Thật ra việc có bố mẹ là giáo viên, có thể được xem là điều rất đáng tự hào, hãnh diện, rất may mắn. Tuy vậy, đi kèm với những niềm vui thì đôi khi cũng có "những vấn đề thầm kín" mà nếu không tỏ bày thi chưa hẳn người ngoài cuộc biết được.
Ảnh nàng cap màn hình tin nhắn bé học trò của bố mẹ nhắn tin với nàng.
1. Gia đình nàng có truyền thống thức khuya. Bố mẹ thường thức soạn bài, chấm bài, viết báo cáo,... các kiểu. Ngày xưa khi mà giáo án còn viết tay, thì hình ảnh bố mẹ nàng chính xác là đêm đến cặm cụi bên trang giáo án luôn. Và khi mẹ chưa ngủ thì nàng cũng không bao giờ chịu ngủ trước, dù mẹ có la rầy đến cỡ nào thì nàng cũng nhất định phải thức đợi cho bằng được. Bây giờ lục lại, hồi xưa nàng học lớp 2, còn tự sáng tác bài thơ:
"Mẹ ơi mẹ soạn nhanh bài
Con thương con quý mẹ ngay tức thì
Một ngày mẹ sẽ làm xong
Con đây chỉ muốn một ngày thế thôi".
2Sinh nhật nàng là tháng 5. Là khoảng thời gian thi cử cuối học kỳ xong, giáo viên chủ nhiệm bắt đầu lu bu tổng kết điểm, lo sổ sách để báo cáo. Và cực nhất, vất vả nhất luôn là các giáo viên cuối cấp. Mẹ nàng là giáo viên dạy lớp 9, mẹ lúc nào cũng bận rộn vì phải lo hồ sơ và các danh sách tổng hợp hs lên lớp 10,.... Khoảng này là lúc mẹ nàng luôn luôn tất bật. Vì thế mà không khi nào nàng được mẹ tổ chức sinh nhật, nấu nướng quành tờ ráng cho hết.

Đọc thêm:

3. Hồi nàng lớp 7, vài người bạn học lớp khác phân bì, đồn đại rằng vì nàng có bố là hiệu phó nên nàng được ưu ái, điểm số mới cao như vậy. Lúc nghe được những lời đồn đó nàng buồn dữ lắm, buồn tới mức nhịn... trà sữa luôn ớ...
Dẫu biết là sống thì không thể lúc nào cũng để tâm lời người khác, nhưng nàng vẫn rất rất buồn. Thế là nàng chỉ biết im lặng cố gắng học, để chứng minh cho các bạn thấy rằng để có được những kết quả đó thì bản thân nàng cũng phải nỗ lực học tập ra sao... Và rồi... khi nàng lên lớp 8, lớp 9, bố nàng hết nhiệm kỳ không làm hiệu phó nữa, cuối năm nàng vẫn được lãnh thưởng. Thậm chí, khi lên cấp 3, không học trường của bố mẹ dạy nữa, nàng vẫn cố gắng học tập hết mình, cốt là cũng muốn chứng minh rằng, không phải vì năm xưa bố là hiệu phó nên nàng được ưu ái.
4. Nàng nhớ mãi, có một lần 20.11, nàng dự lễ ở trường cấp 3 xong thì chạy sang trường cấp 2 của bố mẹ lấy chìa khóa để về nhà trước, bố mẹ ở lại dự tiệc cùng thầy cô. Lúc đạp xe về, trên đường, ai ai cũng nhìn nàng. Giỏ xe nàng chứa đầy hoa hồng, hoa vải có mà hoa tươi cũng có, hoa nhiều đến nỗi muốn che hết mặt nàng, muốn rơi ra ngoài luôn. Đó là tổng số hoa mà bố mẹ nàng được tặng ngày hôm ấy...
5. Hồi lớp 5 nàng có học Teakwondo ở nhà thiếu nhi, lúc thi lên đai thì được thầy chọn cho đấu với một anh lớn hơn. Vào cúi đầu chào xong, ảnh hỏi: "Con cô H phải hông?". Nàng ngơ ngác, nhưng vẫn "Dạ" đầy lễ phép. Xong ảnh nói: "Ừa vì con cô H nên anh sẽ nhẹ tay". Quả đúng thật, cả hiệp đấu ảnh rất là nhường nàng. Cũng tạo điều kiện cho nàng được thể hiện vài cú đẹp mắt. Bữa đó là lần thi lên đai nhẹ nhàng nhất của nàng.

Đọc thêm:

6. Chuyện ở nhà mà bố mẹ xưng hô nhầm hay bị bệnh nghề nghiệp là chuyện rất chi bình thường. Bố nàng có thói quen khi chỉ dẫn nàng lấy vật gì đó, sẽ vận dụng kiến thức Tóan dữ lắm: "Con bẻ một góc 90 độ", hay "con nhìn coi bố treo song song chưa?", hay "con muốn tính thử giá tiền mấy hộp sữa này thì con nhân chéo chia ngang.....". Lâu lâu đi tập thể dục cùng nhau, bố nàng đang kể chuyện gì đó cho nàng mà vẫn hay chêm vào câu: "Thầy nói em nghe kịp hông đó?". 
Mẹ nàng thì hay dẫn ca dao tục ngữ khi la rầy, khuyên răn gì nàng. Và có một cái "bệnh" mà bố mẹ nàng cùng mắc phải, đó là câu hỏi: "Em/anh hiểu hônnn". Nghe cứ giống cái trend: "Chị hiểu hônn" trên mạng. Đúng là khi giảng bài, giáo viên hay hỏi: "Các em hiểu hông?". Bây giờ đến lượt nàng cũng "dính" luôn cái "bệnh" đó.  Thế là cả nhà nàng, khi nói chuyện, lâu lâu có chiêm vài câu: "Con hiểu hônn?/ Bố hiểu hônn?/ Anh hiểu hônn?". Riết rồi thành cái tật luôn. Cơ mà hai vợ chồng cãi nhau mà cứ hỏi "Hiểu hôn hiểu hôn" thì đúng là thiệt sự mắc cười dữ lắm.
7. Hồi đó, nàng mới học cấp hai thôi mà đã nắm rõ các loại báo cáo, hồ sơ sổ sách mà bố mẹ phải hoàn thành cuối năm trong đợt thanh tra trong lòng bàn tay. Nào là: bồi dưỡng thường xuyên, minh chứng đánh giá, số họp, sổ dự giờ, giáo án, sổ chủ nhiệm, phiếu tự đánh giá, phiếu đánh giá phân loại viên chức,.... Thật ra là vì nàng có niềm đam mê với cái nghề này nữa, nên mới quan tâm mà tìm hiểu. Chứ cũng rất nhiều bạn bè nàng có bố mẹ đi dạy nhưng hổng có để ý mấy vụ này nhiều như nàng.

8. Dịp tết, dịp 20.11 nhà nàng lúc nào cũng có khách đông nghẹt. Có khi tốp đang ngồi chưa nóng đít đã phải đứng dậy đi về vì thấy bên ngoài có tốp khác đang ngóng ngóng vào. Giống kiểu mà tụi mình đi ăn mì cay á, khách trong này đang ăn khách bên ngoài kéo ghế ngồi đợi. Thật sự mệt nhưng những ngày đó vui cực kỳ. Còn thêm cả tết đến, mấy anh chị lớn đã đi làm rồi về thăm, lì xì cho nàng.....Tối đến, ngoài phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa thì nàng còn phải giúp mẹ nhắn cảm ơn để trả lời tin nhắn của học trò. Vì mẹ nàng ban ngày đọc xong mà không trả lời xuể và level nhắn tin của mẹ thì hơi chậm.
9. Nàng học xa nhà, bố mẹ không biết dùng mạng xã hội nhưng hình ảnh bố mẹ thì nàng được cập nhật không bao giờ thiếu. Tụi nhỏ rồi các thầy cô rất hay chụp hình dìm bố mẹ để gửi cho nàng. 
10. Đi ra đường với bố là nàng gật đầu chào mệt xỉu luôn. Vì bố nàng dạy đã 30 năm ở đảo rồi. Học trò, người quen nhiều vô số kể. Thậm chí nhiều người nàng hông biết người ta nhưng người ta biết nàng là con của thầy V cô H. Vậy là nàng đi đâu cũng giữ hình tượng lung lắm. Sợ bị gặp người quen của bố mẹ. Bây giờ, mỗi lần về nhà, mỗi lần đi máy bay là nàng đã hình dung trong đầu, chuẩn bị tâm lý là mình sẽ gặp anh A, chị B,...ở chỗ check in, chỗ an ninh, chỗ lấy hành lí, ở chỗ xe buýt ra máy bay,.....

        Thật ra còn rất rất nhiều những "nỗi khổ thầm kín" rất rất đáng yêu khác mà nàng đã được trải nghiệm. Còn vài năm nữa thôi bố mẹ nàng cũng sắp về hưu rồi. Mỗi ngày, bố mẹ thường kể chuyện trường chuyện lớp, đôi khi cũng than thở vì học trò thời nay sao khác quá, rồi những áp lực và khó khăn, nàng hiểu rõ những niềm hạnh phúc của việc đứng lớp và cũng thấm vô cùng những nỗi nhọc nhằn của nghề cầm phấn. Chẳng hiểu sao ngày xưa thi sư phạm mà bố mẹ không phản đối. Chứ nhiều thầy cô của nàng cản nàng dữ lắm lúc hay tin nàng định thi sư phạm.
    Thời gian trôi nhanh, nhà nàng rồi cũng có 3 người đồng nghiệp. Hy vọng con của nàng sau này cũng sẽ tủm tỉm cười mỗi khi nghĩ về những "nỗi khổ đáng yêu" như thế này, giống như nàng hôm nay.
TN, 20/11/2019.