Đối với những đứa trẻ mới xem bóng đá thời nay, có một khoảng cách không thể san lấp giữa hai câu lạc bộ Barcelona và Ajax Amsterdam. Barca chơi bóng ở giải đấu hàng đầu châu Âu với những ngôi sao ở mọi vị trí. Trong khi đó, Ajax là tập hợp những cầu thủ trẻ, nỗ lực học hỏi để hy vọng một ngày nào đó ghi tên mình lên bản đồ bóng đá thế giới. Barca là gã khổng lồ với lực lượng fan hâm mộ hùng hậu. Ajax mặc dù vẫn nhận được sự tôn trọng rất lớn, nhưng trong bối cảnh của bóng đá hiện đại thì sự tiến bộ của Ajax trong những năm qua rất khó để nhận ra.
Tuy nhiên, đối với những người hâm mộ dành thời gian tìm hiểu về quãng thời gian trước đây, thành công của Barcelona có công rất lớn đến từ đội bóng áo sọc đỏ trắng thủ đô Amsterdam. Hai gã khổng lồ của bóng đá thế giới đều có sự tương đồng trong tư duy phát triển bóng đá, đó chính là triết lý của Rinus Michels và sau đó được kế thừa bởi Johan Cruyff.
Hai đội bóng là hai thực thể hoàn toàn khác nhau với những đặc điểm riêng về nhân dạng lẫn văn hóa. Nhưng điểm chung giữa họ là phong cách chơi bóng. Ajax là đội bóng tiên phong sáng tạo ra một cách chơi bóng mới, định hình lại triết lý bóng đá để tiếp cận đến sự hoàn hảo, và Barcelona là câu lạc bộ học hỏi theo. Chủ tịch Josep Maria Bartomeu vào năm 2014 đã nói rằng: “Barcelona chính là đứa con của Ajax. Chúng tôi đã theo dõi những đội trẻ của Ajax trong nhiều năm liền và dành sự tôn trọng đặc biệt cho cách tổ chức cũng như phương pháp huấn luyện của họ. Nhờ công của Johan, chúng tôi học được rất nhiều điều từ Ajax. Nhưng trong cuộc sống, người con đôi khi lại trở nên xuất sắc hơn người cha.”
Thời đại công nghệ phát triển đã giúp đỡ Barca rất nhiều. Thành công trong những năm gần đây của họ gắn liền với sự bùng nổ về kinh tế trên toàn cầu, thúc đẩy câu lạc bộ tăng trưởng theo một cấp số nhân. Mặc dù vậy, sẽ không có Barca của ngày hôm nay nếu như không có Ajax của ngày xưa.
Jack Reynolds (1881 - 1962) - người cha của Ajax
Cách chơi bóng của Ajax mang đậm tính giải trí, nhưng phong cách đó của họ không xuất phát từ một triết lý vững chắc. Jack Reynolds, một huấn luyện viên người Anh tài ba đã dẫn dắt câu lạc bộ qua ba thời kỳ 1915 – 1925, 1928 – 1940, 1945 – 1947 đã làm cho rất nhiều fan hâm mộ tin rằng, chính ông là người khởi xướng nên một cuộc cách mạng trong bóng đá mà sau này đã đưa Ajax và Barcelona đến với những vinh quang.
Reynolds khuyến khích cầu thủ của mình thể hiện bản thân trên sân cỏ. Ông thích bóng đá tấn công và điều đó đòi hỏi sự sáng tạo tự nhiên đến từ các cầu thủ và cho đến ngày nay, tầm nhìn của ông vẫn được áp dụng trong hệ thống đào tạo trẻ của Ajax. Reynolds giúp đội bóng giành được chức vô địch đầu tiên vào năm 1918, thời kỳ mà bóng đá Hà Lan còn đang khá nghiệp dư trong khâu tổ chức giải đấu. Bảy chức vô địch tiếp theo chứng kiến việc Reynolds bắt đầu đặt nền móng cho một đế chế vĩ đại.
Ajax đánh mất đi sự thống trị của mình khi Reynolds giải nghệ. Nhưng vị thuyền trưởng tiếp theo, chiến lược gia người Áo Karl Humenberger, đã giúp đội bóng trở lại vị thế trước đây khi giải vô địch quốc gia Hà Lan bắt đầu trở thành một giải đấu chuyên nghiệp. Ajax giành danh hiệu vô địch Eredivisie lần đầu tiên vào năm 1957 và thêm một danh hiệu khác hai năm sau đó. Mặc dù vậy, câu lạc bộ vẫn chưa thực sự hình thành được bản sắc trong lối chơi, do vậy thành công trong nhiệm kỳ của Karl Humenberger là không đáng tin cậy. Chính vì lẽ đó, một cuộc cải tổ là cần thiết và nó dần dần được hình thành bởi những vị huấn luyện viên tiếp theo, mỗi người tạo nên một sự điều chỉnh khác nhau hướng đến nền tảng của đội bóng.
Vic Buckingham – chiến lược gia người Anh chính là người đầu tiên. Ông là thuyền trưởng của Ajax trong khoảng thời gian từ năm 1959 đến năm 1961 và mùa giải 1964/65. Ajax chỉ có thêm một danh hiệu vô địch quốc gia trong nhiệm kỳ của ông, nhưng ảnh hưởng của Buckingham trong việc tái hiện lại tham vọng của người đồng hương Reynolds vượt xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng.
Vị huấn luyện viên sinh ra tại vùng Greenwich không mấy ấn tượng với thứ bóng đá sử dụng bóng dài và dựa nhiều vào thể lực tại nước Anh. Là một cầu thủ kinh nghiệm đã từng chơi cho Tottenham, Buckingham đã cố gắng tạo ra một thứ bóng đá mới quyến rũ hơn, hấp dẫn hơn trên cương vị huấn luyện viên. Tại Ajax, ông phát triển lối chơi sử dụng nhiều đầu óc suy nghĩ hơn là thể lực. Johan Cruyff khi đó là một trong những cầu thủ trẻ tiềm năng dưới thời của Buckingham. Vic Buckingham sau này trở thành huấn luyện viên của Barcelona, cung cấp cho chúng ta một sự liên kết rõ ràng đầu tiên trong mối lương duyên độc đáo giữa đội bóng thủ đô Amsterdam và câu lạc bộ đến từ xứ Catalunya.
Cái cách mà Buckingham thay đổi lối chơi của Ajax, giúp cho Ajax chơi bóng theo phong cách hiện đại hơn là điều không phải bàn cãi. Nhưng triều đại của ông không phải là không có giới hạn. Mặc dù Ajax có lối chơi đầy quyến rũ dưới sự chỉ đạo của Buckingham, nhưng đội bóng vẫn thường xuyên ra sân với đội hình W – M (3-2-2-3), một hệ thống phổ biến tại thời điểm bấy giờ. Có một cầu thủ Ajax lúc đó rất thích được thi đấu dưới sự chỉ đạo của Buckingham, nhưng chính anh cũng cảm thấy rằng Vic chưa bao giờ đạt đến trình độ thật sự của ông – một biểu tượng trong hàng ngũ những huấn luyện viên của bóng đá thế giới. Đối với Rinus Michels – tiền đạo xuất sắc của bóng đá Hà Lan, cần phải có một cách tiếp cận trận đấu mềm mại và uyển chuyển hơn. Rinus thấy rằng Ajax đang có những sự tiến bộ, nhưng trong tâm trí ông, có một tầm nhìn vĩ đại hơn rất nhiều dành cho Ajax.
Vic Buckingham (1915 - 1995)
Buckingham rời Ajax lần thứ hai vào năm 1965 và Rinus Michels đã sẵn sàng để thay thế. Sau khi ghi được hơn 120 bàn thắng và giành hai chức vô địch quốc gia Hà Lan cùng với Ajax, Rinus chuyển sang làm việc trên băng ghế huấn luyện, nơi ông hy vọng rằng mình sẽ tạo ra những sự thay đổi. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí huấn luyện viên trưởng tại Ajax, ông thử sức mình ở hai đội bóng nhỏ cũng thuộc thủ đô Amsterdam là JOS và DWS.
Mặc dù đã chính thức trở thành một giải đấu chuyên nghiệp nhưng cách vận hành của bóng đá Hà Lan vẫn còn khá thô sơ khi Michels lên nắm quyền tại Ajax. Chỉ những cầu thủ thuộc top đầu mới được trả lương hậu hĩnh, rất nhiều những cái tên không thuộc nhóm trên phải đi làm thêm những công việc khác mới có thể kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống. Trong bối cảnh gần như là tương tự, thành phố Amsterdam khi đó chưa phải là một “thành phố quốc tế” như chúng ta được biết ngày nay. Tuy nhiên, một sự bùng nổ trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa độc tài đã nổ ra, tạo nên một làn sóng mới trong công cuộc giải phóng xã hội diễn ra trên khắp lãnh thổ đất nước hoa Tulip, và Ajax đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Ở mức độ căn bản nhất, Rinus là một huấn luyện viên mang hơi hướng hiện đại. Ông đặt ra kỷ luật tại Ajax và áp dụng nó theo cách cô đọng nhất có thể. Thành thực mà nói, Ajax đã phải đối diện với nguy cơ xuống hạng trong khoảng thời gian đầu Rinus tiếp quản câu lạc bộ, nhưng cũng chính ông là người xoay chuyển tình thế bằng một hàng phòng ngự kiên cố và cách động viên tinh thần chiến đấu của toàn đội. Khi Ajax có được một nền tảng vững chắc, vị chiến lược gia ngay lập tức tìm kiếm những sự bổ sung chất lượng cho đội hình, những cầu thủ phù hợp với chiến thuật của ông.
Dưới thời của Michels, Ajax nổi tiếng với những buổi tập tập trung vào việc kiểm soát bóng. Bên ngoài sân cỏ, ông đề nghị các cầu thủ của mình phải có một chế độ ăn hợp lý, và những sự chuẩn bị trước trận đấu trở nên chi tiết hơn rất nhiều. Mặc cho những kế hoạch, giấc mơ và những toan tính được vạch ra, nhân tố quan trọng nhất trong lối chơi phóng khoáng của bóng đá Hà Lan chính là Hendrik Johannes Cruijff.
Thật khó để xác định nguồn gốc của bóng đá tổng lực, một lối chơi mà ở đó các cầu thủ Ajax di chuyển hoán đổi vị trí với sự linh hoạt tuyệt vời. Một số người cho rằng, bóng đá tổng lực bị ảnh hưởng bởi phong cách kiến trúc Hà Lan. Phong cách này khuyến khích sự tự tin sáng tạo nhưng chỉ trong một khuôn khổ thống nhất. Do sự thiếu hụt về đất đai mà các công trình kiến trúc ở đất nước hoa Tulip đều có những kiểu dáng, kích thước khác thường đến mức phi thường, và mỗi tòa nhà được xây dựng nên đều phải chú ý đến không gian xung quanh nó. Bóng đá tổng lực cũng tương tự như vậy.
Một số người khác lại nghĩ chúng ta có lỗi khi suy nghĩ quá cứng nhắc về triết lý của bóng đá Hà Lan, bằng cách xem nó như một kế hoạch thiên tài được nung nấu tại sân vận động De Meer. Nhưng ở mức độ nào đó, cách nghĩ này là hoàn toàn có cơ sở bởi vì Michels và những người cộng sự của ông chắc chắn đã làm việc cật lực để gây dựng nên ý tưởng này.
Rinus Michels (1928 - 2005)
Khi Ajax đối mặt với hàng phòng ngự của các đội bóng trong nước, Rinus khuyến khích các hậu vệ và tiền vệ dâng cao để tham gia vào tình huống tấn công. Kết quả là, Ajax áp đảo trong tất cả các trận đấu quốc nội bằng một lối chơi đầy mê hoặc, làm cho đối thủ chết lặng với những tình huống phối hợp xé toang hàng phòng ngự. Lối chơi này không chỉ giúp Ajax trở nên cơ động trong những tình huống lên bóng, mà nó còn khiến cho cầu thủ tấn công của đối phương không có được không gian khi liên tục phải lùi sâu để tham gia phòng ngự.  
Bản thân những cầu thủ cũng giúp cho bóng đá tổng lực vận hành một cách trơn tru. Không khó để tạo nên những bài viết hoành tráng nghiên cứu về chiến thuật trong bóng đá, nhưng ở thời điểm đó, bóng đá tổng lực là một hệ thống khá ngẫu hứng và thật khó để có được cái nhìn toàn diện về nó. Bóng đá tổng lực chỉ đơn giản là vô tình kết hợp những gì đã có sẵn để tạo nên một thứ bóng đá đẹp đến mê hồn. Khoảng trống trên sân phải được lấp đầy ngay lập tức. Các cầu thủ phòng ngự có thể chơi tấn công và khi cần, các cầu thủ tấn công cũng phải lui về phòng ngự. Lối chơi này được phát triển rất tự nhiên dựa trên nhiều năm chơi bóng và tập luyện cùng nhau giữa các cầu thủ. Nó đồng thời cũng đến từ bản thân Cruyff.
Johan Cruyff trong màu áo Ajax
Những năm đầu tại Ajax, Cruyff có xu hướng lùi sâu, tìm kiếm không gian để nhận bóng sau đó tung ra những pha ra đòn mang tính chất quyết định. Lối chơi của Johan cực kỳ thông minh khi không tốn quá nhiều sức lực, khoảng không và thời gian xử lý trái bóng. Những cầu thủ còn lại của Ajax khi đó bắt đầu tự nhủ: “Nếu cách chơi này phù hợp với Johan thì tại sao chúng ta không thử áp dụng nó?”.
Kể từ đó, như một lẽ tự nhiên, bóng đá tổng lực trở thành phong cách chơi chủ đạo của Ajax. Sự phấn khích và thích thú lan tỏa đến toàn đội, để rồi kết quả đạt được là những bàn thắng, những chức vô địch liên tục cập bến phòng truyền thống của câu lạc bộ. Ảnh hưởng lớn nhất của Michels lên lối chơi của Ajax có lẽ là việc ông khuyến khích các cầu thủ thể hiện bản thân mình, nhưng vẫn phải dựa trên một khuôn khổ thống nhất do chính ông đặt ra.
Bóng đá tổng lực của Ajax ra mắt thế giới bóng đá trong trận đấu gặp Liverpool vào tháng 12 năm 1966. Có 55.722 cổ động viên bất chấp màn sương mù dày đặc bao phủ thành phố Amsterdam để đến sân vận động Olympic ngày hôm ấy. Cuộc tiếp đón Liverpool tại vòng đấu thứ 2 European Cup, tiền thân của Champions League ngày nay đã chứng kiến màn trình diễn siêu hạng của đội quân được dẫn dắt bở Rinus Michels. Cees de Wolf ghi bàn đưa Ajax vươn lên dẫn trước khi trái bóng mới chỉ lăn được 3 phút để rồi sau đó, một Johan Cruyff 19 tuổi nhân đôi cách biệt cho đội chủ nhà. Cú đúp của Klass Nuninga giúp Ajax dẫn trước 4 – 0 trước khi Chris Lawler ghi bàn thắng danh dự cho Liverpool. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Trong thời gian bù giờ, Henk Groot ghi bàn thắng ấn định tỷ số 5 – 1 cho đội bóng đến từ Hà Lan. “Mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Chúng tôi sẽ giành chiến thắng dễ dàng trong trận lượt về. Chúng tôi sẽ ghi ít nhất 7 bàn thắng vào lưới Ajax để hủy diệt họ. Trận đấu này thật sự quá lố bịch. Ajax chơi phòng ngự ngay trên chính sân nhà của họ và chúng tôi chưa bao giờ chơi tốt trước những đội chủ động chơi phòng ngự cả.” Đó là phát biểu của huấn luyện viên trưởng Liverpool – ông Bill Shankly sau khi trận lượt đi kết thúc.
Trên thực tế, Ajax đã áp đảo hoàn toàn Liverpool. Ngay cả những fan hâm mộ lạc quan nhất cũng không nghĩ đến kịch bản này. Những đôi chân của “thế hệ vàng” các cầu thủ tại Ajax giờ đây đã được giải phóng, đội bóng dần có chỗ đứng trên bản đồ bóng đá thế giới. Trận lượt về diễn ra sau đó tại Anfield kết thúc với tỷ số hòa 2 – 2 đã giúp Ajax đi tiếp với tổng tỷ số 7 – 3 sau hai lượt trận. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất minh họa cho cách làm bóng đá của Rinus Michels.
Mặc dù vậy, kinh nghiệm là điều mà đội bóng đến từ thủ đô Amsterdam vẫn còn thiếu. Họ bị câu lạc bộ Dukla Prague cầm hòa trong trận lượt đi vòng tứ kết và sau đó tại trận lượt về, Ajax thất bại trên sân khách với tỷ số 1 – 2. Chung cuộc, họ để thua với tổng tỷ số 2 – 3 sau hai lượt trận và phải dừng chân tại tứ kết. Điều này đã khiến cho Michels cảm thấy rất tức giận. Nhưng cũng chính nhờ thất bại đó đã thúc đẩy Michels phát triển triết lý bóng đá của Ajax trở nên toàn diện hơn. Những cầu thủ đóng vai trò quan trọng trong lối chơi được giữ lại, tiêu biểu là Velibor Vasović, một cầu thủ phòng ngự có khả năng tung ra những đường chuyền phát động tấn công chính xác, Sjaak Swaart, một cầu thủ chạy cánh khéo léo ngày một tiến bộ và quan trọng hơn cả, Cruyff và Piet Kiezer ngày càng trưởng thành hơn trong vai trò của mình.
Bóng đá tổng lực của Ajax không chỉ tập trung vào kỹ thuật và chiến thuật mà bên cạnh đó, khía cạnh phát triển con người cũng được chú trọng không kém. Michels dành sự quan tâm lớn đến việc nuôi dưỡng và từ từ dẫn dắt những tài năng ngay từ khi còn trẻ. Tầm nhìn của ông ấy dành cho Ajax bao hàm rất nhiều thứ và chẳng mấy chốc, Ajax trở thành một thế lực lớn. Năm 1969, một thế hệ những cầu thủ trẻ tài năng của Ajax lọt vào đến trận chung kết European Cup (Cúp C1 châu Âu) đối đầu với AC Milan. Trước sức mạnh cũng như kinh nghiệm dày dặn của câu lạc bộ nước Ý, Ajax đã phải nhận thất bại với tỷ số 1 – 4 và chứng kiến đối thủ lên đỉnh châu Âu. Mặc dù vậy, vinh quang đang chờ đợi Ajax ở phía trước.
Đáng chú ý khi Feyenoord mới là đội bóng Hà Lan đầu tiên vô địch cúp châu Âu chứ không phải là Ajax khi họ làm được điều đó vào mùa giải 1970. Nhưng Ajax đã xây dựng được bộ khung đủ tốt để đưa câu lạc bộ đến với một đế chế bền vững hơn rất nhiều so với đội bóng đồng hương. Năm 1971 chứng kiến chức vô địch châu Âu đầu tiên của Ajax khi họ giành chiến thắng 2 – 0 trước Panathinaikos tại sân vận động Wembley. Họ sau đó bảo vệ thành công chức vô địch của mình trong hai mùa giải tiếp theo, đánh bại Inter Milan ở Rotterdam và Juventus tại Belgrade. Ajax giành được thêm chức vô địch cúp Liên lục địa vào năm 1972 trong trận đấu gặp câu lạc bộ Independiente.
Sau chức vô địch châu Âu đầu tiên mà ông giành được cùng với Ajax, Rinus Michels cảm thấy rằng mục tiêu của ông tại câu lạc bộ Hà Lan đã được hoàn thành. Ông là đạo diễn đứng đằng sau sự thành công của Ajax Amsterdam, từ một đội bóng thuộc nền bóng đá Hà Lan ảm đạm đến nhà vua Lục địa già. Thử thách mới đang chờ đợi Rinus ở phía trước, thử thách mang tên Barcelona.
Stefan Kovacs sau đó thay thế Michels tại Ajax. Ông ấy đủ khôn ngoan khi chỉ thực hiện một vài sự thay đổi nhỏ trong lối chơi của câu lạc bộ, qua đó giúp đội bóng lên đỉnh châu Âu thêm hai lần nữa. Nhưng khi Kovacs rời Ajax để trở thành huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Pháp vào năm 1973, kỷ nguyên thống trị của Ajax bắt đầu sụp đổ. Câu lạc bộ cố gắng bán Johan Cruyff cho Real Madrid với mức giá kỷ lục nhưng Johan lại muốn được tái hợp với người thầy cũ của mình tại Barcelona. Một bản hợp đồng giữa Johan Cruyff và Barcelona nhanh chóng được ký kết, giúp ông trở thành cầu thủ triệu đô đầu tiên trong thế giới bóng đá.
Đó cũng chính là thời điểm bóng đá tổng lực được áp dụng tại đội bóng xứ Catalunya.
Johan Cruyff - biểu tượng của phong trào tự chủ dân tộc trong thế giới bóng đá
Trước khi Johan Cruyff đến đây vào năm 1973, Barcelona đã trải qua 14 năm khô hạn danh hiệu. Ở khía cạnh không kém phần căng thẳng khác, người dân Catalunya phải sống dưới ách thống trị của nhà độc tài Franco. Chế độ này có mối tương thích khăng khít với đội bóng thủ đô Madrid. Bởi thế, nhờ những chiến thuật ngầm với nhà cầm quyền mà Real dễ dàng gặt hái được thành công ở cả cấp độ. Một cuộc ganh đua thấm nhuần màu sắc chính trị được hai đội bóng mang hai bản sắc riêng biệt tạo ra. Và sự xuất hiện của Johan Cruyff đã dứt khoát đảo ngược tình thế của những gò ép bấy lâu nay cho đội bóng vùng tự trị.
Năm 1974, ông cùng Barcelona mang về danh hiệu đầu tiên kể từ năm 1960. Điểm nhấn lớn nhất của mùa giải đó phải là chiến thắng hủy diệt 5-0 Los Blancos ngay tại Bernabeu, tỷ số có cách biệt lớn nhất trước giờ vào lưới đội bóng áo trắng. Trận thắng này đem lại niềm cảm hứng lớn cho các thế hệ cầu thủ và người hâm mộ trong tương lai. Người dân Catalunya có quyền mơ mộng về những vinh quang một lần nữa. Họ tự hào rằng, bằng cách ghi bàn và đẩy Barca tiến lên, Johan Cruyff chỉ cần 90 phút để thúc giục lòng tự tôn của dân tộc Catalunya cao hơn nhiều so với những gì các chính trị gia đã làm suốt nhiều năm qua.
Huyền thoại người Hà Lan chỉ cùng Barcelona giành thêm 1 danh hiệu Copa del Rey để hoàn tất cú đúp quốc nội vào năm 1978. Tuy nhiên, tác động của ông trong việc đánh thức niềm hy vọng của người dân Catalunya không hề bị cường điệu hóa. Những ngày tháng thi đấu cho “El Blaugrana” đã giúp ông trải nghiệm được những cảm giác hùng hồn về ý nghĩa của CLB lẫn cách thức hoạt động của nơi đây. Những kiến thức như vậy sẽ càng quan trọng hơn khi ông trở lại Barcelona với vai trò quản lý.
Johan Neeskens tiếp bước Cruyff cập bến Camp Nou, nhưng sự liên kết của những nhân tố xuất sắc nhất Ajax lại tỏ ra thiếu nhất quán hoặc mục đích với Barcelona. Rinus Michels phân vân giữa việc cầm quân ở Ajax, Barcelona hay xa hơn là ĐTQG Hà Lan. Bởi ông chưa bao giờ hoàn toàn thành công trong việc truyền đạt hoàn toàn ý thức hệ của mình tại Barca, nên thay vào đó, học trò của ông Johan Cruyff - thủ lĩnh đáng tin tưởng nhất trên sân, sẽ đảm nhiệm trách nhiệm lớn lao kia khi ông chia tay sự nghiệp quần đùi áo số.
Điều đó dần khẳng định rằng, mối quan hệ giữa Ajax và Barcelona chính thức trở nên có hình hài.
Trước khi Cruyff có thể cách mạng hóa Barcelona, ông buộc phải thử nghiệm mình ở vai trò HLV. Có những ý tưởng táo bạo và tinh thần luôn rực lửa là một chuyện, những hiện thực hóa những suy nghĩ đó vào trong chính cuộc sống lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Dù kết cục cầu thủ trong màu áo Ajax chỉ toàn là cay đắng, nhưng Cruyff vẫn chọn nơi đây là điểm đầu cho sự nghiệp cầm quân. Ở tuổi 38, ông chính thức thay thế Aad de Mos vào năm 1985. Bạn có thể tưởng tượng rằng, công việc huấn luyện đôi khi không suôn sẻ như khi còn đá bóng.
Cruyff quản lý Ajax trong 3 mùa bóng, nhưng ông lại không thể đoạt được bất kỳ danh hiệu Eredivisie. Tuy vậy, hai Cúp quốc gia Hà Lan cũng được gọi là thành công phần nào. Ngoài ra, Ajax giành được 1 cúp C2 châu Âu UEFA Cup Winners’ Cup dưới triều đại Johan Cruyff, khi đánh bại Lokomotive Leipzig sau 90 phút căng thẳng ở Chung kết. Đó cũng là danh hiệu châu lục đầu tiên của Ajax kể từ sau Siêu cúp châu Âu năm 1974. Đây là nền tảng cho những thành công sau này của cá nhân Johan bất chấp những hoài nghi.
Trái ngược hẳn thời gian đầu ở Barca, tác động của Cruyff ở lần thứ 2 này vĩ đại hơn nhiều bởi vô số danh hiệu. Ở Ajax, ông đã đem lại tinh thần Michels một lần nữa nhằm hiện đại hóa CLB. Sơ đồ 3-4-3 ưa thích của ông được Ajax vận hành trơn tru, từ đội hình của những cậu nhóc mới tập tành đá bóng, đến những cầu thủ chuyên nghiệp ở đội I. Lò De Toekomst trở thành một điểm đến lý tưởng. Cruyff mạnh dạn trao cơ hội cho những ngôi sao trẻ như Dennis Bergkamp và anh em de Boer – Frank và Ronald, người hùng quốc dân Marco van Basten được trọng dụng và Frank Rijkaard cứ thế tiến bộ dưới tài điều binh của Johan Cruyff.
Công việc trên nhằm tái tạo bản sắc trong nhiều năm tới ở Amsterdam. Cũng giống như bước đi của ông thầy Rinus Michels, Johan tiếp tục dẫn dắt Barcelona, CLB thứ hai trong tim ông. Năm 1988, Cruyff kế vị Luis Aragones với tư cách tân thuyền trưởng của đội bóng. Chính nơi đây, những thành tựu to lớn nhất của tư tưởng Michels được Johan cụ thể hóa và thành công vang dội. Đây là đỉnh cao trong mối lương duyên giữa Ajax và Barcelona.
Johan Cruyff với tư cách thuyền trưởng Barcelona
Việc Cruyff trở thành HLV Barca gây được tiếng vang lớn trong thế giới bóng đá và cả lịch sử CLB. Nếu không có ông, nhiều thập kỷ thành công tiếp theo sẽ chẳng thể xảy ra, vì Johan đã thay đổi hoàn toàn cảnh quan và tô điểm thêm cho nền văn hóa bóng đá một sắc màu chủ đạo mang đậm triết lý hào hoa của cá nhân ông.
Khi ông đến, Barca chỉ có 10 danh hiệu VĐQG, con số của Real Madrid là 23. Còn bây giờ, tỷ số đã là 25-33. Còn xét ở cấp độ châu lục, Barcelona chưa từng đăng quang C1 khi Cruyff tiếp quản, nhưng số danh hiệu châu Âu hiện nay của El Blaugrana đã là 5. Đó là những chiến thắng được tạo ra từ hệ thống và phong cách mang nền tảng Johan Cruyff.
Thành công chỉ đến với Barcelona như một cơn gió thoảng qua trước khi Cruyff đến. Như một đám phù du, vinh quang không hề ổn định ở Catalunya. Và điều đó thật khó chấp nhận.
Bản chất của sự việc trên có lẽ bị phơi bày rõ nét nhất dưới thời Terry Venables. Dù trong 3 mùa bóng dẫn dắt Barca, HLV người Anh mang về phòng truyền thống CLB 1 La Liga, bên cạnh lọt vào đến Chung kết Cúp C1 năm 86, nhưng ông làm quản lý đội bóng một cách khá hỗn loạn mà không tuân theo một tầm nhìn đủ bao quát và thực sự nghiêm khắc. Michels từng làm hết sức mình để thay đổi điều đó, nhưng CLB lại trở nên thoái lui trong những năm tiếp theo. Cho tận đến khi Cruyff ra tay, CLB mới chỉ thêm được 2 danh hiệu sau 28 năm.
Cruyff giải quyết triệt để những vấn đề này, nhằm khắc sâu niềm tin cơ bản về thái độ, phương châm đào tạo, tuyển dụng và triết lý chơi, những điều vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay. Cruyff là tác giả của một học thuyết hiện đại xung quanh tàn tích cổ xưa của Barcelona. Nó xảy ra sau những lời dạy bảo của ông như cách Johan từng trực tiếp hướng dẫn Ajax Amsterdam. Tác giả nổi tiếng Graham Hunter có chép lại trong cuốn “Barca - Đường đến Vinh quang” rằng: “Không có Cruyff, sẽ chẳng có “Dream Team 92” nào cả. Không có Cruyff, không thể có những pha trộn và nảy nở của phong cách phối hợp đẹp mắt, là nền tảng để chơi thứ bóng đá với sơ đồ 4-3-3 trứ danh. Không có Cruyff, chẳng thể có Joan Laporta (Chủ tịch thành công nhất CLB). Không có Cruyff, không có Frank Rijkaard và sự hồi sinh của một CLB đang chìm đắm trong u mê. Và nếu không có Cruyff, Guardiola chỉ là một kẻ vô danh.”
Bên cạnh một huyền thoại Carles Rexach luôn gắn liền tên tuổi với Barcelona, Cruyff bắt đầu công cuộc cách mạng hóa El Blaugrana. Họ đào sâu vào CLB, tạo nên một nền văn hóa bóng đá, nhưng lại không hài lòng với ý tưởng hiện thời. Mặc dù Cruyff dấn thân mình với tư cách là một cựu ngôi sao của Barcelona, tìm hiểu kỹ càng từng cấp độ từ rất nhỏ tuổi đến đội I, nhưng các CĐV cũng chẳng giúp ích được nhiều. Người ta luôn cười chê mỗi khi quả bóng được giao trở về cho thủ môn. Do đó, nhiệm vụ của Cruyff liên quan đến việc giáo dục NHM về chiến lược do ông nghĩ ra, dạy cho những cầu thủ hiện tại cách làm chủ thế trận và lùng sục khắp thị trường những tài năng sáng giá phù hợp với những đặc tính trên.
Các cựu binh như Txiki Begiristain, Michael Laudrup và Hristo Stoichkov được đưa vào tầm ngắm. Ngoài ra, Johan cũng ký ngay hợp đồng với Ronald Koeman, ngôi sao đến từ Ajax. Tuy nhiên, có một điều mà HLV Hà Lan đã biết rõ từ thời còn ở Ajax rằng, cách truyền bá triết lý hiệu quả nhất là phải ngay từ gốc, nghĩa là từ chính ngay học viện của CLB. Bằng cách dạy cho những đứa trẻ chơi bóng, hoạt động và sống một cách quy củ, điều đó sẽ tạo được một nền văn minh mới. Sau đó, những tố chất sẽ được lan truyền một cách có chủ đích, tạo ra những siêu sao bóng đá như thể thẩm thấu. Tất nhiên, điều đó sẽ hiện thực hóa qua một khoảng thời gian dài, công sức, tiền bạc và chuyên môn có liên quan. Ý tưởng trên về cơ bản là rất hay.
La Masia, một khu đất đưược bao quanh bởi những trang trại là nơi các thanh thiếu niên của Barca tập luyện hàng ngày. Lò đào tạo này được xây dựng trước khi Cruyff đến, nhưng ông mới là người buộc hệ thống này đi vào nề nếp. Johan bao phủ và khiến La Masia ngập tràn những mục đích có cấu trúc của mình. Ông tạo nên ý nghĩa và tầm quan trọng cho mọi bộ phận đào tạo trẻ, đặt nó trở thành đầu não của Barcelona.
Trong bản trích trực tiếp từ bút ký Michels, Cruyff lần đầu tiên đảm bảo rằng, tất cả các đội trẻ của Barca đã sử dụng đội hình 3-4-3 và cố gắng tạo ra những đường chuyền sắc bén với những tối thiểu cú chạm bóng, là Tiki-taka nghe chừng dễ hiểu nhất. Trước đây, cách thiết lập và thi đấu của được vận hành tùy theo ý thích của từng cá nhân HLV. Điều này phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của đội I.
Cruyff cũng nhấn mạnh, các cầu thủ trẻ giỏi nhất nên thử thách bản thân trước các đối thủ lớn hơn, và bất kỳ ai đủ tốt đều được trao cơ hội ở đội I, trước khi CLB đặt anh ta lên bàn đàm phán trước những lời đề nghị béo bở. Ông cũng khuyến khích CLB nên ký hợp đồng với những cầu thủ ở độ 7 hay 8 tuổi, điều đã được Ajax thực hành trong nhiều năm. Từ giờ nhìn lại, những điều ấy nghe có vẻ dễ dàng và quen thuộc. Chúng ta hiểu và tôn trọng triết lý này là minh chứng cho khả năng diệu kỳ của Cruyff, khi ông sẵn sàng biến những ý tưởng phi thường trở thành hiện thực.
Cruyff hy vọng sẽ tạo ra một vài hạt nhân nòng cốt từ nền tảng những cầu thủ địa phương, hòng bổ sung với những ngôi sao từ phương xa đến với sự tín nhiệm của một Barcelona hiện đại. Về vấn đề này, Guardiola có thể coi là sản phẩm vĩ đại đầu tiên của lò La Masia, được định hình hoàn toàn bởi gã ép khuôn Johan Cruyff.
Sau khi tốt nghiệp học viện với thành tích xuất sắc năm 1990, Guardiola được đôn lên đội I và nhanh chóng trở thành một trụ cột. Ông biết rõ khi nào nên thu về và mở rộng, rút lui và tiến lên khám phá. Gần giống như Cruyff đặt một thiết bị nghe vào tai, Pep luôn thi hành cực kỳ chuẩn xác như lời dặn dò của HLV.
Sau vài trục trặc những ngày đầu, Barcelona của Johan Cruyff đã sống lại. Từ một hệ thống cứng nhắc, chính những nhân tố kia tạo nên một thứ bóng đá xa hoa và lộng lẫy. Họ di chuyển, hoán đổi vị trí và thể hiện bản thân. Tất cả đều trong một khuôn khổ có kỷ luật tốt.   Trong việc cầm bóng, họ buộc phải nhuần nhuyễn phong cách tư duy nhanh và thậm chí là chuyển động mau lẹ hơn. Khi không sở hữu bóng, họ tổ chức pressinh cường độ cao hòng đoạt lại bóng và từ đó tái chiếm quyền kiểm soát thế trận.
Bằng cách khuyến khích những ý tưởng dễ uốn nắn trong khuôn mẫu triết lý khô khan, tố chất thiên tài của Johan Cruyff được chắt lọc đến một điểm mấu chốt. NHM bắt đầu hoan nghênh, những lần ra quân dần thu về kết quả có lợi, chiến lợi phẩm có thể thu về, và hẳn là Rinus Michels sẽ rất tự hào về học trò của mình.
Trong 8 năm làm quản lý, Barcelona của Cruyff giành được 4 La Liga, 1 Copa del Rey, 1 cúp C1 châu Âu, 1 cúp C2 châu Âu UEFA Cup Winners’ Cup, và 1 Siêu cúp châu Âu. “Dream Team 92” của ông trở thành tiêu chuẩn mẫu mực của Camp Nou mà tất cả mọi biến thể của thế hệ sau này đều khao khát.
Tuy nhiên, Cruyff cuối cùng lại bị sa thải sau những bất đồng với chủ tịch CLB, Josep Lluís Núñez, khi ông này tỏ ra phẫn nội với ảnh hưởng của chiến lược gia người Hà Lan. Cruyff có quyền tự chủ và kiểm soát đội bóng nhiều hơn là một HLV người Tây Ban Nha và Núñez muốn thay đổi mô hình đó. Nhưng ngay cả khi di sản của Cruyff bị đánh giá thấp, bị NHM và giám đốc điều hành đương thời chê bai, DNA của ông đã chảy qua huyết quản của CLB và đi vào tiềm thức. Nó đã thấm nhuần vào tâm tri của đội bóng. Barcelona giờ đây trở thành một phiên bản hoàn hảo khác cua Ajax Amsterdam, thậm chí còn vượt trội hơn.
Ajax Amsterdam vô địch UEFA Cup 1992
Đầu những năm 90, Ajax trải qua thời kỳ phục hưng dưới thời Louis van Gaal, khi ông pha trộn triết lý thiên về thể chất nghiêm ngặt với những sản phẩm tốt nhất của Johan Cruyff. Một loạt những danh hiệu Eredivisie đến với Ajax trước khi họ bùng nổ trên sân khấu châu lục.
Năm 1992, họ vô địch cúp C3 châu Âu UEFA Cup, rồi danh hiệu C1 lần thứ tư trong lịch sử đến vào năm 1995. Những ngôi sao trẻ lừng danh như Edwin van der Sar, Clarence Seedorf, Edgar Davids và Marc Overmars kết hợp với các cựu binh nổi tiếng khác như Danny Blind và Rijkaard để tạo nên điều thần kỳ. Ajax thậm chí giành thêm được Siêu cúp châu Âu và lên ngôi Thế giới cấp CLB 1 năm sau đó. Phong cách và tôn chỉ của họ có thể gọi là “Cruyffian”, dù cho Johan và Louis hầu như chẳng ai ưa nhau.
Như một sự sắp đặt, Van Gaal là HLV tiếp theo nhảy từ Ajax sang Barca, bất chấp những ý kiến trái chiều. Ông đến Tây Ban Nha năm 1997 và giành được 2 danh hiệu La Liga, trước khi bị gián đoạn bởi 2 năm dẫn dắt đội tuyển Hà Lan rồi lại quay về Barca. Trong nhiệm kỳ của mình, nhiều cựu tên tuổi của Ajax có cơ hội chứng tỏ bản thân ở Barcelona. Có thể kể đến tiền đạo huyền thoại Patrick Kluivert, Marc Overmars, Jari Litmanen, Michael Reizeger và anh em nhà Frank và Ronald de Boer.
Tuy nhiên Barca lại trở nên lạc lối một lần nữa. Các khoản nợ tăng lên và kế hoạch buộc phải thay đổi. Rất may Cruyff vẫn ở đó để giúp Barca giữ được bản ngã. Năm 2003, Joan Laporta, một môn đệ trung thành của Cruyff đã quyết định đứng ra tranh cử Chủ tịch CLB. Ông không tán thành việc Johan Cruyff bị đối xử tệ bạc và thiếu tình nghĩa trước kia, và Laporta muốn hồi sinh Barca bằng cách sử dụng khuôn mẫu của Johan.
Rất nhanh chóng và đầy thuyết phục, Laporta trúng cử. Ông lập tức tìm kiếm một cố vấn đắc lực để hiện thực hóa những cách tân. Barca cố gắng bổ nhiệm Guus Hiddink và Ronald Koeman cho chiếc ghế HLV, nhưng họ lại không nhận lời. Và rồi CLB đặt niềm tin vào Frank Rijkaard như một nhân vật cách mạng theo lời tiến cử của Johan Cruyff.
Trong nhiều khía cạnh, Rijkaard là một sự lựa chọn mạo hiểm. Những thông tin về kinh nghiệm dẫn dắt của cựu danh thủ Hà Lan thực sự mơ hồ. Sparta Rotterdam, CLB chuyên nghiệp lâu đời nhất Hà Lan phải chịu cảnh lần đầu xuống hạng dưới sự giám hộ của ông. Tuy nhiên, tiếng nói của Laporta rất quan trọng. Ông cảm thấy trong Rijkaard vẫn là cái gì đó mang hơi hướm truyền thống của Ajax-Barca. Và Laporta quyết định để một chiến lược gia trẻ, sung mãn và đủ sức chống chọi lãnh đạo đội bóng của mình hồi sinh.
Cựu chủ tịch Barcelona, Joan Laporta (phải) và HLV người Hà Lan, Frank Rijkaard (trái)
Rijkaar được chơi dưới thời Cruyff tại Ajax. Và dù không phải lúc nào hoàn cảnh cũng êm đẹp, nhưng không thể phủ nhận tình cảm thầy trò của họ. Mọi người đều nhớ đến Guardiola, một thiên tài sau này tạo nên một Barcelona siêu cường, nhưng vai trò chuyển tiếp quan trọng gấp bội phần của Rijkaard lại thường bị bỏ quên. Ông đã làm việc cật lực để khôi phục những truyền thống lấy cảm hứng từ Ajax để lắp vào Barcelona. Ông vạch ra một con đường cơ sở rõ ràng để Pep tiến lên.
Rijkaard phục hồi lại bản thiết kế của Cruyff về bóng đá tấn công nhanh và mạnh, khiến Camp Nou được yêu thêm một lần nữa. Barcelona cũng lại được yêu để giành các danh hiệu. 2 La Liga và 1 Champions League 2006 là thành quả xứng đáng dưới thời HLV Hà Lan. Barca không phải là không trải qua giai đoạn khó khăn dưới thời Rijkaard khi những cầu thủ trẻ xuất thân từ học viện như Lionel Messi không có chỗ đứng. Nhưng Laporta vẫn kiên trì theo đuổi khóa đào tạo, nghe theo lời khuyên nhủ của Cruyff, hoa trái rồi cũng sẽ nảy nở.
Trong khi đó vào năm 2007, Barcelona và Ajax đã tham gia vào một quan hệ đối tác chính thức, được khởi xướng bởi GĐKT của Ajax là Martin van Geel. Các CLB hoán đổi ý tưởng và chia sẻ thông tin về triết lý bóng đá, với trọng tâm cụ thể là huấn luyện và chăm sóc bởi y tế. Thật khó để xác định sự hợp tác này tiến sâu tới mức nào, nhưng đó là nỗ lực đầu tiên để hiện thực hóa mối liên kết từ lâu đã tồn tại trong tiềm thức.
Khi mọi thứ trở nên tồi tệ ở giai đoạn cuối kỷ nguyên Rijkaard, sự vô kỷ luật đã len lỏi vào đội bóng. Barca tìm kiếm một HLV mới. Mặc dù Cruyff đích thân lên tiếng bảo vệ Rijkaard, nhưng ông cho rằng Guardiola, học trò xuất sắc trong đội hình Dream Team 92 của ông đã sẵn sàng lên nắm quyền kiểm soát Camp Nou.
Đây là một sự khởi đầu quan trọng cho một thế hệ mới ở Barcelona. Trước Cruyff, CLB luôn đối phó với nghịch cảnh bằng cách bắt đầu với những HLV khác nhau, giảng về những phong cách khác nhau và ký hợp đồng với một loạt những cầu thủ khác nhau. Với việc Cruyff vẫn giữ một tầm ảnh hưởng nhất định, mặc dù không giữ một vị trí chính thức tại Camp Nou, thì sự thay đổi về phương châm huấn luyện đã được thực hiện, nhưng các nguyên tắc cơ bản để hướng dẫn đội bóng thì vẫn nguyên vẹn.
Guardiola thích nghi nhanh chóng và thành công rực rỡ với tư cách là HLV Barca. El Blaugrana đã giành được 3 La Liga, 2 UCL và 2 Club World Cup, bên cạnh nhiều danh hiệu khác nữa. Quan trọng hơn, Guardiola đã hồi sinh thương hiệu giáo huấn Cruyffian lừng lẫy, với những ngôi sao tốt nghiệp từ chính La Masia như Messi, Carlos Puyol, Andrés Iniesta, Xavi và Victor Valdés. Họ chơi thứ bóng đá “cây nhà lá vườn”, và trở nên nổi bật trong tất cả những CLB vĩ đại nhất mà người ta có thể kể ra.
Năm 2011, khi Barcelona lên đỉnh lần cuối cùng với triết lý Pep Guardiola, Johan Cruyff quay trở về Ajax với hy vọng làm sống dậy tầm nhìn chiến lược đang vận hành rất trơn tru ở Barcelona. Cruyff tập hợp một nhóm những đối tác ăn ý nhất, đứng đầu là Wim Jonk và Dennis Bergkamp. Sau đó, Cruyff bắt đầu kiểm soát và đào thải những cá nhân mà ông cho là không thích hợp. Sau những cuộc chiến nảy lửa, Cruyff đã đưa vào Amsterdam Arena một trái tim thực thụ, Edwin van der Sar làm giám đốc kinh doanh, Marc Overmars giám sát tuyển dụng và Frank de Boer trở thành huấn luyện viên.
Hỗn độn lại xảy ra khi Louis van Gaal được bổ nhiệm làm CEO mà không có sự đồng ý của Cruyff. Điều đó khiến Tulip thép phải từ chức vào năm 2012. Các huyền thoại gột rửa bộ mặt của CLB và đưa Ajax trở lại với bản sắc vốn có của họ, với cam kết ưu tiên trọng dụng tài năng và nỗ lực để đưa bóng đá đẹp vào trong lối chơi. Ajax dành liên tiếp 4 Eredivisie, nhưng thành công ở cấp châu lục không dễ xuất hiện. Việc phải thi đấu mà thiếu thốn tài chính ở bóng đá hiện đại khiến vinh quang thật khó để khả thi.
Johan Cruyff qua đời tháng 3 năm 2016 ở tuổi 68 là sự mất mát khủng khiếp cho bóng đá và phần nào là nguyên nhân cho sự chững lại mà cả Ajax và Barcelona đang gặp phải. Tuy vậy, dưới bàn tay tài tình của Erik ten Hag, Ajax đang hồi sinh mạnh mẽ với nòng cốt là những tài năng sáng giá ở độ tuổi cực trẻ. Họ sẵn sàng tạo nên những cơn địa chấn ở cấp độ châu lục, cả Europa League lẫn Champions League. Barcelona dưới thời Ernesto Valverde hiện tại hay trước kia Luis Enrique ở một chừng mực nào đó vẫn rất coi trọng bản sắc dù họ có những tính toán riêng biệt.
Cả hai CLB đều cố gắng để “chơi” bóng đúng theo những gì được học hỏi và duy trì. Nói một cách đơn giản, đó là di sản lâu dài của Rinus Michels và Johan Cruyff. Không dễ để nói về tương lai mai sau ra sao của một trong hai CLB, nhưng bạn có thể dám cá rằng, ở đâu đó, chỉ cần một giờ đồng hồ thực sự ý nghĩa, người này sẽ sẵn sàng hỗ trợ kẻ kia. Đó chính là cách mà Barcelona và Ajax Amsterdam làm việc và tồn tại trong một khoảng thời gian dài, cho đến hiện nay.
_____________
Biên tập: Kinh Luân và Minh Đức.
Dịch và biên soạn từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 25/09/2017 với title: “THE IN-DEPTH HISTORY OF AJAX AND BARCELONA’S UNIQUE RELATIONSHIP.”