Một chút suy nghĩ sau khi cầm trên tay 3 quyển sách của tác giả tôi yêu thích – Đặng Huỳnh Mai Anh.

1. Vào một ngày mùa hè năm 2 đại học, trong khi lướt Facebook tôi vô tình thấy một người bạn share clip Youtube chỉ cách ghi chép và ghi nhớ hiệu quả. Nhấn vào đường link, tôi xem hết clip với sự thích thú. Người chị trong clip chia sẻ những tips rất bổ ích. Chị cũng bình thường, không phải là Youtuber nói liến thoắng, sôi nổi, chị chia sẻ rất chậm rãi, từ tốn, nhưng đong đầy sự chân thành. Hẳn là chị làm clip đơn giản chỉ vì muốn chia sẻ. Những gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim. Thấy chị khá thú vị, tôi lên Google search tên chị thử. Hóa ra chị còn viết cả sách cơ này!
Đó chính là cơ duyên đưa tôi đến quyển sách "Chuyện thực tập" của Đặng Huỳnh Mai Anh. Quyển sách dễ thương, dễ đọc, như là quyển hồi ký kể lại 1 tháng thực tập ở công ty X. Chỉ với 1 tháng thôi, mà Mai Anh đã học hỏi được vô vàn điều. Chị kể lại những kỷ niệm và có những chia sẻ rất hân thành:
Hãy viết câu chuyện thực tập của bạn thành sự trưởng thành, thành bước ngoặt nào đó trong đời, thành cả những câu chuyện về tình bạn. Bởi, phải có duyên với nhau lắm, bạn mới có dịp gặp gỡ họ trong một chặng hành trình trải nghiệm cuộc sống…
Trích "Chuyện thực tập" – Đặng Huỳnh Mai Anh

2. Vào năm 2016, quyển sách thứ hai của Mai Anh là "Mùa hè năm ấy" chính thức xuất bản. Chẳng cần đọc review hoặc nghe ngóng tin tức, tôi đặt mua ngay, chỉ vì đó là quyển sách của Đặng Huỳnh Mai Anh. Xuyên suốt quyển sách chỉ là những câu chuyện cá nhân của tác giả, kể lại chuyến hành trình 1 tháng sang Mỹ học trao đổi về chủ đề bảo vệ môi trường. Quyển sách "bình thường lắm, chẳng có gì để kể đâu", nhưng từ những điều "bình thường" của cuộc sống, tác giả đã ghi lại những suy nghĩ, trải nghiệm có một không hai, vì tác giả tin rằng: Bạn chẳng cần đi khắp chân trời bốn bể để có những trải nghiệm thật hay ho, để có những câu chuyện thú vị. Chỉ cần ngồi trong 4 bức tường, hoặc chỉ cần sống cuộc đời của bạn, không quan trọng bạn trải qua điều gì, mà cách bạn trải qua nó như thế nào. 
Cuộc sống của mỗi chúng ta đều đủ hấp dẫn để viết thành một cuốn sách - Đặng Huỳnh Mai Anh


Đọc thêm:

3. Bốn năm sau "Mùa hè năm ấy", Đặng Huỳnh Mai Anh ra mắt quyển sách thứ ba với tựa đề "Hai-mươi-bảy". Lần đầu tiên tôi pre-order một quyển sách, nghĩa là đặt mua trước khi sách được bán công khai ở các cửa hàng và các trang thương mại điện tử. Cũng chỉ vì một lý do: Đây là quyển sách của Đặng Huỳnh Mai Anh. Phải chăng "Hai-mươi-bảy" có nghĩa là số tuổi của chị tính đến năm 2019? Đây là quyển sách ghi lại nhật ký chạm ngưỡng tuổi 27 của chị ư? Càng đọc sách, tôi khăng khăng một điều, tất cả những chi tiết, những truyện ngắn trong đây rút ra từ một phần cuộc đời chị, chị cũng là nhân vật trong quyển sách này. Thế nhưng, quyển sách nói về ai không quan trọng, vì giờ đây quyển sách như là tiếng lòng nói hộ hàng vạn những người 27 tuổi ngoài kia, và cả những người mới đầu hai mươi. Một quyển sách giá trị và đáng để nhiều người biết đến.

4. Lý do gì tôi yêu thích tác giả này đến thế? Có lẽ là do một phần tính cách con người chị. Không phải là một nhà văn full time, Đặng Huỳnh Mai Anh du học về ngành kinh tế và có một công việc chuyên môn về khoa học kỹ thuật. Vậy mà, chị vẫn dành thời gian cho sở thích viết lách của mình. Tôi vẫn một mực tin, truyện ngắn đầu tiên "Nhị-phân" trong quyển "Hai-mươi-bảy" được chị rút ra từ cuộc sống riêng của bản thân, với ước mơ làm nhà văn nhưng thời gian tàn nhẫn dường như cướp đi đam mê đó:
Những công việc  "toàn thời gian" dù nói là 8 tiếng nhưng được thiết kế để chiếm "toàn bộ" thời gian của bạn. Sau 8 tiếng, công việc đó sẽ trả bạn về nhà, trong phần còn lại của 24 giờ không còn một chút sức lực để làm bất kỳ điều gì.
Có những ngày Con Chữ thức dậy, Con Số chuẩn bị đi làm. Con Chữ nghĩ, chỉ 8 tiếng thôi, rồi khi trở về nhà, nó sẽ có thời gian cho nó. Để nó viết nốt những ý tưởng đang ngồn ngộn trong đầu, những cảm xúc tràn ứ trong tim. Nhưng đến tối về, dù ngày đó không làm gì mấy, vẫn sẽ thấy mệt đến mức chỉ muốn nằm trên giường, nhìn lên trần, và thở. 
Trích Nhị-phân (Sách "Hai-mươi-bảy") – Đặng Huỳnh Mai Anh
Khoan đã, chắc gì đây là câu chuyện của chính chị. Tôi lại tin rằng, đâu đó ngoài kia có những con người như thế, có những đam mê ước mơ của riêng bản thân, nhưng công việc toàn thời gian 8 tiếng đã cướp đi sức lực để họ hoàn thiện ước mơ. Tác giả Mai Anh đã không để hoàn cảnh trói buộc giấc mơ viết lách của cô. Mai Anh đã xuất bản quyển sách thứ ba, và tôi biết rằng những bản thảo được viết nên sau những ngày dài làm việc trong văn phòng với ngổn ngang tài liệu về khoa học dữ liệu. Đó là điều làm tôi trân trọng công sức tác giả và yêu thích tác giả đến thế.
Ngoài ra, ở lời tựa sách, Đặng Huỳnh Mai Anh đã xin độc giả "Hãy quên tôi đi", quên đi giọng văn ở 2 tập sách trước, quên đi tác giả bấy lâu nay họ theo dõi, vì "Hai-mươi-bảy" sẽ là tập sách hoàn toàn mới. Thế nhưng, dù gì đi nữa, tôi tin rằng có một điều Mai Anh không muốn bản thân chị quên, và mong rằng độc giả đừng quên, rằng tác giả ao ước: "Thỉnh thoảng tôi vẫn ước…ai đó sẽ nhìn thấy họ trong những câu chuyện của tôi". Tác giả không cần ước nữa, vì tôi đã nhìn thấy chính tôi, trong cả 3 quyển sách của chị.
Sau cùng, điều quan trọng nhất, điều níu chân tôi với tác giả này, là tác giả có khả năng lấy chính cuộc sống của chị để viết nên một quyển sách. "Chuyện thực tập" xuất phát từ chính công việc thực tập khi chị còn là sinh viên năm 2 trường Đại học Ngoại thương TP.HCM, tiền thân của quyển sách là những bài notes trên Facebook. "Mùa hè năm ấy" là câu chuyện thật, có những con người thật, là trải nghiệm của chị sau 1 tháng tham dự chương trình trao đổi bên Mỹ. "Hai-mươi-bảy" không gì ngoài những ý tưởng sau chuỗi ngày làm việc căng thẳng, khi chị buộc mình phải viết và nếu như không viết, những dòng suy nghĩ ấy chỉ chờ để nổ tung, như chị đã từng chia sẻ.
Càng đọc văn của Đặng Huỳnh Mai Anh, tôi càng tin rằng mỗi chúng ta đều có thể viết nên câu chuyện của mình. Tôi nhìn thấy mình trong những câu chuyện của chị. Và chị thúc đẩy tôi viết nên câu chuyện của chính tôi. Chị làm tôi tin một điều, như những gì chị đã viết trong quyển sách đầu tiên:
Người ta cần đi một vòng trái đất, hay trở thành một nhân vật xuất sắc để viết Hồi ký.
Nhưng tôi sẽ ngồi một chỗ và viết về những câu chuyện trong bốn bức tường của một THỰC TẬP SINH nhỏ bé!
Quan trọng không phải bạn trải qua những chuyện gì, mà là cách bạn trải nghiệm nó như thế nào?
Cuộc sống của mỗi chúng ta đều đủ HẤP DẪN để viết thành một cuốn SÁCH!!
Lời tựa sách « Chuyện thực tập » – Đặng Huỳnh Mai Anh
Vậy đấy! Nếu bạn đang đọc đến dòng này, thì bạn hãy nhớ rằng: Cuộc sống của bạn vô cùng hấp dẫn để viết thành một cuốn sách!
Cảm ơn tác giả Đặng Huỳnh Mai Anh đã đến với cuộc sống của tôi!

Đọc thêm: