Đông Phương Bất Bại và transphobia
Sự hiểm độc của Quỳ hoa bảo điển nằm ở ngay binh khí: kim thêu, kín đáo mà nhằm vào những yếu huyệt trên cơ thể đối phương. Kim thêu...
Sự hiểm độc của Quỳ hoa bảo điển nằm ở ngay binh khí: kim thêu, kín đáo mà nhằm vào những yếu huyệt trên cơ thể đối phương. Kim thêu là hiện thân của sự thâm độc.
Còn cơ thể bị thiến là hiện thân của gì?
Những người đọc Tiếu ngạo giang hồ với lập trường của queer theory kết án tư tưởng Kim Dung là transphobic, họ cho rằng cơ thể bị thiến là hiện thân của tà ác. Nhưng cách đọc này chẳng khác nào cầm trên tay cây búa nhìn đâu cũng thấy đinh.
Thế giới của Tiếu ngạo giang hồ là thế giới như thế nào? Ngay từ đầu tác phẩm là ta thấy ngay một màn đấu tố rợn người của "danh môn chính phái", ép Lưu Chính Phong phải giết tri kỷ Khúc Dương, chỉ vì Khúc Dương là người của "ma giáo".
Kết giao với "ma giáo", Lưu Chính Phong khiến cả nhà chết sạch không còn con gà con chó. Đủ thấy võ lâm lúc này sặc mùi bảo thủ, chấp trước không khác gì Diệt Tuyệt sư thái, không khác gì mấy bông quỳ hoa hướng mãi về phía ánh triều dương chân lý chói qua tim.
Quỳ hoắc khuynh thái dương
Vật tính cố nan đoạt.
(Đỗ Phủ, Vịnh hoài ngũ bách tự)
Vật tính cố nan đoạt.
(Đỗ Phủ, Vịnh hoài ngũ bách tự)
Nhưng Diệt Tuyệt sư thái tuy bảo thủ mà có nguyên tắc, minh bạch, rõ ràng, còn những kẻ như Tả Lãnh Thiền hay Nhạc Bất Quần thì trước mặt ra vẻ thiết diện vô tư, sau lưng lại không từ bất kỳ thủ đoạn nào để thủ tiêu ám toán những người ngáng đường danh vọng của mình.
Trong một thế giới vừa nặng nề thành kiến lại vừa chính tà lẫn lộn, bá chủ võ lâm hiển nhiên phải là một kẻ ngụy quân tử, nửa chính nửa tà, âm dương bất định.
Lúc này, chọn cơ thể luyện võ như một biểu tượng để thể hiện tính chất hai mặt, nửa này nửa kia, hiển nhiên không còn thuộc tính nào phù hợp hơn giới tính sinh học. Cơ thể bị thiến lúc này là hiện thân cho sự hai mặt, và một cách sống "không có hậu".
Mặt khác, với dụng ý phục vụ quần chúng, Kim Dung chắc chắn sẽ lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với thời của ông - thời mà vấn đề LGBT chưa được đặt lên bàn thảo luận trong các chương trình nghị sự về quyền con người.
Cách đọc Tiếu ngạo giang hồ của Từ Khắc và Vu Chính cũng có đôi chút điều đáng nói, nhưng tôi vẫn thích nguyên tác của Kim Dung hơn cả.
* * *
Đỗ Long Vân cũng có cái nhìn cấu trúc luận. Nhưng thời điểm Vô kỵ giữa chúng ta ra đời thì có lẽ vẫn chưa có hai tuyệt tác là Tiếu ngạo giang hồ và Lộc đỉnh ký.
Kim Dung có một sự nghiệp trọn vẹn, và nó vừa đúng một con đường. Nhìn lại trình tự sáng tác về mặt thời gian sẽ thấy được con đường Kim Dung: Xạ điêu tam bộ khúc, đến Thiên Long Bát Bộ, đến Tiếu ngạo giang hồ, rồi đến Lộc Đỉnh Ký.
Càng về sau, "nội lực" Kim Dung càng thâm hậu, với sự cho ra đời liên tiếp ba nhân vật nam chính đi giữa hai làn đạn: Tiêu Phong (giữa người Khiết Đan và người Hán), Lệnh Hồ Xung (giữa "danh môn chính phái" và "bàng môn tả đạo") và Vi Tiểu Bảo (giữa Đại Thanh và các thế lực phản Thanh phục Minh).
Kim Dung là người đã tạo ra bước chuyển từ tiểu thuyết võ hiệp cổ điển sang một kiểu tiểu thuyết võ hiệp mới. Nhưng cũng chính Kim Dung đã khép lại võ hiệp. Với Vi Tiểu Bảo, người anh hùng chính thức biết mất, con người trở về với bản thể phức tạp, mâu thuẫn nhất và cũng tầm thường nhất.
23.03.20
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất