Một buổi sáng nọ, mình chạy ra siêu thị để đi chợ. Trong lúc chờ tính tiền, bỗng nhiên bắt gặp một cặp vợ chồng đang cố gắng tìm mua vài món đồ và ra sức “trấn áp” đứa con nhỏ của mình. Thằng bé chỉ tầm 6-7 tuổi, trông nó có vẻ khá sáng láng và thông minh. Nhưng những đứa trẻ ở độ tuổi đó thì không bao giờ được hài lòng bởi đa số câu trả lời mà người lớn đưa cho nó.   
Tại sao người ta lại phải bỏ rau củ vào tủ lạnh? Tại sao siêu thị luôn bật máy lạnh? Tại sao người ta lại giao hàng đến cho nhà của mình? Và tại sao ăn xong rồi thì mình lại buồn ngủ?. 
Những câu hỏi “tại sao” của mọi đứa trẻ luôn khiến cho cha mẹ chúng bị “phiền hà”. Trong khi đó, điều này lại khiến chúng cảm thấy tự tin khi có thể “thấu hiểu” được thế giới bên ngoài kia. Con người khi lớn lên, thường vô tình quên việc “tìm hiểu” sâu sắc những gì xung quanh mình, vì không có thời gian, và vì chấp nhận thường là một hành động “nhẹ nhàng” hơn. Chúng ta không quan tâm đến việc làm sao một chiếc xe được hình thành, chúng ta chỉ việc ngồi lên xe và lái nó. Cũng giống như mình đang viết những dòng này bằng một cái bàn phím máy tính, mà mình cũng không hiểu nó được hoạt động như thế nào.  
Tuy nhiên, chính nhờ thấu hiểu được sự hình thành và phát triển, chúng ta có năng lực nhìn thấy một thứ rất vĩ đại, to lớn, và quan trọng: 

KHUYẾT ĐIỂM! 

Nhận ra khuyết điểm chính là mức độ cao nhất của việc thấu hiểu


Đọc thêm:

Chúng ta biết được vì sao một cái vòi nước bị hư và nên sửa như thế nào. Chúng ta hiểu được để hình thành nên một tổ chức cần có những yếu tố gì, và khi nào thì cái tổ chức này sẽ không còn hoạt động nữa. Thấu hiểu “khuyết điểm” là một trong những yếu tố quan trọng để con người đi đến sự phát triển cao hơn. Tuy nhiên, “thấu hiểu” khác với việc luôn luôn nhận thức được mọi việc. Bạn không thể liên tục hình dung mọi thứ hoạt động như thế nào, từ việc một cánh tay đưa lên thì máu sẽ luân chuyển ra sao, những thiết bị ngoại vi sẽ trao đổi thông tin thông qua cách thức gì. Vì như vậy, bạn sẽ nhanh chóng phải “thay não” vì vận động quá mức. Chính vì thế, con người chúng ta có khả năng rất hay mà mình vô cùng cảm thấy biết ơn nó, đó chính là chúng ta có thể: 

LÀM ĐIỀU GÌ ĐÓ MÀ KHÔNG CẦN HIỂU “RÕ” HOẠT ĐỘNG CỦA NÓ THẾ NÀO! 

Nghe mắc cười nhỉ, nhưng mà thật sự là như vậy. Chúng ta có khả năng “giảm tải” một số những vấn đề chi tiết để đảm bảo việc hoạt động được hiệu quả. Tuy nhiên, “Bản đồ không hiện hết lãnh thổ” (The map is not the terriority), chúng ta sẽ dễ mắc sai lầm khi “bỏ quên” đi những chi tiết có trong bản đồ. 

Đọc thêm:

Nếu nhìn lại, bạn sẽ bất ngờ khi thấy bản thân đã từng bỏ qua rất nhiều “câu hỏi” chỉ vì những câu trả lời hiện tại đã “tương đối đủ” với bạn. Bạn cũng sẽ thấy rất nhiều những tình huống đáng tiếc mà bạn mắc phải khi không hiểu “đủ chi tiết” vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cách để giải quyết những “điểm mù” này, nhờ vào một công cụ, đó là: 

TƯ DUY NGUYÊN BẢN! 

Tư duy nguyên bản là cách tốt nhất để có thể “tái tạo” lại một vấn đề từ nguyên bản và tạo ra những hướng giải quyết sáng tạo. Chúng ta sẽ bắt đầu hình dung những “viên gạch” đầu tiên tạo ra vấn đề mà ta gặp phải và “xây” chúng. Bằng cách này, chúng ta khai thác được tốt hơn quá trình hình thành nên vấn đề.  
Đây cũng là cách mà nhà triết học vĩ đại Aristole đã sử dụng và bây giờ vẫn được áp dụng bởi những doanh nhân tầm cỡ, đồng thời cũng là nhà khoa học lỗi lạc như Elon Musk hay Feynman và Charlie Munger. Nó cho phép họ có thể có thể nhìn vào “tận gốc rễ” của sự vật và vượt qua những “điểm mù” của số đông.  
Aristole luôn tập trung vào vấn đề tìm kiếm “nền tảng cơ bản nhất của sự vật”, và đây là cách mà ông đã trình bày trong cuốn Physics của mình, cũng như được trích dẫn lại trong cuốn sách của Terence Irwin.  
“In every systematic inquiry (methodos) where there are first principles, or causes, or elements- knowledge and science result from acquiring knowledge of these; for we think we know something just in case we acquire knowledge of the primary causes, the primary first principles, all the way to the elements. It is clear, then, that in the science of nature as elsewhere, we should try first to determine questions about the first principles. (Phys. 184a10–21) 
Tạm hiểu là: 
“Trong bất kì cuộc nghiên cứu hay tìm tòi có tính hệ thống nào, đều có sự hiện hữu của những nguyên lý, nguyên nhân, hay yếu tố căn bản.  Mà từ việc “nắm rõ” những nguyên lý hay yếu tố căn bản này, kiến thức và khoa học sẽ được hình thành. Chính vì vậy, mà để có được nền tảng khoa học và nắm vững được bản chất sự vật, chúng ta cần phải đặt câu hỏi để tìm hiểu về những yếu tố căn bản.” 
Việc sử dụng tư duy nguyên bản không phải là điều gì mới và đây cũng là một trong những mô hình tư duy giúp cho bạn “tân trang” khả năng khai quật bản chất sự việc của mình.   
Hãy nhìn nhận những "sự việc" cấu thành ở trong một sự việc nhất định

NHƯNG LÀM THẾ NÀO ĐỂ LUYỆN TẬP TƯ DUY NGUYÊN BẢN? 

Cách #1: Hãy thay đổi thói quen học tập  

“Làm sao để có thể chèo thuyền” 
Đối với cách học bình thường, bạn đơn giản là ngay lập tức bật môt clip Youtube lên và xem cách mọi người hướng dẫn bạn cầm mái chèo, nghiêng thuyền thế nào và động tác làm sao để có thể chèo cho thuyền đi nhanh nhất mà lại ít tốn sức. Tuy nhiên, cách học “thực tế” mặc dù khiến chúng ta có thể nắm vấn đề rất nhanh và giải quyết được chúng, nhưng chính cách học này sẽ giới hạn sự phát triển trong việc “hiểu” vấn đề.  
Hãy thay đổi thói quen này và bắt đầu tìm hiểu về sự lưu chuyển của nước, cấu tạo của thuyền, nguyên tắc hoạt động của mái chèo, cùng nhiều thông tin khác. Những điều này có thể dẫn đến bạn biết những vấn đề có thể xảy ra khi thực hiện chèo thuyền, và điểm mạnh cũng như điểm yếu của mái chèo nằm ở đâu. Từ đó, phương pháp phát triển mái chèo mới của bạn có thể bám sát hơn với cốt lõi của vấn đề.  
Hãy hình dung và suy nghĩ về bản chất của "sự chèo thuyền"
Trong việc nấu cơm cũng vậy, bạn nên biết làm thế nào để cơm chín, hơn là việc “bỏ cơm vào nồi bấm điện” sẽ làm cơm chín! 
Bạn phải hiểu được những liên kết phân tử trong cơm sẽ bị “cắt đứt”ra sao, và chúng sẽ tạo liên kết với những phân tử khác, hấp thụ nước xung quanh để tạo thành “cơm chín” như thế nào. Nhưng để hoạt động này xảy ra, chúng cần có năng lượng cung cấp, mà cách đơn giản nhất chính là “gia nhiệt”. Như vậy khi bạn hiểu được những yếu tố cấu tạo nên vấn đề “nấu cơm” của mình. Bạn cũng suy nghĩ về việc làm cách nào để cơm có thể “chín” bằng nhiều cách "gia nhiệt" khác nhau, chẳng hạn như dùng lò vi sóng.
Bằng cách tạo chuyển động liên tục và “ma sát” ở các phân tử, lò vi sóng khiến các liên kết này bị "cắt đứt" và hấp thụ nước xung quanh để “chín”. Sự phát triển của giải pháp đa phần đều nằm ở việc thấu hiểu được “bản chất” vấn đề. Nếu không biết về những nguyên tắc cơ bản nhất, sự thay đổi trong giải pháp của bạn chỉ dừng lại ở việc cải tiến, chứ không “cải cách” và tạo nên sự đột phá được.  
Nắm vững những nguyên tắc cơ bản giúp bạn trở nên “sâu sắc” hơn!  
Sự sâu sắc sẽ nguồn gốc tạo ra những giá trị mới. Có sự khác nhau giữa một người “đầu bếp” và một người “biết nấu ăn”. Người đầu bếp thì tạo ra các công thức, còn người biết nấu ăn chỉ giỏi áp dụng những công thức để thực hiện món ăn của mình. Tuy nhiên, khi xảy ra rủi ro, món ăn có vấn đề, người đầu bếp sẽ nhanh chóng nhận ra lý do gây ra vấn đề đó, trong khi người biết nấu ăn sẽ không hiểu được lý do đằng sau sự thất bại của món ăn. Họ không biết, vì họ không phải là người hiểu được nguyên bản của vấn đề, về sự phối hợp các nguyên liệu và sử dụng nhiệt độ, về vị giác của con người, cùng rất nhiều những vấn đề khác.  

Cách #2: Sử dụng câu hỏi Socrate 

Đây là phương pháp để đào sâu và phân tích kĩ lưỡng một vấn đề, giúp chúng ta tiến đến gần hơn với sự thật và tránh đi những giả thiết không hợp lí. Để thực hiện các câu hỏi Socrate, chúng ta có 6 bước sau: 
+ Bước 1: Làm rõ suy nghĩ của bạn và giải thích nguồn gốc của ý tưởng của bạn (Tại sao tôi nghĩ điều này? Chính xác thì tôi nghĩ gì?) 
+ Bước 2: Phản biện giả thiết (Làm sao tôi biết điều này là đúng? Nếu tôi nghĩ ngược lại thì sao?) 
+ Bước 3: Tìm kiếm bằng chứng (Có điều gì đảm bảo cho việc này? Nguồn dẫn chứng ở đâu?) 
+ Bước 4: Xem xét các quan điểm thay thế (Người khác có thể nghĩ gì? Làm sao tôi biết tôi đúng?) 
+ Bước 5: Xem xét hậu quả (Nếu tôi sai thì sao? Hậu quả là gì?) 
+ Bước 6: Đặt câu hỏi ngược (Tại sao tôi nghĩ vậy? Tôi có đúng không?) 
Quá trình này hạn chế sự “hời hợt” trong việc nghiên cứu và tìm hiểu thông tin hoặc học hỏi của bạn. Sử dụng những câu hỏi socrate giúp bạn tiến gần hơn với sự “nguyên bản” và cách vận hành thực sự của vấn đề. Nguyên tắc này cũng nằm trong những phương pháp của tư duy phản biện (Critical thinking).  
Đọc thêm về phương pháp Socrates:

Cách #3: Phân tích 5-Whys 

Phân tích 5-Whys là cách chúng ta đặt những câu hỏi tại sao trước một vấn đề. Số “5” là con số trung bình để đặt ra các câu hỏi phản biện.  
Như câu chuyện ban đầu của mình, những đứa con nít luôn có khả năng đào sâu vấn đề hơn bất cứ ai khác. Chúng luôn muốn hiểu thật rõ ràng cách thế giới được hoạt động như thế nào. Chính vì vậy mà chúng hỏi rất nhiều, và thường xuyên khiến cha mẹ của chúng cảm thấy “điên đầu”. Người lớn chúng ta đa phần không muốn trả lời chúng, lý do đa phần vì chúng ta cũng không hiểu rõ vấn đề và không muốn bị “bắt bí”, hoặc đơn giản là chúng ta nghĩ việc giải thích quá tốn thời gian và không mang lại kết quả gì nên thường bỏ qua, và kết thúc trò chơi bằng một mệnh lệnh.  
Mình cũng thường sử dụng phương pháp này ở các cuộc hội thảo, về việc hỏi vì sao diễn giả cho là đúng và những quan điểm đó xuất phát từ đâu. Tuy nhiên, thường thì những câu hỏi như vậy sẽ nhận được những lời giải đáp rất chung chung và kết thúc bằng việc hẹn gặp vào cuối chương trình (và sau đó thì diễn giả sẽ được ra về vì lý do mệt) 


Mặc dù mọi quan điểm và những cách thức tư duy khác nhau đều giúp bạn một phần nào đó trong cuộc sống, tuy nhiên, nếu làm dụng suy nghĩ của người khác, bạn sẽ tự “trói buộc”suy nghĩ của mình. 
Tư duy nguyên bản giúp cho bạn có thể bước ra ngoài thế giới và xem xét những vấn đề từ cốt lõi của nó. Khi bạn thật sự hiểu về “nguyên bản”, bạn có thể quyết định giải pháp nào là hợp lí và không hợp lí. Cách thức tư duy này giúp cho bạn vượt qua khó khăn với những vấn đề mà bản thân gặp phải, đặc biệt khi làm một thứ gì đó lần đầu tiên hoặc tiếp cận với những vấn đề phức tạp.  

CÂU TRUYỆN THÀNH CÔNG TỪ FIRST PRINCIPLE:  ELON MUSK VÀ SPACE X 

Bạn biết gì về Elon Musk? Một người tại độ tuổi 46 và là chủ của những công ty tỷ đô như Paypal, Tesla Motor, Solar City và Space X? Hay là một thiên tài với trí thông mình và sự chăm chỉ của mình?  Elon Musk nổi tiếng với việc đi làm gần 100 giờ mỗi tuần trong suốt 15 năm và gần đây mới giảm xuống còn 85 giờ. Ông ít khi nghỉ trưa, làm nhiều công việc cùng một lúc, và vừa giải quyết email, vừa họp chiến lược với các đối tác. Với Musk, mình nghĩ mặt trời không bao giờ lặn. À, thêm nữa, là hồi lớp 4, thay vì đọc Pokémon như những đứa trẻ xung quanh, Musk đã bắt đầu đọc bách khoa toàn thư của Britannica.  
Nhưng những điều đó cũng không làm nên sự thú vị của vị tỷ phú tài ba này đối với mình, mà đó chính là cách mà Elon suy nghĩ: 
Trong trích dẫn từ “The Cook and the Chef: Musk’s Secret Sauce của Tim Urban, Elon Musk đã nói: 
“ I think people’s thinking process is too bound by convention or analogy to prior experiences. It’s rare that people try to think of something on a first-principles basis. They’ll say, “We’ll do that because it’s always been done that way.” Or they’ll not do it because “Well, nobody’s ever done that, so it must not be good. But that’s just a ridiculous way to think. You have to build up the reasoning from the ground up—“from the first principles” is the phrase that’s used in physics. You look at the fundamentals and construct your reasoning from that, and then you see if you have a conclusion that works or doesn’t work, and it may or may not be different from what people have done in the past.”
Tạm hiểu là:  
“Nhiều người quá phụ thuộc vào kiểu tư duy truyền thống và lối mòn, với việc tập trung vào những kinh nghiệm đã có trước đó. Rất ít người chịu khó suy nghĩ về những yếu tố căn bản và thường hay biện hộ rằng họ làm điều đó bởi vì “chúng luôn được làm như vậy”, hoặc vì chưa có ai làm điều đó, nên nó nhất định không tốt. Đây là một kiểu suy nghĩ rất buồn cười, và bạn cần phải xây dựng lập luận dựa trên những nguyên tắc cơ bản. Sau đó, hẵng kết luận là việc đó có làm được hay không, và nó sẽ khác với những việc mà mọi người đã làm như thế nào.”  
Cách tiếp cận của Musk được xuất phát từ những cái “đúng”, chứ không phải từ cảm tính. Điều cốt lõi là chúng ta không biết nhiều như chúng ta nghĩ, vì thế nên cảm tính không có độ chính xác cao. Chúng ta thường “lừa dối” bản thân bởi việc nghĩ rằng mình đã biết cái gì được và cái gì không được. 
Nhưng Musk lại suy nghĩ theo cách khác.  
Musk bắt đầu với mục tiêu mà ông ta chọn, như việc thực hiện một chiếc tên lửa, và đào sâu vào những nguyên tắc cơ bản để thực hiện nó. Từ đó, Musk xác định mình cần những ai để thực hiện, và làm cách nào để có được một cái giá cạnh tranh cho sản phẩm. Vì bạn biết đấy, tên lửa là một thứ cực kì đắt đỏ.  
Ah! Mà vì sao nó lại đắt đỏ nhỉ?
Đó cũng là câu hỏi mà Musk tự hỏi mình, và ông phát hiện ra giá làm ra những linh kiện cho tên lửa chỉ bằng 2% so với việc nhập chúng mà thôi. Thế là Elon Musk quyết định xây dựng một chuỗi sản xuất để thực hiện tạo ra tên lửa từ những phần nhỏ nhất. Khi mọi người nghĩ rằng luôn phải tốn $600 mỗi killowatt điện, Musk phân tích vì sao nó lại có giá đó, và đã có ai thực hiện với giá thấp hơn chưa? Những điều kiện để thực hiện việc đó là gì? Với Musk, không có giới hạn là những định kiến.  
Và cũng chính nhờ lối tư duy nguyên bản ấy, Space X đã ra đời, đặt ra cột mốc cho thế giới khi con người có thể di chuyển lên không gian và đến mọi nơi bằng tên lửa “giá rẻ”. 

FIRST PRINCIPLE TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY 

Chúng ta thường ít khi gặp khó khăn đối với những quyết định của mình cho đến khi có một người khác “xen vào”. Khi có nhiều góc nhìn khác nhau, chúng ta sẽ dễ bị “lạc trôi” và không chắc chắn được đâu mới là quan điểm đúng và hợp lí. Đứng trên quan điểm và lập trường của người khác để hành động, đôi khi có nghĩa là chúng ta chỉ có thể làm những gì mà họ cho là khả thi. Với “tư duy nguyên bản”, chúng ta có thể suy nghĩ thấu đáo hơn và vượt qua những “định kiến” mà bao đời nay được thực hiện dựa trên một niềm tin hoặc hạn chế của xã hội, khoa học.  
Mặt trời chân lý chói qua tim <3
Ngày hôm nay điều này không thực hiện được, không có nghĩa là ngày hôm sau không thực hiện được. Mình từng nghe rất nhiều những định kiến như: 
“Tôi không được đào tạo bài bản, làm sao mà tôi làm được như mấy người được đi học cơ chứ?” 
Suy nghĩ này là  kiểu suy nghĩ “đổ lỗi” thường nhật, việc bạn được “dạy” cái gì không quyết định việc bạn có thể “học” được những gì. Thế giới hiện nay có rất nhiều cơ hội, và việc học tập đã “phẳng” hơn rất nhiều. Và nếu bạn có kế hoạch học tập tốt và tập trung vào kiến thức của mình, đó chính là sự đào tạo “bài bản” cho bản thân rồi.  
Cuối cùng thì, chính suy nghĩ của chúng ta về mình là thứ trói buộc khả năng của chúng ta.
Nó không khiến chúng ta không làm được, mà nó khiến chúng ta không dám “nhìn nhận” là mình làm được, dẫn đến việc không làm gì cả. Hãy cố gắng sử dụng tư duy nguyên bản như một chiếc la bàn trước những việc mà bạn cảm thấy nó phức tạp hoặc làm lần đầu tiên, và tự tin thực hiện khi thấy mình đủ năng lực để làm việc ấy.  
Đó chính là chiếc chìa khóa “vạn năng” để mở mọi cánh cửa đến với khung trời tự do 
Hãy tập luyện phương pháp tư duy này để có thể nhận ra những cơ hội mà người khác không nhìn thấy nhé!
Chúc bạn thành công!
Bài viết được đề cập trong bài:
                                                                            From SimpleDay of Đăng