Image result for empty person

Đầu tiên, hãy thành thực với nhau nhé: lúc rảnh rỗi bạn làm gì?

Chắc ai từng đi tuyển dụng như tôi sẽ nghe nhàm cả tai những thứ như: đọc sách, nghe nhạc, xem phim,... hay mấy thứ đại loại vậy và chúng ta biết sự thật hiếm khi diễn ra như thế. Với một số ít người có thể 5-10' giải lao họ có thể thực sự lôi sách ra đọc hay thật sự tận hưởng một bài nhạc (chứ không phải để dễ đi vào giấc ngủ), và đa số còn lại nếu không có gì khác để làm thì họ sẽ cuốn mình vào trong thế giới ảo. 

Có lẽ vài năm trước, bố mẹ bạn sẽ luôn càm ràm rằng bạn luôn dính vào cái điện thoại, nhưng giờ có vẻ việc cả nhà ai cũng lăm lăm vào màn hình điện thoại là một điều hết sức bình thường, thậm chí bạn còn khó chịu ngược lại vì họ mê mẩn đến độ bắt bạn phải chờ cơm... Hay chính bạn thân bạn, có lẽ bạn nghiện smartphone, bạn thừa nhận điều đó và tuyên bố sẽ cắt giảm hết mức có thể nhưng được vài ngày, mọi thứ lại đâu vào đấy, rồi bản thân nếu không lờ đi thì cũng sẽ tự vuốt ve để lấp liếm nỗ lực thất bại đó. Đúng chứ?

Vậy, mục đích của bạn khi vào mở điện thoại lên lúc rảnh rỗi là gì? Có thật là đọc tin tức hay tìm một thứ đó không? Hay bản năng sẽ khiến bạn nhấn vào đó ngay khi mở màn hình lên mà không hề suy nghĩ? Bạn có mong đợi sẽ tìm được cái gì đó thú vị trên mạng xã hội hay cảm giác "phê" khi chiến thắng không? Bạn có nghĩ bạn đang trốn tránh thực tại là bạn không biết làm gì nếu không có những tiện ích này không?
Không nói về công nghệ hay mạng xã hội nữa, ngoài thời gian làm việc và học tập, bạn làm gì? Tụ tập bạn bè, ăn uống xem phim, shopping, cafe trà sữa, nhậu nhẹt bar bủng...? Tôi không nói việc giải trí là sai, nhưng nếu bạn thấy mình đầu tư quá nhiều cho những khoản trên thì bạn có thấy bạn đang tìm kiếm niềm vui từ thế giới bên ngoàichẳng dành mấy thời gian cho riêng mình không? Ai cũng nghĩ là mình sống cho bản thân, nhưng bạn đã dành bao nhiêu thời gian một mình cho bản thân? Chỉ ngừng lại, tự thấy thương bản thân mình, rồi suy nghĩ về cuộc sống và tìm cách làm bạn với chính mình.
Ngay lúc này, bạn có thể cảm nhận được sự đứt gãy giữa nhận thức và cảm xúc, khi sự trống rỗng thúc đẩy hành động tìm thứ gì đó để thoát khỏi trạng thái đó, đồng thời đập nát cái ý chí "muốn ngồi yên" của bạn. Đây là lý do vì sao rất nhiều người không có khả năng thiền hoặc không thể nhập tâm khi thiền mà cứ lòng vòng chẳng đến đâu.

Trong một xã hội đông đúc, hiện đại, có được một không gian riêng tư là điều vô cùng khó khăn, đắt đỏ.


Xét ở một góc độ sâu hơn, điều đáng phải bận tâm là có phải chúng ta đang ngày càng lệ thuộc vào đời sống bên ngoài và rời xa những giá trị bên trong mình không? Nói một cách dễ hiểu hơn:

Nếu không có ngoại giới, bạn sẽ như thế nào? 

Để trả lời, bạn chỉ cần thử ngồi yên suy nghĩ càng lâu càng tốt và xem mình duy trì trạng thái đó được bao lâu. Nếu chưa biết tới thiền, thì bạn chỉ ngồi mà không có thứ gì gây xao nhãng xung quanh thôi, nhưng tôi nghĩ rất nhiều người sẽ không ngồi quá được 30'. Và tôi cũng tin chắc kể từ lúc có ý thức, cũng rất nhiều người chưa từng ngừng nỗ lực tránh khỏi thời gian trầm lắng nghe có vẻ buồn chán nhưng cực kỳ thực tế như vậy.
Nếu chưa thử, bạn sẽ không thể hiểu được vì sao việc chỉ ngồi yên lại cực kỳ khó và sự thôi thúc "tìm gì đó để làm" mạnh mẽ đến nhường nào. Lúc này, cái hiện thực khủng khiếp là bạn chỉ có một mình sẽ bám lấy bạn và bạn chỉ khát khao thoát khỏi nó bằng mọi giá, đồng thời, cũng từ chối cơ hội thực sự thấu hiểu bản thân mình.


Trong suốt đời mình, nhà toán học Pascal đã viết lại tất cả những suy tư của mình trong "La Pensée". Ở suy nghĩ thứ 139- "Deversion", ta có thể tóm gọn lại thành một câu:

"Mọi vấn đề của loài người đều xuất phát từ việc họ không thể ngồi im một mình trong phòng." 


Nguyên nhân của sự thống khổ, theo Pascal, sâu xa là từ bản chất của sự yếu đuối và trần tục của cuộc sống- không gì có thể đau đớn hơn khi ta chiêm nghiệm nó. Chính vì thế, nếu không có sự tiêu khiển hay mất tập trung, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự thật trần trụi là cuộc sống chúng ta nhất định sẽ khổ sở. Trớ trêu thay, ở con người có hai bản năng:

- Chúng ta bị thôi thúc tìm kiếm sự giải trí và lấp đầy tâm trí bằng những thứ nơi ngoài chúng ta, xuất phát từ ý thức về sự bất hạnh liên tục của của mình dù nhận ra hay không.
-Và tàn dư từ bản chất ban đầu của chúng ta nói rằng: hạnh phúc trong thực tế chỉ đến từ sự bình yên, không phải từ sự náo động.

Hai bản năng trái ngược này hợp thành một ý niệm hỗn độn được giấu sâu trong tâm thức, huyễn hoặc chúng ta tìm kiếm sự bình yên trong sự sôi nổi, rằng bằng việc vượt qua mọi khó khăn để tận hưởng sự thoả mãn, họ có thể sống cuộc sống an lạc thật sự. Quán chiếu điều này lên cuộc đời của một người, ai cũng chật vật với những khó khăn trong cuộc sống, và một khi đã vượt qua những gian khổ đó, nghỉ ngơi là một điều gì đó rất xa xỉ. Chúng ta luôn vô thức nghĩ rằng mình sẽ bỏ qua điều gì đó, hay thậm chí sự thoải mái sẽ khiến chúng ta gặp nguy hiểm.

Chúng ta chẳng hề thấy dễ chịu khi nghĩ về những điều bất hạnh hay những nguy cơ, nhưng sự nhộn nhịp của những thứ giúp chúng ta thoát khỏi nó lại thôi thúc và làm chúng ta thấy thoải mái.

Nếu một người phải ngồi tĩnh tâm một mình, đối mặt với suy nghĩ bên trong mình, họ sẽ phải đau khổ đối mặt với sự tồn tại của chính mình, chìm trong sự lo lắng tột độ và sự sợ hãi vì nơi đó không có gì xao nhãng họ khỏi sự thật rằng cuộc sống họ có vấn đề mà họ luôn muốn né tránh.

CHÚNG TA SỢ PHẢI NGHĨ VỀ CHÍNH MÌNH.



Theo cách bản năng nhất, chúng ta luôn nỗ lực tác động lên những thứ bên ngoài mình từ hình ảnh của bản thân, suy nghĩ của người khác cho đến những thứ vĩ mô như kích thích nên kinh tế, quy phục một dân tộc,... Phần lớn cuộc đời ta chạy theo chúng- những thứ chúng ta không thể kiểm soát được. 
Mặt khác, thứ duy nhất có thể kiểm soát được chính là: động cơ, suy nghĩ, hành động, cảm xúc,... của bản thân và chúng ta lại luôn lờ đi những thứ này. Tin tôi đi, bạn không nghĩ cho về bản thân nhiều như mình tưởng đâu.

"Nghĩ cho bản thân", theo tôi, nó thuần về mặt lợi ích hơn. Ví dụ, nếu bạn cân nhắc chuyện nghỉ việc, thứ hiện hữu nhiều nhất và khiến bạn đắn đo là lợi ích nó mang lại: tuy không thích nhưng nó mang cho bạn sinh kế; bạn thích công việc ấy nhưng đồng nghiệp lại độc hại; hoặc bạn thích điều kiện làm việc nhưng nó lại không đáp ứng được nhu cầu nào đó của bạn;... Căn bản, bạn sẽ quan tâm đến những gì bạn đạt được, chứ không phải lý do vì sao bạn phải đau khổ đưa ra quyết định. Trong thâm tâm, chúng ta luôn sợ hãi mất mát và sẽ cố gắng giảm thiệt hại thấp nhất cũng như đạt được nhiều nhất có thể, vô hình trung, điều này lại khiến tâm trí chúng ta chạy theo những giá trị bên ngoàitrở nên không nhất quán với bản thân.

"Nghĩ về bản thân", lại khác hoàn toàn, bởi lúc này thứ bạn tập trung sẽ là những cốt lõi bên trong mình, mà không có lợi ích, hệ quả hay hình ảnh của người khác về bạn. Đây là điều cực kỳ khó khăn, vì cuộc sống được thiết kế để bạn không từ bỏ được những thứ đã liệt kê phía trên và việc thắc mắc về lẽ thường là điều hết sức thừa thải. Mỗi cá nhân đều có ý chí và những giá trị của riêng mình, nhưng vì sao nhiều người lại chạy theo đám đông? Phải chăng cả thảy họ đều giống nhau như một? Không. Chỉ một điểm chung duy nhất giữa họ: bị định hướng. Nguyên nhân vì nếu không có cảm giác là một phần của quần thể, họ sẽ cảm thấy bản thân "trống rỗng", bởi những bản sắc và cốt lõi nơi họ không được nuôi dưỡng hay đã trở nên lu mờ. Tồi tệ hơn, nó còn khiến bạn tạo dựng những giá trị ảo để chứng tỏ sự tồn tại của chính bạn. 


Cảm giác "không gì cả" sẽ khiến bạn mất phương hướng, cực kỳ khó chịu và việc khoả lấp tâm trí -bất kể bằng những thứ vớ vẩn hay độc hại- trở nên hết sức hiển nhiên. Đây là lúc đời bạn trở thành một mớ hỗn độn, khi mà cơ số thứ được tạo ra với mục đích định hướng sự tập trung của bạn theo kiểu mỳ ăn liền xuất hiện. Tất nhiên, việc nuôi dưỡng những giá trị nơi bạn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, thậm chí còn khiến bạn cảm thấy bị đe doạ nếu khác biệt với xã hội, nên khi so sánh với những thứ như: mạng xã hội, hài nhảm, drama, tụ tập, giải trí vô độ... thì bọn này hấp dẫn và dễ dàng hơn nhiều. Hơn nữa, suy nghĩ sợ lạc hậu, bị bỏ lại phía sau càng thúc đẩy bạn phải đầu tư thời gian cho nó. Thế là sau cùng, bạn chẳng dám hay chẳng thể nghĩ về bản thân nữa, và đến khi bạn thấy đời mình bất ổn thì đã "xong đời cô Lựu" rồi.

Nhiều người không nhận ra là con người họ háo động mà chỉ định nghĩa bản thân khá hời hợt như: hướng ngoại, sống trọng thanh xuân, sống là tận hưởng,... mà chẳng biết đằng sau đó là cuộc sống hiện đại đang thao túng họ ngay từ trong vô thức. Bạn nghĩ bạn có ý chí tự do không? Trong khi thậm chí bạn còn chẳng hiểu bản thân hay phân biệt được mình muốn và cần gì?


Một lần nữa, hãy trả lời:

Nếu phải tự định nghĩa bản thân, thì bạn là...?

Đây là câu hỏi đã ám ảnh tôi từ lâu, nhưng tôi nghĩ bất kỳ ai trong đời đều nên phải trả lời câu hỏi này. Với những ai chưa từng suy nghĩ về bản thân, đây là thứ rất khó trả lời. Kể cả trong số rất hiếm những người tôi có thể có một cuộc trò chuyện sâu (deep conversation), tôi thấy đa số người đều có xu hướng định nghĩa bản thân theo kiểu là một phần của cộng đồng, tôn giáo hay nhìn chung là không phải một giá trị tự thân mà phải phụ thuộc vào nhân tố bên ngoài một cách không chặt chẽ.

Image result for who am i

Có lẽ đây là một câu hỏi lớn và việc trả lời được đòi hỏi rất nhiều sự chiêm nghiệm bản thân, nhưng nhiều người lại bị cuốn vào cái vòng xã hội và rồi chẳng bao giờ có cơ hội thấu hiểu bản thân. Trong khi thực tại thì thay đổi không ngừng thì cách duy nhất để tồn tại là lờ những giá trị nơi bản thân và thả mình vào vòng xoáy kia. Khi đó, sự bất đồng nhất giữa bản chất là điều không thể tránh khỏi. Làm sao bạn có thể an yên được nếu không hiểu và biết cách yêu thương chính mình?

Do đó, nếu suy ngẫm từ gốc rễ, ta sẽ thấy vấn đề lớn nhất của chúng ta là không thể làm việc với tâm trí mình. Trong thời đại này, việc đó có vẻ còn khó khăn hơn nữa khi xung quanh có ngày càng nhiều thứ cám dỗ trong khi việc đối mặt với sự thật lại cực kỳ đau đớn. Cứ thế, cái vòng này sẽ lặp lại vô hạn và cuộc đời bạn sẽ chẳng có gì ngoài sự bất mãn, không nhất quán và đau khổ. Trừ khi...

Bạn ngồi xuống, suy nghĩ về bản thân và học cách yêu thương chính mình.


Nếu đọc đến đây, mình hy vọng bạn dành thêm được chút thời gian để nghe qua bài hát này. Nó sẽ là nốt ngân da diết, nếu bạn có thể hiểu được bài viết này.
(Hình như trên điện thoại embed không hiện ra nên mình để link đây nhé: https://soundcloud.com/thanhluke/neu-chi-con )

*Đã sửa và thêm ý lần thứ 5