"Em yêu mưa, nhưng em sẽ bung dù khi trời đổ mưa"
Trong Tiếng Anh có một từ rất hay là Paradox (tạm dịch: nghịch lý). Đây không chỉ là thuật ngữ dùng riêng cho triết học phản biện, toán học chứng minh mà còn được áp dụng trong rất nhiều bối cảnh của cuộc sống.
Trong Tiếng Anh có một từ rất hay là Paradox (tạm dịch: nghịch lý). Đây không chỉ là thuật ngữ dùng riêng cho triết học phản biện, toán học chứng minh mà còn được áp dụng trong rất nhiều bối cảnh của cuộc sống. Dạo gần đây, tôi có đọc được một áng thơ tương truyền là của Shakespeare:
"You say that you love rain,
But you open your umbrella when it rains.
You say that you love the sun,
But you find a shadow spot when the sun shines.
You say that you love the wind,
But you close your window when the wind blows.
This is, why i am afraid,
You say that you love me too."
Tôi không biết tác giả đã kịp đặt tên cho những vần thơ này hay chưa nhưng nếu được quyền tạo đề, tôi chắc hẳn sẽ chọn Paradox. Con người vốn là một tổng thể của những đối lập, mâu thuẫn, giằng xé.
Chúng ta mong cầu được yêu thương nhưng lại không dám cho đi nhiều, không muốn dâng hiến. Chúng ta sợ bản thân thiệt thòi hay nói cách khác con người có xu hướng vị kỉ. Đa phần chúng ta đều giống như anh chàng Narcissus say đắm ngắm mình dưới mặt nước, trông chờ sự tán dương, ca tụng nhiều hơn là những yêu thương chân thật. Dù có ngoại hình xuất sắc, thành tích đáng nể hay điều kiện tài chính ổn định thì khi bước vào con đường tình ái, tất cả đều như nhau, đều phải cho đi mới có thể nhận lại. Sai lầm lớn nhất của chúng ta là luôn đặt câu hỏi: “Người có điều kiện tốt như tôi mà không xứng đáng được yêu ư?”.
Chúng ta đòi hỏi sự thấu hiểu nhưng ít khi chịu đặt mình vào vị trí đối phương. Người Anh có một câu thành ngữ rất hay: “Put yourself in other’s shoes” (tạm dịch: Đặt bản thân vào vị trí của người khác). Chàng trai thắc mắc tại sao cô gái cứ phải o ép bản thân trong đôi cao gót chông chênh tận 10cm mà không biết rằng đó là vì sự tự ti, mặc cảm về ngoại hình bản thân. Cô gái trách chàng trai sao đi đôi giày thể thao quá suồng sã, tầm thường nhưng nào biết đây là món quà kỉ niệm mà người cha quá cố dành tặng anh. Thế rồi, cuộc chia tay diễn ra với lí do muôn thuở “chưa đủ hiểu nhau”. Nhưng con người ta vốn sinh ra và trưởng thành trong những hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau nếu không chịu bước sang phía đối diện để ngẫm ngợi thì sự thấu cảm là quá xa xỉ.
Chúng ta than vãn về sự cô đơn nhưng lại không muốn mở cửa trái tim. Con người vốn dễ thích nghi và cũng vì thế mà dễ bị ảnh hưởng. Những hình ảnh các cặp đôi trên mạng xã hội, những bài viết diễm tình trên khắp mặt báo, trận gió mùa đầu đông khiến người ta bị lừa rằng mình cô độc. Nhìn thấy nhỏ bạn có người đón kẻ đưa, anh đồng nghiệp có cô người yêu xinh xắn đều đặn mỗi buổi trưa mang cơm lên văn phòng khiến ai chẳng có chút chạnh lòng. Thế nhưng, đến lúc có những quan tâm bủa vây, chúng ta lại thấy phiền hà, thấy rắc rối và rồi lại thèm cảm giác một mình. Đó cũng chính là cách chúng ta vẫn đang làm tổn thương lẫn nhau để rồi tìm một lí do biện minh cho bản thân: “Chưa sẵn sàng để yêu”.
Chúng ta khao khát được nói nhưng chẳng mấy khi chịu lắng nghe. Giáo dục ngày nay đang khuyến khích con trẻ tự do ngôn luận, tự tin trình bày quan điểm trước đám đông. Đây là một bước tiến dài của các nhà giáo dục hiện đại nhằm đào tạo nên những đứa trẻ có khả năng tranh biện xuất chúng. Tuy nhiên, hình như chúng ta vẫn đang thiếu, thiếu kĩ năng lắng nghe. Tôi cho rằng lắng nghe khó hơn phát ngôn rất nhiều. Đó là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự kiên nhẫn, chia sẻ và cảm thông. Trong những cuộc hẹn cafe, người ta luôn hứng thú, say mê nói về công việc, sở thích của bản thân nhưng lại chẳng mảy may để ý khi đối phương chia sẻ câu chuyện của họ. Để rồi khi xảy ra mâu thuẫn, xích mích, cãi vã, chúng ta lại nhanh chóng trở về là những đứa trẻ trong cuộc tranh biện trên giảng đường, nỗ lực để dành phần thắng. Tôi không biết liệu chiến thắng ấy có vinh quang hay chỉ là một chiếc cúp rỗng vô nghĩa?
Chúng ta mong muốn được tin tưởng nhưng lại không thể từ bỏ sự hoài nghi. Chất nhựa nuôi dưỡng một mối quan hệ chính là lòng tin. Gần đây, có một ứng dụng được rất nhiều người sử dụng có tên Zenly. Ứng dụng không có chức năng gì đặc biệt ngoài định vị xem bạn trai/ bạn gái bạn đang ở đâu. Lưu lượng người sử dụng tăng đột biến của ứng dụng điện thoại này cho thấy sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa mỗi chúng ta ngày càng lớn. Các cặp đôi ngày nay thường nắm giữ mật khẩu điện thoại, Facebook, Instagram của nhau như một cách thức “gia cố” niềm tin. Nhưng chính những “thủ tục” ấy đã và đang vô tình khiến mối quan hệ của chúng ta trở nên kém lãng mạn, kém thành thực. Người ta làm mọi cách để chứng minh mình đáng tin, để đối phương có thể yên tâm “cởi nỗi lòng” nhưng lại chẳng thể giấu đi sự nghi ngờ trong đáy mắt.
Chúng ta mong muốn ở bên nhau nhưng rồi lại thấy phiền toái. Cảm giác tồi tệ nhất chắc hẳn là vào những ngày se lạnh nhìn đôi lứa tay trong tay chở nhau dạo phố. Lúc ấy chỉ ước có người cùng mình ghé hàng chè sắn quen thuộc nhìn làn khói nghi ngút rồi trở về nhà ôm nhau nằm trong chăn chẳng làm gì cả ngày cũng thấy vui. Nhưng rồi khi có thể dành cho nhau không chỉ một ngày mà là nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, chúng ta lại thấy nhàm chán, phiền phức. Chẳng còn cái đan tay mỗi tối, những cái ôm dịu dàng, ngọt môi hôn đắm đuối, cả hai bắt đầu cần cho mình không gian riêng, quỹ thời gian riêng, mối quan hệ riêng … và cuối cùng là những khoảng trời riêng.
Chúng ta muốn đối phương ưu tú nhưng chẳng hề tự trau dồi bản thân. Phim bộ Hàn Quốc không chỉ là phương thức quảng bá du lịch của xứ sở kim chi mà vô hình chung còn vẽ nên những viễn tưởng không thể tươi đẹp hơn về tình yêu đôi lứa. Hầu hết các bộ phim dài tập Hàn Quốc đều có motif nữ chính có xuất thân tầm thường lại có chút khờ khạo, ngốc nghếch nhưng sẽ may mắn kết duyên với một anh chàng tuấn tú, gia đình tài phiệt lại có tấm lòng nhân ái bao la. Thế nhưng, tiếc thay diễn biến của phim truyền hình và quy luật cuộc đời lại vận hành theo hai hướng đối nghịch. Đừng ăn mặc xuề xòa, móng tay không dũa, ngoại ngữ không giỏi, cũng chẳng biết nhiều về thời trang nhưng lại mơ mộng về bạch mã hoàng tử ở chốn nào xa xôi. Đừng tóc tai luộm thuộm, tin học không biết, thể thao, nghệ thuật không hay mà lại ước ao được sánh vai với những cô công chúa tuyệt trần của vương quốc cổ tích lung linh, huyền ảo. Để có thể làm bạn đời của Mr Big, ít nhất bạn phải là Carrie - biên tập viên hàng đầu của The New York Star (Sex and the city). Đây không phải câu chuyện “xứng đáng” mà là sự tương thích, phù hợp của hai cá nhân trong một mối quan hệ.
Yêu
/yeu
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất