Nỗi đau của gen Z
Lâu lắm mình chưa viết điều gì, cũng vì vấn đề này khá khó viết, cứ lấn cấn trong lòng mình rất lâu mới đặt bút viết. Cũng không biết...
Lâu lắm mình chưa viết điều gì, cũng vì vấn đề này khá khó viết, cứ lấn cấn trong lòng mình rất lâu mới đặt bút viết. Cũng không biết là đặt tiêu đề có sát không nữa, nhưng mình muốn viết, muốn kể lại vài câu chuyện về thế hệ của mình.
1. Câu chuyện thứ nhất
Mình có con bạn A, tính nó ấm áp hiền lành, lại xinh xắn, mẹ làm giáo viên, là hiệu trưởng trường cấp một, bố nó là bộ đội về hưu. Nhà nó nếp tẻ đủ cả, trên nó là một anh đang làm cảnh sát, nó học giỏi ngoan hiền. Nghe chuyện của nó cứ như công chúa trong cổ tích, chẳng có gì phải lo nghĩ cả. Nhưng thân hơn mình mới biết, cuộc sống thật chẳng bao giờ đẹp như được nhìn thấy. Năm đó, bố mẹ nó yêu nhau mà ông bà nội nó không đồng ý, nhưng vẫn bất chấp để cưới. Đến tận lúc mẹ nó đẻ, ông bà nội cũng không hề ngó ngàng gì cả, anh nó 6 tuổi thì bà nó mới nhận cháu, nhận con, còn những năm tháng tủi cực của mẹ nó thì không để đâu cho hết. Mà những tưởng cưới về bố nó bảo bọc yêu thương mẹ con nó, nhưng lại không, rắc rối nó ập tới rắc rối kia, rồi sức ép xã hội, sức ép gia đình, bố nó về trút hết lên mẹ nó. Mà bố nó đánh toàn đóng cửa lại, rồi đánh vào những chỗ quần áo che hết đi để không ai biết cả, bởi vậy nhà nó bên ngoài là gia đình hạnh phúc nề nếp các kiểu nhưng đau đớn và tổn thương ngập đầy bên trong. Lúc đẻ nó xong được vài tháng, mẹ nó uống thuốc ngủ tự tử, lúc đó cũng suýt chết nhưng may là cứu kịp. Mình có hỏi nó, sao mẹ nó không ly hôn, không giải thoát cho chính mình, cho con mình cuộc sống bình yên một chút. Nó bảo, mẹ nó sợ ly hôn sau này con cái lấy vợ lấy chồng người ta đánh giá, không ly hôn vì con, vì muốn con đủ cha đủ mẹ. Rồi bảo, mẹ không ly hôn là vì mày, mẹ chịu đựng tất cả vì mày, mày liệu mà sống. Liệu có đứa trẻ nào hạnh phúc được nữa, khi oằn trên vai mình là trách nhiệm, là cuộc đời của người khác...
2. Câu chuyện thứ hai
B cũng là một đứa con gái trong gia đình có điều kiện vật chất đầy đủ, bố mẹ làm trong bưu điện, nhà cũng khá giàu nữa. Ở trên nó là một chị gái, nhà nó bố nó làm con trai trưởng trong gia đình. Mẹ nó không đẻ được con trai, chịu đủ mọi soi mói bắt bẻ của mẹ chồng, rồi họ hàng bên chồng, giỗ chạp lễ tết gì đều một mình mẹ nó phải cáng đáng cả, rồi chỉ có chị em nó phụ giúp mẹ thôi. Bố nó có một đứa con trai bên ngoài, lớn cũng chắc gần bằng nó rồi, về nhà thì cứ chửi mắng rồi kiếm chuyện đánh đập mẹ con nó. Có lần điện thoại nó bị đập tan, lại có lần chị nó bị bố đánh phải nhập viện. Rồi thất vọng vì chồng, mẹ nó dồn hết kì vọng vào hai chị em nó, chị thì không giỏi mấy nên bao nhiêu kì vọng dồn hết vào nó. Mẹ nó muốn nó thi Dược, trong khi B thích những thứ thiên về nghệ thuật, đàn, vẽ, làm bánh. Mỗi buổi nó học mẹ nó đều kè kè bên cạnh ngồi canh, rồi có ngày đi học tận 3,4 ca đến khuya mới về. Đau bụng thì vì nhác học nên mới đau, không được nghỉ, rồi học thêm một môn tận vài thầy cô, ăn uống lung tung đau dạ dày, còn thường xuyên bỏ bữa sáng nữa. B tâm sự với mình, nó sẽ đi học, rồi kiếm tiền, rồi đợi lúc ba mấy bốn mươi tuổi nó đem về hết cho mẹ nó. Rồi bảo rằng, đây là con sống cho mẹ, con báo hiếu cho mẹ, còn bây giờ con muốn sống cuộc đời của con, con muốn làm thứ mình thích, nhưng tuổi trẻ qua đi rồi, những tháng năm phí hoài sống vì người khác, liệu khi quay đầu lại có kịp nữa không... B đã dùng thuốc an thần, nhưng bạn thân biết nên cản và không cho dùng nữa. Rồi các thế hệ khác vẫn cứ thắc mắc về thế hệ tụi mình, sao bọn nó trầm cảm rồi stress nhiều thế, hồi xưa thiếu ăn thiếu mặc mà có chết đâu, bọn nó sướng quá hóa rồ... Nhưng đói ăn đói mặc thì người ta thương, rồi người ta giúp đỡ và cảm thông, nhưng đói tình yêu thương, đói con tim liệu có ai sẽ san sẻ.
Thời gian này, mình có xem chương trình Cha mẹ thay đổi trên VTV, tổn thương tinh thần của một đứa trẻ tương đương với bỏng ở cấp độ 3, không ai nói với đứa trẻ bị bỏng như thế rằng có thế mà cũng khóc à, con này bị hâm rồi, có tí chuyện mà cứ làm ầm lên... Khi có tổn thương trong thời thơ ấu, não của trẻ sẽ không phát triển được bình thường IQ và EQ cũng sẽ kém so với một đứa trẻ hạnh phúc. Bố mẹ cứ nghĩ rằng, lúc nhỏ khổ, chịu đựng để mai này con hạnh phúc hơn, nhưng một đứa trẻ không hạnh phúc ở hiện tại thì tương lai cũng sẽ chẳng hạnh phúc. Có người lớn lên, đi thật xa, đến vùng đất mới, thậm chí là châu lục mới, nhưng những tổn thương ấy vẫn không mờ đi, bởi đó ở trong chính chúng ta, là đứa trẻ cần chữa lành bên trong.
3. Mình có tâm sự với người này người kia, bác bảo mình rằng, chưa lấy chồng thì chưa hiểu được đâu, không phải bỏ là bỏ được. Ừ thì mình cũng biết điều đấy, nhưng đã tổn thương đến mức con mình phải uống cả thuốc an thần, rồi bản thân có cả ý định tự tử thì tất cả những điều ấy có còn quan trọng nữa không. Ai cũng có một cuộc đời để sống, và chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, nhưng tụi trẻ con nó đâu có tội gì, đâu phải vì mày, vì con nên mẹ mới khổ thế, mới chịu đựng như thế, mới không ly hôn nữa. Con cái, cũng luôn mong bố mẹ mình hạnh phúc, có thể hạnh phúc ấy là buông tay nhau và nắm một bàn tay khác vừa vặn hơn, hơn là lớn lên phải tìm hạnh phúc niềm vui trong những cuốn sách, còn hiện thực thì bị vùi dập tan nát. Được như vậy, có lẽ, tỉ lệ trầm cảm của gen Z sẽ giảm đi rất nhiều...
Đọc thêm:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất