở vị trí nào. Có lúc Messi là tiền vệ điều phối bóng, có lúc anh lại dạt sang cánh phải, lúc dạt sang trái, và lúc thì bó vào trung lộ như một hộ công đúng nghĩa. Cũng phải thôi, bởi El Pulga lớn lên từ La Masia – nơi tạo ra Tiki-Taka, mà Bóng đá tổng lực là “cái nôi” của Tiki-Taka ngày trước. Cũng chính Johan Cruyff là người phát triển và nâng tầm La Masia đến một tầm cao mới.
Sơ đồ đội hình phổ biến nhất ở Total Football chính là 4-3-3, nó sẽ trở thành 3-4-3 khi một vai trò như Libero dâng cao lên hàng tiền vệ. Phong cách vận hành đội hình như thế này vẫn xuất hiện phổ biến ở bóng đá Hà Lan với những cầu thủ như Barry Hulshof, Horst Blankenburg và Daniel Blind; tất cả đều có xuất phát điểm tại Ajax khi chiến lược gia người Serbia, Velibor Vasovic áp dụng vai trò này vào trong các trận đấu thực tế.
Phương án chuyển hóa 4-3-3 thành 3-4-3 khi tấn công cho phép những cầu thủ phòng ngự được phát động tấn công, nhưng cũng đảm bảo rằng sự áp đảo về mặt quân số ở tuyến giữa sẽ đủ khả năng chống lại một pha phản công từ đối phương nếu để mất bóng. Cây bút Jonathan Wilson của tờ The Guardian từng ghi lại, trong khoảng thời gian các cầu thủ bắt đầu thực hiện việc hoán đổi vị trí cho nhau; chẳng hạn như những Wingback sẽ bó vào bên trong; hoặc hoán đổi ngay ở trung lộ khi số 9 sẽ lùi sâu và hoán đổi với một số 8 đang đảm nhiệm vai trò kéo bóng. Ajax Amsterdam và đội tuyển quốc gia Hà Lan ở những thập niên 70s là những người tiên phong với phong cách hoán đổi vị trí liên tục để tạo nên khả năng tấn công biến ảo nhưng đầy tính hiệu quả.
Nhìn vào đội hình Ajax thời ấy, ta có thể thấy nguyên bản của nó là 4-3-3 nhưng Hulshoff sẽ chơi tự do ngay và dâng cao hơn bộ ba hậu vệ còn lại với nhiệm vụ là cầu nối giữa hậu vệ và tiền vệ. Blankenburg sẽ là một Libero ở cuối hàng thủ Ajax. Ở tuyến giữa, Arie Haan có xu hướng lùi sâu để kịp hỗ trợ cho hàng thủ tránh những tình huống bị hàng công đối phương đánh trực diện. Hai cầu thủ còn lại của tuyến giữa là Johan Neeskens, Gerrie Muhren và Johan Cruyff với xu hướng hoạt động rộng sẵn sàng mở rộng không gian tấn công hay bóp nghẹt khả năng kiểm soát thế trận của đối thủ, bộ ba này chính là tuyến Pressing thứ hai nếu tuyến đầu tiên bị vượt qua. Trên hàng công, hai cầu thủ chạy cánh Piet Keizer và Swart thường có xu hướng bó vào trong tạo ra khoảng trống hai cánh cho cánh hậu vệ leo biên, cũng như là lớp phòng ngự đầu tiên nếu mất bóng.
Đọc thêm:
Ưu điểm của bóng đá tổng lực chính là khả năng kiểm soát không gian và sự di chuyển linh hoạt của các vị trí trên sân. Kiểm soát bóng nhiều nhất có thể và đoạt lại bóng một cách nhanh nhất khi mất nó chính là triết lí ăn sâu vào Ajax, Hà Lan ngày ấy, và sau này là Barcelona của Johan Cruyff, của Pep Guardiola, hay là Liverpool của Jurgen Klopp. Vì Bóng đá tổng lực là một triết lí dựa trên sự kết hợp giữa High Pressing và Midfield Pressing nên một khi đoạt được bóng, ngay lập tức cơ hội sẽ mở ra với ưu thế về mặt quân số. Đồng thời, việc "tịnh tiến" linh hoạt giữa các vị trí sẽ khiến cho đội hình di chuyển đồng đều mà không tạo ra khoảng trống nào để đối phương khai thác. Việc mở rộng không gian rộng nhất có thể bằng sự hoán đổi vị trí trên sân cũng là nguyên nhân khiến hàng thủ đối phương lúng túng trong khâu phòng ngự. Nếu một đội bóng chơi phòng ngự như Catenaccio huyền thoại của người Ý thì họ sẽ rất khó khăn vì họ không biết phải theo kèm ai. Sẽ có hai phương án cho một hàng phòng ngự trước sức tấn công của Total Football: Hoặc di chuyển bám theo cầu thủ mình kèm để gây nên sự xáo trộn đội hình và làm gãy trục phòng ngự, tạo khoảng trống cho đội sử dụng Bóng đá tổng lực khai thác; Hoặc sẽ giữ nguyên vị trí, mặc cho các cầu thủ kia đủ không gian và thời gian để xử lí bóng và ra quyết định; Dù có thực hiện cách nào thì đội bất lợi cũng là đội chơi phòng ngự man-to-man với Bóng đá tổng lực. Đó là cách mà Catenaccio của người Ý đã "chết" dưới bàn tay của những người Hà Lan. Nói theo cách đơn giản nhất, nếu Catenaccio có một Libero thì Total Football thậm chí còn có đến... 10 Libero di chuyển tự do, và 9 cầu thủ còn lại trong đội hình chơi theo phong cách Catenaccio sẽ chẳng biết làm gì hết ngoài việc "đứng yên một chỗ".
(Hàng thủ Ajax trong tình huống này dâng cao đến giữa sân để hỗ trợ tấn công. Bóng được triển khai lên tuyến trên, hàng thủ Inter chỉ biết "đứng yên như trời trồng". Mặc khác, các cầu thủ Ajax thừa không gian và thời gian để thỏa sức "sáng tạo". Cho đến khi các cầu thủ Inter giành được bóng, ngay lập tức hai cầu thủ áo trắng áp sát thẳng nhằm đoạt lại bóng. Bóng được câu vào vòng cấm và bàn thắng nâng tỉ số lên 2-0 của Ajax rất dễ dàng. Trận đấu này cũng chính là lúc Bóng đá tổng lực viết nên lịch sử khi hạ gục một Inter Milan với chiến thuật Catenaccio "thời thượng" ngày ấy.)
Tuy nhiên, cái gì có ưu điểm mà lại chẳng có nhược điểm của nó? Ngay từ cụm từ "tổng lực" trong cái tên của Bóng đá tổng lực đã chỉ rõ sự khắc nghiệt của lối chơi này trong phạm vi nền tảng thể lực. Quy tắc Pressing liên tục trong cả phòng ngự lẫn tấn công cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi cầu thủ phải có một nền tảng thể lực vô cùng khủng khiếp. Hãy thử nghĩ xem, nếu đối phương có bóng trong chân, sẽ có ba đến bốn cầu thủ đuổi theo vây ráp hòng giành lại quyền kiểm soát bóng, sau đó ngay lập tức chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, cũng như liên tục hoán đổi vị trí cho nhau; thì hậu quả sẽ là những pha "hụt hơi" trong giai đoạn nước rút của màu giải, hoặc nghiêm trọng hơn, là những chấn thương bởi cường độ thi đấu quá tải. Còn một điểm yếu chí mạng trong Bóng đá tổng lực chính là sự ăn ý. Để có thể chơi thứ bóng đá "thói quen" như vậy, buộc các cầu thủ phải thực sự hiểu ý nhau không chỉ trên sân mà còn cả ngoài đời. Mà đó không là chuyện một sớm một chiều với những bản hợp đồng mới. Lấy ví dụ, chỉ cần một cầu thủ không hiểu ý trong quá trình vận hành tấn công khi hoán đổi vị trí nhằm "overload" (áp đặt) lên đối thủ, di chuyển sai và dậm chân đồng đội của mình, khoảng không mênh mông sau lưng sẽ lập tức "mời gọi" đối thủ!
Đọc thêm:
Bóng đá tổng lực - Total Football, triết lí của Rinus Michels, của Johan Cruyff đã thay đổi lịch sử của làng túc cầu. Nhờ có Bóng đá tổng lực, có Johan Cruyff mà những Pep Guardiola, Marcos Bielsa hay mới tìm ra lối đi cho chính mình. Phong cách này là niềm cảm hứng của những người theo đuổi trường phái tấn công, những người yêu bóng đá đẹp. Nhờ có nó, mà Ajax Amsterdam lên đỉnh châu Âu với ba chức vô địch C1 liên tiếp từ năm 1971-1973; mà đội tuyển Hà Lan với thứ bóng đá "ma thuật" đã tiến vào chung kết World Cup 1974; và sự thành công của Barca Dream Team 1.0 do chính Johan Cruyff dẫn dắt; là sự thay đổi triết lí đào tạo của La Masia, nền tảng để một Tiki-Taka "thần thánh" với cú ăn 6 lịch sử vô tiền khoáng hậu cùng giai đoạn 4 năm hoàng kim của Guardiola với Barcelona. Kiểm soát không gian, là kiểm soát cả trận đấu, là kiểm soát cơ hội chiến thắng trong trận đấu. Di sản của Rinus Michels, của "Thánh" Johan là rất lớn với dấu ấn Total Football - Bóng đá tổng lực. Điều tiếc nuối duy nhất của Bóng đá tổng lực có lẽ là việc Hà Lan thất bại trước Tây Đức trong trận chung kết World Cup 1974, đó mãi là sự nuối tiếc cho một thế hệ tài hoa của những người Hà Lan "bay". Song, có lẽ những thứ đẹp nhất, nên "dở dang" để người ta luôn nhớ về nó.
Bóng đá thời đại này, khi kết quả được đặt lên hàng đầu, các đội bóng chơi thực dụng hơn, dè dặt hơn nhằm có được kết quả thuận lợi nhất thì những người yêu bóng đá đẹp thuở nào lại mang những sự hoài niệm về thứ bóng đá đã từng làm say đắm biết bao nhiêu con người. Sự kết thúc của Bóng đá tổng lực, hay Tiki-Taka ngày nay dù để lại bao nhiêu nuối tiếc, nhưng đó cũng là quy luật của cuộc sống: Cái gì đạt đến cực thịnh, ắt sẽ suy tàn như đồ thị hình Sin vậy. Nhưng rồi sau tất cả, người hâm mộ trái bóng tròn sẽ mãi nhớ về những tháng ngày mà thứ bóng đá tấn công hấp dẫn đã ăn sâu vào tâm trí họ, về thứ bóng đá mang tên "tổng lực" của những người Hà Lan bay đã chấm dứt triều đại của nghệ thuật phòng ngự Catenaccio của những người Italia.
Biên tập: Minh Tài.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất