Quan hệ Nga - Trung: Bằng mặt nhưng không bằng lòng.
Tiêu đề của bài viết là đánh giá của cá nhân tôi khi quan sát mối quan hệ “đang ở mức cao nhất trong lịch sử” giữa Nga và Trung Quốc.
Lời đầu tiên
Tiêu đề của bài viết là đánh giá của cá nhân tôi khi quan sát mối quan hệ “đang ở mức cao nhất trong lịch sử” giữa Nga và Trung Quốc trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Chiến tranh Nga - Ukraine những tháng gần đây. Bài viết sẽ cung cấp cho quý độc giả một góc nhìn toàn cảnh về những toan tính và lợi ích chính trị qua cái bắt tay giữa Trung Quốc và Nga. Qua đó, chúng ta có thể thấy được một cách tổng quát về bàn cờ Địa - Chính trị của các nước lớn. Như thường lệ, tôi rất hoan nghênh ý kiến đóng góp của quý vị. Tuy nhiên, những bình luận không phù hợp, công kích cá nhân, không nhằm mục đích trao đổi kiến thức sẽ không được chấp nhận ở đây.
Phần I: Chuyện từ thiện kiểu Liên Xô
Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ Nga - Trung bây giờ, chúng ta nên quay về Lịch sử, tìm hiểu quan hệ Xô - Trung nồng ấm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh thắng Quốc dân Đảng và tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, trước sự kiện “Xô - Trung chia rẽ”. Từ đó, chúng ta có thể thấy được Trung Quốc đã “nếm” bài học từ thiện kiểu Liên Xô như thế nào và những toan tính lợi ích trong quan hệ quốc tế. Trên thực tế, nước ta cũng đã trải qua một điều tương tự buổi đầu Kháng chiến chống Pháp, nhưng điều này sẽ được nói đến trong một bài viết khác. Mời quý độc giả tham khảo bản dịch tóm tắt của bài viết “Stalin đã đầu tư vào Trung Quốc như thế nào?” của học giả A.Volynhets trong Phần I, kèm bình luận của tôi về vấn đề này ở cuối hai đề mục. [1]
1. Xâm nhập kinh tế Trung Quốc.
Nhiều người thường cho rằng Liên Xô đã dành quá nhiều viện trợ không hoàn lại cho các phong trào Cộng sản và các nước Xã hội chủ nghĩa, nhiều khi gây tổn hại cho chính lợi ích của mình. Điều này hoàn toàn không đúng dưới thời Stalin. Ngay từ cuối những năm 40 của thế kỷ trước, khi những người Cộng sản Trung Quốc còn đang tiến hành cuộc nội chiến, Liên Xô của Stalin đã nhanh trí nghĩ ra cách kiếm lợi từ việc cung cấp trang bị cho đồng minh đỏ của mình tại Trung Quốc. Chẳng hạn, trong suốt năm 1947, Liên Xô đã chuyển cho các khu vực do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát các loại hàng hóa khác nhau trị giá 151 triệu rúp. Để đổi lại, các khu vực trên cung cấp cho Liên Xô các loại nguyên liệu và hàng hóa trị giá hơn 170 triệu rúp (tính theo thời giá hiện nay khoảng gần 10 tỷ đô-la Mỹ). Một đặc điểm trong kinh tế đối ngoại Xô Viết lúc đó là thường không áp dụng phương thức thanh toán bằng tiền, mà chủ yếu theo hình thức “barter” - hàng đổi hàng.
Trung Quốc là một đất nước rộng lớn và có không ít các nguyên liệu và mặt hàng quý hiếm. Liên Xô cung cấp cho những người Cộng sản Trung Quốc xe ô tô vận tải, trang thiết bị đường sắt, xăng và các mặt hàng khác để đảm bảo hậu cần cho toàn bộ Quân đội của Mao Trạch Đông. Về phần mình, Trung Quốc đã xuất sang Liên Xô lương thực trưng mua của 400 triệu nông dân và các loại nguyên liệu đặc biệt quý hiếm lúc đó như volfram - không có nó thì không thể có được ngành công nghiệp quân sự. Vào khoảng thời gian đó, volfram mới chỉ được khai thác ở Trung Quốc.
Năm 1949, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm được “thiên hạ Trung Nguyên”, Liên Xô đã cung cấp cho Trung Quốc một khối lượng hàng hóa trị giá 420 triệu rúp và nhận từ nước này hàng hóa và nguyên liệu tổng giá trị 436 triệu rúp. Cũng trong những năm đó, Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Trung Quốc một khối lượng vũ khí rất lớn, nhưng toàn là các loại vũ khí chiến lợi phẩm thu được của Quân đội Nhật Bản năm 1945.
Khi người Trung Quốc đề cập đến vấn đề cung cấp cho họ các loại vũ khí Xô Viết mới nhất, Liên Xô của Stalin không hề có ý định làm từ thiện. Phía Liên Xô bắt buộc “các đồng chí Trung Quốc” phải trả bằng ngoại tệ hoặc bằng vàng. Trung Quốc cũng rất thiếu vàng và ngoại tệ khi đó. Vào tháng 8/1949, nhân vật thứ ba trong Đảng Cộng sản Trung Quốc là Lưu Thiếu Kỳ đã bí mật bay đến Moscow để đàm phán về tất cả các vấn đề tài chính và kinh tế. Kết quả, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ và Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Malenkov đã ký một thỏa thuận bí mật về việc Liên Xô dành cho Trung Quốc một khoản tín dụng 300 triệu đô-la (khoảng 15 tỷ đô-la theo thời giá hiện nay). Đây là một khoản ngoại tệ rất lớn đối với Liên Xô bị kiệt quệ sau chiến tranh, khi chính nước này cũng đang khan hiếm ngoại tệ nghiêm trọng. Nhưng cái được là ở chỗ, chính quyền mới ở Trung Quốc cam kết “đẩy đuổi” khỏi lãnh thổ Trung Quốc các căn cứ quân sự Mỹ với “các pháo đài bay”. Những “pháo đài bay” này từ phía tây Trung Quốc có thể bay đến tận Ural - trung tâm công nghiệp chủ yếu của Liên Xô sau chiến tranh. Đảm bảo an ninh trước các “pháo đài bay” Mỹ mang bom hạt nhân xứng đáng phải trả bằng mọi giá. Hơn nữa, đây là khoản tiền Đảng Cộng sản Trung Quốc vay chứ không phải cho không. Gần 1/3 trong số đó ngay lập tức lại quay ngược lại Liên Xô để thanh toán cho việc cung cấp các loại vũ khí Xô Viết mới nhất.
Mao Trạch Đông đã đến thăm Liên Xô và hai bên đã ký một loạt các thỏa thuận, không chỉ về quân sự - chính trị mà còn một thỏa thuận mới về việc Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc một khoản tín dụng trị giá 1 tỷ 200 nghìn rúp. Theo thỏa thuận tín dụng này thì Chính phủ Trung Quốc có quyền sử dụng khoản tiền trên chia đều cho 5 năm, bẳt đầu từ ngày 01/01/1950 để trả cho các trang thiết bị công nghiệp và vật liệu cần thiết cho phát triển nền kinh tế Trung Quốc nhập từ Liên Xô. Chính phủ Trung Quốc cam kết thanh toán khoản nợ trên trong vòng 10 năm, bắt đầu từ 31/12/1954 đến 31/12/1963 theo các phương thức: trả bằng hàng hóa, bằng vàng và đô-la Mỹ.
Như vậy, trong vòng 5 năm, bắt đầu từ năm 1950, Trung Quốc có thể nhập từ Liên Xô với điều kiện ưu đãi mỗi năm 60 triệu đô-la Mỹ (khoảng hơn 2,5 tỷ đô-la Mỹ hiện nay) các trang thiết bị và nguyên liệu cực kỳ cần thiết cho việc khôi phục và xây dựng công nghiệp và giao thông. Nhưng ở đây cần phải nhận thức rõ bản chất chính sách của Stalin: Trung Quốc rất có lợi khi nhận được khoản tín dụng này nhưng Liên Xô cũng hưởng lợi không kém, nếu không muốn nói là hơn: một mặt nó cung cấp cho nền công nghiệp Liên Xô những đơn hàng lớn, mặt khác, nó trói chặt nền kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế Xô Viết.
Mùa xuân năm 1950, Trung Quốc và Liên Xô ký rất nhiều thỏa thuận về việc thành lập các công ty cổ phần hỗn hợp (liên doanh) Xô - Trung. Những công ty này trên thực tế kiểm soát tất cả các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm đó, đặc biệt là tại các khu vực lãnh thổ phía tây Trung Quốc giáp Liên Xô và tại Tân Cương. Một số ví dụ tiêu biểu như việc thành lập công ty “Xovkimetal” (viết tắt tiếng Nga: Kim loại Xô - Trung) để tìm kiếm, khai thác, chế biến kim loại màu và kim loại quý hiếm trên khu vực Tân Cương và công ty “Xovkinheft” (viết tắt tiếng Nga: Dầu Xô - Trung) cũng để tìm kiếm, khai thác và chế biến dầu mỏ và khí đốt trên khu vực Tân Cương. Ngoài hoạt động trên, cả hai công ty cổ phần trên còn khai thác và làm giàu nhiên liệu urani cho công nghiệp nguyên tử Xô Viết.
Năm 1951, hai bên lại ký một loạt các thỏa thuận kinh tế mới và một trong số đó là thỏa thuận về xây dựng tuyến giao thông đường sắt nối hai nước để vận chuyển hành khách, hàng hóa - lần đầu tiên Liên Xô kiểm soát tuyến đường trung chuyển xuyên lục địa từ Berlin đến tận Thái Bình Dương. Hai bên cũng ký thỏa thuận xác lập tỷ giá đồng rúp và đồng nhân dân tệ căn cứ vào bản vị vàng của đồng rúp và giá vàng tại Bắc Kinh.
Ngày 28/07/1951, hai bên ký thỏa thuận về việc thành lập công ty cổ phần đóng tàu Xô - Trung “Xovkisudstroi” tại thành phố Đại Liên. Công ty này cũng được thành lập theo nguyên tắc 50/50 trong thời hạn 25 năm. Chính phủ Trung Quốc cam kết xí nghiệp đóng tàu lớn nhất Trung Quốc này chỉ hợp tác với Liên Xô – điều đó đồng nghĩa với việc nền công nghiệp đóng tàu Trung Quốc tự nguyện gắn với hệ thống kinh tế Xô Viết. Trong thương mại với Liên Xô, các công ty kinh tế đối ngoại Trung Quốc được quyền mua hàng hóa trực tiếp từ các tổ chức Liên Xô. Những đơn hàng như vậy rất có lợi cho nền kinh tế Xô Viết sau chiến tranh, và việc bỏ qua khâu trung gian và đầu cơ trong giao dịch thương mại với Liên Xô cũng rất có lợi cho Trung Quốc.
Hệ quả: Hình thành hai thị trường thế giới song song và đối đầu nhau.
Ngay từ năm 1951, do mất đi một số căn cứ trên lãnh thổ Trung Quốc, Mỹ đã áp đặt cấm vận thương mại lên Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Dưới sức ép của Mỹ, một số nước khác như Nhật Bản, Úc và gần như tất cả các nước Mỹ Latin cũng tham gia chiến dịch cấm vận kinh tế Trung Quốc. Cùng thời gian đó, quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Anh và Pháp cũng bị suy giảm rõ rệt vì ngoài những lý do khác, hai nước này cũng đang gặp những khó khăn kinh tế nghiêm trọng do những hậu quả của cuộc chiến tranh thế giới vừa kết thúc cộng với việc hệ thống thuộc địa của họ bắt đầu sụp đổ.
Vào năm 1948, Liên Xô chỉ chiếm vị trí thứ chín trong xuất khẩu của Trung Quốc, thì ngay trong năm sau chiếm vị trí thứ ba, và đến cuối năm 1950 chiếm vị trí thứ nhất. Bắt đầu từ năm 1949, tỷ trọng hàng Liên Xô trong nhập khẩu của Trung Quốc ngày càng tăng: từ 5% năm 1949 (vị trí thứ năm) lên 20% trong nửa đầu năm 1950 (vị trí thứ hai). Đến năm 1951, Liên Xô chiếm gần 40% kim ngạch thương mại đối ngoại của Trung Quốc, năm 1952 chiếm tỷ lệ trên 53,4%. Toàn bộ nước Trung Hoa rộng lớn với tiềm lực dân số và kinh tế tiềm tàng đã thoát ly khỏi hệ thống kinh tế tư bản và gắn chặt với hệ thống kinh tế Xô Viết.
Đến năm 1953, nhờ sự hỗ trợ của Liên Xô, nước Trung Hoa cộng sản đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với Hungary, Romania, Bulgaria, Mông Cổ và Bắc Triều Tiên. Theo con số thống kê của Trung Quốc, nếu như trong năm 1950 thương mại với các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chỉ chiếm 3,9% tổng kim ngạch kinh tế đối ngoại của Trung Quốc, thì đến năm 1952, tỷ lệ trên là 19%.
Phải nói rằng, chính Stalin và những người dưới quyền đã kiên trì và cực tài giỏi trong việc tạo ra một thị trường kinh tế thế giới mới cùng tồn tại với thị trường tư bản Phương Tây.
Duy trì quyền lực, hơn là phát triển nó, là mục tiêu trọng tâm của các quốc gia.
Chúng ta có thể thấy được quyền lực cứng và quyền lực mềm bổ trợ cho nhau. Nếu như quyền lực cứng (hard power) là quyền lực có được dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế thì quyền lực mềm (soft power) được thực hiện thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục. Quyền lực cứng rất quan trọng nhưng nó không thể giải quyết được mọi vấn đề. Quyền lực cứng là sự tác động từ bên ngoài đến các đối tượng của quyền lực, vì vậy chi phí để sử dụng và duy trì quyền lực cứng thường cao và tiềm ẩn nguy cơ chống đối. Trong khi đó, quyền lực mềm nằm ở lẽ phải và sự thuyết phục, làm cho nhận thức và hành vi diễn ra thay đổi từ bên trong. Trong nhiều trường hợp, chỉ sử dụng quyền lực mềm là không đủ mà cần phải có sự kết hợp giữa quyền lực mềm và quyền lực cứng. Liên Xô của Stalin đã ứng dụng thật khéo léo và tài tình nguyên tắc này. Bằng những chính sách khôn ngoan, Liên Xô không những đã duy trì ảnh hưởng sâu sắc lên Trung Quốc về mọi mặt kinh tế - văn hoá - chính trị mà còn đặt Trung Quốc dưới trướng Liên Xô bằng những kiềm toả. Qua đó, Liên Xô đã thành công không chỉ trong việc xây dựng một thị trường khép kín của riêng mình cạnh tranh với thế giới tư bản do Mỹ đứng đầu mà còn duy trì vị thế anh cả của thế giới Xã hội chủ nghĩa.
2. Bành trướng văn hoá vào Trung Quốc.
Trong ba năm đầu tồn tại của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Liên Xô đã giúp dịch từ tiếng Nga sang tiếng Trung và xuất bản ở Trung Quốc hơn 3.000 đầu sách về các lĩnh vực khoa học khác nhau. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là gần như toàn bộ các đầu sách khoa học của Trung Quốc trong thời kỳ đó đều là các bản dịch từ tiếng Nga.
Từ mùa thu năm 1952, Trung Quốc bắt đầu chỉnh sửa tất cả các chương trình và kế hoạch học tập theo mẫu của các trường đại học Xô Viết, bắt đầu dịch các giáo trình, sách giáo khoa đang được sử dụng tại các trường đại học tổng hợp Liên Xô. Ví dụ, các giảng viên của Trường Đại học nông nghiệp Đông Bắc Trung Quốc trong năm 1952 đã dịch sang tiếng Trung và cung cấp cho tất cả các trường đại học nông nghiệp toàn Trung Quốc toàn bộ chương trình của 141 môn học.
Lần đầu tiên tại Trung Quốc, một phong trào học tiếng Nga rộng khắp được phát động. Chỉ trong 2 năm đầu tiên dưới chế độ mới, tại Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã có 12 trường đại học tiếng Nga được thành lập. Tất cả các trường đại học tại Trung Quốc đều có các khoa, bộ môn và các khóa học tiếng Nga. Thậm chí, trong các trường phổ thông ở Đông Bắc Trung Quốc (Mãn Châu, khu vực từng được gọi một cách không chính thức là “Nga vàng” đầu thế kỷ XX dưới thời Đế Quốc Nga), chính quyền địa phương quy định tiếng Nga là một môn bắt buộc trong chương trình phổ thông.
Mối quan hệ văn hóa Xô - Trung cũng phát triển bùng nổ. Ví dụ, tháng 11/1952 Trung Quốc đã tổ chức “Tháng hữu nghị Xô - Trung”. Chỉ trong một tháng đã có hơn 2 triệu người Trung Quốc xem các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ Xô Viết. Bắt đầu từ năm 1949, phim ảnh Xô Viết được giới thiệu rộng rãi tại Trung Quốc. Trong 7 năm đầu của chính quyền mới đã có 747 bộ phim Xô Viết được chiếu tại Trung Quốc với gần 2 tỷ lượt người xem. Nghệ thuật điện ảnh Trung Quốc lúc ấy chưa phát triển, điện ảnh Phương Tây thì chưa thể tiếp cận được thì có thể nói rằng gần như mọi người dân thành phố Trung Quốc trong những năm 50 của thế kỷ trước lớn lên cùng điện ảnh Xô Viết.
Vào đầu những năm 50, Chính phủ Trung Quốc chính thức đưa ra khẩu hiệu “Học tập Liên Xô”. Ví dụ, đại bộ phận các bộ trong chính phủ Trung Quốc đều có cơ cấu tổ chức tương tự như các bộ tương đương tại Liên Xô. Phương án đầu tiên về cơ cấu tổ chức của Ủy ban kế hoạch nhà nước của Trung Quốc là bản sao mô hình Ủy ban kế hoạch nhà nước Liên Xô.
Như vậy, Liên Xô của Stalin đã khéo léo gia tăng ảnh hưởng tại Trung Quốc, đồng thời thu lợi lớn về Kinh tế và Địa - Chính trị từ nước này. Đây là mối quan hệ cùng thắng và cùng có lợi, nhưng Liên Xô thu nhiều lợi ích hơn cả. Điều này phù hợp với lý luận của Chủ nghĩa hiện thực và hoàn toàn không đáng ngạc nhiên. Cũng như Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói:
Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn.
Sau khi Stalin chết, các nhà lãnh đạo Liên Xô kế nhiệm không đủ tầm vóc để làm anh cả dẫn dắt khối Xã hội chủ nghĩa. Các nhà lãnh đạo kế nhiệm tích cực viện trợ các nước trong khối như vung tiền mà không đem lại nhiều hiệu quả và lợi ích đáng kể, đỉnh cao là chiến dịch tại Afghanistan đã gián tiếp dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Mao Trạch Đông lúc này cảm thấy Trung Quốc nên đứng ở một vị thế lớn hơn trong khối, thay vì núp dưới cái bóng của Liên Xô. Mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc đã xuất hiện từ sau Chiến tranh Triều Tiên, khi Liên Xô đùn đẩy trách nhiệm hỗ trợ Triều Tiên cho Trung Quốc. Tuy nhiên, khi ấy Mao vẫn xem Liên Xô của Stalin như một người anh cả và đối tác hỗ trợ lâu dài. Giờ đây, sau hàng loạt các biến cố, mâu thuẫn đã tích tụ dần và rạn nứt đến mức không thể cứu vãn được nữa. Xô - Trung chính thức chia rẽ từ đây.
Phần II: Quan hệ Nga - Trung hiện tại
Trở lại với hiện tại, quan hệ Nga - Trung đương đại cũng gần như tương tự với quan hệ Xô - Trung trước kia. Tuy nhiên, điểm khác biệt mấu chốt ở đây là kẻ có lợi nhiều nhất chẳng phải là Nga, mà là Trung Quốc. Trong bài viết “Mỹ - Trung tranh hùng: Tương quan và bàn cờ thế.”, tôi đã phân tích sức mạnh kinh tế và tiềm lực khoa học - kỹ thuật của Trung Quốc so với Mỹ và ngược lại [2]. Như tôi đã trình bày phía trên, mối quan hệ Nga - Trung bằng mặt nhưng không bằng lòng.
Theo nhận định của tờ The Economist, Trung Quốc chi phối mọi khía cạnh trong quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc. Nền kinh tế của Trung Quốc lớn hơn 6 lần (tính theo sức mua tương đương) so với Nga (30 nghìn tỷ so với 4,365 nghìn tỷ đô-la Mỹ, nguồn: IMF) và sức mạnh của nó đang tăng lên, ngay cả khi Nga đang suy tàn. Điều dường như là một cách tuyệt vời để ông Putin quay lưng lại với phương Tây và tăng cường ảnh hưởng của Nga lại giống như một cái bẫy mà đất nước của ông sẽ khó thoát ra. Nga không còn là một đối tác bình đẳng mà đang phát triển thành một “nước chư hầu của Trung Quốc”. [3]
Cũng theo tờ The Economist, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga có những sự bù đắp. Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với nguyên liệu thô của Nga: Rosneft, công ty dầu khí quốc gia của Nga, phụ thuộc vào nguồn tài chính của Trung Quốc và đang ngày càng chuyển hướng dầu của mình sang Trung Quốc. Khi Nga tìm cách trốn tránh quyền bá chủ của đồng đô-la, đồng nhân dân tệ đang trở thành một phần lớn hơn trong dự trữ ngoại tệ của nước này (tỷ trọng đô-la giảm một nửa xuống 23% trong năm 2018, trong khi tỷ trọng của đồng nhân dân tệ tăng từ 3% lên 14%). Trung Quốc cung cấp các thành phần quan trọng cho các hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga. Và Trung Quốc là nguồn cung cấp thiết bị an ninh và mạng mà ông Putin cần để kiểm soát người dân của mình. Nga đã ký một thỏa thuận với Huawei, một công ty viễn thông Trung Quốc bị Mỹ không tin tưởng, để phát triển thiết bị 5G - do đó, Nga đã bám trụ vững chắc trong một nửa mạng lưới của Trung Quốc. Một cường quốc suy giảm như Nga thật nguy hiểm; nước này có thể cảm thấy bị cám dỗ để thể hiện rằng họ vẫn là một lực lượng cần được tính đến, bằng cách lôi kéo Belarus, hoặc bằng cách gây ra những lo ngại cũ về sự bành trướng của Trung Quốc vào Siberia. Nhưng Trung Quốc không có hứng thú với các cuộc khủng hoảng quốc tế, trừ khi họ có ý định riêng. Với tư cách là đối tác của Nga, Trung Quốc có thể đóng vai trò là nguồn trấn an dọc biên giới chung của họ và kiềm chế sự thái quá của Nga trên toàn thế giới. [4]
Nhận định của The Economist có phần rất đúng, chẳng hạn như Nga phụ thuộc vào Trung Quốc hơn là ngược lại, tuy có đôi chút cường điệu hoá gây sốc dưới góc nhìn của các chuyên gia và nhà phân tích phương Tây. Tuy vậy, họ đã bỏ qua một số yếu tố Địa - Chính trị, chưa nhấn mạnh phần chìm của một tảng băng trôi. Do đó, tôi muốn bổ sung thêm vài yếu tố. Trong vài chục năm trở lại đây, Trung Quốc đã trỗi dậy như một siêu cường kinh tế cạnh tranh với Mỹ. Trong khi đó, nước Nga của Putin đã và đang chật vật với việc già hoá dân số, làn sóng di cư, vấn đề biên giới phía Tây với NATO và đặc biệt là kinh tế quá phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên - lời nguyền tài nguyên. Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga năm 2021 lên tới 491,58 tỷ USD, nhiên liệu và năng lượng ước đạt 314,43 tỷ đô-la Mỹ (chiếm tỷ trọng 63,73% trong tổng kim ngạch xuất khẩu). Nga không còn ở vị thế đứng trên Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cần nguồn tài nguyên giá rẻ của Nga để phục vụ cho sản xuất công nghiệp và dân sinh, đồng thời mua các vũ khí quốc phòng của Nga để tích cực vũ trang và hiện đại hoá quân đội. Ngược lại, Nga cần các sản phẩm công nghệ và điện tử của Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc cũng là một thị trường tiêu thụ lớn với trên 1,4 tỷ dân. Sự trỗi dậy của Trung Quốc tuy có gây lo ngại với Nga, nhưng nó phù hợp với những toan tính của ông Putin xoay quanh học thuyết “Tây tiến” và đối chọi với Mỹ nhằm gia tăng ảnh hưởng. Điều tương tự cũng xảy ra với Trung Quốc. Hai bên đều có lợi ích và toan tính riêng, khi phù hợp sẽ đến và chơi thân với nhau.
Tuy nhiên, trong Chiến tranh Nga - Ukraine, Trung Quốc đang trong tình thế khó xử. Mặc dù đã bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và có các phát ngôn ngoại giao ủng hộ Nga, Trung Quốc khó mạo hiểm với lệnh trừng phạt phương Tây. Moscow được cho là đang thúc giục Bắc Kinh thực hiện cam kết về tình bạn “không giới hạn”.
Trung Quốc không phải bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và không muốn các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến chúng tôi.
Trung Quốc rất muốn tận dụng tình hình hiện nay để mua được nguồn dầu giá rẻ từ Nga và ký các hợp đồng có lợi, nhưng Bắc Kinh đồng thời cũng phải rất thận trọng trong thái độ ủng hộ Moscow, để không bị kéo vào các lệnh trừng phạt chưa từng có mà phương Tây đang áp đặt với Nga. Trung Quốc đang tìm cách chứng tỏ họ vẫn sát cánh cùng Nga, đồng thời phát tín hiệu họ trung lập và không thỏa hiệp trên phương diện tài chính.
Điều đó sẽ đặt Trung Quốc trước nguy cơ hứng chịu các động thái trừng phạt đơn phương từ phía Mỹ cũng như những hành động phối hợp từ phương Tây trong các biện pháp an ninh kinh tế chống lại Bắc Kinh.
Trung Quốc không mặn mà với ý tưởng giúp Nga né lệnh trừng phạt, vì không muốn bị kéo vào vòng xoáy này, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ cùng đồng minh vẫn còn lá bài cấm vận công nghệ lõi như chất bán dẫn và thiết bị hàng không. Bắc Kinh cũng không muốn dính lệnh trừng phạt thứ cấp về tài chính, khiến nền kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào bất ổn [5]. Dù Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Nga, Bắc Kinh cũng có những ưu tiên khác. Giao dịch giữa hai nước chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc vào năm ngoái, Liên minh châu Âu và Mỹ có thị phần lớn hơn nhiều.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích dẫn một câu nói rất chí lí của Niccolò Machiavelli:
Người lúc nào cũng muốn thành công phải thay đổi hành vi của mình tùy thời.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào ngày 15/05/2022, hoàn thành vào 08/06/2022.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] “Stalin đã đầu tư vào Trung Quốc như thế nào?”, báo Bình luận Quân sự (Nga), học giả A.Volynhets.
[2] “Mỹ - Trung tranh hùng: Tương quan và bàn cờ thế.”, trantuanst22, Spiderum.
[3], [4] “Partnership is much better for China than it is for Russia”, The Economist.
[5] “Trung Quốc khó xử với sức ép ủng hộ Nga 'không giới hạn'”, VnExpress.
Ngày 08 tháng 06 năm 2022,
Trần Tuấn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất