ELON MUSK - BẬC THẦY TƯ DUY ĐỘC LẬP
Tựa gốc: Elon Musk on the Power of Thinking for Yourself Link bài viết gốc: https://jamesclear.com/first-principles?fbclid=IwAR14cJSTeiNmQ_T3E0_lm8AXUZpLXCtayGVkWhzx_yIv7zqUqRy8MwCSDUs...
Tựa gốc: Elon Musk on the Power of Thinking for Yourself
Link bài viết gốc: https://jamesclear.com/first-principles?fbclid=IwAR14cJSTeiNmQ_T3E0_lm8AXUZpLXCtayGVkWhzx_yIv7zqUqRy8MwCSDUs
Tác giả: JAMES CLEAR
Việt dịch: Bao Nguyen
Tư duy nguyên tắc đầu, hay thỉnh thoảng được gọi là sự biện luận từ nguyên tắc đầu, là một trong những sách lược hữu hiệu nhất mà bạn có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề phức tạp và đề xuất các giải pháp sơ khởi. Và đó cũng có thể là cách tiếp cận tốt nhất để tư duy độc lập.
Các cách tiếp cận tư duy nguyên tắc đầu đã và đang được áp dụng bởi những tư duy tầm cỡ, trong đó có nhà đầu tư Johannes Gutenberg, nhà chiến lược quân sự John Boyd, và nhà triết học cổ đại Aristotle, nhưng chẳng ai áp dụng tư duy nguyên tắc đầu hiệu quả như Elon Musk.
Năm 2002, Musk bắt đầu cuộc thực nghiệm đưa tên lửa đầu tiên lên sao Hỏa—một ý tưởng mà sau này đưa đến việc thành lập hãng hàng không vũ trụ SpaceX.
Đọc thêm:
Ông ấy bắt tay vào cuộc thử thách một cách mau mắn, không do dự. Sau những chuyến tham quan nhiều hãng hàng không vũ trụ trên thế giới, Musk phát hiện giá của một chiếc tên lửa lên tới 65 triệu đô. Với giá đắt xắt ra miếng như vậy, ông bắt đầu suy nghĩ lại việc này.
“Tôi có xu hướng tiếp cận mọi thứ trên nền vật lý,” Musk đã nói như thế trong một lần phỏng vấn. “Vật lý dạy bạn suy luận từ nguyên tắc đầu thay vì chỉ chấp nhận thuộc tính của vạn vật. Vì thế tôi nói, okay, hãy nhìn vào nguyên tắc đầu. Tên lửa làm từ cái gì? Hợp kim nhôm chuyên dùng trong ngành hàng không vũ trụ, cộng thêm titan, đồng, và sợi cacbon. Rồi tôi hỏi tiếp, thế thì giá của chúng trên thị trường là bao nhiêu? Hóa ra mua hết các nguyên liệu đó chỉ tốn trên dưới 2% giá thông thường của một chiếc tên lửa.”
Thay vì mua luôn một chiếc tên lửa với giá hàng chục triệu đô, Musk quyết định thành lập một công ty, mua những nguyên liệu thô với giá rẻ, và tự chế tạo tên lửa. SpaceX ra đời.
Trong vài năm, SpaceX giảm đi chi phí sản xuất một chiếc tên lửa gần 10 lần giá trước đó mà vẫn thu được khoản hời. Musk vận dụng tư duy nguyên tắc đầu để phân rã vấn đề tới mức nguyên bản của nó, phá vỡ rào cản chi phí của ngành hàng không vũ trụ, và tạo nên nhiều giải pháp hiệu quả.
Tư duy nguyên tắc đầu là hành động phân rã một tình huống đến những điều mà bạn biết chắc là đúng, và triển khai ra từ đó. Hãy bàn về việc bạn có thể vận dụng tư duy nguyên tắc đầu như thế nào trong cuộc sống và công việc.
ĐỊNH NGHĨA TƯ DUY NGUYÊN TẮC ĐẦU
Nguyên tắc đầu là một nhận định cơ bản mà không thể truy nguyên thêm được nữa. Hơn hai ngàn năm trước, Aristotle đã định nghĩa nguyên tắc đầu là “cơ sở đầu tiên mà một thứ được biết đến.”
Tư duy nguyên tắc đầu là cách nói đặc biệt của câu “tư duy như một nhà khoa học.” Các nhà khoa học không nhận định mọi thứ. Họ bắt đầu với những câu hỏi như, “Điều gì thực sự đúng trong những điều ta chắc chắn đúng?", "Cái gì sẽ được chứng minh?"
Về lý thuyết, tư duy nguyên tắc đầu đòi hỏi bạn phải đào sâu hơn, sâu hơn nữa cho đến khi nào còn lại sự thật nền tảng (cái gốc của vấn đề). Rene Descartes, triết gia và là nhà khoa học Pháp, đã khái quát cách tiếp cận này bằng một phương pháp mà ngày nay gọi là Cartesian Doubt trong đó ông nói “hoài nghi một cách có hệ thống tất cả những gì tôi có thể hoài nghi cho đến khi nào còn lại những điều không thể chối cãi.”
Trên thực tế, bạn không nhất thiết phải đơn giản hóa mỗi vấn đề đến cấp độ nguyên tử của chúng để được ích lợi từ duy nguyên tắc đầu. Chỉ cần đi sâu thêm một hay hai cấp độ hơn hầu hết mọi người là được. Những phương án khác nhau xuất hiện ở các lớp trừu tượng khác nhau. John Boyd, phi công chiến đấu kiêm nhà chiến lược quân sự nổi tiếng, đã tạo ra một bài trắc nghiệm tư duy sau đây, trình bày cách sử dụng tư duy nguyên tắc đầu một cách rất thực tế. Tưởng tượng bạn có ba thứ sau:
Một chiếc thuyền máy kéo theo người lướt sóng phía sau
Một chiếc xe tăng quân đội
Một chiếc xe đạp
Bây giờ, hãy chia các mục này thành các phần cấu thành của chúng:
Thuyền máy: động cơ, vỏ tàu, và một đôi ván trượt.
Xe tăng: bệ kim loại, áo giáp bọc thép, và súng.
Xe đạp: tay lái, bánh xe, bánh răng, và yên xe.
Bạn có thể tạo ra thứ gì từ những phần tử này? Một lựa chọn là tạo ra xe trượt tuyết từ tay lái và yên xe, bệ kim loại của xe tăng, động cơ và ván trượt từ tàu.
Đọc thêm:
Đây là quá trình tư duy nguyên tắc đầu, nói một cách ngắn gọn: phân rã bài toán về tận cùng cơ bản nhất và rồi kết nối tất cả chúng lại, thành ra một giải pháp hữu hiệu. Phân rã rồi lại tái lập.
CÁCH TƯ DUY NGUYÊN TẮC ĐẦU THÚC ĐẨY SỰ ĐỔI MỚI
Ví dụ về chiếc xe trượt tuyết cũng làm bật lên một biểu hiện khác của tư duy nguyên tắc đầu, đó là sự kết hợp của nhiều ý tưởng từ những lĩnh vực mà tưởng chừng chả mấy liên quan gì nhau. Một chiếc xe tăng và một chiếc xe đạp dường như không có điểm chung, nhưng các phần của xe tăng và xe đạp có thể kết hợp để phát triển sự đổi mới – một chiếc xe trượt tuyết.
Những ý tưởng đột phá nhất trong lịch sử cũng là kết quả từ việc phân rã đến nguyên tắc đầu và rồi đưa ra một giải pháp hiệu quả hơn cho một trong các nhân tố chìa khóa.
Thí dụ, Johannes Gutenberg đã kết hợp công nghệ của máy ép trục vít— một thiết bị được sử dụng để làm rượu—công nghệ in chữ rời, giấy, và mực để tạo ra chiếc máy in. Mà trước đó, công nghệ in chữ rời đã phổ biến được hàng thế kỷ, nhưng Gutenberg là người đầu tiên nghĩ đến các bộ phận cấu thành của quy trình và điều chỉnh công nghệ từ một lĩnh vực hoàn toàn khác để làm cho việc in ấn hiệu quả hơn nhiều. Kết quả là một sự đổi mới thay đổi thế giới và là cuộc cách mạng về phân phối thông tin rộng rãi lần đầu tiên trong lịch sử.
Giải pháp tối ưu không nằm ở nơi mà mọi người đã nhìn thấy.
Tư duy nguyên tắc đầu giúp bạn tập hợp thông tin từ các lĩnh vực khác nhau để tạo nên những ý tưởng mới, những sự đổi mới. Bạn bắt đầu bằng việc đi vào thực tế. Một khi bạn đã có nền tảng, bạn có thể lên kế hoạch để cải thiện từng phần nhỏ. Bằng một cách tự nhiên, quá trình này đưa chúng ta đến một khung trời các sản phẩm thay thế tốt hơn.
CHƯỚNG NGẠI CỦA TƯ DUY NGUYÊN TẮC ĐẦU
Tư duy nguyên tắc đầu có thể được mô tả dễ dàng, nhưng thật khó để thực hành. Một trong những chướng ngại cơ bản đối với tư duy nguyên tắc đầu chính là xu hướng tối ưu hình thức hơn là tính năng. Câu chuyện về chiếc vali sau đây đưa ra một ví dụ khá hoàn hảo.
Thời La Mã cổ đại, những người lính sử dụng túi da và túi đeo chéo để mang thức ăn khi cưỡi ngựa qua vùng nông thôn. Vào thời điểm ấy, người La Mã có những phương tiện với bánh xe được biết như là xe ngựa các loại (chariots, carriages, hay wagons). Tuy nhiên, trong hàng ngàn năm, không ai nghĩ đến việc kết hợp túi và bánh xe. Chiếc vali kéo đầu tiên mãi cho đến năm 1970 mới được phát minh khi mà Bernard Sadow đang vận chuyển hành lý của mình qua một sân bay và nhìn thấy một công nhân đang lăn một chiếc máy nặng trên đường trượt có bánh xe.
Trong suốt những năm 1800 và 1900, túi da chuyên dụng cho các mục đích cụ thể — balo đi học, balo để đi bộ đường dài, va li đi du lịch. Dây kéo được thêm vào balo vào năm 1938. Balo nylon được bán lần đầu tiên vào năm 1967. Mặc dù đạt được những sự cải tiến như vầy, hình dáng của chiếc túi hầu như không đổi. Các nhà đổi mới đã dành toàn bộ thời gian để thực hiện các những sự lặp lại trên cùng một chủ đề.
Những thứ mà chúng ta tưởng là đổi mới thường là sự lặp lại của các hình thức trước đó hơn là cải tiến chức năng cốt lõi. Trong khi những người khác vẫn tập trung vào chuyện làm thế nào để tạo nên một cái túi tốt hơn (hình thức), thì Sadow lại suy xét đến việc làm sao để lưu trữ và di chuyển đồ đạc hiệu quả hơn (tính năng).
TƯ DUY ĐỘC LẬP NHƯ THẾ NÀO?
Xu hướng bắt chước của con người là rào cản phổ biến đối với tư duy nguyên tắc đầu. Khi hầu hết mọi người hình dung về tương lai, họ hoạch định cho hình thức hiện tại hơn là phớt lờ nó và hoạch định cho tính năng.
Thí dụ, khi lên án sự phát triển của công nghệ một số người đòi hỏi rằng, “Các ông đã làm ra những chiếc xe bay chưa?”
Đây là câu trả lời: Chúng ta đã có những chiếc xe bay rồi kia. Chúng được gọi là máy bay còn gì. Người nào hỏi những câu kiểu như vậy thì chứng tỏ họ quá chú trọng về mặt hình thức (một vật thể bay có dạng như một chiếc xe hơi) và bỏ qua tính năng (di chuyển trên không). Đây là điểm mà Elon Musk đề cập khi ông nói rằng nhân loại thường “sống theo số đông”.
Hãy cẩn trọng với những ý tưởng mà bạn tiếp thu. Những luật lệ cũ và các hình thức trước đó thường được chấp nhận mà không có bất kỳ câu hỏi nào đặt ra, và, một khi được chấp nhận, chúng bị rào xung quanh bởi một ranh giới mà sự sáng tạo bị bỏ lại bên ngoài.
Sự khác biệt này là điểm phân biệt then chốt giữa cải tiến liên tục và tư duy nguyên tắc đầu. Cải tiến liên tục có xu hướng xảy ra trong ranh giới được thiết lập bởi tầm nhìn ban đầu. Trong khi đó, tư duy nguyên tắc đầu đòi hỏi bạn buông bỏ sự chấp nhặt với các hình thức trước đó và đặt tính năng ở vị trí trung tâm. Chúng ta đang cố gắng để gặt hái điều gì? Đâu là kết quả đầu ra đáp ứng về mặt tính năng mà chúng ta đang tìm kiếm?
Tối ưu tính năng. Không chấp vào hình thức. Đây là cách bạn học để tư duy độc lập.
SỨC MẠNH CỦA NGUYÊN TẮC ĐẦU
Trớ trêu thay, có lẽ cách tốt nhất để phát triển các ý tưởng tiến bộ là bắt đầu bằng việc phân rã mọi thứ đến mức cơ bản. Thậm chí nếu như bạn trong cố gắng phát triển những ý tưởng sáng tạo, hiểu nguyên tắc đầu trong chuyên môn của bạn là cách để sử dụng thời gian một cách thông mình. Nếu những vấn đề cơ bản mà còn không nắm vững thì đừng mơ nghĩ đến các cơ hội cạnh tranh.
Mỗi sự đổi mới, gồm cả những đột phá, đòi hỏi một quá trình dài của sự lặp đi lặp lại và cải tiến. Như SpaceX đã thực hiện rất nhiều cuộc mô phỏng, tiến hành hàng ngàn cuộc sửa đổi, thử nghiệm khác nhau trước khi họ nhận ra cách trước khi họ tìm ra cách chế tạo một tên lửa giá mềm và có thể tái sử dụng.
Tư duy nguyên tắc đầu không bác bỏ nhu cầu cải tiến liên tục, nhưng là thay đổi hướng cải tiến. Không có nó, bạn dùng thời gian của mình để thực hiện một số thay đổi nhỏ trên chiếc xe đạp thay vì xe trượt tuyết. Tư duy nguyên tắc đầu đưa bạn vào một quỹ đạo khác.
Nếu bạn muốn nâng cao hiệu suất quy trình sẵn có hoặc củng cố niềm tin thì sự cải tiến liên tục là một lựa chọn tuyệt vời. Còn nếu bạn muốn học cách tư duy độc lập, tư duy nguyên tắc đầu là một trong những cách tốt nhất để làm điều đó.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất