Dịch phân biệt các từ chỉ mức độ cao: super, hyper, ultra, v.v.
Đọc ngoại văn, nhất là văn liệu phương Tây luôn là tôn chỉ của tôi trong phiên dịch thuật ngữ. Tham khảo nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp,...
Đọc ngoại văn, nhất là văn liệu phương Tây luôn là tôn chỉ của tôi trong phiên dịch thuật ngữ. Tham khảo nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Trung, Nhật, v.v. tôi vẫn nghĩ rằng nên nghe theo tiếng Anh nhất, không chỉ vì nó ổn định và phổ biến nhất, mà còn phong phú nhất nhờ việc vay mượn, như người ta hay trêu nó là đồ bắt nạt, dắt các ngôn ngữ khác vào ngõ hẻm rồi vơ vét từ vựng.
Hôm nay, tôi chỉ xin minh họa điều trên bằng những từ chỉ mức độ, mà tiếng Anh còn vay mượn cả tiếng Pháp lẫn Đức: các tiền tố như super, sur, supra, hyper, ultra, over, meta, trans, v.v. mà đa phần tiếng Việt chỉ dịch là siêu, rồi các từ độc lập như very, extreme mà may mắn thay chúng ta đã dịch cố định là rất và cực (và nên giữ như thế). Trong tiếng Anh, riêng các tiền tố đôi khi cũng được dùng bất nhất, cũng đều miêu tả mức độ cao chung chung, chỉ phân biệt theo kinh nghiệm: ultra ~ hyper > super ~ sur ~ supra ~ over, còn meta và trans lại miêu tả một kiểu "siêu" khác! Vì thế, tôi đặt tên bài là dịch phân biệt, không giống các bài trước, vì không thực sự có ranh giới rõ rệt nhằm phân biệt giữa các từ, nhưng chúng ta vẫn cần dịch phân biệt chúng để tránh nhầm lẫn. Và vì thế bài viết này cũng chỉ là quy tắc kinh nghiệm mà thôi, nhưng có lẽ vẫn hữu ích với những ai dịch báo khoa học và bắt gặp thuật ngữ mới.
Để giải quyết vấn đề này thì ắt hẳn phải vay mượn tiếng Trung, họ có rất nhiều từ chỉ cấp độ như siêu (超), việt (越), quá (過), thái (太), cực (極), tối (最), thượng (上), cường (強), v.v. mà ít nhiều chúng ta đều nghe đến. Tiếc thay là văn liệu Việt Nam mượn ít và hầu như chỉ biết đến siêu, tuy cũng có những cách dịch thoát đã thành lề thói.
Sự đã rồi, chúng ta sẽ dùng siêu cho cả super, hyper lẫn ultra, vì đó là cách dịch quá phổ biến. Như một tiền bối đã nói với tôi: "nếu cố chấp chữ nghĩa quá lại còn làm rối thêm". Tuy nhiên, nếu một từ gốc sử dụng đến hai hoặc ba từ để tạo từ mới, và đã tồn tại bản dịch cho một từ, chúng ta vẫn có thể đi hướng khác: super có thể là thượng (superstructure: kiến trúc thượng tầng, superior: thượng đẳng) hoặc quá (superheating: sự quá nhiệt, supersaturated: quá bão hòa), hyper có thể là cường (hyperthyroidism: chứng cường giáp, hyperbole: nói cường điệu), thậm chí trong y học còn dịch là tăng (hypertension: chứng tăng huyết áp). Chẳng hạn như supernova đã dịch là siêu tân tinh thì hypernova sẽ là cường tân tinh, ngắn gọn hơn cực siêu tân tinh (lại dễ nhầm cực là dịch từ extreme, xem dưới). Cũng có thể cân nhắc tối tân tinh, có từ tối tân quen thuộc, nhưng có lẽ sẽ hiểu nhầm tối tân bổ nghĩa cho tinh, trong khi đó là tối bổ nghĩa cho tân tinh. Ultra chưa có cách dịch thay thế tin cậy, vậy chúng ta nên hằng định là siêu, chẳng hạn như super high nên dịch là quá cao, để dành siêu cao cho ultra-high.
Ví dụ tiêu biểu nhất mà việc cả ba tiền tố trên đụng chạm nhau là supersonic, hypersonic và ultrasonic, mà ultrasonic đã dịch là siêu âm. Nhiều nơi dịch supersonic là siêu thanh, tức là thay vì dịch super khác đi thì đổi sonic thành thanh, rồi hypersonic là siêu vượt âm, chèn thêm chữ vượt. Cách đầu có nhược điểm là làm mất tính hệ thống, vì cùng một từ sonic, cùng nội hàm âm thanh mà lại có hai cách dịch, ta nên dịch supersonic là thượng âm, vẫn đúng nội hàm là nằm trên tốc độ âm thanh. Cách thứ hai tỏ ra rườm rà, lại dễ gây hiểu sai rằng hypersonic hơn cấp ultrasonic, trong khi hypersonic nhấn mạnh về tốc độ của âm (Mach 5), còn ultrasonic nhấn mạnh về tần số (trên 20kHz), ta có thể dịch hypersonic là cường âm, tức là theo hệ thống nói trên. Xin nói thêm rằng subsonic và infrasonic cũng có thể dịch phân biệt: hạ âm và ngoại âm (infrared: hồng ngoại), nhưng phân tích kỹ hơn thì xin để qua một ngày khác.
So với super thì từ đồng nguyên supra lại thường dịch là thượng hoặc trên, với suprarenal: thượng thận, supraclavicular: thượng đòn, có lẽ do thường gặp trong y học, nơi nó mang nghĩa gốc là nằm trên. Từ đồng nguyên sur lại ít thấy hơn (sur trong tiếng Pháp cũng là nằm trên). Lưu ý hai từ này đều có thể dùng cách dịch của super, chẳng hạn như supramolecular chemistry đã được dịch là hóa học siêu phân tử và khó có thể cải chính.
Over thường được dịch cố định là quá, với overload: quá tải, over-size: quá khổ, overpotential: quá thế. Trường hợp muốn làm rõ nghĩa thì có thể dùng quá mức, chẳng hạn overoxidation: sự oxid hóa quá mức, overproduction: sự sinh sản quá mức (hoặc quá sản). Ở đây ta bắt gặp sự mâu thuẫn: không phải super cũng dịch là quá hay sao? Đó cũng là một lỗ hổng, lúc đó cần phải xem nếu đụng chạm thì cách kết hợp nào phổ biến hơn, nhưng may mắn thay là không nhiều. Chẳng hạn như superheating đã là quá nhiệt thì over-heating là gia nhiệt quá mức cũng được. Nếu mạnh dạn, chúng ta có thể dùng từ cả, tiêu biểu như overthink là cả nghĩ. Cả thực tế là một từ rất hay, thể hiện mức độ cao như trong anh cả, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo, v.v.
Chúng ta rất may mắn vì những từ cùng chỉ cấp độ cao thấp như very và extreme đã được dịch cố định là rất và cực, với extreme trong toán học là cực hạn, còn miêu tả tâm tính là cực đoan. Chẳng hạn, ta có very high là rất cao, extreme là cực cao, phân biệt với super high là quá cao và ultra high là siêu cao. Tuy nhiên từ very cũng rất phổ biến trong dân dụng, tiếng Việt lại có những trường hợp gợi hình riêng, lúc đó có thể dịch thoát đi. Chẳng hạn như very black là đen tuyền, very white là trắng bạch, v.v. không đúng lắm nếu xét từ căn, nhưng lại hiệu quả trong việc gợi hình.
Khác với những từ trên, meta và trans không hẳn là siêu, ít nhất là theo quan sát cá nhân của tôi, dù người ta vẫn hay dịch như thế (metaphysics: siêu hình học, transcend: siêu việt).
Trước tiên là meta, nghĩa gốc của nó là biến đổi (metamorphosis: sự biến thái, metabolism: sự biến dưỡng, metaphase: biến kỳ), sau đấy mới di nghĩa thành vượt quá, "siêu". Nhưng sự vượt này không mang nghĩa "siêu" theo nghĩa chúng ta hiểu là vượt trội, nâng cấp, mà chỉ có nghĩa là khác so với cái thường, tức là vẫn giữ nghĩa biến đổi. Tôi cho rằng chúng ta có thể dùng từ biến để dịch cả nghĩa gốc lẫn nghĩa chuyển. Chẳng hạn metamaterial chỉ là vật liệu có tính chất ngược với những gì đã biết, ta nên dịch là biến vật liệu, phòng khi có super- hay ultra-material nào đó. Cũng như thuật ngữ liên quan metasurface sẽ là biến bề mặt, phân biệt với hypersurface là siêu bề mặt. Nghiêm trọng hơn là metastable trong hóa học, nhằm chỉ sự "bền" lâu hơn mức có thể theo giản đồ năng lượng, tức là nói về mặt động học, trong khi stable là một khía cạnh nhiệt động lực học, vậy ta không nên dịch là siêu bền để tránh hiểu sai là nó "bền" siêu việt, mà dịch là biến bền.
Từ trans cũng không hẳn là siêu, nghĩa gốc của nó miêu tả sự đi xuyên qua, có lẽ vì thế mà di nghĩa thành vượt lên trên, với transcend đã dịch là siêu việt. Nghĩa gốc đã dược dịch là chuyển (transfer: chuyển, transpose: chuyển vị) hoặc xuyên (transcontinental: xuyên lục địa, transpacific: xuyên Thái Bình Dương). Ta có thể dùng từ xuyên để dịch nghĩa chuyển, như transphysics: xuyên vật lý học, hoặc như hóa học có trường hợp ghép trans với tên nguyên tố, nhằm chỉ những nguyên tố có số hiệu nguyên tử cao hơn, ta vẫn có thể dịch là xuyên, vẫn liên tưởng được đến nghĩa, như transcurium: xuyên curium, transuranium: xuyên uranium, v.v.
Thú vị rằng meta còn một nghĩa chuyển nữa khá xa, đó là kết hợp với một tên một ngành, nhằm tạo ra ngành mới sử dụng chính phương pháp của ngành gốc để ... khảo cứu ngành gốc. Chẳng hạn metaphilosophy là ngành sử dụng triết học để khảo cứu triết học, metamathematics là khảo cứu toán học sử dụng toán học, v.v. Trớ trêu thay, nó vẫn dịch là siêu, như metalanguage là siêu ngữ. Tôi có hai đề xuất khác nhằm phân biệt và khu biệt: 1. Liên tưởng đến cái này bọc lên cái kia đồng loại, ta có từ phức (複), nghĩa gốc là cái áo kép. Về từ này, tôi phải cảm ơn Hán Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh đã ghi nhận cách dịch phức bào động vật cho metazoan; 2. Liên tưởng đến metaphilosophy là "triết học của triết học", tôi lại nghĩ đến functional (phiếm hàm) là "hàm số của hàm số", vậy ta có thể dùng chữ phiếm (泛), vốn có nghĩa là trôi nổi, bao quát, vẫn di nghĩa được để chỉ nghĩa chuyển này của meta. Có điều, từ phức có thể hiểu theo nghĩa phức tạp (complex), còn từ phiếm đã được dùng để dịch cố định tiền tố pan, với pantheism là thuyết phiếm thần. Trung Quốc có cách dịch riêng: nguyên (元) hoặc ít dùng hơn là hậu thiết (后设), cách đầu sử dụng từ nguyên đã dùng cho quá nhiều từ, như tiền tố proto, cũng như gross, integral và raw; cách sau dùng hai từ khá dài và cũng không có tính gợi nghĩa mấy. Xem ra từ này còn cần bàn luận và xem xét tiếp, cũng phải chấp nhận rằng phương pháp được chọn có thể không phải là tối ưu.
Trên đây là những quy tắc nhỏ của tôi nhằm dịch phân biệt những tiền tố chỉ cấp độ cao trong tiếng Anh. Hầu hết là kinh nghiệm cá nhân, dựa trên những cách dịch có sẵn. Sẽ có ý kiến cho rằng đây là câu nệ, phức tạp hóa vấn đề, sa vào ma đạo, nhưng cũng sẽ có người thấy được đây là một nỗ lực đa dạng hóa, cải chính thuật ngữ tiếng Việt để tiệm cận với tư duy khoa học phương Tây. Việc đánh giá thế nào xin nhường lại cho độc giả, nếu có phản hồi tích cực thì có lẽ chúng ta vẫn còn hy vọng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất