Điều gì đang chờ đợi Vladimir Putin?
Bài viết này là cơ sở thích hợp để tôi chính thức đưa ra quan điểm cá nhân về Chiến tranh Nga - Ukraine, đồng thời đưa ra vài nhận xét về tác động của cuộc chiến này lên nước Nga và ông Putin.
Lời đầu tiên
Kính chào quý độc giả,
Trong hai tháng vừa qua, vì một số lý do cá nhân nên tôi đã không thể tham gia bình luận và viết bài phân tích trên nền tảng Spiderum. Tôi xin chân thành gửi lời xin lỗi đến những bạn đọc nào đã chờ đợi bài viết của tôi.
Nhận thấy rằng cục diện Chiến tranh Nga - Ukraine đã có nhiều biến động lớn, cùng với tình hình Địa - Chính trị thế giới đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thời gian vừa qua khi một tên lửa do Nga sản xuất rơi vào lãnh thổ Ba Lan khiến hai người thiệt mạng làm thế giới phải nín thở, tôi quyết định phải trình bày những quan điểm và góc nhìn của cá nhân tôi về chiến sự Nga - Ukraine.
Nếu như quý vị còn nhớ, tôi đã từng viết hai bài phân tích góc nhìn chủ quan của các bên xoay quanh vấn đề Chiến tranh Nga - Ukraine, với một bài viết là góc nhìn của Nga và bài còn lại là góc nhìn của Mỹ. Đây đều không phải là ý kiến và đánh giá của cá nhân tôi về cuộc chiến này. Rất tiếc, rất nhiều độc giả đã hiểu nhầm và đã tích cực “chụp mũ” công kích cá nhân tôi đủ thể loại, nào là “thân Nga”, “thân Mỹ”, “bài Mỹ”, “dư luận viên”,... Những bạn đó hẳn đã vô tình hoặc cố ý không hề đọc - hiểu toàn bộ nội dung bài viết. Trong hai bài viết trên, tôi đã nói rất rõ rằng tôi đứng vào lập trường của các bên trong cuộc chiến trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa hiện thực để quý độc giả có thể hiểu thêm về các bên; tôi cũng nêu giả sử rằng nếu tôi là nhà lãnh đạo của đất nước đó thì tôi sẽ làm gì, và tôi cũng đã chỉ ra rằng nó không thể hiện quan điểm chính trị của tác giả. Như vậy, đó không phải là góc nhìn và đánh giá chủ quan của tôi. Không hiểu vì lý do gì mà nhiều bạn đọc cố ý đánh đồng những phân tích đó là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, rằng tôi “ủng hộ Nga xâm lược Ukraine” hoặc “chống/thân Mỹ mãnh liệt”, dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi đáng tiếc.
Bài viết này là cơ sở thích hợp để tôi chính thức đưa ra quan điểm cá nhân về Chiến tranh Nga - Ukraine, đồng thời đưa ra vài nhận xét về tác động của cuộc chiến này lên nước Nga và ông Putin.
Phần I: Những tác động của Chiến tranh Nga - Ukraine lên nước Nga
1. “Căn bệnh Hà Lan” đã thực sự xảy ra.
Nguồn thu lớn từ dầu khí dường như không thể giúp Nga bù đắp những tổn thất mà các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra với nền kinh tế. Nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới vì hai lý do. Thứ nhất, lĩnh vực hàng hóa năng lượng và sản xuất sẽ tiếp tục bị thu hẹp vì các lệnh trừng phạt. Thứ hai, một số công cụ chính mà Nga sử dụng để thúc đẩy nhu cầu trong nước suốt năm nay, như trợ cấp thế chấp, đã cạn kiệt.
Như tôi đã trình bày trong bài viết “Căn bệnh Hà Lan và đồng Rúp tăng vọt”, dự báo của tôi về nền kinh tế Nga đã trở thành hiện thực [1]. Tôi xin phép được tóm lược một số ý trong bài viết đó lại như sau:
1. “Căn bệnh Hà Lan” chỉ nguy cơ suy giảm mạnh của khu vực sản xuất khi một quốc gia tập trung khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu. Ngoài ra, thuật ngữ này cũng dùng để chỉ tình trạng giảm sút của nền kinh tế do có sự gia tăng dòng ngoại tệ nói chung như sự tăng nhanh giá tài nguyên thiên nhiên xuất khẩu hay nguồn viện trợ từ nước ngoài, nguồn vốn FDI. 2. Mô hình “Căn bệnh Hà Lan” của hai nhà Kinh tế học W. Max Corden và J. Peter Neary dựa trên giả thiết rằng nền kinh tế quốc dân được chia ra thành hai khu vực: khu vực xuất khẩu (tradable sector) và khu vực không xuất khẩu (non-tradable sector). Trong đó, khu vực xuất khẩu được chia làm hai khu vực nhỏ là: (1) khu vực bùng nổ: tức khu vực khai thác tài nguyên và (2) khu vực trì trệ: tức khu vực chế tạo. Theo giả thiết này, thị trường có hai thành phần tham gia là Non-tradable (không thể xuất khẩu, ngoại thương) và Tradable (có thể xuất khẩu, ngoại thương). Hàng Tradable là hàng có thể mua bán xuyên quốc gia và giá của chúng phụ thuộc giá thế giới. Trong khi đó, hàng Non-tradable là hàng sản xuất và tiêu dùng chỉ trong phạm vi quốc gia, thiếu không thể nhập khẩu, thừa không thể xuất khẩu và giá của chúng phụ thuộc vào giá trong nước. Khi đồng nội tệ tăng so với ngoại tệ sẽ làm sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu giảm, cùng với đó lại làm nhập khẩu tăng. Tức là hiệu ứng tiêu dùng trên không những sẽ làm tăng giá các mặt hàng Non-tradable trong nước, gây áp lực lạm phát; đồng thời nó còn làm các ngành sản xuất các mặt hàng Tradable xuất khẩu khác bị suy yếu và lượng nhập khẩu lại gia tăng. 3. “Căn bệnh Hà Lan” có hai tác động kinh tế chính: (1) Làm giảm khả năng cạnh tranh về giá cả hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia. (2) Làm gia tăng nhập khẩu. Cả hai hiện tượng này đều là kết quả của đồng nội tệ tăng giá. Đồng nội tệ mạnh mang lại một số lợi ích cho một quốc gia, chẳng hạn như làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Tuy nhiên, do bị trừng phạt, Nga không thể nhập khẩu nhiều mặt hàng vào lúc này, dù có muốn đi chăng nữa. Ngoài ra, đồng Rúp mạnh gây bất lợi cho ngân sách của Nga vì tiền thu về từ xuất khẩu là ngoại tệ sẽ vơi bớt đi khi chuyển đổi sang nội tệ do nội tệ tăng giá. Với đồng Rúp mạnh lên, các công ty năng lượng Nga khi đổi ngoại tệ sang Rúp sẽ nhận được ít Rúp hơn tính trên mỗi USD. Điều này xảy ra đúng vào lúc Nga phải đối mặt với các sức ép khác, gồm chi phí tổn hao cho cuộc chiến tranh ở Ukraine và chi phí phúc lợi xã hội gia tăng. 4. Đồng Rúp đang mạnh lên trên giấy tờ, nhưng đó chỉ là kết quả của sự sụt giảm nhập khẩu. Đây chính là “tỷ giá Potemkin”. Trong Kinh tế học và Chính trị, thuật ngữ “làng Potemkin” (Potemkin Village) ám chỉ bất kỳ công trình (theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng) có mục đích duy nhất là cung cấp vẻ ngoài hào nhoáng cho một quốc gia đang hoạt động kém hiệu quả, khiến mọi người tin rằng đất nước đang phát triển tốt hơn. Thuật ngữ này xuất phát từ việc Grigory Potemkin dựng lên những khu làng di động giả dọc các bờ sông Dnieper nhằm đánh lừa Catherine II về sự trù phú của khu vực Ukraine và bán đảo Crimea, vốn nằm dưới quyền quản lý của Potemkin, trong chuyến đi thị sát của bà tới khu vực này vào năm 1787. Qua đó, chúng ta có thể thấy tỷ giá đồng Rúp không là một thước đo sức khỏe nền kinh tế Nga.
Sau khi tấn công Ukraine hồi tháng 2, nền kinh tế Nga hứng chịu loạt lệnh trừng phạt quốc tế chưa từng có trong lịch sử. Phương Tây đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Moscow, loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm tàu và máy bay Nga, hạn chế xuất khẩu một số công nghệ tiên tiến, áp lệnh cấm vận đối với dầu và than Nga.
Dữ liệu sơ bộ được Cơ quan Thống kê Quốc gia Nga (Rosstat) công bố ngày 16/11 cho thấy GDP nước này trong quý III giảm 4%, sau khi ghi nhận mức giảm 4,1% trong quý II. Với hai quý GDP giảm liên tiếp, nền kinh tế Nga đã bước vào suy thoái kỹ thuật. Suy thoái kỹ thuật là khi trong hai quý liên tiếp, quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế âm với tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng GDP thấp hoặc âm, thu nhập giảm và doanh số bán lẻ chậm lại.
Nền kinh tế Nga đã phát triển tốt vào đầu năm nay (tức khi Chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra) với GDP tăng 3,5%, nhưng các lệnh hạn chế xuất nhập khẩu, thiếu hụt lao động và nguồn cung phụ tùng do biện pháp cấm vận của phương Tây đã gây căng thẳng cho nhiều doanh nghiệp Nga. Thương mại bán sỉ và bán lẻ Nga trong quý III giảm lần lượt 22,6% và 9,1%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Nga trong tháng 9 là 3,9%. Từ tháng 3 tới tháng 8, sản xuất ô tô của Nga giảm 90%, lĩnh vực sản xuất máy bay chứng kiến tình cảnh tương tự, khi Nga khó tiếp cận với chip điện tử, chất bán dẫn phương Tây vì lệnh hạn chế nhập khẩu.
Chính phủ Nga còn cho biết, trong quý III năm 2022, sản lượng kinh tế từ hoạt động bán buôn giảm 22,6%; cấp nước, vệ sinh môi trường, tổ chức thu gom và xử lý rác thải, hoạt động xử lý ô nhiễm giảm 10,4%; doanh thu bán lẻ giảm 9,1%; vận chuyển hàng hóa giảm 5,5%, công nghiệp chế tạo giảm 2,0%, trong khi lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng với mức 6,7% và 6,2% tương ứng.
Việc tăng chi tiêu của Chính phủ Nga và khả năng chuyển hướng xuất khẩu của Nga sang các quốc gia thân thiện đã giúp bù đắp thiệt hại do các lệnh trừng phạt gây ra, với việc xây dựng trong số ít lĩnh vực mở rộng trong quý trước một phần nhờ chương trình thế chấp được trợ cấp của nhà nước.
Cú sốc từ phía nguồn cung kéo dài khiến Nga buộc phải chuyển đổi cơ cấu sang nền kinh tế công nghệ thấp, dẫn đến suy thoái kéo dài và tăng trưởng tiềm năng thấp hơn.
Trong lĩnh vực công nghiệp (bao gồm hóa chất, dầu, khí đốt và sản xuất) khối lượng nhập khẩu trung bình trong 4 tuần giảm 88% so với đầu tháng Hai, theo đơn vị chuyên theo dõi chuỗi cung ứng FourKites. Khối lượng nhập khẩu liên quan đến tiêu dùng giảm 76%, khiến người Nga gặp khó khăn trong việc mua hàng. Các bệnh viện bị hạn chế các bộ phận và vật tư thay thế cho máy lọc máu và máy thở.
Ở Moscow, những người mua hàng cũng phàn nàn rằng một kilogam chuối đã tăng lên 100 Rúp so với 60 Rúp trước đây. Các ngân hàng đã rút ngắn biên lai để đối phó với tình trạng thiếu giấy tờ; còn các nhà sản xuất quần áo cho biết họ sắp hết cúc. Triển vọng kinh tế của Nga cũng đang bị thu hẹp ở bên ngoài. Công ty vận hành các nhà máy điện hạt nhân Fennovoima (Phần Lan) đã đột ngột thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng xây dựng một nhà máy ở thành phố phía Bắc Hanhikivi với Rosatom - Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Nhà nước Nga.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhập khẩu của Nga trong năm 2022 giảm 25,4% so với năm 2021, trong khi xuất khẩu giảm 17,2%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nhập khẩu của Nga giảm 35,2% và xuất khẩu giảm 30,9% so với năm 2021. Lạm phát của Nga trong năm 2022 được WB dự đoán ở mức 22%, trong khi ước tính của IMF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lần lượt là 21,3% và 13,9%. Ngày 8/11, Ngân hàng Trung ương Nga dự đoán GDP nước này năm nay giảm 3,5%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mức giảm lần lượt là 3,4% và 4,5%.
Nguy cơ hạn chế với các chuyến tàu chở dầu Nga sẽ thách thức khả năng phục hồi của Moscow, khi xuất khẩu khí đốt sang châu Âu đã giảm mạnh. Sản lượng dầu khí của Nga bắt đầu giảm trong tháng 9, tạo ra lực cản đối với sản lượng công nghiệp. Triển vọng thậm chí u ám hơn khi tập đoàn khí đốt Gazprom báo cáo xuất khẩu hàng hóa hàng ngày giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm vào tháng trước.
Nhiều công ty lớn đã rời khỏi thị trường Nga khó có thể quay lại ngay cả trong trung hạn, dù bất kỳ điều gì xảy ra với các lệnh trừng phạt. Nhiều tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài như Apple, McDonald's, IKEA, Visa, và MasterCard đã đình chỉ hoặc cắt giảm hoạt động tại Nga kể từ khi Chiến tranh Nga - Ukraine bắt đầu. Tương tự, các khoản đầu tư vào Nga từng được coi là yếu tố quyết định đối với tăng trưởng và phúc lợi của nước này giờ cũng mất đi. Ngoài ra, sự kiểm soát ngày càng chặt của nhà nước hoặc ngân hàng nhà nước với các doanh nghiệp lớn ở Nga sẽ cản trở nỗ lực hiện đại hóa, tái cấu trúc hoặc sa thải nhân viên để tăng lợi nhuận.
Phát biểu trước các nhà lập pháp Nga tuần này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng cảnh báo tình hình nền kinh tế Nga:
Chúng tôi thực sự cần phải xem lại tình hình một cách tỉnh táo và nhìn nhận mọi khía cạnh. Chúng tôi hiểu mọi thứ có thể tồi tệ hơn.
Nhiều nhà quan sát nhận định Trung Quốc là một đồng minh không chính thức của Nga. Tuy nhiên, trong Chiến tranh Nga - Ukraine, Trung Quốc đang trong tình thế khó xử. Mặc dù đã bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và có các phát ngôn ngoại giao ủng hộ Nga, Trung Quốc khó mạo hiểm với lệnh trừng phạt phương Tây. Moscow được cho là đang thúc giục Bắc Kinh thực hiện cam kết về tình bạn “không giới hạn”.
Trung Quốc không phải bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và không muốn các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến chúng tôi.
Trong bài viết “Quan hệ Nga - Trung: Bằng mặt nhưng không bằng lòng”, tôi cũng đã trình bày rất rõ rằng Trung Quốc không là bên ủng hộ Nga không giới hạn:
"Trung Quốc rất muốn tận dụng tình hình hiện nay để mua được nguồn dầu giá rẻ từ Nga và ký các hợp đồng có lợi, nhưng Bắc Kinh đồng thời cũng phải rất thận trọng trong thái độ ủng hộ Moscow, để không bị kéo vào các lệnh trừng phạt chưa từng có mà phương Tây đang áp đặt với Nga. Trung Quốc đang tìm cách chứng tỏ họ vẫn sát cánh cùng Nga, đồng thời phát tín hiệu họ trung lập và không thỏa hiệp trên phương diện tài chính. Trung Quốc không mặn mà với ý tưởng giúp Nga né lệnh trừng phạt, vì không muốn bị kéo vào vòng xoáy này, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ cùng đồng minh vẫn còn lá bài cấm vận công nghệ lõi như chất bán dẫn và thiết bị hàng không. Bắc Kinh cũng không muốn dính lệnh trừng phạt thứ cấp về tài chính, khiến nền kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào bất ổn. Dù Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Nga, Bắc Kinh cũng có những ưu tiên khác. Giao dịch giữa hai nước chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc vào năm ngoái, Liên minh châu Âu và Mỹ có thị phần lớn hơn nhiều." [2]
Nga đang phải trải qua một mùa đông kinh tế ảm đạm, bất chấp những lời tâng bốc, chữa cháy của một số cá nhân trên các trang mạng xã hội. Thiết nghĩ, chúng ta, những người ngoài cuộc, nên nhìn nhận vấn đề ở góc độ trung lập. Chúng ta nên quan sát sự kiện này một cách cẩn thận và trang bị tri thức, tránh để cảm xúc lấn át lý trí khi kết luận một cách quá vội vã, mù quáng và chưa có căn cứ. Cũng như nhà ngoại giao, nhà Triết học và nhà văn thời Phục hưng người Ý Niccolò Machiavelli từng nói:
Không có cách nào khác để bảo vệ mình khỏi lời xu nịnh ngoài việc khiến người ta hiểu rằng nói với bạn sự thật sẽ không xúc phạm bạn.
2. Putin đang ngày càng giống Stalin.
Không chỉ có nguyên tắc “bàn tay sắt” của Stalin mới trở thành hình mẫu cho Điện Kremlin ngày nay, bản thân Putin cũng ngày càng giống với Stalin trong những năm cuối đời, khi nhà lãnh đạo Liên Xô ở giai đoạn hoang tưởng và tồi tệ nhất. Tính đến cuối Đệ nhị Thế chiến, Stalin đã nắm quyền hơn 20 năm, và từ thời điểm đó cho đến khi ông qua đời vào năm 1953, ông đã đưa chế độ của mình đến những đỉnh cao chuyên chế mới: tuyệt đối không khoan dung với ý kiến của người khác; liên tục nghi ngờ các cộng sự thân cận; tàn nhẫn một cách công khai và vô liêm sỉ; và thường xuyên có ảo tưởng và ám ảnh. Giống như Stalin trong những năm cuối đời, Putin cũng đã nắm quyền hơn 20 năm, bao gồm cả thời gian giữ chức thủ tướng từ 2008 đến 2012, và trong nhiệm kỳ tổng thống hiện tại, bắt đầu vào năm 2018, ông cũng đã thể hiện nhiều khía cạnh giống Stalin. Trong thời gian này, ông đã sửa đổi hiến pháp Nga để xóa bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ của tổng thống, đứng sau vụ đầu độc và bắt giữ thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny, và phát động một cuộc chiến với hậu quả tàn khốc cho toàn thế giới.
Điểm tương đồng giữa Putin và Stalin bắt đầu từ phong cách và mô hình lãnh đạo của họ. Đối với Putin, cũng như đối với Stalin, quá trình ra quyết định chỉ do một người thực hiện. Các cộng sự và cố vấn hầu như không có khả năng tác động đến bạo chúa hoặc đề xuất các hành động thay thế. Điều đó không chỉ khác xa với cách phát triển chính sách trong các hệ thống dân chủ, thậm chí trong các chế độ bán chuyên chế, nó cũng khác xa so với phong cách lãnh đạo tập thể của các thời kỳ khác trong lịch sử Liên Xô, chẳng hạn như thời kỳ Leonid Brezhnev. Ở một khía cạnh nào đó, Putin thậm chí đã vượt qua thần tượng của mình trong việc cá nhân hóa quyền lực. Chẳng hạn, Stalin thích nói chuyện bằng ngôi thứ nhất số nhiều: “Chúng tôi sẽ bắn anh”. Putin cũng thích nói chuyện nhân danh đất nước hoặc giới tinh hoa, nhưng vào tháng 10, khi được hỏi liệu ông có hối hận gì về “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine hay không, ông thừa nhận rằng cuộc chiến là dự án cá nhân của mình. “Hành động của tôi là đúng nơi đúng lúc”, ông đáp. [3]
Putin cũng đã học được từ Stalin cách đối phó với chế độ của chính mình. Càng về cuối đời, Stalin ngày càng nghi ngờ những kẻ thân tín với mình. Ông thường xuyên nổi cơn thịnh nộ với các cộng sự thân cận như Vyacheslav Molotov, Ngoại trưởng và cấp phó lâu năm của ông. Vào mùa thu năm 1945, khi trở về Moscow sau một thời gian vắng mặt, Stalin đã chỉ trích thậm tệ những người đã từng là cấp dưới trung thành nhất của ông – Lavrenty Beria, người đứng đầu lực lượng cảnh sát mật; Georgy Malenkov, ủy viên Bộ Chính trị có ảnh hưởng; Anastas Mikoyan, Bộ trưởng Thương mại, và Molotov – vì dám cho phép tờ Pravda xuất bản các đoạn trích trong bài phát biểu của Thủ tướng Anh Winston Churchill. Molotov đã nhận trách nhiệm về vụ việc, để rồi tiếp tục bị chỉ trích vì đã nới lỏng quy tắc kiểm duyệt đối với các phóng viên nước ngoài. Trong một bức điện gửi Beria, Malenkov, và Mikoyan, Stalin phàn nàn rằng “Molotov dường như không coi trọng lợi ích của nhà nước hoặc uy tín của chính phủ chúng ta.” Sau lần đó, nhân vật thứ hai của Liên Xô không còn được coi là người kế vị nhà độc tài. Tuy nhiên, Molotov cũng không phải là người duy nhất bị thất sủng: trong thời kỳ này, nhiều thành viên khác trong vòng thân tín của Stalin cũng không được ủng hộ vì lý do này hay lý do khác – mà thường xuyên hơn, là không vì lý do gì cả.
Giống như Stalin trong những năm cuối đời, Putin đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với giới tinh hoa Nga, khiến họ tê liệt vì sợ hãi và ngấm ngầm căm phẫn người cai trị mình. Dưới thời Stalin, sự thù hận được thể hiện rõ nhất ngay sau khi ông qua đời, khi Nikita Khrushchev, Beria, và Malenkov đối đầu nhau để trở thành người kế nhiệm, cạnh tranh để tự do hóa chế độ càng nhanh càng tốt. Giới tinh hoa ngày nay sợ Putin, nhưng họ còn sợ nhau hơn, chẳng khác gì những người tiền nhiệm dưới thời Stalin. Giống như Stalin, Putin thích sống ẩn mình trong những dinh thự cá nhân, nơi ông đã tự cô lập bản thân trên cả bình diện chính trị và bình diện con người. Chẳng hạn, ông ngày càng dành nhiều thời gian hơn ở dinh thự Sochi. Nó gợi nhớ đến căn nhà gỗ khiêm tốn nhưng được canh phòng cực kỳ cẩn thận ở Abkhazia mà Stalin đã chuyển đến sống vào tháng 10/1945 sau khi ông bị đột quỵ hoặc đau tim. Đáng chú ý là nơi ẩn cư của hai người cách nhau chưa đầy 48km, trong vùng cận nhiệt đới thoải mái của Biển Đen thuộc Caucasus.
Cũng giống như Stalin, Putin chưa có hành động quyết liệt nào chống lại những người thân tín của mình. Nhưng sự khó chịu của ông trước những lời nói và hành động của họ gợi ta nhớ đến Stalin. Hãy hồi tưởng lại cuộc họp trên truyền hình mà Putin tổ chức cùng với các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược Ukraine. Ngồi một mình ở chiếc bàn lớn trong một hội trường rộng, trong khi các cố vấn của ông được xếp ngồi ở góc khuất hơn của căn phòng, Putin đã nổi giận với giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài, Sergei Naryshkin, vì đã “không làm bài tập về nhà” và nhầm lẫn việc Nga công nhận các nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine với việc biến các nước này trở thành một phần của Nga. Vốn dĩ, theo kế hoạch, việc sáp nhận sẽ được thực hiện sau đó.
Cũng tại cuộc họp đó, Putin đã có một cuộc trò chuyện không đầu không đuôi và đầy giận dữ với Dmitry Kozak, một cộng sự lâu năm từng chịu trách nhiệm đàm phán với Ukraine về việc thực hiện các thỏa thuận Minsk. Sau cuộc họp, Kozak hoàn toàn biến mất trước công chúng. Sang tháng 9, một số người thân cận với Điện Kremlin tiết lộ với Reuters rằng, trước khi chiến tranh nổ ra, Kozak rõ ràng đã được phía Ukraine hứa rằng họ sẽ không gia nhập NATO, theo đó xóa bớt một trong những mối lo ngại chính thúc đẩy cuộc xâm lược của Nga. Nhưng Putin không quan tâm: ông đã sẵn sàng cho cuộc chiến.
Sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết vấn đề – điều đã gần như lỗi thời trong thế kỷ 21 – là một chiến thuật khác mà Putin kế thừa từ Stalin. Hãy xem xét Chiến tranh Mùa đông năm 1939. Ngay trước khi Thế chiến II bùng nổ, Stalin đã không thể chiếm được những phần lãnh thổ mà ông muốn ở Phần Lan, vì thế ông đã phát động một cuộc xâm lược. Tương tự như Putin ở Ukraine, Stalin muốn chiếm những phần lãnh thổ mà ông cho là quan trọng về mặt chiến lược để làm vùng đệm trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Liên Xô. Và cũng như các hành động “tự vệ” của Putin ở Ukraine, Stalin đã tìm một cái cớ, tạo ra một vụ khiêu khích ở biên giới, để cho phép các lực lượng của Moscow bắt đầu một cuộc chiến “hợp pháp”.
Trong cả hai trường hợp, hai người đều nói rằng quân địch đang tập hợp – vốn là điều không tồn tại. Và cả hai đều đánh giá thấp quyết tâm kháng cự của những người dân ở đất nước bị xâm lược: Stalin mong đợi giai cấp vô sản Phần Lan chào đón những đồng chí thuộc giai cấp lao động bằng những bó hoa, còn Putin cho rằng người Ukraine sẽ chào đón lính Nga như quân giải phóng. Cả hai nhà độc tài đều đã sai lầm một cách thảm hại. Ngay cả việc Putin sử dụng phe ly khai thân Nga cũng là một sự tái hiện phương thức của Stalin. Khi Putin thỏa thuận với các chính phủ tự xưng ở Donetsk và Luhansk, ông đang đi theo chân của Stalin, người đã cho thành lập một ban lãnh đạo Phần Lan do Điện Kremlin kiểm soát và sau đó ký một thỏa thuận với chế độ bù nhìn này.
Tuyên bố của Putin rằng chính phủ Ukraine chỉ là tấm bình phong của các cường quốc phương Tây hiếu chiến cũng là tiếng vọng của những luận điệu thời Stalin trong Chiến tranh Mùa đông. Trong hồi ký của mình, Juho Kusti Paasikivi, Đại sứ Phần Lan tại Moscow, người sau này trở thành Tổng thống Phần Lan, đã viết rằng “theo ý kiến của người Liên Xô, cuộc chiến này rõ ràng là cuộc chiến do Anh và Pháp tiến hành, để chống lại nước Nga Xô Viết”. Trong Chiến tranh Mùa đông, chính phủ Phần Lan giả do Stalin thành lập đã yêu cầu Liên Xô hỗ trợ thực hiện cái mà họ gọi là “khát vọng lâu đời của người Phần Lan”: đưa người dân Karelia sống trên lãnh thổ Liên Xô vào một nhà nước Phần Lan thống nhất và độc lập. Trong cuộc chiến của Putin ở Ukraine, “sự đoàn tụ của các dân tộc anh em” đã trở thành một câu thần chú. Khi biện minh cho sự cần thiết phải sáp nhập lãnh thổ Ukraine, Putin đã lặp lại gần như từng chữ một trong bức thư mà Molotov gửi cho Đại sứ Ba Lan vào tháng 9/1939, tuyên bố rằng “Chính phủ Liên Xô không thể thờ ơ khi những người Ukraine và Belarus ruột thịt sống trên lãnh thổ Ba Lan bị bỏ mặc cho số phận định đoạt, mà không có bất kỳ sự bảo vệ nào.”
Nhưng cuộc phiêu lưu của Putin ở Ukraine còn giống với một cuộc chiến khác của Stalin: Chiến tranh Triều Tiên. Rốt cuộc, chính Stalin là người chấp thuận để Triều Tiên tấn công phía nam bán đảo vào ngày 25/06/1950. Theo một số nhà Sử học, giống như Putin ở Ukraine, Stalin cho rằng Hàn Quốc sẽ bị chinh phục chỉ trong vài tuần. Và cũng giống như việc Nga xâm lược Ukraine năm nay, Liên Hợp Quốc đã lên án cuộc tấn công của Triều Tiên. (Trong trường hợp Triều Tiên, quân đội Mỹ đã tham chiến dưới lá cờ của Liên Hợp Quốc.) Là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Liên Xô và Mỹ, Chiến tranh Triều Tiên có sự tham gia của máy bay chiến đấu từ cả hai cường quốc, dù các phi công Liên Xô được lệnh không tiến vào không phận của Hàn Quốc. Khi thấy rõ rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục kéo dài, Stalin không vội vàng kết thúc nó và chỉ thị cho chính phủ Triều Tiên phải kéo dài các cuộc đàm phán hòa bình. Mãi đến khi Stalin qua đời, người ta mới có thể chấm dứt xung đột, tương tự như rất nhiều sáng kiến cá nhân khác của ông. Ngoại trừ cái chết, chẳng điều gì và chẳng một ai có thể ngăn cản Stalin trong những năm tháng tuổi xế chiều – giống như Putin ngày nay.
Nhưng sự yêu thích của Putin dành cho nhà lãnh đạo Liên Xô còn vượt ra khỏi các phương pháp tàn nhẫn, để bao gồm cả thế giới quan của Stalin. Giống như Stalin, Putin nghĩ rằng thế giới được phân chia thành các vùng ảnh hưởng, và cho rằng ông có thể dễ dàng đánh dấu các vùng lãnh thổ mà ông cho là thuộc về mình chỉ bằng những nét vẽ trên bản đồ. Putin cũng tin rằng Nga có thể phát triển thịnh vượng bất chấp sự cô lập về chính trị và dưới một chính sách kinh tế chuyên chế. Ông cũng chia sẻ Chủ nghĩa Dân tộc đế quốc của Stalin. Cần nhắc lại rằng, dù là người Xô Viết chính thống, Stalin luôn sẵn sàng từ bỏ Chủ nghĩa Marx-Lenin khi phù hợp và khéo léo chơi lá bài dân tộc chủ nghĩa, lôi kéo tình cảm của nhóm sắc tộc thống trị. Điều này đặc biệt đúng trong Đệ nhị Thế chiến. Trong bài phát biểu đầu tiên với nhân dân Liên Xô khi chiến tranh nổ ra, Stalin đã không bắt đầu bằng câu “Các đồng chí!” mà bằng “Các anh chị em!” Khi chiến tranh kết thúc, bài chúc mừng ngày 24/05/1945 nổi tiếng của ông không phải dành cho Liên Xô mà dành cho người Nga: “Cảm ơn sự tin tưởng của nước Nga!” Trong nhiều trường hợp, Stalin đã nhắc đến lịch sử Nga và niềm tự hào nước Nga. Chiến lược đó chính là một trong những nền tảng của chủ nghĩa Putin, từng được gọi là “Chủ nghĩa Sô Vanh cường quốc” (Great-power Chauvinism). Quý độc giả có thể tham khảo về Chủ nghĩa Sô Vanh qua bài viết “Tifosi, yêu nước online và Chủ nghĩa Sô vanh” để hiểu rõ thêm về sự độc hại của chủ nghĩa này [4].
Dễ thấy hơn nữa là việc Putin sử dụng câu chuyện của Stalin nhằm chính danh hóa chiến thắng của Nga trong Đệ nhị Thế chiến. Gần như ngay lập tức, Stalin đã biến một thảm kịch trong đó khoảng 20 triệu người Nga bị sát hại thành một câu chuyện về chiến thắng của chủ nghĩa anh hùng. Đồng thời, nhà độc tài cũng nhanh chóng thanh trừng bất kỳ tướng lĩnh nào mà sự nổi tiếng của họ với quần chúng có thể biến họ trở thành mối đe dọa với ông: nhiều người đã bị bắt và bị giết; ngay cả Georgy Zhukov, vị chỉ huy quân đội và kiến trúc sư đứng sau chiến thắng của Liên Xô, cũng bị gạt ra bên lề. Stalin lo ngại về mức độ nổi tiếng ngày càng tăng của các chỉ huy quân đội và cố gắng hết sức để làm cho các chi tiết của cuộc chiến nhanh chóng bị lãng quên. Putin đã xây dựng tính chính danh của mình xung quanh ý tưởng rằng ông là người thừa kế cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại – tên gọi chính thức của Đệ nhị Thế chiến tại Nga, đặt theo Chiến tranh Vệ quốc năm 1812 chống lại Napoléon.
Đồng thời, Putin còn nhắm đến Trung đoàn Bất tử (Immortal Regiment) – một lễ tưởng niệm dân sự diễn ra hàng năm, trong đó một lượng lớn người Nga diễu hành mang theo chân dung những người thân tham gia Đệ nhị Thế chiến – và biến nó thành một cuộc diễu hành quần chúng chính thức do chính ông dẫn đầu. Ông cũng đã biến sự sùng bái chiến thắng của Liên Xô thành sự sùng bái chiến tranh. Sau khi viết lại lịch sử và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, Putin tuyên bố cuộc xâm lược Ukraine là cuộc chiến chống lại “Chủ nghĩa Quốc Xã” cùng với phương Tây, và không gì khác hơn, nó chính là sự tiếp nối của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại còn dang dở. Đây là sự xuyên tạc lịch sử trên quy mô lớn và sự thao túng ý thức tập thể của cả một đất nước.
Đối với Putin, cũng như đối với Stalin, lịch sử đã trở thành một công cụ quan trọng để duy trì quyền cai trị và để kiểm soát đất nước. Trên hết là những ví dụ về Ivan Bạo chúa và Peter Đại đế, hai biểu tượng của sự tàn nhẫn và chủ nghĩa đế quốc. Stalin đã tìm cách kết nối chế độ của mình với Ivan Bạo chúa bằng cách giao cho đạo diễn Sergei Eisenstein dàn dựng một bộ phim hai phần về vị Nga hoàng và chế độ đáng sợ của ông. (Câu nói của một nhân vật nổi tiếng vào thời điểm đó, Leonid Sobolev, đã nói lên tất cả: “Chúng ta phải học cách yêu oprichnina”, lực lượng cảnh vệ khét tiếng của Ivan.) Cũng không lạ gì khi câu chuyện về triều đại tàn bạo của Ivan đã quay trở lại dưới thời Putin. Trong một cuộc mít tinh nhân dịp sáp nhập bốn khu vực của Ukraine, Ivan Okhlobystin, một diễn viên người Nga và là người trung thành với Putin, đã lên sân khấu và hét lên “Goida!” – vốn là khẩu hiệu của oprichnina. Và cũng giống như cách Stalin làm sống lại chủ nghĩa dân tộc Nga trong những năm Đệ nhị Thế chiến, Putin đã so sánh cuộc chiến của ông ở Ukraine với chiến dịch của Peter Đại đế chống lại đế quốc Thụy Điển.
Cũng như Stalin trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, Putin đã cắt đứt quan hệ với phương Tây và bắt đầu miêu tả mọi thứ ở nước ngoài là không tương thích với ý thức hệ và giá trị của Nga. Những người mà Stalin gọi là “những kẻ theo Chủ nghĩa Toàn cầu mất gốc”, những người bị sa thải và bị ngược đãi, đã xuất hiện trở lại ở nước Nga của Putin với tên gọi “điệp viên nước ngoài”, những người sống lưu vong trên chính đất nước của họ. Dưới thời Stalin, việc có quan hệ với người nước ngoài có thể khiến một người phải ngồi tù. Kể từ tháng 10/2022, nước Nga của Putin đã bắt đầu áp dụng một luật mới – với tinh thần và công thức mơ hồ giống như thời Stalin – “về hợp tác bí mật với một quốc gia nước ngoài”. Putin đã hoàn thành việc phục hồi hình ảnh cho Stalin vào tháng 12/2021, vừa kịp lúc để chiến tranh nổ ra, khi ông cho phép lực lượng oprichnina của mình – tức các công tố viên và các thành viên khác của cái gọi là hệ thống tư pháp – tiêu diệt Memorial, một tổ chức nghiên cứu có mục đích lưu giữ ký ức về cuộc đàn áp thời Stalin. Memorial là một trong số ít các tổ chức độc lập ở Nga có thể bảo tồn lịch sử thực tế của nước Nga, thay vì phiên bản thời Stalin.
Bằng cách sử dụng các chiến thuật như vậy, Putin đã mở đường – cả về mặt biểu tượng lẫn trong thực tế – cho chiến tranh và cho các yếu tố của chủ nghĩa toàn trị trong hệ thống chính trị của mình. Trên thực tế, quá trình này đã diễn ra suốt nhiều năm: ông đã truyền bá cho người Nga phiên bản lịch sử của mình, tấn công nhận thức của họ bằng các bài báo và bài phát biểu của ông; và công việc của ông đã được khuếch đại bởi chiến dịch tuyên truyền lịch sử ủng hộ chủ nghĩa Stalin của nhiều tổ chức trong đó có Hiệp hội Lịch sử Nga thân Điện Kremlin và Hiệp hội Lịch sử Quân sự Nga. Do đó, vào đầu năm 2022, Putin đã dễ dàng được công chúng ủng hộ trong việc viết lại lịch sử và trong cuộc chiến của ông, và theo đó, nước Nga cũng sa vào chứng hoang tưởng kiểu Stalin: hàng xóm tố cáo lẫn nhau, giáo viên và học sinh tố cáo lẫn nhau.
Trong hoàn cảnh thiếu vắng dân chủ, Putin đã không tạo ra cơ chế để chuyển giao quyền lực, vì cũng giống như Stalin, ông không có ý định từ bỏ quyền lực. Kết quả là, lịch sử Nga bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn. Nhưng không rõ liệu người Nga có chứng kiến sự lặp lại của một sự kiện vào tháng 3/1953, khi Stalin nằm đó hấp hối, còn các cộng sự thân cận nhất đang cạnh tranh để xóa bỏ di sản của ông.
Tương tự như Liên Xô dưới thời Stalin, người ta có ấn tượng rằng ở nước Nga ngày nay không ai có thể thay thế Putin. Điều này có nghĩa là không có phương án thay thế cho bất cứ điều gì ông nói hoặc làm, chống lại ông là vô ích. Giới tinh hoa Nga phải hành động theo logic này. Giống như giới tinh hoa dưới thời Stalin, họ sẽ chỉ đơn giản là đợi đến ngày tàn của tên bạo chúa, hy vọng bằng cách nào đó ông ta sẽ biến mất trước khi kịp sa thải hoặc bỏ tù họ. Đây là lý do tại sao các cử tri của Putin rất quan tâm đến sức khỏe của ông. Trong thời đại của Stalin, tình trạng sức khỏe của nhà độc tài ít được biết đến, nhưng những cộng sự và cấp dưới thân cận với ông trong những năm cuối đời đều hiểu rằng ông không khỏe. Điều này đã trở nên rõ ràng với công chúng tại Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 10/1952, lúc đó Stalin đã già yếu. Ông đã thử thách các đồng đội của mình bằng cách gợi ý rằng ông sẽ để một nhà lãnh đạo trẻ hơn lên thay thế; cùng lúc đó, ông thực sự đưa những người tương đối trẻ vào các cơ quan quản lý; điều này, tất nhiên, làm cho các lãnh đạo lớn tuổi trở nên cực kỳ căng thẳng.
Putin có thể đi theo con đường tương tự, và một phần ông đã làm vậy, đặc biệt là ở cấp khu vực, nơi ông đã trao chức thống đốc cho những người trẻ trung, nhiệt thành. Nhưng dù đã bước vào độ tuổi gần với Stalin khi qua đời, Putin có vẻ khỏe mạnh hơn, và dường như ông vẫn còn nhiều thời gian hơn so với Stalin vào đầu những năm 1950. Tuy nhiên, vẫn có một bài học quan trọng cho Putin: lòng căm thù và sợ hãi đối với Stalin trong những năm cuối đời của ông mạnh mẽ đến nỗi, khi ông bị đột quỵ, trong những giờ phút còn có thể cứu chữa, các cộng sự thân cận nhất của ông đã không chạy đến giúp đỡ, và trong giờ phút hấp hối, ông thực sự chỉ có một mình. Putin đang có vẻ khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Nhưng chẳng thể biết ai sẽ là người cứu ông nếu ông mất đi sức khỏe, giống như Stalin trong những năm cuối đời.
3. Những thất bại chiến lược của Nga trên chiến trường.
Vào những ngày đầu của cuộc chiến, quân đội Nga dự tính dựa vào các cuộc tấn công bằng pháo binh lớn. Khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, quân đội Nga tiến vào Ukraine theo đội hình hành quân thay vì theo đội hình chiến đấu. Việc người Nga cho rằng họ sẽ không gặp phải sự kháng cự đã khiến họ chịu tổn thất lớn trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, buộc họ phải rút khỏi các khu vực như Kiev và Kharkiv. Việc huấn luyện không đầy đủ và sự kém cỏi của các quân nhân Nga - kết hợp với hệ thống phân cấp nghiêm ngặt mà họ hoạt động, khiến các sĩ quan không có khả năng tự chủ động hành động - có nghĩa là họ không thể nhanh chóng phối hợp tiến sâu vào lãnh thổ của kẻ thù. Ông Putin đã dự tính chiếm được hoàn toàn Kiev sau ba ngày tốc chiến, nhưng điều đó đã không thành công. Tình thế khiến Nga phải rút quân khỏi mặt trận Kiev và chuyển hướng sang mặt trận phía Đông.
Quân đội Nga đã đối phó với những thất bại này bằng cách quay trở lại chiến thuật dựa trên hỏa lực tấn công: họ tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo lớn vào các vị trí của Ukraine kéo dài vài giờ, dọn đường cho các cuộc tấn công có sự tham gia của bộ binh và xe bọc thép. Người Nga chủ yếu sử dụng chiến thuật này - dẫn đến nhiều lợi ích về lãnh thổ hơn bất kỳ cách tiếp cận nào khác - ở miền Đông Ukraine, nơi họ tập trung hơn một nửa lực lượng của mình.
Nhưng tình hình đã thay đổi sau khi Mỹ cung cấp cho Ukraine M142 HIMARS - hệ thống phóng rocket đa nòng di động mà lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng để phá hủy hơn 50 kho đạn dược của Nga chỉ trong vài tuần. Điều này đã cản trở nghiêm trọng việc cung cấp đạn dược cho các đơn vị pháo binh của Nga, do đó làm giảm cường độ pháo kích ở một số khu vực và làm chậm bước tiến của Nga ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, các tên lửa mà Ukraine nhận từ các quốc gia phương Tây chỉ có tầm bắn từ 15 km đến 92 km, nghĩa là chúng không thể vươn tới nhiều kho đạn dược và cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Nga.
Hậu cần (Logistics) là một mắt xích yếu trong quân đội Nga. Tất cả các chiến dịch quân sự đều dựa vào hậu cần. Một chiếc xe tăng không có nhiên liệu sẽ ít được sử dụng – như người Nga đã thể hiện trong những ngày đầu của cuộc xâm lược toàn diện, khi họ bỏ lại nhiều phương tiện và thiết bị khác do thiếu nguồn cung cấp. Hậu cần của quân đội Nga được tổ chức kém đến mức nhiều đơn vị đơn giản là không thể đến đích. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô tổ chức như vậy: các hoạt động của lực lượng Ukraine nhằm phá vỡ hậu cần của Nga, tình trạng tham nhũng và sơ suất trong quân đội Nga, sự lười biếng của các tướng lĩnh Nga,... Nhưng sự thật vẫn là đây là một điểm yếu rõ ràng trong chiến dịch xâm lược của Nga.
Việc quân đội Nga tập trung lực lượng ở miền Đông Ukraine đã làm giảm mặt trận mà họ đang chiến đấu đồng thời rút ngắn đường tiếp tế tới Nga và chiếm đóng Luhansk và Donetsk. Tuy nhiên, như tôi đã trình bày, việc Ukraine sử dụng HIMARS sau đó và các hệ thống khác lại một lần nữa làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Nga.
Điện Kremlin có động thái cho thấy quân đội Nga đã chịu tổn thất lớn. Lầu Năm Góc ước tính có tới 80.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến. Con số này nhiều hơn những gì Liên Xô đã mất trong mười năm chiến đấu ở Afghanistan. Nga cũng đã hy sinh một lượng lớn thiết bị, trong đó có hơn 1.700 xe tăng (tương đương 65% kho trước chiến tranh); 4.000 xe bọc thép; và 200 máy bay.
Một trong những lý do chính khiến các lực lượng Nga chịu tổn thất lớn là Điện Kremlin ưu tiên các mục tiêu chính trị hơn các mục tiêu quân sự – như người ta có thể thấy ở Izium và Severodonetsk. Việc chiếm được Severodonetsk trở thành một mục tiêu chính trị đơn giản vì đây là thành phố cuối cùng có đông dân cư ở vùng Luhansk. Điện Kremlin muốn chiếm thành phố để làm bằng chứng rằng họ đã kiểm soát toàn bộ khu vực. Tuy nhiên, chiến dịch có giá trị chiến lược hạn chế và yêu cầu người Nga phải làm suy yếu vị trí của họ trên các mặt trận khác. Quân đội Ukraine đã sơ tán dân thường khỏi Severodonetsk trước khi sử dụng tầm quan trọng chính trị của thành phố để thu hút một số lượng lớn quân đội Nga, những người buộc phải chiến đấu trong một khu vực mà họ không thể sử dụng toàn bộ lực lượng pháo binh của mình.
*Cuộc phản công mạnh mẽ của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 02/10 đã tuyên bố Lyman đã hoàn toàn được giải phóng. Chiếm lại Lyman được coi là thành công lớn nhất của Ukraine kể từ khi nước này phát động chiến dịch phản công Nga ở khu vực đông bắc Kharkiv vào tháng trước đó. Quân đội Ukraine đã tái chiếm hơn 6.000 km vuông từng bị Nga kiểm soát vào tháng 9, ở phía Đông và phía Nam. Moscow mô tả việc rút quân khỏi khu vực trên trong những ngày gần đây là một cuộc “tập hợp lại” nhằm mục đích tập trung vào các khu vực Luhansk và Donetsk ở phía Đông Ukraine.
Bằng chiến thuật tập kích các cây cầu trọng yếu trên sông Dnipro, quân đội Ukraine biến thành phố Kherson thành một “miệng túi” cô lập lực lượng Nga. Từ trước, thay vì pháo kích diện rộng, Ukraine đang tập kích vào những huyết mạch hậu cần quan trọng nhất của thành phố, nhằm “thắt miệng túi” để dồn lực lượng Nga tại Kherson vào chân tường. Kiểm soát tuyến đường thủy trọng yếu chính là yếu tố quyết định đối với chiến thuật “thắt miệng túi” ở Kherson, do thành phố này nằm trên bờ tây sông Dnieper, nối với hậu phương của Nga bằng các cây cầu. Điều gì đến rồi cũng sẽ đến, Bộ Quốc phòng Nga hôm 11/11/2022 thông báo đã hoàn tất rút quân khỏi bờ Tây sông Dnieper vào 5h cùng ngày (9h giờ Hà Nội) và không để lại bất kỳ binh sĩ hay khí tài nào ở thành phố Kherson. Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đã giải phóng thành phố Kherson. Quân đội Ukraine đã chiến thắng vang dội trên các mặt trận này.
Sau nhiều tháng chiến tranh, yếu tố bất ngờ của quân đội Nga đã không còn nữa. Vào những ngày đầu của cuộc chiến, Nga đã tận dụng rất tốt lợi thế này với nỗ lực tiêu diệt chính phủ Zelensky bằng bộ binh và không quân, khi các khảo sát trước cuộc chiến người dân Ukraine không tin rằng chiến tranh sẽ xảy ra. Ta có thể so sánh chiến lược này giống như nghệ thuật quân sự Blitzkrieg của người Đức. Blitzkrieg, hay được dịch là chiến tranh chớp nhoáng. là cách thức tiến hành chiến tranh của quân đội Đức Quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến, nhắm đến mục tiêu nhanh chóng bao vây tiêu diệt chủ lực đối phương bằng các mũi vận động thọc sâu của các đơn vị xe tăng - cơ giới hoá hợp thành tập trung sau khi đã phá vỡ phòng tuyến với sự hỗ trợ của không quân. Ưu thế chủ yếu của phương thức chiến tranh này là hiệu quả gây sốc bất ngờ, khiến đối phương bị tê liệt trước khi kịp phản ứng. Ở giai đoạn mở đầu của cuộc chiến, phương thức này đã đem đến những thắng lợi dễ dàng cho Quân đội Đức Quốc xã qua các chiến dịch xâm chiếm Ba Lan, Hà Lan, Bỉ, Pháp. Chỉ trong giai đoạn sau, khi các hoạt động quân sự được tiến hành trên các vùng đất rộng lớn của Liên Xô, dưới thời tiết khắc nghiệt và địa hình lầy lội ở đây thì phương thức này mới cho thấy nhược điểm là các quân binh chủng hợp thành không tiến quân cùng tốc độ và do đó giảm hiệu quả chiến đấu.
Sau khi Ukraine được trang bị các hệ thống phòng không đến từ phương Tây, ưu thế tuyệt đối về không quân của Nga không còn nữa. Mất đi ưu thế trên không, các đoàn xe thiết giáp của quân đội Nga buộc phải ì ạch co cụm phòng thủ. Bên cạnh hậu cận, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Nga thất bại liên tiếp tại Ukraine.
Phần II: Quan điểm và góc nhìn của tôi
Nga là kẻ xâm lược, Ukraine là nạn nhân, Mỹ không hoàn toàn vô can.
Đây chính là nhận định chính của tôi suốt thời gian qua kể từ khi Chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ. Ngay từ đầu, quý độc giả đã thấy tôi dùng cụm từ “Chiến tranh Nga - Ukraine” thay vì cách gọi của phía Nga là “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, cùng với từ “xâm lược” được sử dụng xuyên suốt trước đó và các luận đề kêu gọi đánh giá khách quan và công tâm về cuộc chiến này, ắt hẳn quý độc giả đã hiểu rõ lập trường của tôi. Tôi viết phần này không nhằm mục đích áp đặt ý chí, tư tưởng, quan điểm hay tuyên truyền cho bất cứ ai. Đơn giản là tôi muốn chính thức trình bày quan điểm của tôi về cuộc chiến gây nhiều tranh cãi này. Tôi mong rằng quý độc giả tiếp nhận nó dưới cái nhìn công tâm để tham khảo thêm. Tuy nhiên, nếu quý vị lại muốn áp đặt ý chí của cá nhân quý vị lên tôi thì tôi không hoan nghênh, xin không tiếp trước.
Để tìm hiểu định nghĩa thế nào là xâm lược, ta cần các văn bản pháp lý hoặc chính thống. Theo Điều 1 của Nghị quyết 3314 nhằm định nghĩa về Xâm lược của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1974, xâm lược là việc sử dụng lực lượng vũ trang hoặc là bất kỳ hành động nào trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc của một quốc gia hay liên minh các quốc gia nhằm chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay sự độc lập về chính trị của một quốc gia khác hoặc của một liên minh các quốc gia khác [5]. Hành động xâm lược có nhiều mục đích như mở rộng lãnh thổ, tạo ra điều kiện để mặc cả trên bàn đàm phán và để thực hiện các mục đích chính trị khác nhau. Cũng theo Nghị quyết trên, xâm lược là một sự kiện sử dụng vũ lực diễn ra giữa các quốc gia với nhau, các cuộc chiến giữa các phe phái trong cùng một quốc gia không được coi là các hành động xâm lược (nội chiến).
Hành động xâm lược bị coi là hành động chống lại nền hòa bình quốc tế, những vùng lãnh thổ có được nhờ xâm lược không được pháp luật thừa nhận. Không có bất kỳ lý do tự nhiên, kinh tế, chính trị hay những lý do khác để biện minh cho hành động xâm lược. Việc điều động quân sự sang nước khác vì mục đích nhân đạo không bị coi là xâm lược.
Có rất nhiều phương pháp xâm lược. Để tiện phân biệt, Nghị quyết 3314 nhằm định nghĩa về Xâm lược của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1974 đã nê khái quát về các hình thức xâm lược ở Điều 2 và các loại hình xâm lược một cách cụ thể ở Điều 3. Tuy nhiên hành động xâm lược không chỉ bao gồm những hành động trong điều 3 mà còn những hành động khác.
Điều 2: Việc sử dụng lực lượng vũ trang trước của một quốc gia hay của một liên minh các quốc gia mà vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc sẽ được viện dẫn như một bằng chứng xác đáng của một hành vi xâm lược bất chấp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, có thể kết luận là: “việc xác định rằng một hành động xâm lược, mà hành động xâm lược đó đã được thừa nhận là vi phạm Hiến chương, sẽ không được bào chữa bởi việc nhận thấy những tình huống có liên quan, bao gồm thực tế rằng những hành động được quan tâm hay những hậu quả của những hành động động được quan tâm này không ở mức nghiêm trọng”.
Điều 3: Chiếu theo và viện dẫn Điều 2, bất kỳ những hành động sau đây sẽ bị coi là xâm lược dù cho không tuyên bố chiến tranh:
1. Hành động xâm lấn hoặc tấn công được thực hiện bởi các lực lượng vũ trang của một quốc gia hay liên minh các quốc gia nhằm vào một quốc hoặc một liên minh các quốc gia khác hoặc là hành vi chiếm đóng quân, dù cho chỉ là tạm thời hoặc là sau khi thực hiện hành vi xâm lấn hoặc tấn công hay bất kỳ sự sáp nhập thông qua việc sử dụng lực lượng vũ trang tại chỗ hoặc một phần của lực lượng tại chỗ của một quốc hoặc một liên minh các quốc gia khác được nói ở trên. 2. Hành vi bắn phá, pháo kích, cường kích hoặc ném bom được thực hiện bởi các lực lượng vũ trang của một quốc gia hoặc một liên minh quốc gia nhằm vào lãnh thổ của một quốc gia khác hoặc một liên minh quốc gia khác hoặc việc sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào của một quốc gia hoặc một liên minh quốc gia nhằm vào lãnh thổ của một quốc gia khác hoặc một liên minh quốc gia khác. 3. Hành vi phong tỏa các cảng hay bờ biển được của một quốc gia hoặc một liên minh quốc gia được thực hiện bởi lực lượng vũ trang của một quốc gia khác hoặc một liên minh quốc gia khác. 4. Một cuộc tấn công trên bờ, trên biển hoặc trên không của một quốc gia hoặc một liên minh các quốc gia được thực hiện bởi lực lượng vũ trang hoặc lực lượng không quân hoặc lực lượng hải quân hoặc lực lượng không quân của hải quân của một quốc gia khác hoặc một liên minh các quốc gia khác. 5. Việc sử dụng lực lượng vũ trang của một quốc gia hoặc một liên minh các quốc gia mà lực lượng vũ trang này ở trong lãnh thổ của một quốc gia khác hoặc một liên minh các quốc gia khác không dựa theo thỏa thuận của quốc gia hoặc liên minh quốc gia tiếp nhận, bao gồm việc sử dụng lực lượng vũ trang này vi phạm các điều khoản có trong thỏa thuận hoặc bất kỳ việc kéo dài sự hiện diện ở những khu vực như trên vượt quá thời hạn có trong thỏa thuận. 6. Hành động của một quốc gia hoặc một liên minh các quốc gia ở trong vùng lãnh thổ được cho phép, điều đã bị bác bỏ bởi một quốc gia khác hoặc một liên minh các quốc gia khác, được thực hiện bởi một quốc gia hoặc một liên minh các quốc gia nói ở vế đầu nhằm vi phạm một đạo luật về hành động xâm lược công lại một quốc gia thứ ba hoặc một liên minh các quốc gia thứ ba. 7. Việc triển khai quân được thực hiện bởi hay đại diện cho một quốc gia hoặc một liên minh các quốc gia do những lực lượng, những nhóm có vũ trang hoặc lực lượng không chính quy hoặc lính đánh thuê thực hiện mà tạo ra những hoạt động vũ trang chống lại một quốc gia khác hoặc một liên minh các quốc gia khác gây ra những thiệt hại như những hành động được nói ở trên hoặc sự can dự trong trường hợp này gây ra những thiệt hại đáng kể.
Lại nói tiếp về invasion và aggression, invasion thường được sử dụng trong chiến tranh, khi các lực lượng vũ trang tiếp quản một quốc gia và thường có một sự biện minh cho hành động đó. Trên thực tế, từ này mang sắc thái trung tính trong Tiếng Anh, như cuộc đổ bộ Normandy cũng được gọi là invasion, cho đến khi nó được dịch sang Tiếng Việt là xâm lược, một từ mang sắc thái tiêu cực. Trong khi đó, aggression thường được sử dụng để mô tả hành vi bạo lực tiêu cực và thường không có lý do biện minh cho hành động đó. Quý độc giả có thể thấy trên các phương tiện truyền thông nước ngoài người ta có thể sử dụng cả hai từ trên. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp lý, quý độc giả dễ dàng bắt gặp từ aggression hơn cả.
Như vậy, có thể thấy rõ hành vi xâm lược của Nga là vô pháp vô thiên, và Ukraine chính là một nạn nhân tội nghiệp trong cuộc cạnh tranh Địa - Chính trị của các cường quốc. Có nhiều lý do khiến tôi nhận định như thế này.
Thứ nhất, với tư cách là “cảnh sát thế giới”, nước Mỹ bị cáo buộc hoặc ít nhất bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác với những lý do khác nhau, bao gồm cả trong và xung quanh Nga và Trung Quốc. Họ cũng bị cáo buộc áp dụng tiêu chuẩn kép khi nói đến hành vi xâm lược, chiếm đóng và vi phạm luật pháp quốc tế – một cho đồng minh và một cho phần còn lại, giống như trường hợp trong Chiến tranh Lạnh. Cuộc chiến đó có thể lạnh nhạt ở phía Bắc, nhưng lại nóng như lửa đốt ở phía Nam bán cầu, nơi Moscow và Washington tham gia vào các cuộc xung đột ủy nhiệm để thúc đẩy lợi ích của họ, bất chấp cái giá phải trả.
Một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai sẽ vô cùng tồi tệ và thậm chí còn tệ hơn nếu thế giới liên kết và phụ thuộc lẫn nhau ngày nay trở nên phân cực sâu sắc giữa một bên là phương Tây và NATO, một bên là Nga và Trung Quốc - không chỉ đối với từng quốc gia riêng lẻ mà còn đối với nhân loại nói chung. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào cuối những năm 1980, hầu hết các quốc gia đã đa dạng hóa quan hệ kinh tế và quân sự với các cường quốc thế giới và không muốn lựa chọn giữa Nga và Mỹ hay giữa EU và Trung Quốc.
Nhiều quốc gia cũng đang tìm kiếm lợi ích riêng của họ trong bối cảnh chia rẽ Địa - Chính trị. Một số quốc gia hiện phải phụ thuộc vào Nga về lúa mì, năng lượng và khí tài quân sự hoặc phụ thuộc vào Trung Quốc về đầu tư, cho vay và thương mại. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã nhiều lần yêu cầu các quốc gia hỗ trợ họ trong thời kỳ khủng hoảng nếu không sẽ phải trả giá. Tổng thống Mỹ George W. Bush đã cảnh báo trước thềm “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” sau vụ tấn công 11/9 vào New York và Washington: “Các bạn hoặc ở bên chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi”. Ngay sau khi Mỹ chỉ định Iran, Iraq và Bắc Triều Tiên là “trục ma quỷ” của thế giới và chuẩn bị xâm lược Iraq, họ đã yêu cầu các quốc gia đứng về phía mình nếu không sẽ hứng chịu sự phẫn nộ của họ. [6]
Thập kỷ tiếp theo, Washington đã gây áp lực lên Trung Quốc và yêu cầu tất cả các đối tác thương mại của nước này đứng đằng sau hoặc phải đối mặt với hậu quả. Chính quyền Trump thậm chí còn đi xa đến mức cảnh báo các thành viên của Liên Hợp Quốc rằng họ đang “bêu tên” những người bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Khi Mỹ đang trên đà suy thoái và Trung Quốc trỗi dậy, giọng điệu cưỡng chế của Mỹ trở nên khá kỳ lạ và mệt mỏi, khiến các nước phải để ngỏ các lựa chọn của mình. Vẫn còn quá sớm để nói liệu sự hoài nghi quốc tế như vậy có dẫn đến một sáng kiến tương tự như Phong trào Không liên kết được hơn 100 quốc gia tham gia trong Chiến tranh Lạnh hay không. Nhưng điều rõ ràng là những thách thức toàn cầu ngày nay đòi hỏi ít phân cực hơn và hợp tác nhiều hơn.
Thứ hai, dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa hiện thực, lợi ích và quyền lực phải được đặt lên hàng đầu trong cuộc chơi giữa các cường quốc. Trong bài viết “Việt Nam: Nạn nhân của Địa lí”, tôi đã chứng minh lý luận của Chủ nghĩa hiện thực trên cơ sở thực tiễn là Chiến tranh Nga - Ukraine cùng với việc trình bày và mở rộng một số định nghĩa của học thuyết này [7]. Tôi xin được phép trích lại một phần nội dung của bài viết trên để làm rõ về hành động của Mỹ:
[...] Trong phạm vi một quốc gia, nhà nước, với quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp, giữ nhiệm vụ ban hành luật pháp, chế tài người vi phạm nhằm đảm bảo an ninh, trật tự của xã hội. Tuy nhiên, trong hệ thống quốc tế, một thiết chế đảm bảo các chức năng như nhà nước của các quốc gia không tồn tại. An ninh và sự sống còn của mỗi quốc gia do họ tự bảo đảm. Điều này được gọi là tình trạng vô chính phủ, có nghĩa là tình trạng thiếu vắng một siêu chính phủ đứng trên các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Vì lẽ đó, mục tiêu của các quốc gia là tìm cách nâng cao quyền lực nhằm tự đảm bảo an ninh và sự tồn tại của mình trong hệ thống, thông qua việc cố gắng giành được càng nhiều nguồn lực càng tốt. Điều này dẫn tới việc các quốc gia luôn ở trong thế cạnh tranh và đối đầu lẫn nhau (trong nhiều trường hợp dưới hình thức chiến tranh, xung đột vũ trang) nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia dưới dạng quyền lực, khiến cho các quốc gia không thể duy trì việc hợp tác một cách lâu dài. Trong tác phẩm “Politics Among Nations: The Struggle for Power and Peace” (Chính trị giữa các quốc gia: Cuộc đấu tranh vì quyền lực và hòa bình), Hans Morgenthau đã lập luận rằng: Các nhà lý tưởng đã đi quá xa khi tin vào một thế giới hòa bình, bình đẳng được xây dựng bằng thể chế hay các tổ chức quốc tế mà bỏ quên yếu tố quyền lực. Theo đó, Morgenthau cho rằngyếu tố quyền lực đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích các sự kiện xảy ra trên sân khấu chính trị thế giới. Từ đó, Morgenthau đã có một nhận định được xem là nguyên tắc của Chủ nghĩa hiện thực: “Chính trị thế giới, giống như tất cả hình thái chính trị khác, là cuộc chiến để đạt quyền lực. Mục đích cuối cùng của chính trị quốc tế, dù nằm ở đâu cũng là quyền lực.” - Hans Morgenthau. Quyền lực, căn cứ dưới góc nhìn của Chủ nghĩa hiện thực, không chỉ là phương tiện để các quốc gia đạt đến các mục tiêu của mình, mà tự nó cũng chính là một mục tiêu, thông qua hai giả định chính. Thứ nhất, quyền lực là động lực cho các chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Câu hỏi tại sao quốc gia lựa chọn chính sách A hay chính sách B, chỉ có thể được giải thích bằng lăng kính quyền lực. Thứ hai, quyền lực được định nghĩa là khả năng ảnh hưởng và thay đổi hành vi của các quốc gia hay tổ chức khác theo lợi ích của mình. Nói cách khác, cuộc chiến giành quyền lực có thể hiểu là cuộc chiến nhằm giành khả năng gây ảnh hưởng đối với hành vi và suy nghĩ của các quốc gia khác. Trong một thế giới vô chính phủ, mục tiêu của mỗi quốc gia là trang bị cho mình càng nhiều quyền lực càng tốt để đảm bảo an ninh và sinh tồn. Tuy nhiên, cuộc chạy đua tranh giành quyền lực dẫn tới việc các quốc gia đối mặt với một “thế lưỡng nan về an ninh”. Theo đó, khi một quốc gia càng tìm cách nâng cao quyền lực của mình thì càng làm cho các quốc gia khác bất an, buộc các quốc gia thường xuyên phải chạy đua nâng cao quyền lực của mình nhằm đảm bảo an ninh của mình không bị đe dọa.
Trong tác phẩm “Thuỷ Quái” (Leviathan), Thomas Hobbes đã có nhận định tương tự, nhấn mạnh bản chất ích kỷ, ham muốn của con người theo Chủ nghĩa hiện thực cổ điển:
“Vì vậy, trong bản chất của con người, chúng tôi tìm thấy ba nguyên nhân chính gây ra tranh cãi: Thứ nhất, Cạnh tranh. Thứ hai, Sự bất đồng. Thứ ba, Vinh quang. Đầu tiên, người tạo ra xâm lược để đạt được lợi ích. Thứ hai, để đạt được an toàn. Và thứ ba, để đạt được danh tiếng. Loại thứ nhất sử dụng vũ lực, để biến mình thành chủ của những người, vợ, con và gia súc của những người đàn ông khác. Loại thứ hai, để bảo vệ họ. Loại thứ ba, đối với những điều vặt vãnh, như một lời nói, một nụ cười, một ý kiến khác và bất kỳ dấu hiệu đánh giá thấp nào khác, hoặc trực tiếp trong con người của họ, hoặc bằng phản xạ trong Người thân của họ, bạn bè của họ, quốc gia của họ, nghề nghiệp của họ hoặc tên của họ.”
Tuy nhiên, có sự khác biệt căn bản giữa hành vi của Nga và hành vi của Mỹ. Mỹ đã có chuẩn bị rõ ràng để tạo nên một luận cứ hoàn hảo để biện minh cho hành vi của mình theo góc độ của luật pháp quốc tế. Theo học giả Nguyễn Quốc Tấn Trung, chủ kênh Hội Đồng Cừu và hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Canada, do xung đột giữa Nga và Ukraine là xung đột vũ trang quốc tế (International Armed Conflict), xung đột này sẽ được điều chỉnh bởi nhóm pháp luật IHL. Trong trường hợp này, Công ước Hague 1907 và Công ước Geneva thứ 4 (1949) sẽ được sử dụng.
Theo đó, thẩm quyền và nghĩa vụ của Nga đối với các vùng mà họ đang chiếm đóng sẽ với tư cách của quốc gia chiếm đóng (Occupying Power) đối với lãnh thổ bị chiếm đóng (Occupied Territory). Có rất nhiều nghĩa vụ mà Occupying Power cần phải tuân thủ, nhưng trong trường hợp này ta nhắc đến hai điều:
1. Tôn trọng và duy trì hệ thống pháp luật sở tại của khu vực bị chiếm đóng. Nói cách khác, việc một quốc gia chiếm đóng vùng lãnh thổ của quốc gia khác không có nghĩa là quốc gia đó được quyền mang hết luật pháp của mình áp đặt lên vùng lãnh thổ này (điều mà Nga đang làm).Kể cả khi trong trường hợp bị chiếm đóng, pháp luật dân sự, hành chính, thương mại,… trước đó của vùng lãnh thổ vẫn tiếp tục có hiệu lực. Việc mang luật bầu cử của Nga vào vùng lãnh thổ không bị tranh chấp của Ukraine để tổ chức bừa trưng cầu dân ý chắc chắn vi phạm nguyên tắc này.
2. Một nguyên tắc minh thị hơn là, quốc gia chiếm đóng không thể tiếp quản và chỉnh sửa chủ quyền của vùng bị chiếm đóng. Mọi hoạt động của Occupying Power nhắm đến việc tước đoạt chủ quyền hoàn toàn của quốc gia còn lại đối với vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng luôn được xem là bất hợp pháp. Dù chiến tranh vẫn có thể xảy ra trong môi trường hiện đại vì nhiều lý do kinh tế chính trị khác nhau, ví dụ nhiều người cho rằng Mỹ đánh Iraq vì dầu, việc cho phép quốc gia chiếm đóng thay đổi chủ quyền quốc gia đang bị chiếm đóng sẽ quay ngược chiều lịch sử về giai đoạn thực dân kiểu cũ.Thực tế là dù Mỹ xâm lược, lật đổ chính quyền, và chiếm đóng Iraq trong thời gian dài, “quốc gia Iraq” vẫn còn tồn tại với đầy đủ các yếu tố về dân cư và địa lý của nó. Hành vi của Nga vì vậy phá vỡ mọi nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại.
Nói đến trường hợp Kosovo, có nhiều sự khác biệt cơ bản mà những người ủng hộ Nga thường dùng để tư duy nước đôi cho hành vi của Nga. Thứ nhất, NATO can thiệp quân sự bằng không quân vào năm 1999. Các hoạt động quân sự của họ kéo dài 3 tháng. Không có sự hiện diện của quân đội NATO ở mặt đất. Thứ hai, Kosovo đưa ra tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008, tức 10 năm sau khi NATO can thiệp quân sự. Vấn đề chủ yếu nằm ở quá trình đàm phán với Serbia (do Liên Hợp Quốc trung gian) không thành công. Thứ ba, Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập không phải là hệ quả của việc NATO chiếm đóng hay can thiệp vùng lãnh thổ này, vì bản chất không có sự hiện diện của quân đội. Điều này được phía Serbia công nhận trong các thảo luận trước Toà án Công lý Quốc tế. Thứ tư, Kosovo trưng cầu dân ý và tuyên bố độc lập khỏi Serbia, chứ không sát nhập lãnh thổ của vào Mỹ hay các quốc gia Châu Âu.
Tôi cũng có vài lời nhắn nhủ đến các thành phần ủng hộ Nga trước khi kết thúc bài viết này. Tôi đã nói rất nhiều lần trước đây, việc bạn yêu thích ai đó, cái gì đó, quốc gia nào đó, thực thể nào đó là quyền tự do của cá nhân bạn, chúng tôi không có quyền can thiệp. Nếu bạn ủng hộ hành vi sai trái của Nga thì đó là việc của cá nhân bạn. Bạn không có quyền áp đặt tư tưởng của cá nhân bạn lên chúng tôi, kể cả những người ủng hộ Ukraine hay lập trường trung lập như tôi, rằng phải ủng hộ Nga “chính nghĩa” mới là “yêu nước”, “thương dân”, nếu không thì là “phản động”, “ba que”. Nhân dân thế giới có quyền lên tiếng vì hoà bình, và những nguỵ luận, nguỵ biện hết mực rập khuôn như thế chỉ cho thấy sự dở hơi và vô học của người nguỵ biện mà thôi.
Không một người yêu chuộng dân chủ nào, chưa nói đến những nhà xã hội chủ nghĩa, lại can đảm phủ nhận những yêu cầu chính đáng của người Ukraine.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 10/11/2022, hoàn thành vào 22/11/2022.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] “Căn bệnh Hà Lan và đồng Rúp tăng vọt”, trantuanst22, Spiderum.
[2] “Quan hệ Nga - Trung: Bằng mặt nhưng không bằng lòng”, trantuanst22, Spiderum.
[4] “Tifosi, yêu nước online và Chủ nghĩa Sô vanh”, trantuanst22, Spiderum.
[5] United Nations General Assembly Resolution 3314 (XXIX).
[7] “Việt Nam: Nạn nhân của Địa lí”, trantuanst22, Spiderum.
Ngày 22 tháng 11 năm 2022,
Trần Tuấn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất