Dear Interns,...
Ngày nay, sinh viên không cần đợi đến năm 3 hoặc năm 4 mới bắt đầu đi làm. Ngay khi còn học năm 1, tôi đã thấy một số bạn cùng lớp...
Ngày nay, sinh viên không cần đợi đến năm 3 hoặc năm 4 mới bắt đầu đi làm. Ngay khi còn học năm 1, tôi đã thấy một số bạn cùng lớp đại học đã đi làm, từ những công việc như phục vụ, thu ngân, bartender, đến những công việc văn phòng bàn giấy. Tất cả chỉ là công việc part time và các bạn vẫn có thể lên lớp đều đặn. Ngày đó tôi ham chơi lắm, chỉ tìm việc khi bị bắt buộc, để được qua môn thực tập doanh nghiệp. Dù vậy, với những trải nghiệm ngắn ngủi của mình, tôi vẫn hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ giúp bạn phần nào trong lần đầu tiên bước chân vào công sở.
Thực tập sinh thương mến, tôi muốn nói với bạn điều này:
1. Hành trình tìm việc dễ mà khó, khó mà dễ
Tìm việc rất dễ mà cũng rất khó. Khó là vì sẽ có rất nhiều nơi không nhận bạn, nhưng lại dễ vì có rất nhiều nơi để bạn lựa chọn. Tôi đã từng lo lắng đến stress vì không tìm được chỗ thực tập. Tôi lo lắng khi gửi CV đến rất nhiều công ty nhưng chẳng nơi nào phản hồi, hoặc có gọi đi phỏng vấn thì tôi cũng rớt. Tôi lo lắng khi năm 3 rồi mà chưa đi làm bao giờ, không có kinh nghiệm gì thì chỗ nào thèm nhận? Như câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước, không có kinh nghiệm nên không công ty nào nhận, nhưng công ty không nhận thì làm sao sinh viên có kinh nghiệm đi làm, tháng 5 và tháng 6 khi ấy tôi bất an trong vô định, dẫn đến một việc tôi mong là các bạn sinh viên đừng nên sa vào: Nộp CV chỉ vì muốn có một công việc nào đấy để hoàn thành cho xong kỳ thực tập, chứ không hề hay biết công việc ấy là gì hoặc không có hứng thú với công việc.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn khi tìm công việc thực tập đầu tiên. Dựa trên kinh nghiệm của một sinh viên khi ấy không có mối quan hệ xã hội nào, phải tự rải CV và chưa đi làm bao giờ, cộng thêm việc sau này từng làm trong bộ phận tuyển dụng, tôi đã đúc kết được những nguyên nhân sau:
a) Về mặt khách quan, một là đa số các công ty không cần thực tập sinh. Nghe lạ quá đúng không? Nhưng đúng là như vậy. Họ ưu tiên tuyển những nhân viên làm việc full time. Họ ít khi mở đợt tuyển thực tập sinh công khai với số lượng lớn. Tuy nhiên, các cơ hội việc làm cho sinh viên vẫn rất nhiều! Nếu như công ty nào đó đang tuyển thực tập hoặc cộng tác viên, thì có nghĩa phòng ban ấy của công ty ấy đang có dự án mới, khối lượng công việc nhiều và họ cần người phụ giúp đối với những công việc không đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng. Ngoài ra, có thể một người quản lý nào đó đang ôm đồm rất nhiều việc của công ty và họ cần một bạn sinh viên có thể làm giúp họ những công việc thiên về bàn giấy. Và có cả những trường hợp những công ty còn non trẻ cần nguồn nhân lực trẻ. Rất nhiều cơ hội xung quanh bạn. Nếu như thấy nơi nào đang tuyển cộng tác viên hoặc tuyển nhân viên part time, có nghĩa là bạn hãy nộp CV nhanh lên nhé, cơ hội đang ngay trước mắt bạn đấy. Hai là làm thế nào để tiếp cận các nguồn thông tin việc làm thật hiệu quả khi sinh viên không có mối quan hệ. Các công ty hiếm khi đăng tin tuyển dụng thực tập lên jobsite như là Vietnamworks, Careerbuilder, Linkedin, Careerlink,… vì đăng tin lên đấy phải tốn tiền, vị trí thực tập sinh không quan trọng đến mức đó. Thường thì họ sẽ post lên wall Facebook (FB) cá nhân (nếu như bạn không biết họ thì làm sao bạn biết đến công việc đúng không), post lên những group việc làm (nhưng có thể bạn không tham gia group đó, hoặc group không duyệt post tuyển dụng). Dù vậy, FB vẫn là kênh ưu tiên cho những bạn sinh viên muốn tìm việc part time hoặc thực tập. Tôi có gợi ý những page FB hoặc website bạn có thể tìm được công việc đầu đời ở đây.
Đọc thêm:
b) Về mặt chủ quan, nguyên nhân chủ yếu chỉ là do bạn không phù hợp với công việc đó, hoặc không phù hợp với người quản lý của bạn. Ví dụ, bạn đang apply cho vị trí thực tập viết nội dung (Content Intern), thì ít ra quá trình học tập và ngoại khóa của bạn phải có vài điều liên quan đến công việc content. Nếu trong CV bạn không có lĩnh vực nào liên quan đến content thì người ta không nhận là đúng rồi. Hoặc người ta sẽ quan tâm và gọi cho bạn vì người ta cũng cần gấp thực tập sinh, nhưng khi hỏi một vài câu người ta nhận thấy bạn không thích hợp, không đủ kỹ năng để làm thì đành chịu vậy. Hơn nữa, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ hỏi một số câu, qua đó họ đã có cái nhìn sơ lược về bạn. Nhiều khi bạn không được chọn chỉ vì có thể tính cách bạn không hợp với người quản lý, không hợp với môi trường ở đây. Chẳng có gì to tát cả. Chẳng có gì để buồn cả. Bạn cũng đang đi tìm nơi phù hợp cho bạn đấy thôi. Làm một công việc cũng như là gặp một cái duyên vậy, nhiều khi tình cờ đến mức bạn phải ngạc nhiên.
Không cần stress hoặc nản chí đâu, vì bạn có biết đã có gần 1 triệu công ty trên đất nước mình đấy. Ngoài ra, đối với một số lớp như của tôi, ban giám hiệu cho phép cá nhân sinh viên tự lập ra một dự án xã hội thay cho hình thức đi làm công ty. Nghe rất thú vị đúng không?
2. Mọi việc không hề đáng sợ như bạn nghĩ
Tôi đã từng rất sợ đi làm, vì không biết đi làm là như thế nào. Đối với một sinh viên không có kinh nghiệm và những kiến thức học trên trường khó áp dụng trực tiếp vào các lĩnh vực mà tôi apply, tôi sợ đến ngày đi làm sẽ không biết làm gì. Tôi nghe nói không ai muốn hướng dẫn cho một sinh viên thực tập. Tôi nghe nói rất nhiều điều, nhưng những điều tôi đã trải nghiệm lại chẳng giống những gì tôi được nghe. Ở cả 2 nơi tôi từng làm, tôi đều được hướng dẫn tận tình, được cầm tay chỉ việc và được trả tiền để đi học. Tôi nhận ra việc thực tập và đi làm chính thức đều không đáng sợ. Chỉ cần một chiếc laptop và wifi, bạn đã có thể làm việc được. Người ta thuê bạn để bạn làm theo lời người ta, thì người ta có trách nhiệm hướng dẫn để bạn làm đúng ý họ. Hướng dẫn người mới là một việc căn bản mà bất cứ ai đều có thể làm được, nhất là ở cấp quản lý. Không biết, không hiểu thì hỏi. Người ta còn cảm ơn vì bạn đã hỏi họ nữa. Khi đi làm rồi tôi mới nhận thấy, thực tập sinh sẽ làm những công việc đơn giản thôi, chỉ cần chịu khó một chút và tinh ý một chút là đâu sẽ vào đó. Không có gì là phức tạp cả. Cái đáng chú ý chỉ là kỹ năng ứng xử hoặc kỹ năng xã hội. Những phòng ban, công ty luôn cần những nhân lực “trẻ, khỏe, và rẻ” (trích nguyên văn câu nói của một kênh Youtube tôi xem gần đây) để làm những công việc bàn giấy không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Đừng tưởng những việc như thế là vô bổ. Tôi cảm ơn tất cả những người đã trao cơ hội để tôi làm những công việc đó, vì chỉ có làm những công việc đó tôi mới hiểu được đi làm là như thế nào, mới hiểu được một công ty vận hành ra sao và tất tần tật về quy trình của họ. Đừng sợ làm những công việc như thế. Tất cả công việc đều đáng quý.
Tôi đã từng rất sợ đi làm vì biết phải tiếp xúc với người lạ. Tôi nghĩ rằng ít nói như tôi thì làm sao mở miệng ra nói chuyện được. Trong công việc thì còn nói được chứ nếu nói chuyện xã giao thì tôi phải nói cái gì bây giờ? Hóa ra, những con người chúng ta gặp nơi công ty đều có những vấn đề riêng của họ cần phải giải quyết, họ không có nhiều thời gian để bàn tán hay soi mói, một là vì họ còn nhiều công việc phải làm trong quãng thời gian 8 tiếng ở công sở, hai là họ còn nhiều việc cá nhân khác phải lo. Thế giới người lớn đa dạng thế đấy. Khi bạn là nhân viên nhỏ tuổi, mọi người sẽ dễ chịu với bạn hơn. Hiếm ai tọc mạch bạn, trái lại họ cố gắng tạo môi trường thoải mái nhất để bạn học việc. Họ luôn là người chủ động trò chuyện với bạn và sẽ giúp đỡ bạn tận tình kể cả những chuyện nhỏ nhặt nhất. Có lẽ tôi may mắn khi trải qua một công việc đầu đời không sóng gió như thế. Nhưng tôi vẫn tin rằng thế giới còn rất nhiều người tốt sẵn sàng giúp đỡ bạn không hề vụ lợi. Và tôi cũng sẽ giúp đỡ những người khác giống như cách tôi đã từng được giúp đỡ khi chân ướt chân ráo bước vào đời vậy.
Đọc thêm:
3. Hãy làm hết sức, cho chính bạn chứ không phải cho ai cả
Tôi đã từng rất nản chí khi làm ra một thành phẩm mà không nhiều người trong công ty đón nhận. Kể cả đó là ý tưởng của chị quản lý thì mọi người vẫn nhắm mắt làm ngơ. “Làm ra mà chẳng ai xem thì làm để làm gì?” Tôi nghĩ như thế đấy. Còn chị quản lý của tôi, chị bảo là hãy cứ làm, làm để mình học thêm điều mới, làm để mình vui, làm để phát triển kiến thức và để biết sai ở đâu mà còn sửa. Mãi đến tận bây giờ, tôi mới hiểu những điều ấy. Khi đi thực tập, và kể cả khi làm nhân viên chính thức, vẫn có những việc bạn cho rằng không cần phải làm, hoặc làm để làm gì khi không ai xem xét. Nhưng sao ta lại đợi một ai đó đánh giá, biểu dương, đón nhận hoặc chê bai thành quả lao động mà sao ta không tự đánh giá nó trước tiên? Không bổ ngang thì cũng bổ dọc, bất cứ mọi việc ta làm một khi có mục tiêu cụ thể đều sẽ có ích vào thời điểm nào đấy, chỉ là thời điểm đó chưa đến thôi.
Ngoài ra, thể hiện tốt ở kỳ thực tập có khi lại là tiền đề cho con đường tương lai của bạn. Ai biết được, khi bạn làm tốt công việc thực tập cỏn con, bạn sẽ có những cơ hội lớn hơn? Ai biết được, một khi bạn đã làm hết sức mình, bạn sẽ được công nhận bởi cấp trên và chính họ sẽ là người mở đường cho bạn trong những công việc tiếp theo. Không thiếu những trường hợp thực tập tốt thì được những người sếp hài lòng và họ sẵn sàng giới thiệu bạn cho những công việc khác. Xây dựng mối quan hệ là từ đây ra chứ đâu.
4. Thực tập có lương hay không lương?
Một chủ đề chưa bao giờ hết tranh cãi trên những diễn đàn mạng xã hội đây. Thực tập có lương hay không lương? Không lương nghĩa là bóc lột sức lao động đúng không? Chỉ có ngu mới đi làm không lương? Lương thực tập bao nhiêu là ít, bao nhiêu là nhiều? Trước khi bận tâm đến vấn đề lương thực tập sinh, bạn cần xem lại một điều: “Mình có gì?”. Tôi và bạn có cái gì để thể hiện, để đem lại lợi ích cho công ty. Từ đó quy lại một điều, chúng ta cần phải “biết mình”, nghĩa là biết mình có gì, chưa có cái gì. Từ việc “biết mình”, dẫn đến việc tự tin: tin rằng bản thân làm được những việc được giao, tin rằng mình xứng đáng cho vị trí đó và tin rằng bản thân đáng giá. Tuy nhiên, nếu trường hợp bạn biết mình “chưa có gì”, nghĩa là chưa có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức, như là tờ giấy trắng giống tôi ngày xưa, thì tôi vẫn thành thật khuyên một điều: Không cần quan tâm đến tiền lương khi thực tập. Sẵn sàng thực tập không lương nếu như bạn thực sự yêu thích lĩnh vực đó và trong tay chưa có một chút kiến thức, kinh nghiệm nào. Kỳ thực tập không ít thì nhiều cũng sẽ mang lại những trải nghiệm quý giá mà không tiền bạc nào có thể mua nổi.
Thực tập có lương hay không lương? “Lương thỏa thuận” nghĩa là tiền ít lắm đúng không? Tôi sẽ kể một câu chuyện như thế này. Bạn của tôi đã đi làm part time vào năm 3 đại học. Gần một năm không lương. Kỳ quặc thật đúng không? Trên đời này có những con người ác thế sao, bóc lột người khác thế ư? Thời gian đầu, bạn ấy một mình một cõi tự tìm hiểu các thông tin, các đề bài, tự đọc tài liệu mặc dù rất ghét đọc những gì dài ngoằng và lại còn là từ ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh. Thế nhưng, bạn vẫn ở đó, tôi còn chẳng hiểu được vì sao bạn lại kiên trì đến thế, tôi không hiểu được điều gì đã níu chân bạn ở lại. Nhưng tôi dần nhận ra: Nhờ đi làm, bạn hiểu một cách sâu sắc những kiến thức trên trường lớp. Có thể nói bạn là một trong những người học giỏi nhất và cũng biết cách áp dụng bài vở vào thực tế nhất. Từ đây, bạn dần tìm được lối đi riêng cho bản thân mình. Có thể nói, công việc không lương vào năm 3 đó chính là bước ngoặt cho cuộc đời bạn. Đến tận ngày hôm nay, bạn vẫn gắn bó với những con người ở đó dù trước đây đã có lúc bạn báo "Em sẽ không đến đây thường xuyên nữa". Nhưng bạn đã "BE SO GOOD THEY CAN'T IGNORE YOU", có dự án mới, người ta đã gọi bạn trở lại vì người ta biết bạn giỏi, bạn tốt. Bạn bảo là nếu ngày học năm 3 không đến nơi đó, chắc có lẽ bây giờ bạn vẫn học hành lẹt đẹt, ra trường lẹt đẹt, kiếm đại một công việc nào đó mà không chắc mình có thể theo đuổi được không, nó có phù hợp và có yêu thích nó không. Công việc này còn xây dựng cho bạn những tính cách tốt đẹp như sự kiên trì, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm. Thời sinh viên đâu có gì để mất ngoài thời gian đâu.
Thế nhưng, các thực tập sinh của tôi cũng đừng lo lắng quá. Tôi thấy đa số các công ty luôn trả lương cho các thực tập sinh. Tùy theo từng công ty, đồng lương có thể rất nhỏ bé, như là sự khuyến khích, nhưng những gì bạn nhận lại luôn là vô giá. Quan trọng nhất bạn phải “biết mình”, khi ấy bạn sẽ có câu trả lời riêng cho bản thân.
5. Đừng sợ thất bại
Kỳ thực tập của tôi không thành công là bao. Tôi làm việc không hiệu quả. Tôi không chịu được áp lực và tôi chỉ mong chạy trốn. Tôi không giữ liên lạc với bất cứ ai trong văn phòng sau khi kết thúc kỳ thực tập. Tôi biến mất khỏi công ty như thể Thanos làm tôi bay màu vậy. Tôi bị choáng ngợp khi nhảy từ môi trường học đường sang môi trường thực tế. Tôi tự cho mình khoảng thời gian xả hơi sau 3 tháng thực tập dài đằng đẵng. Và tôi lại sợ đi làm. Tôi sợ thất bại như lần đầu tiên ấy. Thế nhưng, giờ đây khi trải qua công việc thứ 2, tôi thoải mái hơn, tôi nghĩ thoáng hơn, và tôi ít nghĩ vẩn vơ hơn. Thực tập là quãng thời gian quý giá để bạn va chạm cuộc sống thật. Như lời chia sẻ của một tác giả tôi yêu thích, không có đúng và sai, không có thất bại hay nuối tiếc trong một kỳ thực tập, bởi vì:
Dù đúng hay sai, ta vẫn có lãi là những điều học được - Đặng Huỳnh Mai Anh
Đi thực tập và đi làm cùng tôi nhé. Hãy bước ra ngoài kia và tìm lấy một nơi cho bạn, vì bạn có biết rằng:
Phải có duyên với nhau lắm, bạn mới có dịp gặp gỡ họ trong một chặng hành trình dài trải nghiệm cuộc sống… – Đặng Huỳnh Mai Anh
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất