[Dịch] Chiến thuật sử dụng “cầu thủ thứ ba” vận hành như thế nào và tầm quan trọng của nó ?
Dịch từ bài viết trên trang Thefalsefullback.de với tiêu đề “ How does the third-man principle work and why is it so important ?”...
Dịch từ bài viết trên trang Thefalsefullback.de với tiêu đề “ How does the third-man principle work and why is it so important ?” đăng vào ngày 19/06/2020 của tác giả Tobias Hahn.
Link bài viết:
Tak, tak, tak…Đó là tiếng của quả bóng được tạo ra, khi nó được các cầu thủ thực hiện pha phối hợp ở tốc độ cao. Nhưng nó không chỉ có nghĩa là những đường chuyền qua lại đơn thuần, nó mang lại cảm giác các cầu thủ di chuyển thành một hệ thống, và âm thanh đó khiến cho pha bóng trở nên đầy uyển chuyển, cuốn hút.
Trong bóng đá, những khoảnh khắc như vậy thật sự hiếm thấy, vì vậy nó được lưu giữ trong một khoảng thời gian dài. Nếu nhìn lại lịch sử, các đội bóng như tuyển Hà Lan và Ajax những năm 70, AC Milan vào khoảng năm 1990 hay Barcelona của Pep Guardiola giai đoạn 2008-2018 có lẽ đã đi vào kí ức của nhiều người hâm mộ. Họ là những đội bóng vĩ đại không chỉ vì thành công gặt hái được mà còn bởi cách chơi bóng thường được miêu tả với cụm từ “ hoa mĩ”, chơi bóng theo một cách đúng nghĩa.
Tất cả họ đều có một điểm chung, là chịu ảnh hưởng bởi trường phái bóng đá tổng lực ( Total football) được trình làng bởi Ajax dưới sự dẫn dắt của Rinus Michels ở thập niên 70.
Trái ngược với trường phái của Michels, Cruyff và Guardiola. Maurizio Sarri đã làm mới thứ bóng đá của mình trong lối đá (của đội bóng ông dẫn dắt) trong suốt những năm ở Italy. Tất nhiên, chịu ảnh hưởng từ (trường phái) các huấn luyện viên như Pep, Sacchi hay Conte, Sarri đã dẫn dắt và mang lại cho đội bóng một phong cách khác biệt so với những gì chúng ta từng thấy.
Điều đặc biệt, bộ mặt mà Napoli của Sarri (giành tới 91 điểm ở Serie A mùa bóng 2017-2018 nhưng vẫn không thể vô địch :V) thể hiện ở những ý đồ mà ông áp dụng cho đội bóng của mình. Điểm nổi bật trong cách chơi bóng của đội bóng này đó là chiến thuật sử dụng cầu thủ thứ ba (third man).
Mặc dù những tình huống áp dụng chiến thuật này trong thực tế có vẻ khá đơn giản, và chiến thuật này là một trong những yếu tố quan trọng nhất nhưng lại chưa được các đội bóng coi trọng đúng mức để có thể chơi kiểm soát bóng một cách thành thục. Nhưng tại sao chiến thuật sử dụng người thứ ba lại quan trọng đến vậy ? Những yếu tố nào làm cho nó được chú trọng ? Tại sao chúng ta nên tiếp cận tìm hiểu nó ?
Việc hiểu được cặn kẽ chiến thuật này sẽ nâng cấp lối chơi của đội lên một tầm cao hơn. Vì vậy, tôi sẽ đi sâu vào phân tích chiến thuật này trong bài viết.
Tình huống cơ bản
Ý đồ thường thấy từ việc sử dụng chiến thuật sử dụng “ cầu thủ thứ ba”
Chúng ta đều đã rõ “cầu thủ thứ 3” được sử dụng để đưa bóng tới vị trí cầu thủ bị chặn đường chuyền lúc đầu. Để hiểu được ý đồ đằng sau nó, chúng ta phải nắm được mục đích chính mà đội bóng nhắm tới tới khi kiểm soát bóng.
Trừ mục đích ghi bàn ra, đội đang kiểm soát bóng luôn nhắm tới việc tìm kiếm cầu thủ tự do (free man), mà khi được đồng đội nhắm tới, anh ta đang ở một vị trí thuận lợi. Vì thế, những chiến thuật khác như hoán đổi vị trí hay sử dụng “cầu thủ thứ ba 3” chỉ như một công cụ nhằm tìm kiếm cầu thủ tự do.
Trong trường hợp vận dụng nguyên tắc này, cầu thủ cuối cùng nhận bóng, ở trong ví dụ nêu trên, cầu thủ B, đóng vai trò như một cầu thủ tự do. Bởi thực tế các đội hiện đại không (thường xuyên) phòng ngự theo kiểu 1 kèm 1 nhưng rõ ràng họ luôn cố gắng bịt kín các khoảng trống và tập trung phòng ngự hướng bóng, do đó việc luân chuyển quả bóng khôn ngoan có thể tạo ra cầu thủ tự do (từ đoạn này về sau sẽ gọi tắt là free man).
Để tìm được một free man, trong ví dụ trên Napoli cố gắng tạo ra áp lực bằng cách chuyền bóng Marek Hamsik.
Tại sao họ lại tạo ra sức ép ? Bởi đối thủ phải lao vào gây áp lực ngay khi Hamsik nhận đường chuyền và khi thực hiện cầm bóng chuyển hướng, anh ta có thể dễ dàng thực hiện một đường chuyền xuyên tuyến và tạo ra một tình huống nguy hiểm cho hàng thủ Udinese (đội đen).
Hai lí giải cho câu hỏi trên đó là những rủi ro mang lại khi chơi kiểm soát bóng và khả năng kiểm soát quả bóng của đội nhà, bởi khi cầm bóng nhiều, là bạn khiến cho đối thủ tích cực lao vào tranh cướp bóng hơn. Thông thường, một vài cầu thủ của đội đang phòng ngự sẽ tập trung vào khu vực có cầu thủ nhận bóng và cố gắng khóa chặt khu vực gần quả bóng tốt nhất có thể. Như một hệ quả sau đó, những khu vực khác không còn được đảm bảo về mặt phòng ngự nữa. Thêm vào đó, cầu thủ cuối cùng sẽ có mặt ở những khu vực đó để nhận bóng. Nếu sau đó anh ta nhận được một được đường chuyền thuận lợi, anh ta sẽ có thời gian và không gian, từ đó tạo ra những pha lên bóng tiếp theo của đội nhà.
Trong ví dụ trên, Diawara đã không có bất kì khoảng trống nào bởi tiền đạo và tiền vệ bên kia đã giữ vị trí tốt(so với anh ta). Tuy nhiên, khi tiền đạo bắt đầu ập vào và ngay lúc đó việc Marek Hamsik nhận bóng đã dụ tiền vệ phía bên kia di chuyển một đoạn ngắn về phía tiền vệ người Slovakia. Vì lẽ đó, Diawara có nhiều không gian hơn khi anh ta nhận bóng.
Tuy nhiên tạo ra free man không phải là mục tiêu của việc sử dụng “ người thứ ba”. Hai ví dụ gần đây cho thấy, vẫn còn có những thứ quan trọng khác cần đề cập tới. Chẳng hạn, cầu thủ cuối cùng nhận bóng, phải hướng mặt về phía khung thành đối thủ trong khi toàn đội tiếp tục di chuyển tiếp cận với khung thành đó.
Một thứ phải được chú trọng, là việc hướng mặt về khung thành đối phương tạo cho cầu thủ cầm bóng cơ hội nhìn thấy nhiều đồng đội nhất trên sân, cũng như cấu trúc hàng phòng ngự đối thủ. Tất nhiên, một pha xoay người đơn giản khi nhận bóng cũng là một phương án khả thi. Tuy nhiên trong các trận đấu bóng đá hiện đại, rất hiếm nhưng pha bóng như vậy do các lớp phòng ngự được tổ chức tốt và tư duy đọc tình huống nhạy bén của các cầu thủ.
Cấu trúc của đội hình
Bây giờ câu hỏi đặt ra là những điều kiện nào phải được hội đủ để sử dụng chiến thuật sử dụng “third man”. Như thường lệ, các tam giác phối hợp và các khối kim cương phối hợp giữa các cầu thủ đóng vai trò cực kì quan trọng, bởi những đường chuyền chéo sân/ theo hướng chéo góc mà chúng tạo ra.
* Giải thích một chút cho các anh em chưa quen thế nào là đường chuyền chéo sân
Nguồn ảnh: fb/number.onetwo
Nói theo cách quen thuộc hơn, vị trí của các cầu thủ khi kiểm soát bóng tạo thành những liên kết dọc hay ngang ở trên sân có ý nghĩa quan trọng. Vị trí của họ tạo ra càng nhiều liên kết với nhau, thì việc áp dụng chiến thuật “cầu thủ thứ ba” càng dễ dàng.
Giả sử, nếu miếng đánh này được sử dụng để xuyên phá hàng phòng ngự đối phương, “cầu thủ thứ ba ” phải là người giữ vị trí cao hơn để có thể xâm nhập qua lớp phòng ngự và giải phóng một đồng đội khỏi sự theo kèm, người sau đó thực hiện layoff pass. Bộ ba trung vệ - tiền đạo/ vệ cánh(Winger) – tiền vệ trung tâm là một ví dụ dễ thấy hơn trong những tình huống dàn xếp theo mảng miếng này, ở đó có thể thấy rõ sự hình thành của những liên kết theo chiều ngang bởi việc giữ vị trí của mỗi cầu thủ.
Không chỉ tạo ra các liên kết ngang mà việc tạo ra các liên kết dọc cũng được chú trọng. Do những đường chuyền chéo sân khó bị ngăn chặn hơn là những đường chuyền ngang hay dọc sân. Vì vậy, việc tạo ra 2 đường chuyền chéo sân thay vì 1 đường chuyền ngang và 1 đường chuyền dọc, tác động theo hướng tích cực đến sự thành bại của chiến thuật sử dụng “cầu thủ thứ ba”. Hơn nữa điều này còn làm cho “cầu thủ thứ 3” chuyển hướng bóng dễ dàng hơn, khi mà cầu thủ phòng ngự đối phương cố gắng thực hiện pha bắt bài để cắt layoff pass.
Khi đường chuyền đầu tiên trong pha phối hợp là đường chuyền theo phương dọc, “ cầu thủ thứ ba” sẽ bị đặt vào một hoàn cảnh ngặt nghèo hơn trong việc khống chế bóng rồi chuyển hướng. Hơn nữa, tiếp tục cầm bóng di chuyển sẽ khó khăn hơn, kèm theo đó là nguy cơ cầu thủ phòng ngự áp sát trung vệ có thể cắt được ngay đường chuyền của anh ta cho tiền vệ trung tâm.(ảnh)
Hơn nữa, tư thế tiếp bóng của tiền vệ trung tâm chỉ cho phép anh ta thực hiện layoff pass hướng ra phía sau lưng. Để chuyền bóng đi các hướng khác đòi hỏi anh ta có kĩ năng che chắn bóng tốt cũng như khả năng xử lí bóng một tốt (great first touch).
Trong trường hợp pha dàn xếp của các cầu thủ được tạo bởi các đường chuyền chéo(ảnh trên). Tiền vệ trung tâm có những lựa chọn khác nhau, phụ thuộc vào cách chuyền bóng của trung vệ, cách di chuyển của tiền vệ phòng ngự và cách các cầu thủ phòng ngự đối phương phản ứng lại với tình huống tổ chức.
Ví dụ, nếu đường chuyền đưa bóng đến chân phải của tiền vệ trung tâm, anh ta có thể chuyển hướng qua phía vai phải. Nếu hậu vệ bên kia lường trước được đường chuyền tiếp theo và có ý định bắt bài hoặc vị trí của anh ta lệch về giữa hơn(so với tiền vệ trung tâm nhận bóng), anh ta sẽ di chuyển lệch về một phía của tiền vệ trung tâm một đoạn nhỏ, tiền vệ trung tâm đội đỏ có thể khai thác hành động này để tạo lợi thế cho bản thân.
Nếu trung vệ chuyền bóng đến chân trái của tiền vệ trung tâm, anh ta (tiền vệ trung tâm) gần như chắc chắn có một tình huống điểu chỉnh tư thế cầm bóng, sau đó thực hiện layoff pass. Đường chuyền có có thể thực hiện dễ dàng theo phương ngang, buộc tiền vệ phòng ngự (DM) di chuyển lên phía trên để nhận bóng.
Phương án thứ 3 cho tiền vệ là xoay qua bên vai trái và tấn công vào khu vực phía sau cầu thủ phòng ngự đội đen. Điều này là khả thi, khi cầu thủ phòng ngự không áp sát tiền vệ trung tâm theo phương chéo. Để đối phó lại với góc tiếp cận khác của cầu thủ phòng ngự bên kia, trung vệ (CB) có thể thực hiện một đường chuyền khó hơn tới chân trái của tiền vệ trung tâm, ra hiệu cho anh ta chuyển hướng qua phía vai trái.
Các tình huống đề cập ở trên là ví dụ hoàn hảo cho việc thực hiện các tình huống giao tiếp “ngầm” với nhau khi chuyền bóng của các cầu thủ. Điều này diễn ra một cách thường xuyên ở Napoli. Điều đặc biệt là mỗi đường chuyền đều có chủ đích. Vì vậy, chiến thuật sử dụng “ cầu thủ thứ ba” được vận dụng theo nhiều cách khác nhau và không chỉ thể hiện theo cách Napoli đã làm.
Theo quan điểm của tôi, có năm điểm quan trọng mà một đội bóng phải tính đến để áp dụng chiến thuật này hiệu quả, bao gồm:
1. Vị trí các cầu thủ trên những tuyến ngang và dọc trên sân.
2. Cố gắng tạo ra các góc chuyền bóng, từ đó tạo ra các cơ hội
3. Đảm bảo khoảng cách giữa các cầu thủ
4. Tư thế của cầu thủ thứ 3 phải đảm bảo để có thể thực hiện đường chuyền tiếp theo (layoff pass)
5. Đường chuyền phải đưa người nhận vào vị trí thuận lợi nhất có thể, cho phép cầu thủ thực hiện xử lí bước một, thực hiện layoff pass.
Tôi muốn giải thích nhanh 3 điểm đầu, do chúng đi cùng với nhau để tạo ra lợi thế cho các góc chuyền bóng. Các cầu thủ phải đưa ra quyết định đảm bảo những pha di chuyển của họ khi áp dụng chiến thuật sử dụng “cầu thủ thứ ba” vào có thể thành công.
Ở đây, theo góc nhìn của các huấn luyện viên, việc họ thực hiện những chỉ đạo chiến thuật nhằm giúp các cầu thủ dễ dàng có định hướng trên sân rất quan trọng. Khoảng cách hoàn hảo giữa các cầu thủ là khi ba cầu thủ tham gia vào tình huống bóng được bố trí, giữ các vị trí đủ xa so với đối phương để cầu thủ phòng ngự bên kia không thể cùng lúc thực hiện hành động phòng ngự với 2 cầu thủ. Tuy nhiên, những đường chuyền vẫn phải ngắn để tăng tốc độ tấn công và thực hiên pha nhả bóng đơn giản(simple layoff pass) cho đồng đội.
Chiến thuật sử dụng “cầu thủ thứ ba” là công cụ để tạo khoảng trống
Tôi từng đề cập rằng chiến thuật sử dụng “cầu thủ thứ ba” được sử dụng để tạo khoảng trống cho cầu thủ cuối cùng nhận bóng (trong tình huống bóng). Mặc dù, vai trò chính của cầu thủ thứ ba là tạo ra liên kết với cầu thủ thứ hai, tuy nhiên điều này thì không nhất thiết phải xảy ra trong tất cả các trường hợp.
Anh ta (cầu thủ thứ 3) có thể được sử dụng để thu hút đối thủ khi thực hiện pha phối hợp 1-2 đơn giản với cầu thủ đầu tiên. Tuy nhiên, pha phối hợp 1-2 này rút cuộc cũng có thể giải phóng cầu thủ thứ 3 khỏi sự theo kèm.
Napoli dưới tay của Sarri thường xuyên sử dụng miếng phối hợp “cầu thủ thứ ba” theo cách này.
Trong tình huống này, đường chuyền cho Hamsik đã bị chặn do tiền đạo đối phương đã giữ vị trí tốt, trong khi tiền vệ trung tâm hoặc tiền đạo sẽ ập vào Diawara nếu anh ta có ý định nhận bóng rồi chuyển hướng. Để giải quyết tình huống này, Napoli áp dụng đến chiến thuật sử dụng “cầu thủ thứ 3”.
Bằng việc chuyền bóng cho Diawara, Napoli tạo ra sức ép và dụ tiền đạo bên kia bỏ vị trí. Nhờ đó, đường chuyền cho Hamsik được mở ra, mặc dù nó không xuất phát từ Diawara(theo đúng concept của cách dùng “cầu thủ thứ ba”). Nó lí giải cho việc Diawara nhả bóng lại cho trung vệ, người sau đó có thể dễ dàng chuyền cho Hamsik. Thực tế, chiến thuật sử dụng “cầu thủ thứ ba” theo như cách hiểu thông thường của chúng ta về nó, diễn ra ở tình huống Diawara chuyền về cho trung vệ. Điểm khác trong tình huống này đó là cầu thủ trung vệ là người khởi xướng pha bóng đó.
Napoli cũng sử dụng nguyên tắc này để tạo ra nhiều khoảng trống hơn cho các hậu vệ cánh thực hiện chồng biên. Thường thường, Winger dẫn bóng hướng về phía hậu vệ đội bạn, buộc họ phải để mắt đến anh ta, sau đó anh ta sẽ đẩy quả bóng cho hậu vệ biên. Vấn đề xuất hiện khi đối đầu với với các khối/ đội hình lùi sâu hơn (deeper block), pha phối hợp này dễ dàng bị chặn lại. Vì vậy, Napoli dùng thêm một cầu thủ thứ ba.
Lúc này winger sẽ dẫn bóng về phía hậu vệ, chuyền bóng cho tiền vệ trung tâm trong khi vẫn tiếp tục chạy chỗ. Tiền vệ trung tâm sau đó sẽ chuyền bóng cho hậu vệ. Điểm khác trong cách tiếp cận này là một chút thay đổi từ cánh tới khu vực half-space và cách di chuyển của winger- người tạo ra khoảng trống.
Tuy nhiên, sự thay đổi nhỏ này rất quan trọng, bởi nó làm hậu vệ bối rối trong một khoảng vài giây bởi pha chồng cánh của hậu vệ biên và họ phải dè chừng đối với tiền vệ trung tâm. Vài giây để dành sự chú ý đến tiền vệ trung tâm tạo cho hậu vệ biên nhiều thời gian hơn để xoay sở khi anh ta nhận bóng.
Chiến thuật sử dụng "cầu thủ thứ ba" để kiểm soát tốc độ và nhịp độ trận đấu
Khi chơi kiểm soát, việc thay đổi cách chơi nhanh hay chậm giữ một vai trò rất quan trọng. Việc thay đổi này nhằm mục đích lôi kéo đối thủ, buộc họ mắc sai lầm và tìm kiếm khoảng trống. Để lôi kéo thành công cầu thủ đối phương, tốc độ và nhịp độ chơi bóng đóng vai trò quan trọng.
Nếu bạn luân chuyển bóng nhanh hơn, đối phương cần phản ứng nhanh hơn và điều này dẫn đến dễ mắc sai lầm hơn. Hơn nữa, nhịp độ là thứ quyết định đến việc làm bất ngờ cho hàng thủ. Nếu ta thực hiện tăng tốc độ một cách đột ngột những pha phối hợp, ta có thể nắm bắt được sự lơ là của đối thủ, từ đó mang lại lợi thế cho đội nhà.
Chiến thuật sử dụng “cầu thủ thứ ba” có thể giúp tăng tốc độ hoặc thay đổi nhịp độ trận đấu trong chớp mắt. Do thời gian giữa những lần chạm bóng của mỗi cầu thủ ngắn, những pha phối hợp sẽ nhanh hơn. Hơn nữa, pha nhả bóng nhanh(quick layoff pass) có thể làm tăng tốc độ pha bóng.
Điều đó là lí do Napoli dưới thời Sarri thỉnh thoảng sử dụng chiến thuật “cầu thủ thứ ba” để chuyển hướng tấn công tới những vùng xa hơn. Điều này trông sẽ như thế nào ? Ví dụ, trung vệ lệch trái chuyền bóng cho tiền vệ trung tâm- người thực hiện đường chuyền lại cho trung vệ còn lại, đó là một tình huống di chuyền thông thường diễn ra trong quá trình build-up để kết nối các trung vệ.(ảnh minh họa phía dưới)
Trong tình huống này, nếu trung vệ hiện tại muốn chuyển hướng bóng sang phía hậu vệ phải, anh ta có thể cầm bóng chuyển hướng hoặc thực hiện đường chuyền nhanh cho trung vệ đá cặp. Các trung vệ của Napoli thường được bố trí chơi gần nhau. Trung vệ còn lại sau đó sẽ chuyền bóng cho hậu vệ cánh. Vì thế, đường chuyền thứ hai tăng tốc độ trong khi tình huống sử dụng “cầu thủ thứ ba” trước đó khiến cho tốc độ pha bóng tăng lên và thay đổi nhịp độ triển khai bóng.
Áp dụng chiến thuật sử dụng “cầu thủ thứ ba” trong quá trình build-up
Như những gì ta biết về những ý đồ chính đằng sau chiến thuật sử dụng “ cầu thủ thứ ba”, nó gắn liền với những yếu tố quyết định việc thành bại khi sử dụng nguyên tắc này, giờ hãy xem xét những tình huống thực tế trong trận đấu.
Trong quá trình build-up, sử dụng “cầu thủ thứ ba” thường mang lại những lợi thế như. Một là để thoát pressing (khi đối thủ áp sát) và cố gắng tìm kiếm cầu thủ không bị theo kèm ngay ở đường chuyền bóng đầu tiên khi build- up. Một tác dụng khác là nó phục vụ luân chuyển bóng từ các hậu vệ tới các cầu thủ tấn công ở vùng giữa sân hay vùng 1/3 cuối sân.
Ở ví dụ trên, chúng ta có thể thấy chiến thuật “cầu thủ thứ ba” hữu dụng trong việc chuyền bóng cho tiền vệ phòng ngự, người sau đó có thể phát triển bóng cho những khu vực ở tuyến trên. Một tình huống thường gặp nữa, là trung vệ muốn luân chuyển bóng sang cánh đối diện, nhưng đối phương cố gắng cắt mối liên lạc giữa anh với trung vệ đá cặp cùng. Do đó, tiền vệ phòng ngự có vai trò như một cầu nối. Điều đó là lí do tại sao hầu hết các đội sử dụng các pha phối hợp theo dạng tam giác hay khối kim cương trong quá trình build-up.
Hoặc khi đội tấn công, có thể dùng chiến thuật này nhằm thu hút, lôi kéo đối phương trong khi luân chuyển bóng ở tốc độ cao. Như trong ví dụ trên, họ sẽ có thể sử dụng chiến thuật sử dụng “ cầu thủ thứ ba” để tấn công vào khoảng trống lộ ra. Một lần nữa, ý đồ chính lại là: Tạo ra áp lực để tạo ra khoảng trống.
Khi chúng ta phân tích sự luân chuyển bóng đến 1/3 cuối sân, điểm đáng lưu ý là đường chuyền của trung vệ qua khu vực half-space tới chân một winger, người sau đó nhả bóng lại cho các tiền vệ trung tâm. Ở đây, mục đích chủ yếu trước hết là để lôi kéo đối phương và tạo khoảng trống cho trung vệ. Nếu anh ta rê bóng sau đó, anh ta sẽ khiến cho các tiền vệ đối phương dành sự chú ý vào mình. Như vậy, anh ta tạo ra áp lực. Vì thế, đối phương sẽ không dành sự quan tâm gắt gao cho các tiền vệ trung tâm, một lợi thế tiềm tàng khi winger thực hiện đường chuyền lại cho các tiền vệ trung tâm bởi sau khi nhận bóng, họ có nhiều không gian hơn để xoay sở.(ảnh minh họa dưới đây)
Tuy nhiên, đường chuyền cho winger không phải là lựa chọn duy nhất để trung vệ chuyền bóng lên phía trên. Ở Bayern với Lewandowski, bạn có thể thường xuyên bắt gặp tiền đạo người Ba Lan chơi lùi sâu để có nhận những đường chuyền chéo sân từ trung vệ. Như chúng ta đã bàn, những đường chuyền chéo góc được ưu tiên hơn bởi nó mang lại cho cầu thủ thêm phương án ở pha xử lí tiếp theo. Anh ta có thể cầm bóng rồi di chuyển sang hướng khác hoăc có thể thực hiện đường chuyền cho đồng đội ở khu vực half-space. Đặc biệt, khi họ sử dụng chiến thuật “cầu thủ thứ ba” để kết thúc quá trình build-up chuyển sang tạo ra cơ hội nguy hiểm để ghi bàn.
Tầm quan trọng của các phương án tiếp theo
Đi kèm một cấu trúc đội hình tốt trong tình huống sử dụng “cầu thủ thứ ba” đầu tiên, việc đội tấn công tạo ra một đội hình có tính liên kết, với nhiều lựa chọn chuyền bóng cho cầu thủ thứ 3 hoặc cầu thủ thứ 2 để tiếp tục triển khai bóng đem lại nhiều tác dụng. Vì vậy, việc di chuyển không bóng có vai trò quyết định để tạo ra các lựa chọn chuyền bóng, để tận dụng tốt tình huống này thậm chí còn dùng tới cầu thủ thứ 4.
Ví dụ, mùa trước Dortmund luôn cố gắng overload cánh trái, tuy nhiên việc họ có quá nhiều cầu thủ tập trung ở một cánh dẫn đến sự mất cân bằng tổng thể. Hậu quả là đội bóng của Lucien Favre không thể nhanh chóng chuyển hướng tấn công sang cánh còn lại hay qua vùng half-space được, vì thế những pha phối hợp của họ trở nên thiếu hiệu quả bởi họ không thể triển khai bóng qua những khu vực bị khóa chặt, đó là điều đối phương đã tận dụng từ sự mất cân bằng do chính Dortmund tạo ra.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng nữa mà Dortmund gặp phải khi kiểm soát bóng, chủ yếu đến từ những pha bóng sử dụng “cầu thủ thứ ba” ở 1/3 cuối sân,nơi mà họ thiếu đi những pha di chuyển không bóng theo chiều dọc sân.
Chiến thuật "sử dụng cầu thủ thứ ba" dùng như một công cụ để xuyên phá hàng phòng ngự đối phương
Một số đội bóng tập trung nhiều vào việc sử dụng miếng phối hợp này trong lối chơi để xuyên phá hàng thủ của đối thủ. Các đội bóng như Napoli, hay Chelsea của Conte, Inter hay Juventus là những ví dụ. Những đội bóng kể trên có điểm chung là khi họ luân chuyển bóng ở các khu vực sâu trong phần sân đối thủ, họ dụ đối thủ thực hiện pressing, sau đó dùng những pha phối hợp sử dụng cầu thủ thứ ba để tận dụng khoảng trống tạo ra bởi tình huống pressing của đối thủ trước đó.
Vì vậy, những đường chuyền từ trung vệ cho winger ở những khu vực half-space có vai trò quyết định. Từ đó, có thể mở ra nhiều phương án triển khai bóng.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc đảm bảo cấu trúc đội hình. Có những phương án để duy trì nhịp tấn công là điều kiện tiên quyết cho việc áp dụng chiến thuật “cầu thủ thứ ba” như một công cụ để xuyên phá hàng thủ. Cơ bản, di chuyển không bóng là một yếu tố quyết định tới việc thành bại của các giai đoạn khi triển khai tấn công.
Khi chúng ta nhìn vào lối chơi của Napoli dưới tay của Sarri, một điều dễ nhận ra là luôn có một cầu thủ của đội này di chuyển sâu, xuống dưới lớp phòng ngự cuối cùng. Có 2 lí giải về điều này. Thứ nhất, nó tạo ra một lựa chọn chuyền bóng cho đồng đội, điều này gây ra mối đe dọa trực tiếp đến đối thủ. Bạn có thể thấy những pha layoff pass được thực hiện đều đặn hơn và ngay sau đó là pha chọc khe lên phía trên cho cầu thủ tấn công đang chạy chỗ.
Nếu đường chuyền sau đó không thể được thực hiện, do hàng thủ đối phương đã lường trước được, cầu thủ nhận pha nhả bóng lại (layoff pass) sẽ có nhiều không gian bởi các hậu vệ đối phương phải lùi về phía sau. Vậy nên, không cần quan tâm đến các hậu vệ đối phương đối phó như thế nào, Napoli vẫn tạo ra được lợi thế về vị trí cho họ.
Dựa theo nguyên tắc “ tạo ra áp lực để tạo ra khoảng trống”, họ thường sử dụng nguyên tắc người thứ ba để tạo khoảng trống, chỉ để sau đó thực hiện đường chuyền về cho các tiền vệ trung tâm. Lúc này có thể bạn sẽ tự hỏi: tại sao lúc bạn tấn công ,bạn lại chuyền bóng về như vậy ? Tuy nhiên, hãy cùng ngẫm lại một chút về điều sẽ xảy ra khi áp dụng nguyên tắc người thứ ba (trong tình huống câu hỏi trên).
Trong tình huống này, hãy coi tiền đạo là “cầu thủ thứ ba”và anh ta chuyền cho winger ở vị trí giữa 2 tuyến của đội hình đối phương, ví dụ ở đây là Insigne. Insigne sau đó có thể cố gắng tạo ra một cú sút, chuyền bóng ra phía sau hàng phòng ngự hoặc chuyền trả ngược lại. Không cần bận tâm anh ta sẽ làm gì tiếp theo, thực tế rằng anh ta là cầu thủ nhận bóng từ đường chuyền chứ không hẳn là phải là tiền vệ trung tâm. Điều này buộc hậu vệ dâng lên, để hạn chế vùng không gian xung quanh cầu thủ người Italia. Như một hệ quả, các tiền vệ trung tâm có thể dâng cao hơn mà vẫn có đủ không gian để hoạt động. Từ điều đó, bạn có thể hình dung được việc Marek Hamsik đã làm cách nào để có cú sút, hay chuyển bóng qua cánh đối diện hoặc chuyền nó cho Jorginho, người có cú bấm bóng qua đầu hàng thủ, và tất cả nhừng điều này đều tạo ra sự đe dọa cho khung thành đối thủ.
Như tôi đã đề cập về ví dụ của Dortmund, những pha di chuyển không bóng theo tuyến dọc không chỉ quyết định cho việc sử dụng chiến thuật “cầu thủ thứ ba” mà còn cho cả cách kiểm soát bóng trong trận đấu. Đặc biệt, khi đội bóng có những pha di chuyển theo phương dọc đó, xuyên qua qua các tuyến giăng ngăng của đối thủ trên sân, nó dẫn tới vấn đề về việc phối hợp phòng ngự cho các hậu vệ trong cùng một tuyến, chiến thuật “cầu thủ thứ ba” hoàn toàn áp dụng phù hợp để lấy lợi thế từ những pha di chuyển đó mang lại.
Cùng xét ví dụ này, ở đây Ghoulam thực hiện tình huống di chuyển không bóng lên phía trước dọc theo khu vực half-space. Sử dụng “cầu thủ thứ ba ” là một công cụ lí tưởng để tận dụng tiềm năng của pha di chuyển đó. Ghoulam có thể bắt đầu xuất phát di chuyển sớm hơn, có lợi thế so với hậu vệ đối phương- người không có phản ứng gì đối với pha di chuyển của anh. Nhận thấy pha di chuyển, tiền đạo của Napoli ngay lập tức thực hiện đường chuyền, sau đó Ghoulam sẽ có một chút thời gian mà anh không bị ai theo kèm ,bởi không một hậu vệ nào có thể dâng lên ngăn chặn anh ta, do họ lường trước tiền đạo và cầu thủ tấn công biên trái của Napoli đang rình rập cơ hội tấn công vào khoảng không gian sau lung họ nếu họ bị kéo ra khỏi vị trí (màu xanh trên hình).
Ở đây, có nhiều lựa chọn khả dĩ để tiếp tục pha tấn công dành cho Ghoulam.Với Mertens, tiền đạo này có thể chuyển hướng, di chuyển từ vị trí giữa 2 trung vệ, xâm nhập vào vùng màu xanh trên hình, hoặc Insigne sẽ xâm nhập khu vực này bằng một pha chạy chéo vào từ biên vào. Không cần bận tâm đế ai đang thực hiện pha chạy chỗ, Ghoulam có thể thực hiện pha chọc khe ngay lập tức.
Bởi thực tế, trung vệ đối phương có thể áp sát Ghoulam, điều này sẽ có lợi khi Mertens thực hiện pha thoát xuống trong khi Insigne vẫn bám biên để kéo dãn hàng phòng ngự đối thủ. Hậu vệ trái của Napoli có thể thực hiện pha chọc khe cho Mertens, còn khi Mertens bị theo kèm bởi hậu vệ phải của đối phương, anh ta sẽ chuyền cho Insigne.
Một chi tiết tôi muốn đề cập là pha di chuyển của Mertens. Đầu tiên, anh ta bắt đầu dốc bóng hướng về phía khung thành đối phương, dừng lại một nhịp rồi lùi sâu một khoảng. Bằng những bước di chuyển đó, anh ta đã lôi kéo được trung vệ bên kia theo kèm, tạo ra khoảng trống cho Ghoulam.
Thông thường, những đường chuyền dọc sân đa dạng kết hợp sử dụng cầu thủ thứ ba có thể tạo ra nguy hiểm thực sự cho hàng thủ đối phương, Lí giải về khả năng gây đột biến mà nó mang lại, là bởi các tình huống di chuyển của cầu thủ và những nhịp chạm bóng nhanh của mỗi cá nhân trong pha bóng, điều này tạo ra thách thức với cách tổ chức phòng ngự của đối thủ cũng như cách hệ thống phòng ngự của họ phản ứng lại theo một cách thống nhất.
Vì thế, sẽ tạo ra pha bóng có lợi thế, khi cầu thủ thứ 3 lùi sâu và thực hiện pha nhà bóng cho cầu thủ đang băng lên. Thêm một cầu thủ thứ tư băng lên, luồn ra phía sau của hàng hậu vệ và bạn gần như sẽ có một pha tấn công không thể ngăn cản, nhất là khi cầu thủ thứ tư(đó) di chuyển chéo/ bó vào trong, xâm nhập khoảng trống sau hàng hậu vệ. Những pha di chuyển chéo/ bó vào trong này, tạo ra tình huống bóng khiến cho cầu thủ thứ tư luôn nằm ngoài tầm quan sát của hậu vệ đối thủ, bởi lúc này anh ta đang tập trung ngăn chặn pha phối hợp sử dụng cầu thủ thứ ba (ảnh minh họa dưới đây)
Đặc biệt khi tấn công, việc sử dụng “cầu thủ thứ ba” trở thành phương án lí tưởng khi được dùng để gây bất ngờ cho hàng thủ đối phương ,tận dụng lợi thế từ những tình huống tấn công đột biến. Giống với ví dụ về Ghoulam phía trên, điểm quen thuộc mà chúng ta nhận thấy là cách mà quả bóng được chuyền cho cầu thủ đang băng về phía khung thành. Một lần nữa, tình huống lại chỉ ra: đường chuyền đầu tiên tạo ra áp lực và buộc các hậu vệ phải để mắt tới cầu thủ thứ ba, tạo ra nhiều không gian hơn cho cầu thủ cuối cùng(trong pha bóng) nhận bóng.
Ở ví dụ trong ảnh này, các phương án chuyền bóng liên tục được tạo ra. Tuy nhiên, vẫn đòi hỏi nhiều ở khả năng phối hợp giữa các cầu thủ với nhau để có thể tận dụng triệt để lợi thế mà chiến thuật sử dụng “cầu thủ thứ ba” mang lại.
Tổng kết
Bài viết trên đã đề cập một cách chung nhất về chiến thuật sử dụng cầu thủ thứ ba. Tôi mong rằng, bài viết có thể mô tả chiến thuật này một cách chi tiết hơn và làm sáng tỏ về các cơ hội được tạo ra liên tục bởi chiến thuật này. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình đã cung cấp cho các bạn những điểm khái quát trong những ý đồ quan trọng mà chiến thuật này mang lại.
Hy vọng bài viết vừa rồi đã giúp các bạn hiểu thêm về chiến thuật tương đối phổ biến trong bóng đá hiện đại. Trong bài viết trên, mình đã cố gắng hết sức để có thể truyền đạt lại sát nghĩa nhất những gì mà tác giả trình bày (dịch bài này xoắn não thực sự), tuy nhiên với vốn tiếng anh còn hạn chế của bản thân, chắc chắn sẽ không thể tránh được thiếu sót, mình mong toàn thể anh chị em đọc bài có thể góp ý, động viên hay gạch đá nhiệt tình để những bài tới của mình được chất lượng hơn. Cảm ơn mọi người đã theo dõi !
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất