Tôi có đứa bạn, tiêu chí chọn người yêu ngoài những yếu tố quan trọng liên quan đến: tuổi tác, tính tình, ngoại hình, sự nghiệp, nó còn thêm một cái nữa đó là "viết chữ bự". Những câu như: "Chữ này viết vừa nhỏ vừa san sát thì chắc tính tình keo 502 lắm đây", hay "chữ này bay bướm nghiêng ngả, đá nét búa lua xua thì chắc chắn lăng nhăng, không chung thủy", ắt rằng nhiều người trong chúng ta đã từng nghe qua. Vậy thì điều gì ẩn chứa đằng sau nét chữ của mỗi người? Có thật rằng chữ viết sẽ phản ánh tính cách của người viết giống như ông bà ta thường nói: "Nét chữ là nết người"? 
Về vấn đề nghiên cứu chữ viết của con người, có một ngành gọi là bút tích học. Bút tích học được xem là ngành nghiên cứu những bí mật ẩn sau nét chữ. Dù rằng bạn có viết bằng tay trái hay cố gắng thay đổi nét chữ của mình, các chuyên gia bút tích học vẫn nhận ra được tác giả của nó, và biết được năng lực, tính cách cũng như những bí mật khác bên trong con người của bạn. Bút tích học nghiên cứu về tất cả các loại chữ viết từ những ký hiệu như các nét tốc ký của người cổ xưa cho đến các nét chữ đẹp ở ngày nay. Ngoài ra, những đặc điểm về tính cách của mỗi người được bộc lộ thông qua những động tác tự nhiên khi người đó viết. Cũng cần phân biệt giữa sự giám định nét chữ và bút tích học. Nhà bút tích học nghiên cứu chữ viết và xác định những đặc điểm của người viết về tính tình, phương diện sinh học và tâm hồn,... Còn nhà chuyên môn giám định có nhiệm vụ cho biết chữ viết và chữ ký có đúng là của cùng một người hay không, hoặc một bức thư nặc danh là do ai viết. Tất nhiên tôi không phải là một nhà bút tích học, nhưng tôi lại có một niềm đam mê với việc ngắm nhìn nét chữ của người khác và suy luận về tính cách họ, tưởng tượng ra phong thái của họ khi viết những dòng chữ ấy. Làm một công việc phải tiếp xúc nhiều với nét chữ viết tay, tôi cũng xem như là có được những trải nghiệm yêu thích (có khi là kinh khủng) về các loại chữ viết. Bởi vì cái sở thích này, (có thể tôi lạc hậu) giữa một bức thư tình gửi qua mail lãng mạn ngọt ngào, lay động trái tim qua từng câu chữ với một bức thư tình đơn sơ mộc mạc, câu từ giản dị thậm chí có khi ngô nghê đến buồn cười (miễn đừng sai chính tả) nhưng lại là thư tay, tôi khoái thư tay hơn. 
Khái quát về lịch sử bút tích học, người ta không thể bỏ qua ông Lavater và những tiểu luận của ông về thuật xem tướng, mà trong đó có đề cập tới những quan điểm về nét chữ. Ở châu Âu, bút tích học tâm lý có mầm mống ngay từ thế kỷ 16. Từ đó trở đi, nó được phát triển rất năng động. Trên thực tế, nét chữ của con người là bức chân dung tự họa độc đáo về nhân cách người đó. Ở mỗi người, nó rất cá biệt, tựa như dấu vân tay, và nó kể về tác giả rất nhiều điều. Thậm chí bằng nét chữ, ta có thể uốn nắn được con người. Trong một thử nghiệm, bệnh nhân tâm thần được đề nghị viết bằng phương pháp đặc biệt những con chữ, đoạn văn nhất định, hay vẽ những hình nào đó. Và điều này đôi khi dẫn tới việc phục hồi một số chức năng của não.
Từ những năm 30 của thế kỷ trước, ở Liên Xô, các tài liệu về bút tích học tâm lý đã hoàn toàn bị cấm xuất bản. Theo Salzhjunas, có lẽ chính quyền sợ người dân qua nét chữ có thể biết được một số tính cách của những người điều hành đất nước. Mãi đến đầu những năm 90, người ta mới lại nhắc đến môn khoa học này.

Phân tích chữ viết

1. Cách trình bày

- Người viết có chừa lề, những ý rõ ràng và liên tục, xuống hàng mỗi lần thay đổi tiêu đề,... tất cả những điều ấy chứng tỏ sự quan tâm và đầu tư của họ dành cho bài viết. Việc trình bày cân xứng, lịch sự trên một trang giấy hay một bì thư là một biểu hiện về mức độ văn minh. Người viết chừa rộng lề bên phải là biểu hiện của ý thức dự phòng cẩn thận, không kết giao vô cớ, hơn nữa, là kiểu người thích có những khoảng thời gian yên tĩnh. Người chừa lề trái rộng hoặc rất rộng là người vô tư hay phung phí. Đôi khi là do quan niệm thẩm mỹ. 
- Chữ viết quá thưa là dấu hiệu chứng tỏ sự phung phí nhưng cũng là biểu hiện của ý muốn được tự do hoạt động. Những dòng (trường hợp giấy không có dòng kẻ), những chữ quá khít là biểu hiện của sự tiết kiệm, gom nhặt và tích lũy. 
- Chữ viết không sắp xếp cho thấy tính cách dễ bị xúc động bất ngờ, vô tâm, không lo xa, thiếu chú trọng đến người khác. Các chữ sắp xếp đều nhau, nhìn tổng thể cân đối, thoáng đãng là biểu hiện của người có tâm trí trong sáng, khách quan, thông minh. Nếu sắp xếp chữ viết quá lộn xộn, chồng lấn lên nhau thì là người thường có những ý nghĩ không rõ ràng, đôi khi hay kết giao lung tung với cả những người không xứng đáng. 

2. Kích cỡ

Chữ viết thông thường cao không quá 2.5 mm. Nếu chiều cao của chữ chỉ từ 1.5 mm đến 2 mm, thì được coi là chữ nhỏ. Ngoài thân chữ, ta cũng cần để ý đến nét sổ đứng và những nét ngắn. 
- Chữ viết to là biểu hiện của ý thức về sự quan trọng của bản thân, về địa vị mà người viết muốn có hoặc tự tạo lập được giữa những người khác. Những người năng động, táo bạo thường viết chữ lớn hoặc khá lớn, với những đường nét rắn rỏi, mạnh mẽ. Nếu viết to kết hợp nét được đè mạnh thì đó là biểu hiện của người luôn rất quyết tâm mỗi khi hành động. 
- Kích thước nhỏ hẹp của chữ không tiêu biểu cho đức tính khiêm tốn, (có những người rất tự phụ lại viết chữ rất nhỏ) mà lại cho thấy sự nhạy cảm, hay suy tư, thích nghiên cứu tìm tòi. 
- Xét về bề rộng, nếu kiểu chữ nở nang, tươi tắn, đó là dấu hiệu của sự cởi mở, dễ dàng thổ lộ một cách tự nhiên. Nếu ngược lại, đó là dấu hiệu của sự căng thẳng, nhút nhát, gò bó. Nếu nét chữ kiểu trải rộng ra, kiểu "rộng rãi" ở dưới chân của một số người, điều đó nói lên tinh thần vui sống, thích sự thông thoáng và phô trương. Nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của sự thiếu tế nhị, hay ba hoa. Ngược lại, nếu kiểu chữ bị dồn ngắn hay ép sát lại, đó là biểu hiện của sự thiếu linh hoạt, thiếu tự nhiên, có phần sợ sệt. 
Chữ dồn lại, ép sát

Đọc thêm:

"Nét đi lên" quá cao: chứng tỏ sự phấn khởi, bồng bột. Nếu các nét này rất đều, là biểu hiện của người thiên về lý tưởng.
"Nét đi xuống" thấp:  Biểu hiện của sự thực dụng, tham lam về vật chất và nhục cảm.
Nét đi xuống quá thấp
Chữ có nhiều đỉnh nhọn, thân chữ nhỏ dần về phía phải: là biểu hiện của óc phán đoán tinh tế, giỏi xã giao, đôi khi hơi mưu xảo. Họ cũng là người hay hoài nghi về những thứ xung quanh. 
Chữ rộng, phồng to: người này thường có tính cách chất phác hoặc đôi chút bồng bột. 
Chữ rộng, phồng to

3. Lực đè khi viết

"Dạng chữ" là hình dáng của chữ viết. "Nét bút" là do sự đè mạnh hay nhẹ lên cây bút và sự xuống mực nhiều hay ít tạo nên (không kể đến cây bút chì). "Dạng chữ" là do ý thức điều khiển còn "nét bút" là do thói quen tự nhiên mà có. 
- Nét chữ viết nhẹ tay và đều: là biểu hiện của sự uyên thâm, tinh tế về tri thức và tinh tế, dịu dàng về tình cảm. Đặc điểm nét chữ nhẹ tay và đều đặn này cũng đi liền với sự khéo tay. Tuy nhiên, trường hợp viết nhẹ tay nhưng không đều thì lại không tốt, nó cho thấy chủ nhân của chữ viết này có tính lười biếng, yếu ớt, tinh thần không ổn định, mất thăng bằng về tình cảm. 
- Nét bút to dày: viết thật mạnh tay, đè mạnh ngòi bút trên giấy là biểu hiện trạng thái tinh thần nặng nề. Có ý kiến cho rằng nếu người viết đè mạnh, dấu đè này nổi cả những mặt giấy sau thì đây là người sâu sắc, và cũng thù dai. 
Nét bút to dày

Đọc thêm:

4. Hình dạng

- Chữ đơn giản: đây là kiểu chữ rõ ràng, dễ đọc, nếu được lược bớt những nét không cần thiết nhưng chữ vẫn hài hòa thì đây là biểu hiện của người có lý trí mạnh mẽ, sự hiểu biết khách quan và suy luận, có tính ngăn nắp. Nếu chữ đơn giản nhưng không hài hòa thì có thể là biểu hiện của người lãnh đạm và thiếu sức sáng tạo, không có óc thẩm mỹ. 
- Chữ kiểu cách: kiểu bay bổng thuộc về những người sáng tạo, những nghệ sĩ ngành hội họa, trang trí. Chữ có nhiều nét cong, đều, đậm: là biểu hiện của người sống buông thả, đam mê các thú vui. Có thể chính vì vậy mà người viết chữ hoa hòe bay bổng bị đánh giá là người ghét sự gò bó, yêu sáng tạo, thích phiêu lưu và không chung thủy. 
- Chữ viết rắc rối: kiểu chữ này có nhiều nét thừa gây vướng mắc, là biểu hiện của người kiểu cách, khoe khoang. Người quá câu nệ, tỉ mỉ, đa nghi thường viết chữ rắc rối một cách vô ích. Và chữ ký của họ cũng vậy. 
Chữ viết rắc rối
- Chữ tròn: có ít hoặc không có những góc nhọn, các đường nét tròn, khá đơn điệu. Đây là tuýp người có tính thụ động, thiếu cương nghị và luôn tìm con đường dễ dàng, tránh đụng tới những chuyện phiền não. Họ cũng có tính tình khá dễ thương hiền lành, dễ thỏa hiệp, rất ngại va chạm. 
- Chữ kiểu in: có thể nói đó là cảm hứng của người viết khi họ viết giống kiểu chữ in:  rõ ràng, dễ đọc, ngoài ra không có đặc điểm nào cả. Trường hợp này thì các nhà bút tích học sẽ xét nhiều ở chữ ký của họ. Cần xác định xem liệu người viết có thật là chỉ có kiểu chữ này. Khi người viết ghi chú riêng cho họ, nét chữ sẽ biểu lộ cá tính nhiều hơn. Nhìn chung, dạng chữ này là biểu hiện của người say mê kỹ thuật, có tính tỉ mỉ và minh bạch. 

5. Độ nghiêng của chữ

- Chữ đứng thẳng: ý nghĩa chung của kiểu chữ này là tính ổn định, cứng cỏi. Đây là kiểu người kín đáo, có phần lạnh lùng, duy lí.
- Chữ nghiêng (chữ nghiêng bên phải): chữ quá nghiêng là dấu hiệu thiên về tình cảm, thiếu kiềm chế, quá ham vui. Khoảng 30 năm về trước, nhà trường thường dạy chữ nghiêng, ngày nay, học sinh được tự do chọn kiểu chữ. Nhìn chung, dạng chữ đã bớt nghiêng. Những người không được dạy theo lối xưa nhưng vẫn viết nghiêng về phải, là kiểu người thích giao du với người khác, đôi lúc có hơi thiên về định kiến. 
- Chữ ngả về bên trái: đối với tuổi mới lớn, đây được xem là dấu hiệu của những xung đột nội tâm và mặc cảm. Họ đầy mâu thuẫn, đa nghi với những người lớn hơn. Còn đối với người trưởng thành, đây là biểu hiện của sự khủng hoảng hoặc là dấu hiệu của tính cách chối từ, hiềm kỵ, tình cảm dồn nén.
-  Nếu người viết lúc thì nghiêng, lúc lại viết đứng thì đây là người hay thay đổi, tính tình phản ứng bất thường tùy theo hoàn cảnh, môi trường và những người xung quanh. 
* Theo tác giả Quang Bạch, các nhà bút tích học phác họa một cách tổng quát một số đặc điểm như sau:
- Cách trình bày: cách thích nghi, phương pháp và ý thức tổ chức.
- Kích cỡ: xác định tư cách.
- Lực đè lên bút: biểu hiện cường độ của cá tính và sự độc đáo của nó.
- Hình dạng: biểu hiện của trí nhớ, sự chăm chú, ý thức, lý tưởng.
- Tốc độ: biểu hiện sự phản ứng nhanh trong nội tâm và với ngoại cảnh. 
- Độ nghiêng của chữ: biểu hiện uy thế và sự nhiệt thành trong hành động. 
- Hướng của dòng chữ: biểu hiện sự dao động về khí sắc và tâm lý.
- Sự liên tục: biểu hiện sự liên tục của lý luận và hành động, sự ngẫu phát của cảm tính. 
Ở trên là chữ một cụ ông 78 tuổi. Ở dưới là chữ của một thanh niên 17 tuổi viết không lâu trước khi tự vẫn

Động tác viết

Cơ cấu vận hành viết chữ vô cùng rắc rối, một phần thuộc về điều khiển, phần khác thuộc về thực hiện và kiểm soát. Để viết được, người ta cần có bộ óc suy nghĩ và điều khiển động tác viết, thị lực để điều khiển nét chữ, các cơ bắp, ngón tay, bàn tay... cũng tham gia vào động tác viết. Người đầu tiên tiến hành nghiên cứu những cơ sở sinh lý của việc viết là bác sĩ thần kinh học người Bỉ H.Callewaert, tác giả của cuốn "Bút tích học và sinh lý học chữ viết" (1954). Ông đã thu thập được những nhận định sau: 
- Các cơ cấu của não có vai trò quan trọng đối với nét chữ, chúng có vô số phản ứng khác nhau đối với từng vấn đề. 
- Ảnh hưởng của tâm lý thật đa dạng, thậm chí có thể nói là không còn ảnh hưởng nữa trong một số trường hợp. 
- Chữ viết bị chi phối phần nhiều bởi cách ngồi, cách cầm bút. Cũng cần chú ý đến điểm tựa: cùi chỏ dựa vào đâu và dựa như thế nào? cổ tay? ngón út? ngón cái có đè mạnh lên cây bút?....
Những điều trên đã nói lên sự hoàn toàn bất lực của các nhà bút tích học khi muốn xen vào công việc tìm hiểu cá tính, tình cảm, tâm tư... của một người thông qua việc xem xét nét chữ của người đó. Một câu hỏi đặt ra là, vậy còn những người khuyết tật thì sao? Chúng ta đã từng nghe rất nhiều gương sáng về những người viết và vẽ bằng miệng hoặc bằng chân. Vậy thì chúng ta có cần đưa ra một nhận định chung về các mẫu chữ của những người đó? 
Càng quan sát nét chữ, càng biết nhiều trường hợp, càng cho thấy bút tích học cần phải tìm tòi khám phá, kiểm tra và so sánh thêm nhiều trường hợp hơn nữa. Lĩnh vực này đôi khi bị nhầm với thuật xem tướng chữ, đặc biệt là ở châu Âu, nơi mà phương pháp này được dùng nhiều hơn tại tòa. Phương pháp giám định chữ viết đôi khi có thể tiết lộ những manh mối nhỏ về độ tuổi và giới tính, nhưng không nhằm mục đích xác định tính cách của người viết. 
Các cụ có câu: “Nét chữ nết người”. Chữ xấu đồng nghĩa với việc học dốt, cẩu thả và tính cách tệ hại? Tuy nhiên, thực tế cho thấy người có chữ viết càng xấu, càng lộn xộn lại sở hữu trí thông minh đáng ngạc nhiên và tiềm ẩn khả năng thiên tài. Lý do là vì những người thông minh có tốc độ suy nghĩ quá nhanh, khi đó, tốc độ bàn tay không thể theo kịp trí óc tư duy nhạy bén đó của họ. Do vậy, chữ viết của họ thường có xu hướng xấu và vô cùng lộn xộn, khó đọc.
Các nhà bút tích học tuyên bố rằng họ có thể đoán được tính cách của một người qua nét chữ. Có lẽ điều này cũng có một phần sự thực – chúng ta đều hình dung được nét chữ như thế nào là "rắn rỏi", như thế nào là "cẩu thả", như thế nào là "bay bướm". Tuy nhiên, vì những tuyên bố này không được chứng minh là đúng trong các kiểm chứng khoa học, các nhà khoa học cho rằng điều này chỉ là thứ ngụy khoa học và không đáng tin. Tốt lắm thì mối tương quan này chỉ được đưa ra dựa trên các phỏng đoán dựa trên những kinh nghiệm tích góp và kèm theo đó là nhiều ngoại lệ. Cùng với thời gian, do những hoàn cảnh khác nhau, tính cách và thái độ sống của mỗi người có thể thay đổi, điều đó cũng thể hiện trong nét chữ. Bên cạnh đó, hoàn cảnh, các yếu tố khách quan khác cũng ảnh hưởng nhiều đến chữ viết. 
Các nhà bút tích học không phải là thầy bói. Vì vậy họ còn đòi hỏi những thông tin sau về chủ nhân của một nét chữ: tuổi tác, giới tính, ngành học, nghề nghiệp, quốc tịch, những đặc điểm khác (như bất lợi về thị giác, tay bị dị tật...). Bút tích gia còn là một cố vấn, bạn tâm giao, một người có mục đích hoàn toàn khác với việc tìm cách thỏa mãn cho tính tò mò vô bổ. Nhà bút tích học cần phải biết cách khuyến khích những người nhút nhát, giúp họ bộc lộ những phẩm chất tốt, giúp những người bị căng thẳng quá mức do cuộc sống hiện đại được giải tỏa tinh thần. 
Tóm lại, nhìn chữ đoán tính cách là một môn khá lý thú, nhưng theo tôi, ta không nên dùng cách này để tuyển người yêu. 
Tài liệu tham khảo
Quang Bạch (biên soạn) (2000), Tâm lý con người qua nét bút, NXB Thanh niên.
Đọc thêm: