Hôm nay tôi cầm chìa khóa nhà của cả tôi lẫn mẹ đi công tác, khiến mẹ tôi phải ở nhà cả ngày không đi đâu được. Cũng không hẳn là bà có việc gì quan trọng, nhưng rõ ràng bà có lý do hợp lí để mắng tôi. Khi tôi về tới nhà, bà đã nói: "Mày cứ như thằng bị down. Cầm chìa khóa đi như thế cả ngày mẹ không đi được đâu. Có mỗi chùm chìa khóa cứ suốt ngày cầm nhầm. Đã bảo là chùm của mẹ là ABC, chùm của mày có XYZ, cứ dạ dạ vâng vâng xong cứ cầm đi. Đúng thằng này bị down rồi".
Tôi là con mẹ tôi cả cuộc đời, quá rõ tính mẹ nên cũng đã quá quen với những lời mắng mỏ như vậy nên vốn không để bụng. Nhưng khi tôi thử đặt những phê bình đó lên "bàn mổ" và phân tích chúng dưới góc nhìn sư phạm, thì chúng có rất nhiều chi tiết phi giáo dục, và nếu là người khác thì có lẽ thông điệp thực sự sẽ không bao giờ được tiếp nhận.

1. Lời phê bình mang tính xúc phạm.

"Thằng này đúng bị down". Đấy là một câu nói xúc phạm. Trong ngữ cảnh mẹ-con như của tôi, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng đó là một câu...mắng yêu. Nhưng khi một người mắc sai lầm, và họ biết rằng họ đã mắc sai lầm, thì họ vốn rất nhạy cảm với những lời phê bình. Một câu "mắng yêu" từ vị trí người nói như vậy sẽ rất dễ được tiếp nhận như một lời nhục mạ có mục đích dìm người nghe xuống. 
Image result for phê bình


Đọc thêm:

Đây là một trong những cách phê bình điển hình mà rất nhiều người đang sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Dù cho sai phạm có nhỏ tới đâu, "Sao mày ngu thế?" "Sao con hư thế?" "Có thế mà cũng không làm được à?" "Đúng là cái đồ vụng về" hay những câu tương tự vẫn hay được đưa ra trước khi người nói đi vào ý chính. Họ cho rằng việc hạ thấp đối phương xuống sẽ làm người ta sợ, cảm thấy tệ về bản thân để không mắc lỗi lần nữa. Nhiều người khác thậm chí còn nhục mạ chỉ để thỏa tức chứ không có mục đích dạy bảo. 
Không ai thích bị xúc phạm. Một khi nhân phẩm hay lòng tự trọng của một người bị tổn thương, họ sẽ không còn đủ minh mẫn để tiếp nhận những nội dung có ý nghĩa trong những lời phê bình tiếp theo nữa. Thay vào đó là sự giận dữ cùng những suy nghĩ phản vệ sẽ nảy sinh trong đầu họ như "Anh thì cũng tốt đẹp gì" "Mới hôm qua mày cũng làm thế xong thì nói gì được tao" v..v..
Những lời phê bình kiểu này trong nhiều trường hợp còn mang tính độc hại, nhất là với những người không tự tin rằng mình đủ tốt. Họ sẽ dễ coi những sự xúc phạm ấy là sự thực, rằng họ "down" thực sự, ngu thực sự, vụng về thực sự. Hệ quả không những là họ sẽ càng tự tin hơn, mà còn là phản ứng né tránh việc có-thể-gây-ra-sai-phạm. Họ sẽ không bao giờ dám làm điều gì họ không chắc chắn nữa => một lối tư duy Cố Định làm ngăn cản sự phát triển cá nhân của một người (mà tôi từng viết trong bài Tư Duy Nào Giúp Bạn Thành Công?)
Vì vậy, đưa những lời mang tính hạ thấp người khác trong lời phê bình là thừa thãi và phản tác dụng. Thay vì nói "Đúng mày bị down" thì hãy nói "Lần sau con nhớ chú ý hơn nhé". Thay vì nói "Sao mày ngu thế, giải thích mãi không hiểu?", hãy cùng ngồi với nhau để tìm xem người đó khúc mắc ở đâu và giải thích lại bằng cách khác. Hãy lọc bỏ đi những lời lẽ mang tính xúc phạm, dù cho bạn có ý "mắng yêu" "mắng vui" như thế nào đi nữa.

Đọc thêm:

2. Nói quá nhiều về hậu quả của sai phạm.

Nếu bạn hỏi một học sinh cấp hai rằng "Con có biết đi chơi về muộn thì có hậu quả gì không?", có lẽ chúng sẽ dễ dàng liệt kê được " làm bố mẹ lo lắng", "nguy hiểm" hay "ngủ muộn". Như vậy, có thể nói, khi một người trưởng thành nhận ra mình đã mắc sai phạm, họ có đủ nhận thức được mình đã gây ra hậu quả gì. Việc nhắc đi nhắc lại, hoặc liệt kê một loạt những hậu quả của sai phạm nhằm nhấn mạnh tầm nghiêm trọng của nó là không cần thiết.
Image result for ненавижу работу

Như đã nói, người mắc lỗi khi biết mình đã mắc lỗi rất nhạy cảm. Họ chỉ muốn sự phê bình diễn ra nhanh chóng, đủ ý và mang tính xây dựng, chứ không muốn một sự hành hạ về tinh thần. Việc nói quá nhiều về hậu quả - một điều mà bên kia đã nắm rõ - hoàn toàn không mang ý nghĩa giáo dục, mà lộ rõ ý đồ muốn 'tra tấn' tinh thần của người mắc sai phạm trong thời gian dài. Nếu bạn muốn phê bình việc nhân viên dùng điện thoại trong giờ làm, một câu "Em à, công ty chúng ta có quy định không dùng điện thoại trong giờ làm" là đủ, thay vì "Em là đồ thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm. Em đến văn phòng là để chơi điện thoại à? Em có biết thời gian đó em có thể làm được bao nhiêu việc không? Nếu khách hàng nhìn thấy em dùng thì sao? blah blah".
Tương tự như trên, kiểu phê bình dông dài này cũng sẽ tạo ra những phản vệ trong đầu người nghe cùng những ấm ức, tức giận. Một lần nữa, thông điệp thực sự của người nói cũng sẽ không bao giờ tới được tâm trí người nghe, nhiều khi còn có thể có phản ứng chống đối.

3. Biết cách phê bình sẽ được mọi người tôn trọng hơn.

Sau khi đã biết lọc đi những lời thừa thãi bên trên, thì một lời phê bình đủ ý, mang tính xây dựng và đi vào lòng người nghe thực ra rất đơn giản và gọn ghẽ. Như trong trường hợp của tôi và mẹ tôi, mẹ tôi chỉ cần nói "Lần sau kiểm tra lại cẩn thận rồi đi đâu thì đi con nhé" là đủ, mẹ tôi nhẹ nhõm, tôi cũng thoải mái. Nhưng khi mẹ tôi nói như trên thì cả hai đều bực mình vì những lý do khác nhau.
Khi bạn biết kìm nén đi cơn bực tức của mình để đưa ra góp ý dễ nghe cho người khác, không những thông điệp bạn cần gửi đi không bị nhiễu loạn bởi những cảm xúc tiêu cực không đáng có, mà người nghe sẽ có một sự tôn trọng nhất định với bạn. Một phần là bởi bạn đang thể hiện ra rằng bạn là một người điềm đạm, bao dung, phần khác là bởi họ sẽ cảm thấy họ thực sự đang nhận được từ bạn những bài học có ích, thay vì những lời mắng nhiếc thừa thãi và độc hại. 
Related image

Kỹ năng phê bình đúng cách cũng vô cùng quan trọng trong chuyện tình yêu nói riêng. Gần như là không thể có một cặp mà hai người lại hợp nhau 100%. Sẽ có những mâu thuẫn khi mà người này thấy người kia làm một việc mà họ không, hoặc chưa, chấp nhận được. Phê bình sai cách sẽ làm hai người càng ghét bỏ nhau hơn, trở nên xấu hơn trong mắt nhau. Phê bình đúng cách vừa làm tăng sự kết nối, giúp hai người hiểu nhau hơn, tôn trọng nhau hơn, và tình yêu sẽ bền chặt hơn. 
Vì vậy, khi bạn phê bình ai đi nữa, từ một đứa trẻ ba tuổi tới một người đồng nghiệp, hãy học cách phê bình đúng cách.
*Bài viết mặc định bạn đã thu thập đủ thông tin để có quyền phê bình đúng người, đúng việc.
1 Tip nhỏ.
"Khen công khai, chê riêng tư" luôn đúng. Vì bài viết đang bàn luận riêng về việc phê bình nên tôi sẽ chỉ nói về việc "chê riêng tư". Chê riêng tư là một viên đá trúng hai con chim. 
Thứ nhất, nó bảo vệ người bị phê bình. Bị phê bình tức là bị nói về sai phạm của mình, và không ai muốn cả thế giới biết về những sai phạm của mình cả. Đẹp khoe xấu che. Khi được góp ý một cách riêng tư, kín đáo, không những người nghe dễ đón nhận lời phê bình hơn, mà họ còn cảm kích bạn vì bạn đã bảo vệ lòng tự trọng của họ.  Hãy làm điều này ngay cả với một đứa trẻ.
Thứ hai, nó bảo vệ chính người phê bình. Trường hợp bạn phê bình công khai mà phê bình đúng, hình ảnh về bạn trong mắt mọi người sẽ là một người dữ tợn, ghê gớm. Họ sẽ sợ bạn thay vì tôn trọng bạn. Đương nhiên họ sẽ nói xấu bạn khi có cơ hội. Trường hợp bạn phê bình công khai mà phê bình oan, bạn sẽ trở thành một kẻ ngớ ngẩn, nóng tính không biết suy nghĩ, kiểm chứng thông tin trước khi nói. Nếu bạn rơi vào trường hợp công khai mắng oan, để bảo vệ cái tôi của mình, đâm lao thì phải theo lao, bạn hoặc sẽ giận cá chém thớt sang người khác, hoặc bạn sẽ phê bình người kia ở một lỗi khác không liên quan tới chủ đề đang nói. Và như vậy bạn càng trở nên ngớ ngẩn hơn trong mắt mọi người. Phê bình riêng tư, bạn có cơ hội để tránh hoàn toàn những rủi ro đó. 
Vì vậy, lần tới khi tới một nhà hàng hay quán cafe nào đó, nếu bạn muốn góp ý về cung cách phục vụ của một nhân viên nào đó, hãy lựa lúc chỉ có hai người và nói nhỏ với họ nhé.