FC Barcelona là một câu lạc bộ, hơn thế nữa, đây còn là đế chế của nền bóng đá Tây Ban Nha đầy bản sắc. 119 năm trôi qua kể từ ngày thành lập, Barelona giờ đây trở thành một tình cảm lớn lao trong trái tim của những người yêu bóng đá chân chính. Đội bóng ấy giành chiến thắng, nhận thất bại, trải qua bao giây phút thăng trầm, cùng những giây phút khốn khó trầm mình trong hiểm nguy. Nhưng họ vẫn đứng đấy, sừng sững như tượng đài của tình yêu quê hương xứ sở bao la. Barcelona còn hơn cả một đội bóng, mà trên hết, đây là biểu tượng tinh thần dân tộc của người dân xứ Catalunya kiên cường ...

Logo đội bóng qua từng giai đoạn lịch sử
1/ Thành lập, những năm tháng đầu tiên:

 Vào cuối thế kỷ XIX, thành phố Barcelona chuyển mình nhanh chóng trong công cuộc công nghiệp hóa, thu hút nhiều người nước ngoài đến sống và làm việc. Joan Gamper, một kế toán người Thụy Sĩ có niềm đam mê chơi  bóng, ban đầu muốn gia nhập đội Gimnasio Tolosa, nhưng bị từ chối do CLB  kia không nhận người ngoại quốc. Thế là ông quyết định tự thành lập một  câu lạc bộ cho riêng mình. Ngày 22 tháng 10 năm 1899, Joan Gamper đăng  một mẩu tin quảng cáo trên tờ Los Deportes chiêu gọi mọi người thành lập  một CLB bóng đá. Chỉ ít ngày sau, ngày 29 tháng 11 năm 1899, sau khi nhận được nhiều lời phản hồi đồng ý nhận lời tham gia, 11 cầu thủ khác mang các quốc tịch Anh, Thụy Sĩ và Đức quyết định gặp mặt nhau tại trụ sở của Gimnasio Solé. Tại đây, buổi lễ thành lập CLB đã diễn ra, và ‘Football Club Barcelona’ chính thức được khai sinh. Walter Wild, người  lớn tuổi nhất đội, được chọn làm chủ tịch đầu tiên, còn Joan Gamper được bầu làm đội trưởng và thủ quỹ đầu tiên của FC Barcelona.
Joan Gamper và FC Barcelona từ những năm tháng đầu tiên
Ngày 08.12.1899, Barcelona mở đầu lịch sử của mình bằng trận thua 0-1 trước đội bóng của những người Anh đang sống tại Barcelona. Nhưng ngay ở trận đấu đầu tiên ngoài địa giới Catalunya, đối đầu đại diện thủ đô FC Madrid  (Real Madrid sau này), Barcelona chiến thắng 3-1. Từ đây, mầm mống cho  những cuộc chiến sinh tử giữa 2 CLB kình địch trong suốt chiều dài lịch  sử, chính thức được khơi mào.

Năm 1902, FC Barcelona giành được danh hiệu chính thức đầu tiên trong lịch sử: Copa Macaya, vốn là tiền thân của Catalunya Football Championship.

Từ khi thành lập năm 1899, FC Barcelona vẫn sử dụng huy hiệu của thành phố. Nhưng mãi đến năm  1910, CLB quyết định sẽ có một biểu trưng riêng. Logo của FC Barcelona khi ấy khá tương đồng với hiện tại: đại diện cho hình ảnh CLB. Nó mang theo dấu chữ thập của Thánh George’s bên trái, 4 sọc giống như lá cờ  Senyera của xứ Catalunya bên phải. 2 màu của CLB, xanh và đỏ rượu, cũng xuất hiện với quả bóng ở trung tâm.


2/ 1924 – hết thập niên 40: Thời kỳ tự khẳng định vị thế đến nội chiến Tây Ban Nha: ‘El Clasico’ được khai sinh.

 Trước khi giải vô địch Tây Ban Nha ra đời, Barcelona là đội bóng chơi hay nhất. Những năm 1920 chứng kiến Barça vươn tầm ảnh hưởng của mình ra khắp cõi đấu bò, đến mức chính quyền trung ương phải lo ngại sức mạnh của đại diện xứ Catalunya. Với Ricardo Zamora đứng trong khung gỗ, Joseph Samitier và sát thủ người Philippines, Paulino Alcantara là những cây săn bàn thượng hạng, Barça trở thành hung thần cho mọi đội bóng Tây Ban Nha cạnh tranh.

Năm 1924, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập CLB, Barcelona khánh thành sân vận động Les Corts, nơi tập hợp của rất nhiều anh tài như Samitier, Sargi-Barba, Piere, Sancho, ... tất cả những yếu tố trên đã giúp Barça giành được vô số chức vô địch trong thời kỳ tiền nội chiến.
Camp de Les Corts

Năm 1929, giải đấu cao nhất xứ đấu bò La Liga chính thức được thành lập. Barcelona thuyết phục trở thành nhà vô địch đầu tiên. Kể từ đó đến nay, đội bóng xứ Catalunya chưa bao giờ xuống hạng, cũng như chưa bao giờ tụt khỏi các thứ hạng đứng đầu với một bảng thành tích đáng nể trọng.

Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, rồi sau đó là cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra, khiến mọi định hướng thành công và sự yên bình nơi đây lập tức sụp đổ.

Barcelona là biểu tượng của xứ Catalunya thịnh vượng, là thành trì của  phe cộng hòa, luôn căm thù quân chính phủ của thủ đô Madrid hoa lệ. Người dân lao động nghèo khổ tại Catalunya luôn hy vọng tự giải thoát mình khỏi sự bóc lột của giới nhà giàu chính quốc, khỏi sự phân hóa giai cấp cũng như thể chế chính trị, khiến người bản xứ Barcelona bị chèn ép đến cùng cực.

Nhưng rồi Francisco Franco lên nắm quyền, và Josep Synyol - chủ tịch của thành phố Barcelona lập tức bị bắt giữ và hành quyết nhanh chóng, chưa kể những cuộc đàn áp đẫm máu đã dập tắt lời kêu gọi ly khai của người dân Catalunya. Không chỉ gạt bỏ tất cả những gì liên quan đến địa phương, ngôn ngữ hay văn hóa, Franco còn đưa một người thân cận lên chức chủ tịch CLB và đổi tên Barça thành "Club de Fútbol Barcelona" cho đúng tiếng Tây Ban Nha. Thế là người ta nhận ra còn một cuộc chiến khác ác liệt không kém sẽ diễn ra: những cuộc chiến trên sân cỏ.

Franco chưa bao giờ thừa nhận mình là người hâm mộ bóng đá. Nhưng bởi sự căm thù đội bóng giương cao ngọn cờ xứ Catalunya, và sự ủng hộ cực đoan cho chế độ hoàng gia, ông ta hiếm khi bỏ lỡ một trận đấu giữa Madrid và Barcelona. Cuộc đối đầu này có tầm quan trọng vượt quá phạm vi của một môn thể thao thông thường. Barcelona và Real Madrid là biểu tượng cho hai tầng lớp đối địch. Sự thù ghét cũng dần cao trào. Vậy nên mỗi trận El Clasico diễn ra, cả 22 con người đều ra sân chiến đấu với tất cả những gì mình có, bởi chiến thắng trong trận đấu này còn là chiến thắng của cả nhiều tầng lớp giai cấp trong xã hội đầy biến động.
Francisco Franco và sự căm thù với đội bóng xứ Catalunya
Cuộc nội chiến (1936-39) giáng một đòn mạnh vào đất nước Tây Ban Nha, gây ảnh hưởng sâu sắc cả kinh tế, chính trị, nền dân chủ, và bóng đá cũng không nằm ngoài vòng thiệt hại. Nhằm thoát khỏi chiến tranh và đồng thời cải thiện ngân quỹ đang rất nghèo nàn, Barça lên đường đến Mexico và Mỹ lánh nạn. Đội bóng được chào đón ở Mexico vào mùa hè 1937 với tư cách là đại sứ dân chủ và tự do. Chuyến du đấu xuyên lục địa đầy oai hùng đó đã giữ lại một phần lịch sử bi tráng trong lòng mỗi người con Catalunya.

3/ 1951 – hết thập niên 60: Những con nguời Hungary bất khuất; Les Corts trở nên nhỏ bé và mái nhà mới Camp Nou.

 Bỏ qua thương vụ đình đám nhưng cũng đầy bất công mang tên Alfredo Di  Stefano, sự oan nghiệt dành cho Barcelona dần nguôi ngoai khi Les Corts  đón chào những huyền thoại vĩ đại nhất.
Huyền thoại Di Stefano suýt chút nữa đã là người của Barcelona
Những năm 50 đánh dấu một chương mới trong lịch sử CLB. Những cầu thủ Hungary là László Kubala, Zoltán Czibor, Sándor Kocsis, … bên cạnh tiền đạo xuất sắc Luis Suarez - chủ nhân QBV châu Âu đầu tiên và duy nhất người Tây Ban Nha, họ đã giúp Barcelona liên tiếp giành đuợc những danh hiệu châu lục. Từ đây, Barça của Kubala, Suarez và Madrid của Di Stéfano trở thành hai thế lực cạnh tranh gay gắt cho sự thống trị của nền bóng đá Tây Ban Nha.

 Một thời kì huy hoàng mới của CLB xứ Catalunya được mở ra. Mùa giải 1951/52, đội hình “điên rồ” của Barça với duy nhất 1 tiền đạo huyền thoại László Kubala, đã đem về 5 chiếc cúp khác nhau cho CLB: La Liga, Cúp TBN, cúp Latin, Copa Eva Duarte và Copa Martini Rossi.
Kubala và Di Stefano
Đến cúp C1 năm 1961, cú đánh đầu bằng vàng của Evaristo de Macedo gạt Real Madrid ra rìa giải đấu, rồi những bàn thắng liên tiếp của Luis Suarez, Kocsis và Kubala đưa Barça lọt đến trận chung kết C1 đầu tiên trong lịch \ sử.

Trong vòng 13 năm từ 1958 đến 1971, Barça đoạt đến 6 chức vô địch Liga, 5 cúp nhà vua và 2 cúp Hội chợ liên thành phố (tiền thân của cúp C3 hay cúp UEFA sau này). Cùng với Juventus, Ajax Amsterdam và Bayern München, Barcelona là một trong 3 đội bóng hiếm hoi đã dành đủ cả ba chiếc cúp C1, C2 và C3. Đáng nể hơn, Barça còn chưa bao giờ vắng mặt ở các giải đấu cấp châu lục. Một thành tích đáng tự hào với bất kỳ ai đang và sẽ yêu ‘El Blaugrana’.

Với sự phát triển mạnh mẽ đến vậy của CLB, sân Les Corts dần trở nên chật chội. Nhiều CĐV Barcelona không thể tìm thấy chỗ ngồi và buộc phải ngồi sát mép tường của sân. Hài hước thay, từ bên ngoài nhìn vào, người ta chỉ thấy những… cái mông của các CĐV. Và thế là biệt danh ‘Culé’ ra đời như một sự tưởng thưởng cho lòng nhiệt thành của các CĐV dành cho đội bóng.
Cái tên Culé của người hâm mộ Barcelona cũng từ đây ra đời
Với nhu cầu xây dựng một mái nhà mới khang trang hơn, ngày 24.09.1957 sân vận động hiện thời – sân Camp Nou, được khánh thành với sức chứa ban đầu hơn 90.000 chỗ ngồi. Cho đến hiện tại sân Camp Nou vẫn là sân vận động lớn nhất châu Âu với 98.772 sức chứa. Một hành trình mới cùng với một thảm cỏ mới chính thức được mở ra!

4/ 1973 – 1996: “Més que un club” - ‘Thánh’ Johan Cruyff với triết lý bóng đá tổng lực - Sự trỗi dậy của La Masia:

 Năm 1973, Agustí Montal Costa tái đắc cử chức chủ tịch CLB với slogan làm nên thương hiệu: "Barça - Més que un club". Suốt nhiệm kỳ của mình, Montal tập trung bảo vệ sự khôi phục ‘tiếng nói Catalunya’, và kịch liệt phản đối chính sách ‘tập trung’ trong bóng đá của Liên đoàn bóng đá lẫn đoàn thể thao quốc gia. Những hành động của ông đã giúp FC Barcelona khôi phục biểu tượng của mình, bắt đầu bằng việc bỏ đi cái tên được phiên âm theo tiếng Tây Ban Nha sau nội chiến.

Việc nhập quốc tịch Tây Ban Nha để được chơi bóng tại xứ đấu bò của các cầu thủ ngoại diễn ra ngày một nhiều, tạo điều kiện cho CLB ký hợp đồng với những cầu thủ không sinh ra tại Tây Ban Nha. Và giấc mơ sở hữu Johan Cruyff trong đội hình bắt đầu gần thực tế hơn.

Johan Cruyff là một nhà cải cách bóng đá lớn, luôn mang trong mình những tư tưởng vượt thời đại. Triết gia vĩ đại người Hà Lan không chỉ đơn thuần chơi bóng, ông còn đem đến nhiều sáng tạo cho môn thể thao Vua.

Sự nghiệp huy hoàng của ông bắt đầu ở quê nhà trong màu áo Ajax Amsterdam. Sau khi giành vô số danh hiệu mà đỉnh cao là 3 chiếc cúp C1 liên tiếp từ mùa 1970/71 ở Hà Lan, Johan Cruyff chuyển đến Barcelona với bản hợp đồng kỷ lục 2 triệu USD.

Chính thức là người của Barça, dưới sự dẫn dắt của HLV lỗi lạc Rinus Michels, Johan Cruyff trở thành thủ lĩnh của một thế hệ tài năng mới. Ông khôi phục lại Camp Nou những thành công vốn có. Huyền thoại người Hà Lan đã phô diễn một phong cách chơi bóng thông minh và đầy kỹ thuật.

Sau 14 năm không biết ngôi vị số một tại Tây Ban Nha, ở ngay mùa giải đầu tiên cho Barcelona, mùa 1973/74, Johan Cruyff đã vô địch La Liga trước 5 vòng đấu sau khi đánh bại Sporting de Gijón với tỉ số 2-4. Để có được tốc độ chóng mặt trên bảng xếp hạng, CLB đã giành vô số chiến thắng ngoạn mục, trong đó có chiến thắng 5-0 trước Real Madrid trên sân Bernabeu ngày 17.02.1974. Có ‘thánh’ Johan trong đội hình, gã khổng lồ xứ Catalunya đã thịnh nộ đè bẹp đội chủ nhà với tỉ số không tưởng.
"Thánh" Johan Cruyff
Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập CLB là một sự kiện trọng đại, diễn ra trong bối cảnh số lượng cổ động viên tăng lên nhanh chóng và bầu không khí phấn khích với chiếc cúp La Liga. Rất nhiều hoạt động được tiến hành để kỷ niệm những ngày tháng quan trọng và vô cùng ý nghĩa này, nhưng tuyệt vời nhất có lẽ là bài hát truyền thống của FC Barcelona với cái tên ‘El cant del Barça’ vang lên ra mắt công chúng.

 Mùa 1978/79, Barcelona giành chiến thắng 4-3 trước Fortuna Düsseldorf và lần đầu tiên giành được danh hiệu C2 châu Âu. Rồi chỉ 3 năm sau, niềm vui lại ùa về Camp Nou khi Barça đăng quang cúp C2 lần thứ 2. Đối thủ của Barça ở chung kết là Standard Liège, trận đấu kết thúc với tỉ số 2-1 và tác giả của 2 pha lập công là Simonsen và Quini.

Năm 1988, ‘Thánh’ Johan quay về với vai trò mới trên băng ghế huấn luyện. Barça trở lại thời kì đỉnh cao và liên tiếp thành công ở nhiều đấu trường. Johan Cruyff chủ trương xây dựng một đội bóng toàn diện dựa trên nền tảng kĩ thuật và khát khao chinh phục của các cầu thủ.

Nắm giữ ngai vàng La Liga 4 năm liên tiếp từ năm 1991 đến 1994, bên cạnh đỉnh cao là danh hiệu C1 đầu tiên trong đêm Wembley lịch sử ngày 20.05.1992, một trang sử mới đầy vẻ vang cho CLB đã được viết ra.

“Dream  Team” của toàn cõi trời Âu đã đi vào lịch sử bao gồm: Zubizarreta, Bakero, Begiristain, Laudrup, Koeman, Stoichkov, Romário, Eusebio, Nadal, Guardiola, Amor, Juan Carlos, Ferrer, Nando, Julio Salinas, Serna, Alexanko và Goikoetxea.
Chức vô địch Châu Âu đầu tiên của Barcelona năm 1992 với Dream Team 1.0
Dưới sự dẫn dắt của bộ đôi HLV Cruyff - Rexach, Barcelona dần hồi sinh và đứng vào hàng ngũ những CLB bóng đá lớn nhất hành tinh.

Việc áp dụng lối đá tấn công tổng lực của Johan Cruyff đã nảy sinh ra vấn đề thiếu hụt những cá nhân sở hữu kỹ năng chơi bóng tốt, những nghệ sĩ thực sự trên sân bóng. Johan Cruyff hiểu rằng không thể liên tục đi chiêu mộ những cầu thủ bên ngoài và từ đó lò đào tạo La Masia đã ra đời. Sự thành công của Barcelona và La Masia chứng tỏ Johan Cruyff đưa ra những quyết định chính xác về việc tôn thờ bóng đá đẹp. Điều đã trở thành một bài học vỡ lòng cho nhiều HLV ở hiện tại. Di sản của Johan Cruyff không chỉ dừng lại ở Barcelona - đội bóng cuối cùng ông dẫn dắt, mà sẽ được kế thừa và phát triển trong mọi bài học ở môi trường đào tạo trẻ La Masia. Nơi đây, triết lý và tôn giáo bóng đá mang hơi thở ‘thánh’ Johan Cruyff sẽ mãi trường tồn.
Học viện bóng đá La Masia

5/ 1996-2003: Những năm đầu tiên thời kì hậu Johan Cruyff.

 Sau đế chế Dream Team 1.0 năm 1992, Barça lọt vào trận chung kết Cup Châu Âu năm 1994 nhưng lại thua 0-4 tan nát trước nửa đỏ thành Milan của Maldini. Hệ quả của thất bại ấy cùng với việc thánh Johan phải ra đi vào năm 1996, Sir Bobby Robson là người lên thay thế ông. Cùng năm ấy, một cái tên đình đám xuất hiện tại sân Camp Nou, người “ngoài hành tinh” Ronaldo de Lima.

Cùng với bộ đôi Figo – Ronaldo, Barcelona giành cú đúp danh hiệu cúp nhà vua và chiếc Cup C2 sau khi đánh bại PSG trong trận chung kết năm 1996. Tuy nhiên Ronaldo chỉ có một mùa giải gắn bó cùng Gã khổng lồ xứ Catalunya rồi sau đó anh chuyển sang thi đấu cho Inter Milan.
Bộ đôi từng cùng nhau mang lại vinh quang cho Barcelona
Louis Van Gaal lên thay thế Bobby Robson, ông mang đến cho Barcelona những sự thành công mới cộng với việc phát hiện những huyền thoại sau này như Xavi, Puyol hay Iniesta. Với bộ khung bao gồm Figo, Kluivert, Enrique, Guardiola và Rivaldo, Barcelona giành được cú đúp quốc nội vào mùa giải 1997-1998 và cú đúp La Liga trong hai năm 1998,1999.

Sự ra đi của Van Gaal cùng chủ tịch Núñez không gây được sự chú ý mạnh bằng việc Real Madrid kích hoạt bảng hợp đồng bom tấn gây rung chuyển làng túc cầu mang tên Luis Figo – đội phó và cũng là người được các Culé yêu mến nhất. Kể từ sau thời kì Franco, thương vụ Figo một lần nữa như châm ngòi cho ngọn lửa thù hận truyền kiếp giữa Barcelona và Real Madrid. Sự ra đi của Figo để lại cho Gã khổng lồ xứ Catalunya một giai đoạn khủng hoảng mất phương hướng trầm trọng trong lịch sử câu lạc bộ. Từ năm 2000-2003, trong khi đại kình kịch Real Madrid thăng hoa danh hiệu cùng Galacticos 1.0 thì Barcelona liên tục trắng tay dưới kỉ nguyên chủ tịch Joan Gaspart, đó được xem như thời kì “đen tối” nhất của đội bóng. Mãi đến sau này, khi nhắc lại, Joan Gaspart vẫn rất cay cú: “Triều đại của tôi đã hỏng ngay từ đầu, chỉ vì cái tên Luis Figo!”

Luis Figo – cái tên mà mỗi khi nhắc đến, là một sự  căm phẫn đến ghê tởm của những Culé, Judas “Figo”, “kẻ phản bội”, “thằng  cặn bã” là những từ mà các Culé dành tặng cho cầu thủ mà mình từng hết mực yêu quý. Nếu ngày nay, người hâm mộ Barcelona yêu quý Messi ra sao, thì trước đây, họ cũng từng đối xử với Figo như vậy,… Đỉnh điểm của sự hận thù trong cái trận El Clasico là ngày 24.11.2002, những tiếng la ó nhắm thẳng vào Figo, khán đài sân Camp Nou dần biến thành một “siêu thị xả hàng”. Những chai lọ, trái cây, bánh mì, bật lửa, những tờ tiền penny in hình “Figo”, thậm chí cả những chiếc điện thoại di động. Và hơn hết, một chiếc đầu lợn quay được quăng xuống như “một món quà” tặng cho “kẻ  phản bội” của Barcelona đã đi vào lịch sử!
Chiếc đầu lợn đã đi vào lịch sử
6/ Kỉ nguyên thành công của Frank Rijkaard và “ảo thuật gia” Ronaldinho.

 Sau khi Joan Gaspart từ chức vì những thất bại tủi hổ trên cương vị chủ tịch, Joan Laporta lên nắm quyền và bổ nhiệm cựu cầu thủ Hà Lan, Frank Rijkaard lên chiếc ghế nóng của sân Camp Nou.

Barcelona khi ấy tưởng chừng đã rất gần với việc có được chữ kí của David Beckham, nhưng rồi Madrid nhảy vào và cướp tiền vệ người Anh để bổ sung chất lượng cho dải ngân hà Galacticos 1.0. Để tìm kiếm một cái tên thay thế, Barcelona quyết định giành lấy Ronaldinho ngay trước mũi Man United như sự trả đũa vì bản hợp đồng Beckham không thể đến sân Camp Nou.

Trong kỉ nguyên Rijkaard, cùng với những Ronaldinho, Deco, Henrik Larsson, Ludovic Giuly, Samuel Eto'o và Rafael Márquez cộng thêm những ngôi sao trẻ như Xavi, Puyol, hay Iniesta, Barcelona đã tìm lại vị thế của mình từ chính tay đại kình địch Madrid. Đỉnh cao là chức vô địch Châu Âu lần thứ hai của câu lạc bộ mùa giải 2005/2006 sau khi đánh bại Arsenal 2-1 trong trận chung kết.
Chức vô địch Châu Âu vào năm 2006 dưới triều đại Rijkaard cùng Ronaldinho
Ronaldinho mà Real Madrid của Perez đã từng từ chối mua vì… quá xấu trai đã trở thành nỗi ác mộng với đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha. Chứng kiến cầu thủ người Brazil nhảy múa trên sân với những đường bóng ma thuật hút hồn, các Culé đã hoàn toàn quên “gã Judas” Figo ngày nào. Nụ cười của Ronaldinho trên sân như mang đến hi vọng cho Barcelona trong quá trình tìm lại vinh quang đã mất.

Không chỉ thành công với những danh hiệu cùng Barcelona, Frank Rijkaard còn có công “khai quật” được Lionel Messi, một cầu thủ trẻ cực kì sáng  giá ngày ấy, người trở thành huyền thoại của câu lạc bộ sau này.
Cú chuyển giao lịch sử

 Sau những năm tháng thành công, Barça của Rijkaard bắt đầu đi chệch hướng vì thói ăn chơi sa đọa của những siêu sao như Ronaldinho hay Deco. Thời kì hậu Frank Rijkaard trở thành giai đoạn khủng hoảng của câu lạc bộ vì hai mùa giải liên tiếp trắng tay trước đại kình địch Real Madrid. Những Ronaldinho, Deco hay Giuly đã không còn là chính mình với phong độ sa sút tệ hại. Nhưng bù lại, người hâm mộ được đặt niềm tin vào ngôi sao trẻ số 19 đang nổi lên – Lionel Messi!

7/ 2008 - 2012: Vua của toàn cõi Châu Âu – Barcelona kỉ nguyên Pep Guardiola.

 Sau hai mùa giải trắng tay liên tục, Rijkaard bị sa thải, chủ tịch Laporta đặt niềm tin vào một cựu cầu thủ Barcelona, Pep Guardiola từ đội B lên nắm quyền. Ngay khi được ngồi vào “chiếc ghế nóng” tại sân Camp Nou, Guardiola đã đẩy đi những Ronaldinho và Deco, ông trao cho Messi chiếc áo số 10 và đặt hết niềm tin vào cầu thủ trẻ này.

Mùa giải đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Guardiola, Barcelona đoạt cú ăn 6 vô tiền khoáng hậu. Họ giành được mọi chức vô địch nơi mình đi qua và thị uy trước cả Châu Âu với lối đá Tiki Taka đầy ma thuật. Mà đình đám hơn cả có lẽ là trận thắng 6-2 của Barcelona trước đại kình địch Real Madrid vào ngày 2.5.2009.
Chức vô địch Châu Âu lần thứ 3 cùng cú ăn 6 lịch sử
Một năm sau đó, ngày 29.11.2010, Barça thảm sát Real Madrid 5-0 trong trận El Clasico đầu tiên của Jose Mourinho. Trong giai đoạn Pep nắm quyền tại Barcelona, Gã khổng lồ xứ Catalunya đã giành hai chức vô địch Châu Âu vào hai mùa 2008/2009 và 2010/2011.

 Thời kì Mourinho làm huấn luyện viên Real Madrid, căng thẳng giữa những trận siêu kinh điển lại được đẩy lên cao hơn bao giờ hết với những pha bóng nảy lửa trên sân, những tuyên bố khiêu khích đối phương và sự kiện châm ngòi cho mối thù này là hành động “móc mắt” cố trợ lí huấn luyện viên Barcelona khi ấy, Tito Vilanova, trong trận lượt về siêu cúp Tây  Ban Nha năm 2011. Sau này, Mourinho đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc ấy.

 Giai đoạn Gã khổng lồ xứ Catalunya thống trị toàn cõi Châu Âu và thế giới, người hâm mộ như bị mê hoặc bởi Tiki Taka, sức ảnh hưởng của lối chơi này được mang lên đội tuyển Tây Ban Nha. Và đi cùng với Barça, Tây Ban Nha cũng có một kỉ nguyên vàng đại thành công từ 2008-2012 (thời  điểm Guardiola nắm quyền tại Barcelona). Có thể nói Tây Ban Nha không khác gì một Barça thu nhỏ khi họ có những con người vận hành lối chơi từ  chính Gã khổng lồ xứ Catalunya.

Sau thời kì Dream Team 1.0 của thánh Johan, mà chính Guardiola cũng góp mặt trong đó, Barcelona đã tạo nên Dream Team 2.0 của mình với chức vô địch Châu Âu 2010/2011 cùng Valdes, Abidal, Pique, Puyol, Alves, Busquets, Xavi, Iniesta, Pedro, Villa và Messi.
Dream Team 2.0 cùng chức vô địch C1 2010/2011
Sau thất bại trước Chelsea tại bán kết Champions League 2012, Guardiola tuyên bố chia tay Barcelona cuối mùa giải, khép lại chu kì thành công tuyệt đối của Gã khổng lồ xứ Catalunya. Bốn năm tại vị ở Barça, Pep giành được 14 danh hiệu chính thức, bao gồm 3 chức vô địch La Liga, 3 siêu cúp Tây Ban Nha, 2 Champions League, 2 cúp nhà vua, 2 siêu cúp Châu Âu và 2 chức vô địch thế giới các câu lạc bộ.

8/ 2012 - nay: Thời kì hậu Tiki Taka và sự thành công của Enrique.

 Sau sự ra đi của Pep, cố huấn luyện viên Tito Vilanova lên nắm quyền và đi theo con đường của người tiền nhiệm. Cũng trong năm ấy, Messi có một mùa giải thần sầu trên phương diện cá nhân khi anh đã đặt dấu ấn 91 bàn thắng trong một năm dương lịch tính trong các trận đấu chính thức và đồng thời hoàn thành quả bóng vàng thứ 4 liên tiếp của chính mình. Tuy Barcelona năm ấy thất bại “muối mặt” trước Bayern Munich tại đấu trường Châu Âu cũng như vụt mất cúp nhà vua nhưng họ đã vô địch La Liga với 100 điểm, cân bằng thành tích của đại kình địch Real Madrid lập được ở mùa giải trước đó. Cuối mùa, Vilanova xin từ chức để điều trị căn bệnh ung thư vòm họng.

Gerardo Martino lên thay thế, Barcelona đón tân binh bom tấn Neymar về trong mùa hè 2013. Nhưng tất cả những gì ông mang  đến chỉ là sự thất vọng tràn trề với một mùa giải trắng tay hoàn toàn. Cuối mùa giải 2013/2014, ông bị sa thải. Cũng trong năm ấy, Tito Vilanova mất vì căn bệnh ung thư của mình.
Tito Vilanova qua đời vì bệnh ung thư
Kể từ sau kỉ nguyên thành công của Guardiola, Barça đã mất dần đi bản sắc Tiki Taka. Luis Enrique đến, thay đổi nó, và biến lối chơi này trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Minh chứng là cú ăn 5 lịch sử trong năm 2015, Barcelona trở thành đội bóng đầu tiên giành được 2 cú ăn ba, một điều mà những ông lớn Châu Âu còn thèm khát một lần đạt được, mà điển hình là Real Madrid. El Clasico năm đó còn được thêm chút gia vị với trận thắng 4-0 của Blaugrana trước Real Madrid ngay trên thánh địa Bernabeu của Kền kền trắng.

Barcelona dưới thời Enrique, thi đấu đầy hiệu quả và  biến ảo, với bộ ba M-N-S trên hàng công, họ sẵn sàng cuốn phăng mọi đối thủ khi ấy. Trong ba mùa giải thi đấu cùng nhau, “tam tấu” MNS đã ghi đến 302 bàn thắng, một con số quá khủng khiếp!

Với việc số danh hiệu giảm dần theo từng mùa giải, Luis Enrique chính thức nói lời chia tay El Blaugrana sau 3 mùa giải gắn bó. Người kế nhiệm Enrique là Ernesto Valverde. Cũng trong mùa hè 2017, Neymar rời câu lạc bộ để đến PSG, vụ chuyển nhượng 220 triệu Euro gây ra rất nhiều tranh cãi. Bộ ba M-N-S chính thức tan rã, những bản hợp đồng mới được kí kết, Valverde có cú đúp danh hiệu quốc nội cùng Gã khổng lồ xứ Catalunya và mở ra một mùa giải mới 2018/2019 đầy hứa hẹn cùng những cầu thủ mới đầy chất lượng.

119 năm tồn tại, là một trong những câu lạc bộ thành công bậc nhất Châu Âu, Barcelona mang trong mình truyền thống và giá trị  lịch sử cao quý. Với triết lí “Més que un club”, Barcelona là đại diện cho xứ sở Catalunya khao khát giành độc lập từ tay của chính hoàng gia Tây Ban Nha. Barcelona và Real Madrid, hai câu lạc bộ không đội trời chung, những trận đấu của họ, El Clasico, không đơn thuần là những trận bóng đá, nó còn là những cuộc chiến giữa xứ Catalunya tự trị và hoàng  gia Madrid, bởi lịch sử của nó đã in hằn lên cả máu và nước mắt.
Mối thù không đội trời chung
Và nhắc đến Barcelona, không thể không nhắc đến thánh Johan Cruyff, người đã thay đổi triết lí bóng đá của câu lạc bộ, là niềm cảm hứng cho những thành công cho đến tận sau này. Ông là tượng đài sống, là huyền thoại bất diệt của FC Barcelona, dù cho ông không phải người Catalunya chính gốc. Tầm ảnh hưởng của thánh Johan đến El Blaugrana là không thể chối cãi. Trước khi ông đến, Barça giành được 42 danh hiệu trong 71 năm, và sau khi ông đến, họ giành được 42 danh hiệu trong 27 năm. Một huyền thoại bất tử!

Đồng hành xuyên suốt trong chiều dài lịch sử của câu lạc bộ, Barcelona với những con người xuất thần luôn có mặt, họ mang đến thành công và thời kì vàng son cho đội bóng như Johan Cruyff, Lionel Messi, Pep Guardiola, Ronaldinho, Xavi, Puyol, Iniesta, Romario, Koeman, Rivaldo, Kubala, Stoichkov, Zubizarreta, Laudrup, Paulinho Alcantara, anh em nhà De Boer, Luis Suarez (Tây Ban Nha), Migueli,…

Nơi đây, vẫn sẽ là đích đến cho mọi cầu thủ xuất sắc thế giới. Vì Barcelona, là một trong những câu lạc bộ bóng đá xuất sắc nhất lịch sử.

FC Barcelona – Més que un club!
FC Barcelona - més que un club.

Biên tập: Minh Tài - Kinh Luân.