Ảnh bởi
Jasmin Sessler
trên
Unsplash
Một cách tình cờ, bài báo từ 2020 này bỗng xuất hiện trên news feed facebook tôi, như một nhân tố phá tan buổi chiều chủ nhật ảm đạm.
“Khi nhà vệ sinh trường học thành nỗi sợ của con trẻ”, tiêu đề không khỏi làm tôi bần thần xao xuyến. Những kỉ niệm đi vệ sinh thời còn đi học cứ thế xộc lên trong trí óc, nổi lềnh phềnh giữa những suy nghĩ vu vơ.
Sau những nỗ lực lùi xa nhất có thể về quá khứ, thì loạt kỉ niệm thời tiểu học là những thứ xưa nhất tôi hồi tưởng được. Đó là tầm giữa thập niên đầu của thiên niên kỷ mới, hay là tầm 2005 trở đi.
Ngày đó tôi học tiểu học ở một trường công khá tốt trong thành phố. Khuôn viên thoáng đãng. Sân chơi rất rộng. Vài ba dãy nhà lớn cho các khối lớp từ 1 tới 5. Có cả khu nhà bếp. Và tất nhiên là có nhà vệ sinh.
Nhưng cái trái khoáy là cả trường chỉ có một cái nhà vệ sinh đấy thôi, và nó nằm tách biệt hoàn toàn với các dãy nhà khác. Nó nằm ở tít góc xa nhất của trường. Nhưng mà với đôi chân bé con của những mầm non tương lai, khoảng cách đó khác gì đường đi tây trúc thỉnh kinh mười vạn tám ngàn dặm. 
Ị một cục cứt chạy ba quãng đồng.
Nhiều đứa bắt đầu thấy mót, lí nhí xin cô xin thầy, rồi xuất hành hướng về tây trúc. Trong tám mốt kiếp nạn, kiếp nạn đầu tiên là phải toàn thây đến được nhà vệ sinh đã. Có đứa nhịn khoẻ, cứ thế lững thững đi bộ, ung dung khoan thai, oai hùng phách lối, bình tĩnh tự tin chiến thắng. Nhưng có đứa yếu bụng yếu van đít, ba chân bốn cẳng phi một mạch tới nhà vệ sinh, vậy mà vẫn gục ngã trước cổng thiên đường.
Ôi thôi, ra quần rồi chứ sao. Mặt nó co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu nó ngoẹo về một bên và cái miệng của nó mếu. Nó hu hu khóc. Ôi bi kịch làm sao, nhục nhã làm sao. Thế giờ biết làm sao. Đành thất thểu về lớp, đối mặt với bao lời trêu cười đàm tiếu của chúng bạn, nhờ cô giáo gọi điện bảo bố mẹ đón về chứ sao. Cứ dăm bữa nửa tháng lại có một vụ như này.
Chẳng hiểu ông xây trường nghĩ cái đéo gì.
Bước chân được đến cửa nhà vệ sinh là một chuyện, sống sót ở trong đó là chuyện khác. Nhà vệ sinh này không có mái. Đúng vậy, không có mái. Cái thể loại nhà vệ sinh chết tiệt nào mà không có mái. Chỉ là mấy bức tường xây quây lại với nhau, tạo thành view khách sạn ngàn sao. Mùa hè thì nắng nóng ngột ngạt, thối um khai khắm. Mùa mưa thì bùn đất nhoe nhoét trơn trượt. Tôi bỗng chột dạ: cái nhà vệ sinh này nằm ở cuối góc sân, ngước lên thấy cả khoảng trời to rộng. Có lẽ Trần Đăng Khoa từng học trường tôi và ị ở trường tôi, nên mới sáng tác ra tập thơ Góc sân và Khoảng trời, đi vào lòng bao thế hệ trẻ em như vậy.
Chẳng hiểu ông xây trường nghĩ cái đéo gì.
Không có mái bê tông thì có mái khác. Phủ trên đầu nhà vệ sinh là một cây dâu tằm lớn. Tuỳ thời điểm trong ngày mà sẽ có những chỗ đứng tè được che mát khác nhau. Cây dâu này trĩu quả lắm, rơi rụng đầy sàn, chẳng hiểu đống sản phẩm của bọn học sinh có được bón cho cây không. Quả đỏ quả đen nằm la liệt, để rồi bọn học sinh đi vào, dẫm be bét. Trong đầu chúng nó đâu quan tâm là phải tránh chướng ngại vật đâu, chúng nó chỉ cần được giải quyết nỗi buồn. Quả dâu bị dẫm bẹp dúm, nước dâu phọt ra, bám vào đế dép đi khắp sàn, điểm xuyết cho sàn nhà những nét chấm phá đầy ngẫu hứng đầy chất nghệ thuật. Sàn nhà giờ chẳng khác gì tranh của Jackson Pollock.
Tranh Jackson Pollock cho dễ tưởng tượng
Tranh Jackson Pollock cho dễ tưởng tượng
Và đến phần quan trọng nhất: hành sự. Hồi đó một loạt các bệ xí là xí xổm, một điều vô cùng khó hiểu khi các gia đình đã phổ cập bệ xí ngồi bằng sứ từ đầu những năm 2000. Và xí xổm thì tuyệt nhiên không có vụ gạt cần xả nước, mà phải tự múc nước mà dội. Có một cái thau khổng lồ ở giữa phòng, lúc thì cạn khô, lúc thì nước đầy ắp, và khi có nước thì đầy những quả dâu nổi lềnh phềnh cùng với hằng hà sa số những con loăng quăng bọ gậy. Mà cái khốn nạn nhất là, như tôi vừa nói, cái thau này khổng lồ thực sự. Những mầm non tương lai đâu đủ chiều cao để mà với tay lên cầm gáo múc nước dội xí. Hoạ chăng đứa nào dậy thì sớm, cao vống hơn so với chúng bạn, còn có khả năng làm vậy.
Thế là chả ai dội. Thế là đứa sau phóng uế đè lên bãi của đứa trước. Cái hố xí thực sự là đống hổ lốn kinh tởm đáng nguyền rủa nhất mà tôi từng thấy. Lỏng có, rắn có. Dài có, ngắn có. Vàng có, nâu cũng có. Tất cả hoà quyện vào nhau, như một hỗn hợp cà ri ấn độ. Chi tiết này làm tôi mất vị giác suốt cả ngày.
Chẳng hiểu người chọn cái thau nước nghĩ cái đéo gì.
Hành sự xong thì ai chả phải rửa tay. Cơ mà bồn rửa tay thì cáu bẩn, cần gạt vòi nước thì rỉ sét cứng ngắc. Rồi khi đã vận hết công lực để gạt được vòi, thì dòng nước chảy ra hờ hững ỉu xìu. Có lúc còn chẳng có nước. Và xà phòng thì gần như không bao giờ xuất hiện. Nếu câu ăn bẩn sống lâu mà đúng, thì trường tiểu học của tôi chắc kèo tạo ra một chủng tộc bất tử.
Quãng đời cấp 1 của tôi, hay người ta còn gọi là tuổi thần tiên, đã kết thúc như vậy. Thật may mắn, tôi được học ở một trường cấp 2 khá tốt của thành phố. Lên cấp 2, tôi đã hi vọng về một sự đổi khác. Đó là tầm đầu thập niên 2010s.
Quả là cũng có vài điều khác biệt. Trường rộng, nhiều dãy nhà. Và tuyệt nhất là mỗi dãy nhà đều có nhà vệ sinh. Giờ thì nhà vệ sinh đã có mái, có đèn điện để thay cho nguồn ánh sáng tự nhiên. Giờ thì không lo xa xôi ngàn trùng. Giờ không lo cây dâu trĩu quả. Giờ chẳng lo cảnh góc sân và khoảng trời như ngày trước.
Nhưng những điều khác biệt chỉ dừng lại ở đây. Còn lại thì đâu vẫn hoàn đấy. 
Sàn vẫn luôn ướt nhẹp, lẫn cả nước mưa, nước vòi, nước bùn, nước tiểu. Cái hỗn hợp dung dịch đó là cái bẫy trơn trượt hoàn hảo cho bất kỳ đứa nào không biết nhìn trước ngó sau. Đứa nào có đôi giày mới muốn đem khè thiên hạ, nhất định không được bén mảng vào phòng vệ sinh. Du lịch trong cái thế giới lõng bõng nhễ nhại đó, tôi thấy đôi giày nào cũng như khấu hao mất hơn nửa giá trị. Lâu lâu tôi thấy có lao công xách đồ nghề vào, nhưng khi lao công đi ra thì chẳng có gì thay đổi. Sàn vẫn ướt và vẫn khai.
Vẫn là xí xổm. Con mẹ nó. Vẫn là xí xổm. 2010 rồi, đất nước tăng trưởng vũ bão rồi, ngôi sao kinh tế khu vực rồi, vậy mà vẫn xí xổm. Vẫn phải lọ mọ múc gáo nước để dội đống xú uế cà ri nhão nhoẹt của hàng chục thằng đi trước. Vẫn phải tự mang giấy chùi từ nhà đi, vì cái tường trong phòng xí xổm còn chẳng có cái giá treo cuộn giấy. Có đứa toàn phải xé vở, xé nhiều quá lẹm cả vào chỗ làm bài tập, thế là sấp mặt khi cô chấm vở. Biết giải thích làm sao? Bài tập của con dùng để chùi đít à?
Rồi lại tới cái cửa của mỗi phòng xí xổm. Cửa gỗ cũ kĩ, ọp ẹp, đôi lúc còn thủng lỗ chỗ. Và súc vật nhất là chẳng có một cái cơ chế nào để đảm bảo sự riêng tư của người hành sự bên trong, hay nói cách khác là cửa không có khoá. Không có khoá? Không có khoá! Ở cái hành tinh nào mà lại không có khoá vậy? Thế là vừa đi nặng vừa giữ cửa, ôi sao mà căng thẳng, sao mà áp lực đến thế. Đáng lẽ thời khắc con người thực hiện cái bản năng thượng cổ của mình phải được thoải mái thư giãn, vô tư vô lo, thì đây lại rơi vào cảnh một cổ hai tròng.
Chẳng hiểu ông xây phòng đại tiện nghĩ cái đéo gì.
Chậu rửa tay vẫn vậy. Cái vỡ cái lành. Cái thì rỉ đáy, thế là nước chảy xuống bắn ngược mẹ vào chân. Vòi nước thì vẫn phọt phẹt hai ba giọt, lúc thì tắt ngúm. Nước rửa tay thì hên xui. Hôm nay thấy lọ nước rửa tay vẫn đầy ắp, mai thấy cái lọ đã không cánh mà bay.
Ông hiệu trưởng thì suốt ngày ngạo nghễ về sự đầu tư trọng điểm cho chất lượng dạy học, mở rộng quy mô, đào tạo đội tuyển, tham gia cuộc thi này giải thưởng nọ. Thôi cho cháu xin. Cháu muốn được giải quyết nỗi buồn ở chỗ nào sạch sạch chút, mong bác chiếu cố cho.
Sau này lên cấp 3, cơ sở vật chất thực sự đã tốt lên nhiều. Nhà vệ sinh ở trường cấp 3 tôi thực sự đã giống với nhà vệ sinh tại gia. Tôi như được ánh sáng văn minh chiếu rọi vào tâm khảm sau quãng thời gian cấp 1 cấp 2 khổ sở với việc bài tiết tại trường. Nhưng vì đã quá ám ảnh, số lần tôi đi vệ sinh hồi cấp 3 là một con số không tròn trĩnh. Tôi chỉ vào nhà vệ sinh khi phải giặt giẻ lau bảng, thế thôi.
Giờ nghĩ lại, tôi băn khoăn tại sao việc cải tạo nhà vệ sinh lại bị bỏ lơ tới mức độ như vậy. Có phải đơn giản vì trường không biết vấn đề ấy tồn tại? Hay là họ biết, và thấy rằng việc cải tạo vệ sinh không vẻ vang và ấn tượng bằng thành tích điểm chác, khó giúp họ thăng tiến nhanh trên con đường sự nghiệp? Hay là họ chỉ nhún vai, bảo rằng với bọn trẻ con thì chỉ cần qua loa đại khái, như thế là tốt lắm rồi? Hay là họ cứ kệ, mặc xác bọn trẻ con than vãn, rồi sẽ quen dần với mùi xú uế?