Chúa Ruồi bắt đầu với một bối cảnh được tạo ra quen thuộc: Giữa hoang đảo xa xôi cùng những đứa trẻ bị lạc không có người lớn. Điều này dễ làm người đọc liên tưởng đến những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Huckleberry Finn hay Gulliver,.. Bối cảnh quen thuộc đó dường như là công thức hoàn hảo cho một cuốn sách phiêu lưu đầy ngoạn mục và khám phá như bất kỳ cuốn sách nào khác. Tuy nhiên, Chúa Ruồi của William Golding lại không giống với bất kỳ cuốn truyện phiêu lưu nào về trẻ nhỏ mà bạn đã từng đọc. Vậy lý do là gì?

Cuộc đụng độ Thiện - Ác trong hiện thực tàn khốc.

Chúa Ruồi lấy bối cảnh trong một cuộc di tản thời chiến, chiếc máy bay của Anh bị rơi trên hòn đảo hoang xa xôi ở Thái Bình Dương. Những người sống sót duy nhất sau tai nạn là đám trẻ nhỏ. Không luật lệ, không người lớn cùng sự hấp dẫn của việc tự do, thỏa thích khám phá trước thiên nhiên hùng vĩ đã mang đến những nhận thức mới trong suy nghĩ của chúng. Chúng bắt đầu quá trình tạo lập kỷ luật trên đảo hoang bằng cái tù và vỏ ốc và bằng một thủ lĩnh được bầu ra. 
Những ngày đầu, các cậu bé tỏ ra văn minh, mọi thứ bắt đầu khá suôn sẻ. Chúng thảo luận về việc tạo ra khói để được cứu và săn bắt để cung cấp lương thực hằng ngày. Công việc được phân chia rõ ràng bởi Ralph là chỉ huy của nhóm.
Tuy nhiên, sau một thời gian Jack và nhóm săn bắn ngày càng quan tâm đến việc giết heo để kiếm thịt. Chúng bắt đầu vẽ mặt và theo dõi loài vật để săn bắn. Ngoài ra, tất cả chúng đều sợ một con thú tưởng tượng trong rừng. Các cậu bé bắt đầu coi Jack như một người bảo vệ và tìm đến cậu để lãnh đạo.
Trước tình hình đó, xung đột gia tăng giữa Ralph và Jack xảy ra. Hầu hết các cậu bé trên đảo đều gia nhập bộ lạc của Jack, ngoại trừ Ralph, Piggy, Sam, Eric và một vài đứa trẻ. Jack và nhóm đã trở thành những kẻ man rợ dành toàn lực tham gia vào các cuộc săn bắn và lập ra một tòa thành mới. 
Chúa Ruồi ( Ảnh : ST )
Chúa Ruồi ( Ảnh : ST )
Năm 1954, William Golding viết Chúa Ruồi khi thế giới đang ở giữa cuộc Chiến tranh Lạnh thầm lặng nhưng đáng sợ. Cuốn sách không chỉ là câu chuyện về những cậu bé sống sót sau khi máy bay của chúng bị rơi trên đảo hoang; nó còn là một cuốn tiểu thuyết ngụ ngôn về những xung đột giữa sự man rợ và bản chất tốt đẹp của con người.  
Khi bàn về nhân vật chính và nhân vật phản diện, thật khó để xác định họ là ai, vì trên thực tế, Chúa Ruồi không chỉ là một cuốn sách về những cậu bé đang trên hành trình trưởng thành và trở nên độc lập. Nó mang một ý nghĩa sâu sắc, tinh tế hơn, khiến người đọc đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của mặt trái đạo đức và cái ác đến tột cùng. 
Trong quá trình cảm nhận tác phẩm, chắc hẳn bất kì ai trong chúng ta cũng tự đặt câu hỏi cho bản thân về các quyết định và hành động của Ralph, Piggy, Jack hay cả những cậu bé khác cho đến khi chính ta cũng thực sự không thể hiểu được chuyện gì xảy ra đã chia cắt bọn chúng và tạo ra một mâu thuẫn quá sức tưởng tượng như trong cuốn truyện. Và rồi sau cùng, sự ngây thơ của lũ trẻ mất đi và cuộc sống của chúng sẽ không bao giờ được như trước nữa.

Cái tát vào nhân tính con người

Tính biểu tượng là một trong những yếu tố khiến Chúa Ruồi trở thành cuốn sách nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất trong lịch sử. William Golding đã trình bày một câu chuyện đáng nhớ đầy ám ảnh về các nhân vật - những đứa trẻ được khắc họa một cách tinh tế và chân thực.
Chúa Ruồi không phải cuốn sách đọc một lần là bạn có thể cảm nhận được tất cả những gì tác giả muốn truyền tải. Nó có thể là cuốn sách mà mỗi lần đọc, bạn lại rút ra được những chiêm nghiệm khác biệt. 
Cha đẻ của Chúa Ruồi -  William Golding
Cha đẻ của Chúa Ruồi - William Golding
Với việc xây dựng một bối cảnh quen thuộc như các cuộc phiêu lưu thường thấy trên hoang đảo, song William Golding lại triển khai nó thành một hành trình tìm kiếm sự sống đầy bất ngờ và ám ảnh. Ban đầu, tác giả thành toại cho ước mơ của tất cả lũ trẻ khi chúng có cả một hòn đảo để tự mình vui chơi mà không có bất kỳ quy tắc hay sự cằn nhằn nào từ người lớn. Tuy nhiên, ước mơ thoải mái tự do này dần dần đã biến thành cơn ác mộng hỗn loạn đầy ác độc.
Không chỉ là một cuốn sách phiêu lưu dành cho trẻ em, tiểu thuyết của Golding cũng khiến người đọc buộc phải ý thức về một số vấn đề bao gồm: xã hội, bản chất con người, thiện và ác, cách cân bằng các mối quan hệ. 
Piggy - một trong những nhân vật nổi bật trong Chúa Ruồi từng đưa ra những sự lựa chọn:
Cái gì tốt hơn - làm một đám mọi vẽ mình vằn vện như tụi bay hay là biết nghĩ như Ralph?
Cái gì tốt hơn - có quy củ và sự nhất trí hay là săn bắt và giết chóc?
Cái gì tốt hơn - có luật lệ và được cứu thoát hay săn bắt và mọi chuyện hỏng bét hết? 
Điều này là ẩn dụ cho việc con người thực sự văn minh đến mức nào và chúng ta có thể rơi vào một đám đông điên rồ nhanh như thế nào. Qua đó, nó đặt câu hỏi cho người đọc rằng liệu đây chỉ là câu chuyện cho những đứa trẻ chưa trưởng thành hay một phép ngụ ngôn khác cho thế giới người lớn? Cuối cùng, nó khiến người đọc suy nghĩ về sự cai trị của đám đông có thể đẩy những người yếu thế xuống vực thẳm ra sao và có bao nhiêu người dám đứng lên chống lại bầy đàn để tiếp tục sống tiếp.
Đặc biệt, Chúa Ruồi đã thực sự mô tả mạnh mẽ về bản chất con người và vai trò của nó trong sự trỗi dậy và sụp đổ của nền dân chủ. Trên tất cả, trọng tâm của câu chuyện cho ta thấy mọi mặt của con người, về cái thiện, cái ác và cả sự sợ hãi. Nó giống như một cái tát vào nhân tính con người để chúng ta có thể nhận ra mình đang theo hướng nào và cần thay đổi như thế nào.

Cuối cùng, bản chất thực sự của con người là gì?

Với ngôn từ sắc sảo và thần kì của mình, William Golding đã khiến người đọc buộc phải suy nghĩ về “lối đi” mình sẽ hướng tới khi bị dồn đến bước đường cùng. Bạn sẽ là Jack cứng đầu tham lam quyền lực hay Ralph khôn ngoan và kiên cường với con đường mình chọn? Tuy nhiên, dù là gì thì sau cùng, cái thiện vẫn được cứu sống còn cái ác thì bị lụi tàn trong biển lửa.
Kết thúc hành trình câu chuyện là một ngọn lửa cháy rực. Nó giống như một ẩn dụ về sự tha hóa của con người trong cuộc sống. Một khi bị dồn đến chân tường, người ta có thể làm bất cứ điều gì tệ hơn. Đơn giản vì họ muốn kết thúc mọi thứ để tự giải thoát cho chính bản thân. Lũ trẻ trong Chúa Ruồi chính là hiện thân của ước muốn được sống của con người.
William Golding đã đưa cho người đọc nhiều bài học sâu sắc khi đến với Chúa Ruồi. Hình ảnh Jack và lũ trẻ tách đoàn lập nên tòa thành mới là biểu hiện của sự tha hóa trong tâm hồn. Sự tha hóa ấy chính là bản ngã của con người và ai trong chúng ta hầu như cũng đã từng làm điều đó. Một lần nữa, tác phẩm đánh thẳng vào mặt tối bên trong, vào bản chất độc ác và ích kỷ của loài người. Một người nếu chỉ biết nghĩ cho bản thân thì sự sống đó gần như vô nghĩa. 
Qua Chúa Ruồi, ắt hẳn tác giả cũng muốn độc giả của mình tu tâm dưỡng tính. Mỗi cá thể phải tự rèn luyện cho mình những đức tính khiêm nhường, kiên nhẫn trong cuộc sống. Có như thế bạn mới có thể tồn tại và không sa vào các tệ nạn xã hội. Trong bản chất của con người luôn tồn tại song song mặt thiện và mặt ác, chỉ là bạn chọn loại trừ mặt nào và phát triển mặt nào mà thôi.
Chúa Ruồi có thể được coi là một cuốn truyện hành động sinh tồn đầy tính khiêu khích. Đến với áng văn chương của William Golding, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những sự thay đổi kinh hoàng của con người, trước sự đụng độ ác liệt của thiện ác để rồi nhận ra rằng, nếu không rèn luyện bản thân, ta sẽ thật khó có thể chế ngự “con quỷ” trong mình. 
Nếu bạn chưa từng đọc Chúa Ruồi trước đây, mình tin bạn không nên trì hoãn thêm bất kì giây phút nào nữa để bắt đầu lật dở nó!