Sẽ tốt hơn nếu bộ não của chúng ta cho phép chúng ta hạnh phúc và bình tĩnh mọi lúc? Khoa học về cảm xúc cho chúng ta biết rằng những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, giận dữ và buồn bã thực sự lành mạnh và hữu ích.


Liệu những cảm xúc tiêu cực có thực sự xấu?

Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xem xét về các giả định sau trong giây lát. Liệu những cảm xúc tiêu cực đều xấu? Chúng ta có nên thực sự cố thoát khỏi chúng? Xét cho cùng, chúng tôi đã phát hiện ra rằng ngón cái rất hữu ích vì chúng ta đã tiến hóa để có chúng trong hàng triệu năm, còn những chiếc đuôi thì không bởi chúng ta đã tiến hóa để khiến chúng biến mất theo thời gian. Vì vậy, nếu những cảm xúc tiêu cực đã ở đây trong suốt một thời gian dài, liệu chúng ta nên tìm vài lý do chính đáng cho sự tồn tại của chúng?
Tuần này, chúng ta sẽ phá vỡ những niềm tin sai lầm về sự tức giận, giải mã nỗi sợ hãi và học cách trân trọng nỗi buồn. Đồng thời, tôi cũng sẽ chia sẻ cho bạn một quy tắc vàng để đối phó với những cảm xúc này một cách lành mạnh và hiệu quả.

Nỗi sợ - Fear


Bụng bạn thắt lại. Cơ bắp của bạn trở nên căng cứng. Tim bạn bắt đầu đập mạnh hơn. Toàn bộ cơ thể của bạn đang ở trong trạng thái cảnh giác cao độ, tóc dựng đứng. Lòng bàn tay của bạn bị đổ mồ hôi và đầu ngón tay của bạn râm ran.
Nói cách khác, một cảm giác sợ hãi tràn qua bạn, đột ngột và mạnh mẽ như những xung điện.

Tại sao vậy? Chà, bạn đã từng là người vượn cổ (homo erectus) sống ở Savannah cách đây một triệu năm, và bạn vừa phát hiện ra một con hổ răng kiếm ẩn nấp sau bụi rậm. Bộ não của bạn sẽ không có thời gian để nói, “Nhìn này, sinh vật kia có vẻ sẽ gây hại cho cậu đó, cơ thể cậu nên chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp này.” May mắn thay, hệ thống thần kinh sẽ không lãng phí thời gian như vậy. Nó sẽ gửi một báo động siêu nhanh cho cơ thể để khiến bạn sẵn sàng chiến đấu hoặc chạy trốn. Tất nhiên, hệ thống báo động này sẽ khiến bạn cảm thấy, rõ ràng là, không yên. Nếu nó nhẹ nhàng và ngọt ngào, bạn sẽ không nghiêm túc đề phòng mối nguy này, phải không?
Nỗi sợ có hữu ích không? Nó đã cứu sống bạn đó!
Lượng máu và adrenaline tăng giúp bạn nhanh chóng chạy về hang. Bạn sống sót  ngày hôm nay và biết đâu ngày mai, bạn có thể may mắn tìm được bạn đời và truyền lại gen của mình.
Vì vậy, nỗi sợ có hữu ích không? Nó đã cứu sống bạn đó! Ngay cả trong thế giới con người ngày nay, những nơi có hổ răng kiếm ẩn nấp sau bụi rậm ít hơn, nỗi sợ vẫn giúp chúng ta sống sót. Chúng ta bị sởn gai ốc khi đi trong một con hẻm tối vào ban đêm. Chúng ta suy nghĩ kĩ về các quyết định mang tính rủi ro. Và chúng ta sẽ đề phòng khi ai đó đến gặp chúng ta với những biểu hiện đe dọa.
Vâng, hầu hết chúng ta đều như vậy.
Một nghiên cứu năm 2012 đã so sánh phản ứng giữa những kẻ tâm thần và những người khỏe mạnh khi họ nhìn thấy những bức ảnh khuôn mặt đe dọa. Hình ảnh được hiển thị trên màn hình máy tính và người tham gia có thể sử dụng cần điều khiển để đẩy hoặc kéo bức ảnh khiến chúng nhỏ đi hoặc to lên. Những người khỏe mạnh có xu hướng đẩy những bức ảnh đi. Trong khi đó, những bệnh nhân tâm thần lại chẳng cố tránh những khuôn mặt đe dọa này. Và xu hướng phản ứng này thường liên quan đến mức độ gây hấn của họ, đồng nghĩa rằng họ có thể gây hấn có chủ đích. Vì vậy, việc không sợ hãi cũng có thể hiểu rằng người đó rất lạnh lùng!
Ngoài ra, hầu hết chúng ta học cách sợ những thứ đi kèm hậu quả xấu. Ví dụ, trong một nghiên cứu hình ảnh bộ não vào năm 2005, những người bình thường đã học cách sợ hình ảnh những khuôn mặt có ria mép, bởi mỗi lần họ nhìn thấy những khuôn mặt này, họ sẽ bị chọc bằng một ống áp lực không khí. Dây thần kinh hoảng sợ trong não họ đã được kích hoạt trong quá trình học hỏi này và cơ thể họ đã có các biểu hiện của sự sợ hãi như đổ mồ hôi. Nhưng các bệnh nhân có vấn đề tâm lý lại phản ứng khác. Họ không bị đổ mồ hôi, và các dây thần kinh sợ hãi của họ không cho thấy bất kì dấu hiệu kích hoạt.
Có vẻ như nỗi sợ hãi không chỉ là một cảm xúc hữu ích cho sự sống còn của một cá nhân mà còn giúp giữ vững bình yên cho cả một bộ lạc. Nếu tất cả chúng ta đều không sợ hãi, chúng ta có thể sẽ là những kẻ tâm thần và điều đó ắt hẳn sẽ trở thành một trường hợp vô cùng nguy hiểm.

Phẫn nộ - Anger


La hét. Đe dọa. Ném đồ đạc. Tung nắm đấm. Đây có phải là sự tức giận? Không! Đây là sự hung hãn.
Lầm tưởng lớn nhất mà chúng ta cần phải phá bỏ ngay lập tức chính là sự tức giận và sự hung hăng không hề giống nhau. Bạn có thể cảm thấy phát điên mà không làm tổn thương bất cứ ai. Và bạn cũng có thể bắt nạt ai đó mà không giận họ. Tức giận là một loại cảm xúc. Hung hăng là một kiểu hành vi.
Tức giận là một loại cảm xúc. Hung hăng là một kiểu hành vi.
Nếu sự tức giận và hung hăng là một, vậy thì tất nhiên sự tức giận sẽ là một điều tồi tệ và đáng sợ. Chúng ta sẽ muốn tránh khỏi cảm giác đó và không khuyến khích người khác có nó. Thế nhưng, trên thực tế, sự tức giận là một cảm xúc hoàn toàn bình thường và lành mạnh.
Hãy nghĩ về tổ tiên người vượn cổ của chúng ta. Nếu họ làm việc chăm chỉ cả ngày để thu được một chùm quả mọng, và tôi lấy trộm của họ, họ sẽ cảm thấy thế nào? Tức giận, tất nhiên rồi! Họ sẽ cảm thấy căng thẳng, bồn chồn, và như thể đang có lửa cháy trong ruột gan vậy. Cảm giác này sẽ thúc đẩy họ đối đầu với tôi (trong trường hợp này, có lẽ là vồ lấy đầu tôi).
Còn nếu họ không cảm thấy khó chịu, chuyện gì sẽ xảy ra? Tất nhiên tôi sẽ tiếp tục lấy trộm. Suy cho cùng, tôi không phải nhận bất kì hậu quả nào khi lợi dụng người vượn đáng thương này.
Trong thế giới hiện đại của chúng ta, chúng ta có những chiến lược đối đầu tinh vi hơn mà không phải động chân tay. Nếu ai đó lấy trộm bánh sandwich của tôi từ tủ lạnh văn phòng, tôi có thể bày tỏ cảm giác của mình về điều đó. Tôi sẽ yêu cầu một lời xin lỗi và một lời hứa rằng kẻ trộm bánh sẽ không bao giờ làm điều đó một lần nữa.
Điều này không chỉ bảo vệ bánh sandwich của tôi trong tương lai mà còn khiến cho đồng nghiệp của tôi tôn trọng tôi nhiều hơn. Một nghiên cứu năm 2001 được công bố trên Tạp chí Tính cách và Tâm lý Xã hội (Journal of Personality and Social Psychology) đã yêu cầu mọi người đánh giá đồng nghiệp dựa trên tần suất họ thể hiện những cảm xúc khác nhau, bao gồm cả sự tức giận. Nó chỉ ra rằng mức độ tức giận tỉ lệ thuận với mức độ xuất sắc họ đạt được trong mắt đồng nghiệp. Không chỉ vậy, sự tức giận cũng dự đoán mức lương và tiềm năng thăng tiến.
Mức độ tức giận tỉ lệ thuận với mức độ xuất sắc họ đạt được trong mắt đồng nghiệp. Không chỉ vậy, sự tức giận cũng dự đoán mức lương và tiềm năng thăng tiến.
Tất nhiên, tôi không khuyên bạn nên đi xung quanh văn phòng la hét với mọi người và ném dập ghim lung tung. Hãy nhớ rằng, sự tức giận không giống như sự hung hãn. Sự tức giận báo hiệu cho chúng ta rằng một cái gì đó không công bằng đã xảy ra, ai đó đã làm tổn thương chúng ta hoặc đến những người chúng ta quan tâm. Những gì chúng ta có thể  làm trong tình huống này bao gồm chủ động bày tỏ quan điểm, biểu tình trong hòa bình, giải quyết vấn đề, tha thứ và nhiều lựa chọn khác. Trong mọi trường hợp, cảm xúc tức giận không phải là điều xấu, nó giúp chúng ta biết rằng có điều gì đó không ổn và điều quan trọng là chúng ta cần giải quyết nó.
Bây giờ, hãy chuyển từ nóng sang lạnh và ghé thăm một loại cảm xúc “tiêu cực” khác.

Buồn chán - Sadness


Cảm xúc này khó hơn. Bởi nỗi buồn thì nặng nề và chậm chạp. Nó rút cạn năng lượng của bạn và khiến bạn nản chí. Vậy làm thế nào nỗi buồn có thể hữu ích?
Chà, khi nào chúng ta có xu hướng cảm thấy buồn? Khi ai đó mà chúng ta yêu thương qua đời. Khi chúng ta đánh mất một mối quan hệ mà chúng ta trân trọng. Khi chúng ta rất muốn một cái gì đó nhưng không có được nó. Đây là những trải nghiệm mà chúng ta đã từng trải qua.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không cảm thấy buồn trong những tình huống này? Chúng ta sẽ không tổ chức đám tang vì chúng ta sẽ chỉ thờ ơ trước sự ra đi của một người thân yêu, và có lẽ cũng chẳng quan tâm lắm đến những người vẫn còn sống. Chúng ta sẽ không trân trọng các mối quan hệ, bởi vì, mất đi một người cũng không tổn thương gì cả. Và chúng ta sẽ không biết mục tiêu nào là quan trọng với mình, bởi khi không đạt được chúng, tinh thần của chúng ta cũng không nặng nề thêm chút nào.
Nếu không có nỗi buồn, chúng ta sẽ không biết mục tiêu nào là quan trọng với mình, bởi khi không đạt được chúng, tinh thần của chúng ta cũng không nặng nề thêm chút nào.
Mặt khác, cảm giác buồn cho phép chúng ta biết một cách trực giác, trong tim và tâm can chúng ta, đâu là những gì chúng ta quan tâm nhất trong cuộc sống. Nó dạy chúng ta bài học từ những sai lầm và nhắc nhở chúng ta trân trọng những thứ mà chúng ta đang có. Cùng với những cảm xúc tích cực như niềm vui và sự phấn khích, nỗi buồn cho phép chúng ta trải nghiệm một loạt những cảm xúc phong phú mà từ đó làm nổi bật các giá trị cốt lõi của chúng ta và điều hướng hành vi của chúng ta.
Trên thực tế, đa dạng cảm xúc tốt cho sức khỏe của bạn! Một nghiên cứu với gần 200 người tham gia đã chỉ ra rằng những người trải nghiệm cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực thường có sức khỏe thể chất (sau nhiều năm) tốt hơn những người chỉ có một loại cảm xúc này hay cảm xúc khác. Đây chỉ là một nhân tố nhỏ nhưng có tác động lớn trong kết quả nghiên cứu. Nói cách khác, có nhiều loại cảm xúc là rất tốt!
Bạn thấy đó, cảm xúc tiêu cực thường bị gán tiếng xấu vì chúng khiến ta không thoải mái và vì chúng ta nghĩ rằng chúng rất vô dụng hoặc nguy hiểm. Nhưng chúng thực sự rất hữu ích và lành mạnh! Sợ hãi là hệ thống báo động đáng tin cậy. Tức giận thắp lên một ngọn lửa vạch trần sự bất công. Và nỗi buồn cho chúng ta thấy những gì quan trọng nhất trong cuộc sống.

Một nguyên tắc vàng để đối mặt những cảm xúc tiêu cực

Còn bây giờ, đây là một trong những nguyên tắc vàng để đối mặt với những cảm xúc tiêu cực: Hãy biết rằng có những cảm xúc này thực sự rất lành mạnh, và sau đó hòa mình vào chúng. Đón nhận nó và cảm nhận nó khi cảm xúc đi khắp cơ thể bạn. Đừng cố gắng chiến đấu lại nó, bởi vì bạn sẽ thua, hoặc nói theo 1 cách lạc quan, bạn sẽ chỉ tạm thời trì hoãn nó. Nếu bạn đối diện với cảm xúc này, nó sẽ cho bạn biết những gì bạn cần biết, và cuối cùng vượt qua nó. Hãy thử xem!

Tham khảo bài viết gốc tại: Why Negative Emotions Aren’t All Bad - Dr. Jade Wu: https://www.quickanddirtytips.com/health-fitness/mental-health/negative-emotions-not-bad