"Căn bệnh Hà Lan" và đồng Rúp tăng vọt.
Trong phạm vi của bài viết này, tôi muốn làm rõ những hệ quả tiêu cực khi tỷ giá đồng nội tệ tăng phi mã một cách không kiểm soát dưới góc nhìn Kinh tế học.
Lời đầu tiên
Hôm nay, rỗi rãi nhâm nhi một tách trà và lướt các trang báo cùng các tờ tạp chí kinh tế, tôi đọc được một số cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề nền kinh tế Nga suy thoái hay đang phục hồi dưới áp lực của những lệnh trừng phạt liên tiếp của Phương Tây. Đặc biệt, chủ đề tỷ giá đồng Rúp so với đồng USD tăng vọt chưa từng có dẫn đến những cuộc tranh luận về sự hiệu quả của các lệnh trừng phạt. Trong phạm vi của bài viết này, tôi muốn làm rõ những hệ quả tiêu cực khi tỷ giá đồng nội tệ tăng phi mã một cách không kiểm soát dưới góc nhìn Kinh tế học.
Phần I: Căn bệnh Hà Lan
1. “Căn bệnh Hà Lan” là gì?
Những năm 1960, sau khi phát hiện một mỏ khí gas lớn ở vùng biển phía Bắc, Hà Lan đã tập trung khai thác và xuất khẩu một lượng khí đốt lớn. Điều này đã mang lại cho nước này nguồn ngoại tệ khổng lồ khiến nền kinh tế Hà Lan giàu lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng chính nguồn ngoại tệ ấy đã đẩy giá đồng nội tệ của Hà Lan lên cao làm giảm xuất khẩu và sức cạnh tranh của các ngành sản xuất khác trong nước. Năm 1977, để chỉ tình trạng kinh tế đó ở Hà Lan, The Economist lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ “Căn bệnh Hà Lan”.
“Căn bệnh Hà Lan” ám chỉ mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng phát triển kinh tế của một lĩnh vực cụ thể và sự suy giảm trong các lĩnh vực khác. Tình trạng này có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực phát sinh từ việc giá trị đồng tiền của một quốc gia tăng đột biến do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về xuất khẩu hàng hóa của riêng một ngành, thường là nhiên liệu hóa thạch. Lúc đầu, dòng ngoại tệ đổ vào làm giảm lạm phát trong nước, nhưng đồng thời, nó làm chậm sự phát triển của các ngành khác và cản trở tăng trưởng kinh tế, dẫn đến tăng giá.
Nói một cách ngắn gọn, thuật ngữ này chỉ nguy cơ suy giảm mạnh của khu vực sản xuất khi một quốc gia tập trung khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu. Ngoài ra, thuật ngữ này cũng dùng để chỉ tình trạng giảm sút của nền kinh tế do có sự gia tăng dòng ngoại tệ nói chung như sự tăng nhanh giá tài nguyên thiên nhiên xuất khẩu hay nguồn viện trợ từ nước ngoài, nguồn vốn FDI.
2. Mô hình Kinh tế học.
Vào năm 1982, hai nhà Kinh tế học W. Max Corden và J. Peter Neary đã đề xuất một mô hình cho “Căn bệnh Hà Lan”. Theo đó, mô hình của hai nhà Kinh tế học dựa trên giả thiết rằng nền kinh tế quốc dân được chia ra thành hai khu vực: khu vực xuất khẩu (tradable sector) và khu vực không xuất khẩu (non-tradable sector). Trong đó, khu vực xuất khẩu được chia làm hai khu vực nhỏ là: (1) khu vực bùng nổ: tức khu vực khai thác tài nguyên và (2) khu vực trì trệ: tức khu vực chế tạo.
Theo giả thiết này, thị trường có hai thành phần tham gia là Non-tradable (không thể xuất khẩu, ngoại thương) và Tradable (có thể xuất khẩu, ngoại thương). Trong đó, khu vực xuất khẩu là những loại hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước chỉ phục vụ nhu cầu trong nước như dịch vụ, xây dựng,... và không tham gia xuất khẩu hay nhập khẩu. Trong khi đó, khu vực xuất khẩu là tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước để phục vụ hoạt động xuất và nhập khẩu cũng như là cầu nội địa.
Khi các ngành khai thác tài nguyên bùng nổ, lượng cầu về lao động của khu vực này tăng lên, lao động từ khu vực sản xuất sẽ chuyển sang khu vực khai thác này làm cho khu vực sản xuất bị thiếu cung lao động và trở nên suy thoái. Quá trình này được gọi là phi công nghiệp hóa trực tiếp. Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực khai thác đã làm tăng tăng thu nhập của người lao động trong lĩnh vực này. Nhu cầu tiêu dùng của họ vì thế cũng tăng lên. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực không xuất khẩu. Sự tăng trưởng này lại kéo theo sự di chuyển nguồn lực từ khu vực chế tạo và khiến cho khu vực này ngày càng trì trệ hơn. Quá trình này được gọi là phi công nghiệp hóa gián tiếp. Hai nhà Kinh tế học W. Max Corden và J. Peter Neary gọi đây là hiệu ứng di chuyển nguồn lực của căn bệnh Hà Lan.
Hiệu ứng tiêu dùng xảy ra khi những người có thu nhập từ yếu tố bùng nổ tăng lên, và lượng thu nhập này sẽ được chi cho cả hai mặt hàng là Tradable và Non-tradable. Nếu cầu của Non-tradable so với thu nhập co dãn thì thu nhập tăng sẽ đẩy giá Non-tradable tăng. Khi giá Non-tradable tăng nghĩa là đầu vào của Tradable cũng tăng theo như giá của nguyên, nhiên liệu hay lương nhân công. Tuy nhiên, giá của Tradable lại cố định bởi đó là những mặt hàng được giao dịch quốc tế và bị áp dụng nguyên tắc một giá. Do vậy, khi chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận của các nhà sản xuất Tradable sẽ bị giảm. Do đó, cầu Tradable tăng sẽ được thay thế bằng các mặt hàng nhập khẩu. Khi tỷ giá danh nghĩa là cố định, thu nhập tăng nhưng sẽ không kéo theo giá của Tradable tăng theo. Khi đó, cầu tăng của Non-tradable sẽ làm giá tăng và do đó mà tỷ giá hối đoái thực tế tăng theo. Với tỷ giá hối đoái thực tế (real exchange rate) được định nghĩa như sau:
RER = Pt/Pn hay RER = e.P*/P
Trong đó: RER là tỷ giá hối đoái thực tế; e là tỷ giá hối đoái danh nghĩa (số đơn vị nội tệ đổi một đơn vị ngoại tệ); P* là giá hàng nước ngoài và P là giá hàng trong nước. RER còn được xét ở góc độ là một tỷ số giữa giá hàng Tradable (Pt) và giá hàng Non-tradable (Pn). Hàng Tradable là hàng có thể mua bán xuyên quốc gia và giá của chúng phụ thuộc giá thế giới (P*). Trong khi đó, hàng Non-tradable là hàng sản xuất và tiêu dùng chỉ trong phạm vi quốc gia, thiếu không thể nhập khẩu và thừa không thể xuất khẩu và giá của chúng phụ thuộc vào giá trong nước (P). Vì RER=e.P*/P cũng có thể viết là RER=Pt/Pn.
Theo công thức, giá trị của RER được tính cho quốc gia sẽ theo dạng chỉ số vì cả P, P* và e đều được tính bằng chỉ số. Nếu RER = 1 có nghĩa là các hàng hóa này ngang giá nhau. RER > 1 thì hàng hóa nước ngoài mắc hơn một cách tương đối so với hàng hóa trong nước (hay ta nói đồng tiền nước này bị định giá thấp). Ngược lại, RER < 1 có nghĩa giá hàng hóa nước ngoài rẻ hơn một cách tương đối so với hàng hóa trong nước (đồng tiền nước này bị định giá cao).
Khi đồng nội tệ tăng so với ngoại tệ sẽ làm sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu giảm, cùng với đó lại làm nhập khẩu tăng. Tức là hiệu ứng tiêu dùng trên không những sẽ làm tăng giá các mặt hàng Non-tradable trong nước, gây áp lực lạm phát; đồng thời nó còn làm các ngành sản xuất các mặt hàng Tradable xuất khẩu khác bị suy yếu và lượng nhập khẩu lại gia tăng.
Bên cạnh đó, chúng ta còn có mô hình bốn khu vực được nghiên cứu và bổ sung nhiều lần bởi nhiều nhà Kinh tế học như Krugman và cả World Bank, IMF. Về cách phân chia nền kinh tế, mô hình bốn khu vực cũng chia khu vực xuất khẩu thành khu vực có sự bùng nổ và khu vực không có sự bùng nổ. Điểm khác biệt là khu vực Non-tradable cũng được chia thành khu vực sản xuất hàng tư bản và khu vực sản xuất hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, thay vì nghiên cứu nông nghiệp như một khu vực đơn nhất giống mô hình hai khu vực, mô hình bốn khu vực xem khu vực nông nghiệp gồm khu vực sản xuất nhằm xuất khẩu thu lợi nhuận (cash crops) và khu vực sản xuất lương thực tiêu dùng trong nước (food crops) thay vì một khu vực đơn nhất.
3. Tác động.
“Căn bệnh Hà Lan” có hai tác động kinh tế chính: (1) Làm giảm khả năng cạnh tranh về giá cả hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia. (2) Làm gia tăng nhập khẩu. Cả hai hiện tượng này đều là kết quả của đồng nội tệ tăng giá.
Trong dài hạn, những yếu tố này có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp, khi các công việc sản xuất chuyển sang những nước có chi phí thấp hơn. Trong khi đó, các ngành công nghiệp không dựa trên tài nguyên phải chịu tổn thất do của cải được tạo ra bởi các ngành công nghiệp dựa trên tài nguyên. Khi vốn và nguồn nhân lực dịch chuyển từ ngành này sang ngành khác, nền công nghiệp buộc phải cắt giảm và công nhân phải tìm những công việc mới. Sự dịch chuyển này, bất kể diễn ra nhanh thế nào, cũng gây thiệt hại cả về mặt kinh tế và chính trị. Các nhà Kinh tế học lo ngại rằng sự dịch chuyển về nguồn nhân lực phục vụ bộ phận chế tạo sản xuất, nơi mà các kĩ năng chỉ có được trong quá trình làm việc, sẽ gây nguy hại cho tiềm năng phát triển lâu dài của một đất nước bởi nó cản trở sự phát triển về mặt con người.
4. Làm thế nào chúng ta có thể biết được một đồng tiền nào đó đang bị định giá cao (overvalued) hay bị định giá thấp (undervalued)?
George Soros đã từng trả lời cho câu hỏi này khi ông đặt cược thành công và thắng một tỷ đô-la bằng cách tấn công và đánh bại đồng Bảng Anh vào năm 1992. Từ đó mở ra kỷ nguyên mới về đầu cơ tiền tệ trên quy mô lớn phạm vi toàn cầu. Sau khi đồng Bảng sụp đổ, Anh Quốc đã rời khỏi cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu và khu vực này bắt đầu hình thành một đồng tiền chung (đồng Euro bây giờ). Theo các nhà Kinh tế học, cuộc tấn công thực hiện bởi Soros và những nhà đầu cơ khác lúc bấy giờ được tiến hành là vì họ tin rằng đồng Bảng đã bị định giá cao. [1]
Trong hầu hết mọi trường hợp, các nhà Kinh tế học và các nhà hoạch định chính sách quan tâm nhiều hơn đến tỷ giá hối đoái thực hiệu dụng (real effective exchange rate - REER) hay còn gọi là tỷ giá hối đoái thực đa phương (multilateral real exchange rate – MRER) khi muốn đo lường độ lệch hướng (bị định giá cao hay thấp) của một đồng tiền. Đơn giản là vì một quốc gia không chỉ giao dịch thương mại với chỉ một quốc gia mà còn với rất nhiều các quốc gia khác. REER hay MRER là trung bình của các tỷ giá hối đoái thực song phương giữa quốc gia đó với mỗi quốc gia bạn hàng thương mại của nó, có tính đến trọng số của tỷ phần thương mại tương ứng của mỗi quốc gia bạn hàng. Do là số đo trung bình nên MRER có thể được xem là không bị lệch về hướng bị định giá cao hay định giá thấp một cách tương đối so với một hay nhiều quốc gia bạn hàng của mình. Nếu số đo này không bị lệch hướng thì được xem là MRER cân bằng. [2]
Như vậy, để xác định xem một đồng tiền có bị định sai giá trị hay không và nếu có thì sai lệch là bao nhiêu, chúng ta có thể cần đến MRER, có nghĩa là phải tính MRER theo thời gian để so với một cột mốc của một năm cơ sở nào đó được chọn. Theo thuyết ngang bằng sức mua, dù là tuyệt đối hay tương đối, đều nhấn mạnh rằng MRER sẽ không thay đổi theo thời gian nếu các đồng tiền đang ở trạng thái cân bằng. [3]
Phần II: Đồng Rúp tăng phi mã và hệ quả
Đồng Rúp đã tăng giá lên mức cao nhất so với USD kể từ năm 2018, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới trong năm nay, theo dữ liệu của Dow Jones Market Data về tỷ giá của 56 đồng tiền trên thế giới. Thông thường, tỷ giá đồng tiền của một quốc gia thường tăng, giảm theo sự lên, xuống của nền kinh tế nước đó. Nhưng trong trường hợp của Nga, các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) và doanh thu kỷ lục từ xuất khẩu dầu thô và khí đốt đã làm cho tỷ giá đồng Rúp liên tục tăng. Phần lớn nguồn thu này là các khoản bằng USD và Euro thông qua cơ chế hoán đổi Rúp - theo yêu cầu của phía Nga là các nước “không thân thiện” phải thanh toán bằng Rúp khi mua khí đốt. Tuy nhiên, đồng Rúp đã tăng giá phi mã đến mức bắt đầu đặt ra trở ngại cho nền kinh tế Nga. [4]
Về cơ bản, đồng nội tệ mạnh mang lại một số lợi ích cho một quốc gia, chẳng hạn như làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Tuy nhiên, do bị trừng phạt, Nga không thể nhập khẩu nhiều mặt hàng vào lúc này, dù có muốn đi chăng nữa. Ngoài ra, đồng Rúp mạnh gây bất lợi cho ngân sách của Nga vì tiền thu về từ xuất khẩu là ngoại tệ sẽ vơi bớt đi khi chuyển đổi sang nội tệ do nội tệ tăng giá. Với đồng Rúp mạnh lên, các công ty năng lượng Nga khi đổi ngoại tệ sang Rúp sẽ nhận được ít Rúp hơn tính trên mỗi USD. Điều này xảy ra đúng vào lúc Nga phải đối mặt với các sức ép khác, gồm chi phí tổn hao cho cuộc chiến tranh ở Ukraine và chi phí phúc lợi xã hội gia tăng.
Vào hôm 26/05, Nga đã có động thái “hãm phanh” đà tăng giá của đồng Rúp. Đồng Rúp đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua sau cuộc họp bất thường của Ngân hàng Trung ương Nga. Lãi suất được hạ 3 điểm phần trăm từ mức 14% về 11%. Cơ quan quản lý nước này cũng cho hay, sẽ có nhiều đợt cắt giảm hơn nữa trong tương lai. Đồng Rúp bắt đầu giảm mạnh từ mức cao nhất trong nhiều năm khi thị trường dự đoán trước được quyết định của ngân hàng trung ương. Theo RT, động thái mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nga là sự cần thiết nhằm ngăn chặn sức mạnh bật vọt của đồng Rúp, điều làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực về doanh thu ngân sách xuất khẩu của nước này.
Đồng Rúp đang mạnh lên trên giấy tờ, nhưng đó chỉ là kết quả của sự sụt giảm nhập khẩu. Đây chính là “tỷ giá Potemkin”. Trong Kinh tế học và Chính trị, thuật ngữ “làng Potemkin” (Potemkin Village) ám chỉ bất kỳ công trình (theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng) có mục đích duy nhất là cung cấp vẻ ngoài hào nhoáng cho một quốc gia đang hoạt động kém hiệu quả, khiến mọi người tin rằng đất nước đang phát triển tốt hơn. Thuật ngữ này xuất phát từ việc Grigory Potemkin dựng lên những khu làng di động giả dọc các bờ sông Dnieper nhằm đánh lừa Catherine II về sự trù phú của khu vực Ukraine và bán đảo Crimea, vốn nằm dưới quyền quản lý của Potemkin, trong chuyến đi thị sát của bà tới khu vực này vào năm 1787. Qua đó, chúng ta có thể thấy tỷ giá đồng Rúp không là một thước đo sức khỏe nền kinh tế Nga. Cơ quan thống kê liên bang Nga Rosstat đã thừa nhận rằng số người Nga sống dưới ngưỡng nghèo đã tăng từ 12 triệu người lên 21 triệu người trong quý 1/2022.
Và cũng như tôi đã giải thích ở Phần I, khi ngành năng lượng ôm khoản doanh thu áp đảo cùng với đồng tiền quốc gia quá mạnh có thể dẫn tới “Căn bệnh Hà Lan”. Những tác động và hệ quả tiêu cực như tôi đã phân tích. Với hai tác động kinh tế chính là làm giảm khả năng cạnh tranh về giá cả hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia và làm gia tăng nhập khẩu, trong bối cảnh Nga không thể nhập khẩu nhiều mặt hàng trong lúc này, điều này thật sự báo động với nền kinh tế của nước này. Nói một cách cụ thể hơn, do Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và bị chặn khỏi các giao dịch sử dụng đồng USD và Euro trên thị trường quốc tế, về cơ bản, nước này giờ đây chỉ có thể tự giao dịch với chính mình bằng các đồng tiền này. Điều đó có nghĩa là Nga xây dựng được một dự trữ ngoại hối khổng lồ, giúp củng cố sức mạnh cho tỷ giá đồng nội tệ tại thị trường trong nước, nhưng lại không thể sử dụng dự trữ đó để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu những hàng hoá cần thiết cho nền kinh tế.
Những quý tới sẽ không dễ dàng, vì trong khi nền kinh tế [tìm cách] thích ứng, quá trình này sẽ khó khăn cho cả các doanh nghiệp và người dân.
Nguyên liệu sản xuất thiếu hụt, hàng tiêu dùng tăng giá vì khan hiếm đang dần phổ biến tại Nga, đang cảnh báo một tương lai ảm đạm cho kinh tế nước này. Chẳng hạn, sau khi các lệnh trừng phạt làm cản trở hoạt động sản xuất tại nhà máy của Avtotor ở Kaliningrad, hãng ôtô Nga quyết định tung ra chương trình xổ số miễn phí trúng các lô đất rộng 4 ha kèm cơ hội mua khoai tây giống để nhân viên có thể tự trồng trọt lương thực trong “tình hình kinh tế khó khăn”. Trong lĩnh vực công nghiệp (bao gồm hóa chất, dầu, khí đốt và sản xuất) khối lượng nhập khẩu trung bình trong 4 tuần giảm 88% so với đầu tháng Hai, theo đơn vị chuyên theo dõi chuỗi cung ứng FourKites. Khối lượng nhập khẩu liên quan đến tiêu dùng giảm 76%, khiến người Nga gặp khó khăn trong việc mua hàng. Các bệnh viện bị hạn chế các bộ phận và vật tư thay thế cho máy lọc máu và máy thở. [5]
Ở Moscow, những người mua hàng cũng phàn nàn rằng một kilogam chuối đã tăng lên 100 Rúp so với 60 Rúp trước đây. Các ngân hàng đã rút ngắn biên lai để đối phó với tình trạng thiếu giấy tờ; còn các nhà sản xuất quần áo cho biết họ sắp hết cúc. Triển vọng kinh tế của Nga cũng đang bị thu hẹp ở bên ngoài. Gần đây, công ty vận hành các nhà máy điện hạt nhân Fennovoima (Phần Lan) đột ngột thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng xây dựng một nhà máy ở thành phố phía Bắc Hanhikivi với Rosatom - Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Nhà nước Nga.
Vào giữa tháng 5, Bộ Kinh tế Nga đã dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này sẽ tăng lên mức gần 7% trong năm nay, từ mức dưới 5% của năm ngoái, và sớm nhất phải đến năm 2025 mới có thể quay trở lại mức cũ. Từ khi Chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, hàng nghìn công ty nước ngoài đã rút khỏi Nga, khiến nhiều người Nga lâm vào cảnh thất nghiệp.
Lạm phát ở Nga tuy đã dịu đi đôi chút nhưng vẫn đang ở vùng đỉnh của 20 năm do khan hiếm hàng hóa. Giá thực phẩm ở nước này hiện đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thu nhập khả dụng thực tế của người dân trong 3 tháng đầu năm nay giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nga đang phải trải qua một mùa đông kinh tế ảm đạm, bất chấp những lời tâng bốc của một số cá nhân trên các trang mạng xã hội. Chính quyền của ông Putin đã và đang tìm cách làm dịu những tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế của Phương Tây đối với nền kinh tế Nga, dù trên phương tiện ngoại giao đều khẳng định những lệnh trừng phạt không có tác động đến nước Nga. Thiết nghĩ, chúng ta, những người ngoài cuộc, nên nhìn nhận vấn đề ở góc độ trung lập. Chúng ta nên quan sát sự kiện này một cách cẩn thận và trang bị tri thức, tránh để cảm xúc lấn át lý trí khi kết luận một cách quá vội vã, mù quáng và chưa có căn cứ. Cũng như nhà ngoại giao, nhà triết học và nhà văn thời Phục hưng người Ý Niccolò Machiavelli từng nói:
Không có cách nào khác để bảo vệ mình khỏi lời xu nịnh ngoài việc khiến người ta hiểu rằng nói với bạn sự thật sẽ không xúc phạm bạn.
[1], [2], [3] “Tỷ giá hối đoái thực - cách thức nhận biết đồng tiền đang bị định giá cao hay thấp”, Châu Văn Thành, Đại học Fulbright.
[4] “Nghịch lý” ở Nga: Kinh tế đi xuống, đồng tiền tăng giá mạnh, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy).
[5] “Tương lai ảm đạm cho kinh tế Nga dần lộ diện”, VnExpress.
Ngày 21 tháng 06 năm 2022,
Trần Tuấn
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất