Không phải là một quyển sách self-help về ngôn ngữ tình yêu hay thuyết gắn bó, cũng không phải là một hộp sô-cô-la, may thay. (Có lẽ vẫn nên tặng kèm sô-cô-la thì hơn.)

Nhắc tới tình yêu, chắc hẳn bạn sẽ quen thuộc với hai khái niệm ở dưới đây.

Ngôn ngữ tình yêu, hoặc không?

Vào năm 1992, hai năm sau khi thế giới biết tới bản đề xuất về World Wide Web - thứ mà sau này phát triển giữa chúng ta một văn hóa hẹn hò qua chiếc màn hình, tiến sỹ giáo dục Gary Chapman đã xuất bản một cuốn sách có tên là The Five Love Languages - Năm Ngôn Ngữ Tình Yêu. Mặc dù không được viết bởi một nhà tâm lý học, cuốn sách có giá trị giới thiệu những 'hình mẫu' trong tình yêu của chúng ta. Năm ngôn ngữ tình yêu ấy cho ta hiểu hơn về cách mà một người cảm thấy được yêu:
Words of Affirmation - Ngôn từ đảm bảo (Anh yêu em. Em yêu anh. Em thật xinh đẹp kể cả khi em vừa ngủ dậy và đầu tóc bù xù và mặt đầy dầu và mụn và chưa đánh răng, Karen.)
Quality Time - Dành thời gian chất lượng bên nhau (Cùng xem một phim tình cảm ngớ ngẩn và nói về việc tại sao hai con người có thể yêu và sống với nhau suốt 20 và 30 năm.)
Receiving Gifts - Nhận quà (Một hộp sô-cô-la hoặc thứ được nhắc tới cuối bài này hoặc một bộ bút highlight Mildliner để Karen viết bullet journal.)


Đọc thêm:

Acts of Service - Hành động giúp đỡ (Chăm con, giặt quần áo, lau nhà, mua một cái máy xay sinh tố mới. Anyone wants a smoothie?)
Physical Touch - Tiếp xúc cơ thể (Không phải sex. Nắm tay, ôm, hôn, spoon, đặt lên tay nhau để chơi cầu cơ.)
Một điều chắc chắn rằng, nếu Chad và Karen có ngôn ngữ tình yêu khác nhau, hẳn họ sẽ gặp một số rắc rối.

Thuyết gắn bó của John Bowlby - khi tuổi thơ là một dấu ấn khó phai

Thuyết gắn bó trong tâm lý học là một khái niệm xuất hiện lần đầu trong nghiên cứu của John Bowlby vào năm 1958. Là một nhà trị liệu ở viện trẻ em Child Guidance Clinic in London từ những năm 1930, Bowlby đã quan sát và đúc kết được tầm quan trọng của mối quan hệ đứa trẻ - người mẹ ảnh hưởng tới sự phát triển về xã hội, cảm xúc và nhận thức. (McLeod, 2017)
Theo sau những nhận định của Bowlby, nhà tâm lý học Mary Ainsworth đã thực hiện một nghiên cứu về gắn bó vào năm 1971 và 1978 có tên là The Strange Situation, quan sát những em bé từ một tới hai tuổi.
Từ những quan sát của mình, Ainsworth (1970) kết luận những phong cách gắn bó (attachment style) là kết quả của việc tiếp xúc giữa trẻ với người mẹ, và bà xác định ba phong cách gắn bó chính, đó là:

Secure - An toàn

Những đứa trẻ thấy tự tin rằng đối tượng gắn bó (attachment figure) của chúng luôn có mặt để đáp ứng nhu cầu của chúng. Chúng coi những đối tượng gắn bó như một hậu phương an toàn để khám phá môi trường xung quanh và tìm kiếm sự giúp đỡ của đối tượng gắn bó khi gặp khó khăn về cảm xúc - Main, & Cassidy, 1988).
Ví dụ: Karen không gặp nhiều khó khăn hay ám ảnh với sự từ chối, sẵn sàng nói chuyện, trao đổi vấn đề với Chad. Cô có mặt lúc Chad cần và cũng tìm tới anh khi cô cần.


Đọc thêm:

Insecure avoidant - Né tránh

Những đứa trẻ né tránh không hướng về phía đối tượng gắn bó khi khám phá môi trường xung quanh.
Chúng độc lập khỏi đối tượng gắn bó về cả mặt cảm xúc lẫn tiếp xúc thân mật. (Behrens, Hesse, & Main, 2007).
Chúng không tìm kiếm kết nối tới những đối tượng gắn bó khi gặp khó khăn về cảm xúc. Những đứa trẻ đó có khả năng được nuôi dưỡng bởi một người chăm sóc không nhạy cảm và từ chối nhu cầu của chúng. (Ainsworth, 1979).
Ví dụ: Karen không bày tỏ nhiều tình cảm với Chad. Cô là một tsundere lạnh ngoài trong nóng. Cô độc lập và tỏ ra không cần Chad lắm. Cô không thành thật với nhu cầu của mình (gần gũi, làm nũng) hoặc thấy ghê khi Chad có hành động lãng mạn. Cô sợ nếu mình phụ thuộc quá vào anh, khi chia tay cô sẽ đau khổ.

Insecure ambivalent/resistant hoặc Preoccupied - Lo âu

Đứa trẻ thường tỏ ra rất đeo bám và phụ thuộc, nhưng sẽ từ chối đối tượng gắn bó khi họ tiếp xúc.
Đứa trẻ thất bại trong việc xây dựng cảm giác an toàn và bảo đảm với đối tượng gắn bó. Theo đó, chúng gặp khó khăn trong việc rời khỏi đối tượng gắn bó để khám phá môi trường xung quanh.
Khi gặp khó khăn về cảm xúc, chúng không dễ xoa dịu bởi việc tiếp xúc với đối tượng gắn bó. Kết quả này có được từ việc người mẹ đáp ứng nhu cầu của chúng nhưng không thường xuyên.
Ví dụ: Karen luôn sợ hãi Chad hết yêu mình. Cô làm đủ trò để cảm thấy là anh quan tâm như là tỏ ra mình buồn quá hay vui quá. Cô thậm chí không dám nói ra điều mình muốn vì sợ nó sẽ làm Chad hết yêu mình. Lúc nào cô cũng muốn sự đảm bảo từ Chad.
Phong cách gắn bó thứ tư được xác định bởi Main và Solomon vào năm 1990, có tên disorganized hay fearful - Sợ hãi.

Disorganized/Fearful - Sợ hãi

Những đứa trẻ này từng trải qua quá khứ bị bạo hành và đây là kiểu gắn bó nặng nề nhất. Đứa trẻ liên tục lo lắng về việc mình sẽ bị làm hại bởi đối tượng gắn bó. Chúng muốn sự gắn bó, nhưng song song, chúng vô cùng sợ bị đánh đập. Chúng nhìn nhận đối tượng gắn bó vừa như một người có thể mang lại tình thương và có trách nhiệm với sự an toàn của chúng, lại vừa như một mối đe dọa.
Ví dụ: Karen rất yêu Chad, nhưng cô luôn sợ hãi mình sẽ bị làm hại nếu quá gắn bó với anh vì trước đó cô từng bị bạo hành về cả thể xác lẫn tinh thần.

Bạn nên tặng gì cho người mình yêu?

Có một câu chuyện về Chad và Karen như thế này, mà chắc bạn có thể áp dụng được những lý thuyết và ví dụ ở trên.
Karen đã có một tuần mệt mỏi. Cô về tới nhà, và thấy chồng mình ở đó đang ngồi ăn phở ăn liền.
- Em mệt quá anh ạ.
- Ừ, anh cũng mệt. Làm việc bao giờ chả mệt.
- Anh không quan tâm em được tí nào à? Em vừa bị sếp mắng đấy.
- Thứ 2 tuần trước anh cũng bị mắng. Hôm nay anh còn bị thủng lốp xe lúc trời nắng chang chang.
- Nhưng mà anh không nói gì để an ủi em à? Em đi làm mệt cả ngày một câu tình cảm anh cũng không nói!
- Anh biết em thích nghe mấy câu tình cảm, nhưng anh không thích. Em mệt rồi, em đi ngủ sớm đi, nếu em đau đầu khó ngủ thì hôm nay anh có mua sữa rồi đấy. Em hâm nóng lại rồi uống đi.
Chad đi vào phòng ngủ. Karen òa khóc vì tủi thân. Sau đó cô nhận ra Chad đã giặt đồ, phơi đồ, mua đồ trong tủ lạnh và còn để dành cho cô một chiếc pizza cỡ nhỏ.
Bạn nhận ra ngôn ngữ tình yêu gì và phong cách gắn bó gì của Karen và Chad chứ? Chắc rồi. Và dường như họ cũng biết được điều đó ở nhau. Nhưng điều họ thiếu để cảm thấy hạnh phúc và hài lòng trong mối quan hệ này, là gì? Điều mà bạn nên dành tặng cho người yêu mình, là gì?
Đó là sự thông cảm.
Những lý thuyết, những con số và những nghiên cứu khoa học về hành vi của con người cũng có ích đấy, nhưng không thể thay thế được và cũng không thể phát huy nếu không có sự thông cảm.

Thông cảm không có nghĩa là ai đó nói với bạn, tao từng đi mưa bị ướt và bạn nói tao cũng vậy. Để thông cảm được với ai đó, bạn phải hỏi, phải lắng nghe và tìm lại trong trí nhớ một cảm giác, một trải nghiệm giống người đó mà mình đã trải qua để hiểu được người đó, phải đặt cái tôi của mình sang bên cạnh để biết người đó thực sự thấy thế nào. Một người luôn muốn được ai đó hiểu, ngay từ những cử chỉ hay cảm xúc kích thước hiển vi. Ngôn ngữ tình yêu, hay phong cách gắn bó, nếu bạn biết, nó sẽ là một bảng tham chiếu để bạn hiểu được mình và hiểu được người. Nhưng nếu lấy điều đó ra để làm một cái cớ cho sự thờ ơ, thì nó không có tác dụng gì ngoài mớ lý thuyết. Sự thông cảm là món quà to lớn và ý nghĩa nhất mà bạn có thể dành tặng, vì nó xuất phát từ việc dành thời gian, công sức và một tình yêu sâu sắc. Trong dịp Valentine này, ngoài việc đọc về thuyết gắn bó, bạn hãy hỏi người mình yêu rằng, điều gì làm họ thấy hạnh phúc, điều gì không, và bạn có thể làm gì để họ có niềm vui đó? Lắng nghe câu trả lời của họ, một cách chăm chú, với sự thông cảm và cẩn trọng của mình: Bạn đang cho họ một món quà lớn lao.
Nguồn tham khảo: