Ảnh: Sortimid
Đã từ lâu tâm lí người việt bị in hằn định kiến rằng nhiệm vụ của môn Văn cũng là một với môn Giáo dục Công dân, rằng hễ ai giỏi văn hoặc đọc nhiều sách hơn người tức là họ cũng phải có đạo đức hơn người; và suy ngược lại những ai giỏi văn mà sân si thì đó hoặc là thành phần cá biệt, hoặc là thành phần chưa thật sự giỏi.


Nếu anh chị hay theo dõi các hội nhóm về văn và sách thì không khó nhận ra hễ khi nào xảy ra tranh cãi là kiểu gì cũng có người lên giọng ta thán “Sao toàn người đọc sách mà sân si thế?” Tuy mong muốn bàn luận nhẹ nhàng là điều chính đáng và tự nhiên, nhưng vấn đề ở chỗ họ luôn viện ra việc đọc sách để làm lí do, như để khẳng định qui tắc ngầm rằng đã là người đọc sách thì không sân si, còn vẫn sân si thì chưa xứng đáng để là người đọc sách. Điều này lặp lại một cách khuôn sáo khiến việc đọc trở thành như giáo điều, và mục đích của việc đọc không còn là trau dồi kiến thức nữa, thay vì thế là trau dồi đạo đức.

Sau nhiều bài viết đi lang thang khắp các chủ đề, ở bài viết này tôi sẽ trở lại với chủ đề yêu thích: văn chương. Và bài này sẽ phân tích liệu văn chương có là một với đạo đức, và đạo đức mà người đời nói đến thật ra là cái gì.


I. NHỮNG ẢO TƯỞNG



Để củng cố quan điểm đang đề cập, văn hoá đại chúng có hai câu cách ngôn: Văn là người Văn học là nhân học, với ý nghĩa rằng văn của một người chính là đại diện cho nhân cách người ấy, và học văn là để học làm người có đạo đức. Có lẽ truyền miệng nhiều quá nên người đời tưởng hai câu này là cách ngôn dân gian, nhưng thật ra không hoàn toàn như vậy. Ta sẽ xét lần lượt.

1. Văn là người

Thứ nhất, câu Văn là người không phải của dân gian và không có từ lâu đời, thực tế nó xuất hiện ở Việt Nam lần đầu tiên khoảng 70-80 năm trước là cùng. Quyển sách Viết và đọc tiểu thuyết do Nhất Linh viết vào những năm 1950, ông đề cập đến câu nói này và cho biết đây là cách dịch của Phạm Quỳnh từ câu tiếng Pháp Le style, c’est l’homme.
Thứ hai, câu Phạm Quỳnh dịch vốn xuất phát từ bài diễn văn của Comte de Buffon (Bá tước xứ Buffon), Georges-Louis Leclerc, bài diễn văn tên Discours sur le style được phát biểu ở Viện Hàn lâm Pháp vào ngày ông được nhận kết nạp. Bài diễn văn dài nhưng đoạn sau đây đủ để biểu thị ý nghĩa câu văn ấy trong văn cảnh.
Chỉ tác phẩm viết hay mới lưu truyền hậu thế: kiến thức đồ sộ, sự kiện độc đáo, khám phá mới lạ, đều không đảm bảo cho tính bất hủ: nếu tác phẩm có những sự ấy mà chỉ bàn về chủ đề nhỏ nhặt, viết thiếu mĩ lệ, thiếu cao nhã và thiếu thiên tài, thì sẽ sớm tàn lụi, bởi kiến thức, sự kiện và khám phá rất dễ bị lấy mất, bị chuyển đi, và thậm chí thích hợp hơn khi nằm trong bàn tay diệu nghệ khác. Những sự ấy không thuộc về con người ta, văn phong mới là con người ta. Văn phong không thể bị lấy mất, bị chuyển đi hay bị bóp méo: nếu văn phong cao đẹp, quí phái, trác tuyệt, tác giả sẽ được ngưỡng mộ mãi mãi; bởi chỉ chân lí ấy mới tồn tại lâu bền, và vĩnh hằng.
Bài diễn văn đầy đủ bằng Pháp ngữ để ở cuối bài này. [1]
Như vậy, hoá ra Văn là người (Le style est l'homme même) thì văn ở đây nói về văn phong, và người ở đây ý nói về hình thức viết hoặc là tính văn chương – là thứ khiến một tác phẩm trở thành nghệ thuật, là thứ tạo ra sự khác biệt và độc nhất của một tác phẩm viết. Có vấn đề nào đó mà nguyên văn Le style est l'homme même biến thành dị bản Le style, c’est l’homme. Ta thấy ở đây nội dung hai câu không khác biệt nhưng hình thức thì có, câu thứ hai rõ ràng nghe đanh thép hơn.
Và ngay việc tam sao thất bản chính câu của Buffon đã thể hiện rõ tư tưởng ông muốn truyền đạt. Ông đã nói rằng kiến thức, sự kiện và khám phá dễ bị người khác lấy về và qua bàn tay của họ, họ có thể tự tạo ra tác phẩm của mình. Bởi vì khi một ý tưởng được đưa ra, người khác tiếp nhận, thì lúc đó cái ý tưởng trong đầu họ, dù hiểu sai hay đúng, đều trở thành của họ mất rồi; và khi họ viết ra bằng văn phong của họ thì câu văn hiển nhiên càng là của họ. Vậy thì nhà văn đâu giữ lại được gì cho mình nếu chỉ trông đợi vào ý tưởng? Thế nên Buffon cho rằng những cái kia không thuộc về con người ta, chỉ văn phong mới là con người ta, vì văn phong không bị lấy đi được. Tư tưởng của Buffon bị người đời lấy đi và đồng thời được người đời chứng minh là như vậy.
Như vậy, việc hiểu sai nghĩa và không biết rõ nguồn gốc câu Văn là người là ảo tưởng thứ nhất.

2. Văn học là nhân học

Câu Văn học là nhân học thì có lẽ quen thuộc với anh chị hơn vì nó có trong chương trình học phổ thông và được gán cho Maxim Gorky. Thế nhưng tôi chưa thấy ở đâu dẫn nguồn chính xác Gorky nói thế vào năm bao nhiêu, ở đâu, trong văn cảnh nào cả. Vì không biết tiếng Nga, trong khả năng tìm kiếm tiếng Việt, Anh, Pháp của tôi thì hoàn toàn không thấy một cách trực tiếp, mà chỉ thấy gián tiếp qua bài của GS. Trần Đình Sử. Bài viết cho thấy trong bài phát biểu ở đại hội những người nghiên cứu Địa phương học Nga, Gorky bày tỏ quan điểm rằng công việc chính của ông không phải Địa phương học mà là Nhân học. Không thấy nhắc đến Văn học và càng không có câu nào cho thấy văn học là nhân học.
Đó là ý kiến trong lời phát biểu của M. Gorki trong Đại hội của những người nghiên cứu địa phương học thuộc Hội nghiên cứu địa phương học Nga, (có thể dịch là phương vực học, địa phương chí, tiếng Nga gọi là “kraevedenie”) ngày 12 tháng 6 năm 1928. Địa phương học là khoa học nghiên cứu về các địa phương, từ địa lí, lịch sử, nhân vật, sản vật. Trong nhà trường tiểu học và trung học cơ sở của Nga hiện vẫn có môn học địa phương học dành cho học sinh từ lớp ba đến lớp sáu. Thời ấy danh tiếng M. Gorki lẫy lừng, các hội đoàn, tỉnh, thành, các xí nghiệp, nông trang ai cũng mời Gorki đến thăm, nói chuyện, lấy tên Gorki để đặt tên cho cơ quan, trường, viện, đường phố, vườn hoa, xí nghiệp. Hội địa phương học cũng mời Gorki dự đại hội. Trong lời phát biểu M. Gorki nói: “Trước hết tôi xin cảm ơn các đồng chí đã cho tôi một vinh dự lớn, là bầu tôi làm thành viên của đại gia đình những người làm địa phương học, xin đa tạ. Nhưng dù sao tôi vẫn nghĩ rằng, công việc chính của tôi, công việc mà tôi làm suốt đời, không phải là địa phương học, mà là nhân học (tiếng Nga viết là chelovekovedenie, nghĩa là nghiên cứu về con người hay khoa học về con người – TĐS). Nói thế tuyệt đối không phải là tôi giảm nhẹ tầm quan trọng của địa phương học, mà tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã bắt đầu cuộc đời của mình  giữa những người mà họ nhanh chóng bắt tôi phải suy nghĩ về vấn đề những  người không có khả năng viết và sự vắng mặt của họ trong những cuốn sách mà tôi đọc.” Với câu nói đó ta hiểu nhà văn muón nói đến việc ong mở ra đề tài mới trong văn học, về con người lao khổ, thất học, về con người viết hoa. Trong bài này không có câu nào gíông như “văn học là nhân học”.
Bài đầy đủ để ở cuối bài này. [2]
Như vậy, câu này còn mang nhiều ảo tưởng hơn cả câu thứ nhất nữa. Tôi không hiểu các thế hệ học sinh chứng minh, phân tích, cảm nhận một câu nói không có thật để làm gì. Đáng buồn hơn, họ mang cả câu nói và tư tưởng huyễn hoặc ấy ra ngoài xã hội.


II. NHỮNG NGỘ NHẬN



1. Ngộ nhận giữa luân lí và đạo đức

Luân lí và đạo đức là hai khái niệm dễ bị nhầm lẫn, cũng bởi chúng nhiều khi chồng chéo lên nhau rất khó phân biệt. Hơn nữa, với văn hoá và triết học của người Việt bị ảnh hưởng nặng từ Nho giáo thì tôi e là không có sự phân biệt giữa chúng, bởi xưa giờ người ta chỉ hành động theo luân lí, giả hoặc vài cá nhân đơn lẻ có đạo đức nhưng họ không viết ra để lưu truyền thì cũng như không.
Từ luân lí vốn xuất phát từ Nho giáo, nó là viết tắt của luân thường đạo lí, đây là kiểu viết tắt thường gặp trong tiếng Việt, như củ mật là củ soát cẩn mật và xuất thần là xuất quỉ nhập thần. Luân thường gồm ngũ luân (5 mối quan hệ: vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, nghĩa trí, tín).
Sau đây là định nghĩa luân lí và đạo đức tôi lấy theo văn hoá phương tây: Đạo đức (morals) là nguyên tắc cá nhân mà qua lí luận và niềm tin họ thấy rằng một hành động là đúng hoặc sai. Luân lí (ethics) là bộ ứng xử mà cộng đồng cùng thống nhất đề ra để phán xét một hành động là đúng hoặc sai. Đạo đức là thứ mang tính chất cá nhân và bên trong mình. Luân lí mang tính chất xã hội và do tác động bên ngoài thúc ép.
Một người có thể vi phạm luân lí nhưng vẫn giữ đạo đức bên trong anh ta, ví dụ một số nước qui định không cho bác sĩ trợ tử (luân lí) nhưng do bệnh nhân quá đau đớn và mong được chết, bác sĩ chiều theo vì đó cũng là điều bác sĩ thấy rằng nên làm (đạo đức).
Hoặc có thể vi phạm đạo đức nhưng tuân theo luân lí, riêng việc này tôi thấy nhiều người Việt mắc phải, ví như khi thấy người cha bạo hành con cái, bản thân thấy có bất công và cần phản kháng (đạo đức), nhưng lại nghe theo lời một số phần tử giở Nho giáo (luân lí) tuyên truyền về đạo hiếu, phải nhẫn nhịn và từ từ khuyên bảo cha trong khi cha đang chốt cả cái chai vào mồm mình. Đây là ví dụ toàn hảo cho thấy cả luân lí lẫn ảnh hưởng độc hại của Nho giáo lên người Việt.
Hình minh hoạ không liên quan lắm, thấy hay nên đăng thôi
Trở lại với chủ đề, chúng ta có thể đặt câu hỏi do đâu mà người Việt hay đánh đồng giữa văn chương và đạo đức. Câu trả lời là do ảnh hưởng hơn 800 năm của Nho học, bắt đầu từ năm 1075 thời Lý Nhân Tông và mãi đến năm 1919 thời vua Khải Định mới bãi bỏ.
Thời ấy thi cử hầu hết dựa trên Nho học, các sĩ tử phải học thuộc lòng Tứ thư-Ngũ kinh và nhiều kinh sách khác thuộc Nho giáo. Mà Nho giáo chủ trương đức trị với cái gốc của đức nhân là đức hiếu thảo, điều này tôi đã có một bài viết riêng để bàn về rồi [3], ở đây chỉ nói tóm gọn là thời ấy sĩ tử đi học có nghĩa là học để có đức (mà chính xác phải dùng từ luân lí), và sự học thời ấy là học văn, là đọc sách để học thuộc lòng và diễn giải theo ý của người khác đã vạch sẵn. Không chỉ đi học để lấy đức mà thậm chí để đăng kí thi cũng phải bị tra xét thân thế, những ai có thân nhân và nhân thân không tốt đều không được thi, con hát và phường chèo cũng không được thi, khi vào thi phải thuộc lòng những chữ kị huý kẻo phạm vào là chắc chắn bị đánh hỏng. [4]
Tóm lại, suy nghĩ đánh đồng giữa văn chương và đạo đức chính là di chứng của thời Nho học kéo dài trên 800 năm. Mối quan hệ giữa học – học văn – đạo đức cứ thế bám rễ mãi vào đầu óc người Việt đến tận nay.

2. Ngộ nhận cứ đọc sách, viết văn là có luân lí

Bởi vì đạo đức là thứ nằm bên trong cá nhân mà người ngoài khó thấy được, nên để chính xác hơn ta phải dùng từ luân lí, nếu như thói quen ngôn ngữ quá khó sửa thì anh chị hãy ngầm hiểu vào cái bản chất thực đằng sau con chữ.
Phần này tôi sẽ dẫn chứng bằng nhà văn mà chắc ít người Việt biết, bản thân tôi cũng không trực tiếp biết về ông mà chỉ biết qua những gì Oscar Wilde viết về, từ Wilde tôi mới dần dà tìm hiểu. Ông là Marquis de Sade (Hầu tước xứ Sade), một quí tộc, nhà văn và triết gia người Pháp. Sade chuyên viết các tác phẩm khiêu dâm kết hợp với diễn ngôn triết học, miêu tả những tưởng tượng bạo dâm với phụ nữ và trẻ em. Không dừng lại ở viết, ông còn làm thật, do đó sinh thời ông đã nhiều lần ngồi tù và bị vào nhà thương điên. Từ sadism (bạo dâm) vốn xuất phát từ tên ông. Ngày nay vẫn có nhiều trí thức nghiên cứu về ông. Hay chính Oscar Wilde ở thế kỉ 19 cũng phải vào tù vì quyến rũ và quan hệ đồng tính với các chàng trai trẻ, Anh quốc thời Victoria bấy giờ coi đó là tội hình sự. Wilde ngồi tù và nhận phỉ nhổ cũng như khinh miệt của cả xã hội, bị cách li khỏi các con đến hết đời.
Về mặt luân lí, cả hai đều vi phạm nghiêm trọng luân lí của thời họ sống, và có thể cả thời nay nữa, tuỳ từng xã hội. Vậy ai còn dám nói đọc sách hay viết sách thì luân lí cao? Về mặt đạo đức, chắc chắn không thể đánh giá người khác bằng phông đạo đức của bản thân.
Marquis de Sade (1740-1814)
Tóm lại, không có điều gì cho thấy giỏi văn là có luân lí cao, thậm chí còn có rất nhiều ví dụ cho thấy ngược lại. Suy nghĩ đó chỉ là ảo tưởng, ảo tưởng này đến từ ngộ nhận do thời xưa việc học văn bị gắn liền với học luân lí (với mục đích là tiền tài), và đây lại là một ảnh hưởng xấu nữa của Nho giáo, bên cạnh đạo hiếu.
Văn chương chỉ là một trong nhiều con đường để con người bước lên đi tìm cái đẹp. Văn phong không bộc lộ nghệ sĩ. Nghệ sĩ có quyền đưa mọi chất liệu vào văn chương. Thật ngây ngô nếu cho rằng văn phong mạnh bạo thì tức là nghệ sĩ hung hăng, nó cũng ngây ngô như việc bảo Shakespeare bị điên vì đã viết Vua Lear quá tài tình.



[4] Khoa cử thời xưa. Trần Hải Triều sưu tầm



TORNAD
27/2/2020